Ý nghĩa quan trọng của 'Cửa ngõ toàn cầu' đối với hợp tác ASEAN-EU

Thứ ba, 01/2/2022 | 10:12 GMT+7

Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” chủ yếu nhắm vào các nước hoặc khu vực đang phát triển, sẽ tìm ra nhu cầu phát triển ở những nơi lý tưởng của Đông Nam Á phục vụ cho hoạt động đầu tư của EU.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Aseanbriefing.com)

Theo trang mạng nationalinterest.org, là một khu vực có tầm quan trọng to lớn đối với Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á sẽ là điểm nổi bật trong sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway).

Chiến lược này, chủ yếu nhắm vào các nước hoặc khu vực đang phát triển, sẽ tìm ra nhu cầu phát triển ở những nơi lý tưởng của Đông Nam Á phục vụ cho hoạt động đầu tư của EU.

Đông Nam Á hiện vẫn đang thiếu kết nối kinh tế, chính trị và kỹ thuật số đầy đủ, qua đó làm suy yếu sự phát triển kinh tế tập thể và thịnh vượng của khu vực. EU công nhận thách thức về kết nối trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một ưu tiên chính và then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Cửa ngõ Toàn cầu cung cấp các khoản đầu tư vào ngành năng lượng, cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số.

Tại sao ASEAN lại quan trọng đối với Cửa ngõ Toàn cầu của EU?

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, toàn cầu hóa kinh tế đã nổi lên như một chiến lược quan trọng để thúc đẩy hòa bình, và hội nhập khu vực tốt hơn là một khía cạnh quan trọng của vấn đề này. Mô hình này của EU nhằm thiết lập một khuôn khổ thể chế như vậy, mà theo giới chuyên gia là hiện thân của một khu vực hội nhập tốt.

Phát triển từ một nhóm ban đầu gồm 5 quốc gia châu Âu, EU ngày nay phủ khắp khu vực - điều này cho thấy “thử nghiệm của EU” đã thành công với tư cách là một dự án dài hạn. Bất chấp cú sốc do Brexit gây ra đối với hội nhập châu Âu, EU vẫn là một ví dụ mạnh mẽ về một khu vực được củng cố và gắn kết.

Được thành lập vào năm 1967, ASEAN đã cố gắng đi theo những bước thành công của EU. Ví dụ, năm 2015, trong cái mà nhiều người gọi là “thời khắc EU” của ASEAN, các nước ASEAN đã khởi động Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây là một cột mốc quan trọng trong nhiệm vụ của ASEAN nhằm đạt được hội nhập kinh tế toàn diện thông qua một thị trường chung, được đặc trưng bởi dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và kỹ năng.

Năm 2019, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 51, khối đã quyết định khởi động một thị trường chung ASEAN trong bối cảnh lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Ấn Độ và động lực tối ưu hóa việc di dời sản xuất khỏi Trung Quốc do chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và những căng thẳng địa chính trị.

Cuối cùng, ASEAN muốn tận dụng năng lực tập thể để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới (hiện đang đứng thứ 7).

[Nhất trí xem xét xây dựng Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU]

Không giống EU, ASEAN không bị ràng buộc bởi một khối thống nhất mà là một tập hợp các quốc gia đa dạng về văn hóa, chính trị và kinh tế, nhưng cả hai đều có chung các giá trị về chủ nghĩa đa phương, trật tự dựa trên luật lệ và thương mại tự do. Cả hai đều chia sẻ quan hệ đối tác chiến lược thông qua đối thoại thường xuyên và hợp tác an ninh-kinh tế trên diện rộng. Do đó, EU coi ASEAN là một đối tác cùng chí hướng và trọng yếu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và cả trong chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu.

ASEAN trong Triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU

Trong bối cảnh Brussels mong muốn tăng cường can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với việc công bố “Chiến lược phục vụ hợp tác,” điều cốt yếu là cần hỗ trợ và thúc đẩy cấu trúc và cơ chế thể chế hiện hành do ASEAN lãnh đạo trong khu vực.

