Một góc nhìn về nguyên nhân khiến Đức hỗ trợ nửa vời cho Ukraine

Thứ sáu, 17/2/2023 | 15:16 GMT+7

Mặc dù Đức đã bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine sau khi do dự trước áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ và Anh, niềm tin của các quốc gia Đông Âu với Đức vẫn thấp.

Người dân chờ nhận hàng cứu trợ tại thành phố Mariupol, Ukraine ngày 5/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng gisreportsonline.com, tháng 11/2011, trong chuyến thăm Berlin, Ngoại trưởng Ba Lan khi đó là Radoslaw Sikorski đã gây chấn động với tuyên bố về vai trò của Đức trong Liên minh châu Âu (EU).

Trớ trêu thay, một người Ba Lan lại kêu gọi người Đức thể hiện ảnh hưởng của họ một cách mạnh mẽ hơn ở châu Âu. Ông Sikorski tuyên bố: “Tôi sợ việc Đức không hành động gì hơn là sợ sức mạnh của Berlin.”

Hơn 10 năm sau, nửa năm sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, trong một bài viết dành cho Tạp chí The Spectator của Anh, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki viết: “Nếu châu Âu gửi vũ khí đến Ukraine với quy mô và tốc độ tương tự như Đức, chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Và châu Âu sẽ đứng trước thềm một cuộc chiến khác.”

Ba Lan không đơn độc trong việc chỉ trích sự hỗ trợ nửa vời của Đức đối với Ukraine. Mặc dù Đức đã bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine sau khi do dự trước áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là Mỹ và Anh, niềm tin của các quốc gia Đông Âu đối với mức độ tin cậy của Đức vẫn còn thấp.

Chiến lược gia quân sự người Mỹ Edward N. Luttwak đổ lỗi phần lớn cho Thủ tướng Olaf Scholz của Đảng Dân chủ Xã hội. Ông nói: “Thủ tướng Vladimir Putin phát đi tín hiệu về một cuộc chiến lâu dài nhằm vào nhiều mục tiêu, trong đó có Đức, trong khi Thủ tướng Scholz mong đợi chiến thắng nhanh chóng của Nga và cũng không hỗ trợ Ukraine cho đến khi bị các đối tác trong liên minh buộc phải làm như vậy. Ông ấy muốn ngừng bắn với bất kỳ điều kiện nào.”

Sự ngăn cách địa lý vẫn tồn tại

Theo kết quả của các cuộc khảo sát, thái độ của Chính phủ Đức phù hợp với kỳ vọng của phần lớn dân số nước này. Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu dư luận Kantar Public thay mặt Quỹ Korber thực hiện vào tháng 8/2022 cho thấy 80% số người được hỏi lo ngại chiến tranh sẽ lan rộng từ Ukraine sang các nước láng giềng thuộc NATO; 69% lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân của Nga; 72% cảm thấy bị Nga đe dọa. Tuy nhiên, vào cùng thời điểm này, hầu hết người Đức (52%) muốn chính phủ tiếp tục thận trọng trên các vấn đề quốc tế.

Trong số những người tham gia khảo sát, 41% ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ hơn, 65% cho rằng cần có nhiều hoạt động ngoại giao hơn, nhưng chỉ 14% ủng hộ gia tăng hỗ trợ quân sự và 13% muốn có nhiều cam kết tài chính hơn. Hơn 2/3 số người được hỏi trong cuộc khảo sát phản đối Đức giữ vai trò hàng đầu trong lĩnh vực quân sự, điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht, người của Đảng Dân chủ Xã hội, cho là không thể tránh khỏi.

[Kho vũ khí của quân đội Đức thiếu hụt vì viện trợ Ukraine]

Tại sao dư luận ở Đức, nơi có các khu vực nằm ở phía Đông từng bị Liên Xô chiếm đóng, lại khác với dư luận ở các nước Đông Âu?

Điều đáng chú ý là có sự khác biệt lớn giữa người Đức ở phía Đông và phía Tây của nước này. Ở phía Đông, nơi từng là Cộng hòa Dân chủ Đức với dân số 16,4 triệu người vào năm 1989, chỉ 31% số người được khảo sát cho rằng cần cứng rắn hơn với Nga; trong khi đó ở phía Tây (trước kia là Cộng hòa Liên bang cũ với dân số gần 63 triệu), có đến 47% số người được hỏi ủng hộ hành động cứng rắn hơn.

Cũng ở các khu vực phía Đông, 34% số người tham gia khảo sát cho rằng chính phủ Đức đang hỗ trợ Ukraine “quá nhiều,” so với chỉ 18% ở các khu vực phía Tây. Khoảng 60% số người được hỏi ở phía Tây và 32% ở phía Đông ủng hộ việc cung cấp vũ khí hạng nặng.