Thay vì coi mối quan hệ với ASEAN như một mối quan hệ giữa bên tài trợ và bên nhận tài trợ, EU cần coi ASEAN là trọng tâm và thiết yếu để đảm bảo hòa bình, thịnh vượng, và một cán cân quyền lực trong khu vực. Mối quan hệ thương mại ngày càng tăng với ASEAN nằm trong lợi ích kinh tế của EU, và vì vậy Brussels ngày càng nhấn mạnh sự kết nối giữa hai khu vực.

Năm 2018, Hội đồng châu Âu đã thông qua văn kiện “Kết nối châu Âu và châu Á-Xây dựng các khối vì một chiến lược của EU” nhằm thiết lập “kết nối bền vững, an toàn và thông minh” thông qua việc ưu tiên các liên kết về năng lượng, giao thông, kỹ thuật số và giao lưu nhân dân. Brussels chia sẻ các chiến lược kết nối tương tự với Nhật Bản và Ấn Độ, và về bản chất, chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU là một phần mở rộng của điều này.

Tương tự như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2021 của EU nhằm xây dựng “quan hệ đối tác bền vững và lâu dài” với các cường quốc trong khu vực, Cửa ngõ Toàn cầu tập trung nhiều vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với các đối tác “cùng chí hướng." Điều này liên quan đến các nước ASEAN vì chiến lược này nhằm mục đích xây dựng dựa trên các cam kết và sáng kiến hiện có ở Đông Nam Á.

Hãy coi Chiến lược kết nối châu Á-EU năm 2018, mà Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans đã chỉ ra như một ví dụ về lĩnh vực mà hai bên sẽ tăng cường đầu tư trong tương lai. Cửa ngõ Toàn cầu cũng đề cập rõ rằng EU có ý định “theo đuổi quan hệ đối tác kết nối với… ASEAN,” tương tự các quan hệ đối tác hiện có với Nhật Bản và Ấn Độ…

Vai trò trung tâm của ASEAN: Điểm tựa của Cửa ngõ Toàn cầu?

Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu - bao gồm gói 300 tỷ euro cho kết nối cơ sở hạ tầng quốc tế - là một phần trong triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn này. Sáng kiến này tập hợp các chương trình và kế hoạch đầu tư đa dạng hiện có dưới một chiếc ô duy nhất nhằm tái khẳng định tầm nhìn của EU: một châu Âu mạnh hơn có khả năng xây dựng các mạng lưới và kết nối linh hoạt hơn dựa trên các nguyên tắc cốt lõi của châu Âu.

Nói cách khác, Cửa ngõ Toàn cầu của EU là thành quả cấu trúc trong triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhằm mục đích củng cố vai trò của EU trong khu vực, trở thành một bên đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình và ổn định.

Khi cạnh tranh cường quốc Mỹ-Trung tiếp tục leo thang và căng thẳng địa chính trị gia tăng, EU đang nỗ lực tìm cách tận dụng danh tiếng người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ để đạt được những kết quả tích cực trong khu vực. Brussels nhận thấy tiềm năng ASEAN trở thành một đối tác quan trọng.

Vì phát triển xã hội là một trong những thách thức chính đối với hợp tác nội khối của ASEAN, nên Cửa ngõ Toàn cầu có thể đóng góp vào sự phát triển tích cực và dân chủ của khối. Giống như tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN, EU nhấn mạnh vai trò trung tâm và kết nối của ASEAN là những trụ cột chính cho sự ổn định của khu vực…

Có thể nói, hợp tác EU-ASEAN đang ngày càng gia tăng, vì vậy nhiều khả năng quan hệ đối tác kết nối này sẽ đơm hoa kết trái. Không những đã có động thái cộng tác trong các vấn đề mà Cửa ngõ Toàn cầu sẽ tập trung vào - ví dụ, các tuyên bố chung của EU-ASEAN về thúc đẩy kết nối và tăng cường hợp tác về an ninh mạng - mà quan hệ đối tác song phương cũng đã được củng cố.

Năm 2020, “Quan hệ Đối tác chiến lược” EU-ASEAN đã được công bố và hai bên đã thỏa thuận hướng tới một hiệp định thương mại tự do EU-ASEAN (ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, sau Mỹ và Trung Quốc). EU hiện không có quan hệ đối tác chiến lược với từng quốc gia thành viên ASEAN, và cũng không có ý định thiết lập quan hệ đối tác kết nối với tất cả các nước đó.

Rõ ràng, EU công nhận vai trò trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và coi ASEAN là một đối tác an ninh quan trọng. Do đó, bằng cách làm việc với ASEAN thay vì với các quốc gia thành viên riêng lẻ, EU đang thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn của ASEAN, đảm bảo vai trò trung tâm của khối này trong khu vực khi đối mặt với căng thẳng gia tăng, và EU cũng vậy.

Hiện nay, EU đang tìm kiếm một “vai trò an ninh” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quan hệ đối tác mạnh mẽ với ASEAN sẽ nâng cao ảnh hưởng của khối trong khu vực.

Cửa ngõ Toàn cầu có ý nghĩa như thế nào đối với ASEAN?

Trong khi vai trò trung tâm vào ASEAN ngày càng trở nên quan trọng đối với tầm nhìn và tham vọng khu vực của EU, Cửa ngõ Toàn cầu cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trong khu vực.

Nổi bật nhất, chương trình có thể mang lại lợi ích vật chất bằng cách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, tài chính xanh, chuyển đổi kỹ thuật số và kết nối lẫn nhau, cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại, chuỗi giá trị linh hoạt và tăng cường hợp tác môi trường và khí hậu giữa châu Âu và châu Á.

Ngoài ra, định hướng xanh của Cửa ngõ Toàn cầu có nghĩa là các khoản đầu tư vào các nước ASEAN sẽ bền vững và đóng góp vào các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điều thú vị là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc cũng đã tập trung đáng kể vào Đông Nam Á, đặc biệt là nâng cao tất cả các cách thức kết nối. Năm 2020, Đông Nam Á trở thành nơi nhận đầu tư BRI lớn nhất (chiếm 36%).

Bất chấp những vấn đề tồn tại như nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, hay sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc về cả kinh tế và chính trị đối với các quốc gia vay nợ, BRI và Con đường Tơ lụa trên biển (MSR) là một sáng kiến cùng có lợi cho các nước ASEAN và Trung Quốc.

Quy mô tài chính khổng lồ của BRI khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn - và thường là lựa chọn duy nhất có sẵn. Ở đây, kế hoạch đầu tư dựa trên giá trị của EU có thể cung cấp cho ASEAN các giải pháp tài chính thay thế cho BRI, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ các nước bên vay.

Điều này có thể giúp vô hiệu hóa hoặc ít nhất là giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trao cho các nước thành viên ASEAN quyền tự chủ chiến lược lớn hơn.

Hơn nữa, kết hợp với các chiến lược đầu tư và kết nối khác của các bên cùng chí hướng, chẳng hạn như Quan hệ Đối tác Mở rộng về Cơ sở Hạ tầng Chất lượng (EPQI) của Nhật Bản - vốn hỗ trợ Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, Chính sách Hành động Hướng Đông (AEP) của Ấn Độ, và Sáng kiến Xây dựng Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W) của G7 (hoặc do Mỹ lãnh đạo), Cửa ngõ Toàn cầu của EU có thể đạt hiệu quả cao.

Các chiến lược này có các mục tiêu tương tự, bổ trợ cho nhau để tăng cường kết nối thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số. Cùng với nhau, chúng có thể mang lại hiệu quả cao trong việc cạnh tranh với BRI./.