Viện Nghiên cứu dư luận Allensbach phát hiện ra rằng 62% số người được khảo sát ở phía Tây coi răn đe là biện pháp hiệu quả nhất, so với chỉ có 30% ở phía Đông. 62% số người được hỏi ở Tây Đức và 29% ở Đông Đức ủng hộ đóng góp thêm quân cho NATO. Ở phía Tây, 63% số người được hỏi muốn thực hiện nghĩa vụ đối với liên minh quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, trong khi chỉ có 36% ở phía Đông đồng ý.

Ukraine vẫn là một phần của Nga?

Trong một nghiên cứu do Trung tâm Giám sát, Phân tích và Chiến lược (CeMAS) thực hiện, tỷ lệ ủng hộ các thuyết âm mưu thân Nga trong dân số Đức tăng lên trong suốt cuộc chiến ở Ukraine. Vào tháng 4/2022, 12% số người tham gia khảo sát cho rằng NATO đã khiêu khích Nga cho đến khi Nga phải tham chiến.

Vào tháng 10 sau đó, 19% ủng hộ ý kiến này, trong đó 16% là ở Tây Đức và 33% ở Đông Đức. Đáng chú ý, 12% số người được hỏi ở phía Tây và 24% ở phía Đông cho rằng Ukraine là một phần của Nga.

  
Lính Đức Quốc xã tiến vào thị trấn Lodz của Ba Lan, ngày 9/10/1939. (Nguồn: AP)
 

Đức thất vọng với phương Tây

Nhà sử học sinh ra ở Đông Berlin Ilko-Sascha Kowalczuk đặc biệt quan tâm đến sự kết thúc của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất. Ông Kowalczuk cho rằng thái độ tích cực ở miền Đông nước Đức đối với Nga có từ thời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev (1985-1991).

Vào thời điểm đó, nhiều người Đông Đức hy vọng Cộng hòa Dân chủ Đức sẽ tự do hóa dưới áp lực cải cách ở Liên Xô. Họ coi ông Gorbachev như một đồng minh chống lại giới lãnh đạo cứng nhắc. Vào thời điểm đó, chỉ một số ít mong đợi khả năng thống nhất. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người Đông Đức cảm thấy thất vọng với phương Tây. Thái độ phổ biến là ít thân Nga hơn so với chống phương Tây. Những người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn khiêu khích và bày tỏ thái độ phản đối phương Tây.

Mỹ vẫn là “kẻ thù thực sự”

Sonke Neitzel, nhà sử học quân sự của Đại học Potsdam, nói rằng một số lượng đáng kể người Đức “vẫn coi Mỹ là kẻ thù thực sự.” Mặc dù chủ nghĩa bài Mỹ ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của mọi người dân Đức, nhưng do tác động lâu dài từ hoạt động tuyên truyền của Cộng hòa Dân chủ Đức, tâm lý này dễ nhận thấy hơn ở phía Đông Đức so với phía Tây Đức.

Cử tri của đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và đảng Cánh tả (Die Linke), cả hai đều có số lượng cử tri tiềm năng lớn nhất ở các bang mới, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi điều này. Die Linke là hậu duệ của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất từng cầm quyền tại Đông Đức và không bị giải thể sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Thật khó xác định các mạng lưới của Nga ở miền Đông nước Đức có ảnh hưởng tới mức nào. Cảm giác mâu thuẫn của nhiều người Đức ở phía Đông là dù họ thuộc về phương Tây nhưng họ không coi đó là quê hương của mình đang giúp Nga gây ảnh hưởng đến dư luận ở Đức.

Giới tinh hoa của Đức đã nhiều lần buộc phải xác định lại vị trí của họ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Vào năm 1945, thất bại thê thảm đã phá vỡ ảo tưởng về một cường quốc độc lập. Trong Chiến tranh Lạnh, Đức chỉ là một cường quốc tầm trung ở 2 khía cạnh: vị trí địa chính trị giữa Liên Xô và Mỹ và trong hệ thống phân cấp quốc tế là giữa các siêu cường và các quốc gia nhỏ ở châu Âu. Mối liên hệ vững chắc với Mỹ, được Thủ tướng Konrad Adenauer (1949-1963) theo đuổi quyết liệt, xuất phát từ niềm tin của ông rằng một Tây Đức tự do chỉ có thể tồn tại nếu có sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương.

Điều này chỉ thay đổi sau khi nước Đức thống nhất. Mặc dù Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất, nhưng nước này đã bộc lộ những điểm yếu sau bước ngoặt của thiên niên kỷ thể hiện trong các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Việc Mỹ từng bước điều chỉnh các lợi ích sang Thái Bình Dương, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và sự củng cố chế độ tân đế quốc ở Nga đã mở ra quá trình chuyển đổi sang một thế giới đa cực, trong đó các chính trị gia Đức hy vọng sẽ có chính sách an ninh và đối ngoại độc lập hơn. Chính cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga vào tháng 2/2022 đã chấm dứt ảo tưởng rằng Đức không còn phụ thuộc vào liên minh với Mỹ./.