Xung quanh mối quan hệ ba bên Trung Quốc-Indonesia-UAE

Thứ tư, 23/3/2022 | 16:29 GMT+7

Theo Phát ngôn viên Bộ Điều phối Hàng hải-Đầu tư Indonesia, khả năng hợp tác này là kết quả của mối quan hệ chặt chẽ giữa Indonesia-UAE-Trung Quốc, cũng như mối quan hệ bền chặt Bắc Kinh và Abu Dhabi.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta của Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tờ The Diplomat, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc, Indonesia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã thiết lập mối quan hệ ba bên ngày càng sâu sắc và cùng có lợi.

Việc Trung Quốc mở rộng quan hệ với UAE đã được đưa tin rộng rãi. Điều tương tự cũng xảy ra với sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Indonesia, cũng như mối quan hệ giữa Indonesia và UAE với vô số thỏa thuận hợp tác được ký kết trong những năm gần đây. Điều ít được biết đến là các chuỗi hợp tác song phương này đã tạo ra mối quan hệ ba bên ngày càng phát triển giữa Indonesia, Trung Quốc và UAE.

Lĩnh vực hợp tác đầu tiên trong mối quan hệ ba bên này là về vaccine ngừa COVID-19. Năm 2020, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo rằng chính phủ nước này đã ký thỏa thuận với Trung Quốc và UAE mua 20-30 triệu liều vaccine để sử dụng vào cuối năm 2020 và đảm bảo khoảng 290-340 triệu liều vào năm 2021.

Bên cạnh đó, vào tháng 8/2020, một liên danh do các công ty UAE và Trung Quốc đứng đầu đã đề nghị hợp tác với Indonesia về nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Thỏa thuận này được ký kết giữa Group 42 - doanh nghiệp kinh doanh điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại UAE - và Sinopharm thuộc Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc nhằm tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đầu tiên.

Trước đó, các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành tại Abu Dhabi dưới sự chỉ đạo của cơ quan y tế thành phố. Tiếp đó, các bên đã tiến hành thảo luận về việc mở rộng hợp tác với Bio Farma - nhà sản xuất vaccine thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia.

Phát ngôn viên của Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư của Indonesia Jodi Mahardi khẳng định rằng khả năng hợp tác này là kết quả của mối quan hệ chặt chẽ giữa Indonesia với UAE và Trung Quốc, cũng như mối quan hệ bền chặt giữa Bắc Kinh và Abu Dhabi.

[Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Indonesia]

Bên cạnh vaccine, mối quan hệ ba bên cũng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Vào tháng 9/2021, các quan chức UAE đã đến thăm Indonesia để thảo luận về việc xây dựng một khu nghỉ dưỡng tiềm năng tại khu vực đầm lầy rộng 40.000ha ở huyện Singkil, tỉnh Aceh, với tổng vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD. Có thông tin cho rằng chuyến thăm của các quan chức UAE tới Jakarta có sự tháp tùng của các đại diện Trung Quốc vốn cũng quan tâm đến dự án đầu tư này.

Sự tăng cường mối quan hệ ba bên này cũng có thể được cảm nhận trong kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia từ Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan. Các nguồn tin xác nhận rằng UAE sẵn sàng cung cấp vốn để xây dựng thủ đô mới Nusantara.

Theo người đứng đầu Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia, UAE sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào dự án xây dựng thành phố thủ đô mới. Các khoản đầu tư sẽ tập trung vào ba lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và các khu công nghiệp xanh. Ngoài ra, Jakarta và Abu Dhabi cũng nhất trí hợp tác trong các dự án liên quan đến môi trường, đặc biệt tập trung vào việc bảo tồn rừng ngập mặn.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng bày tỏ quan tâm đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia trong nhiều lĩnh vực gồm cơ sở hạ tầng, nguyên liệu thô, cơ sở hạ tầng giao thông, và các sáng kiến công nghiệp xanh. Do các khoản đầu tư theo kế hoạch của UAE và Trung Quốc liên quan đến các lĩnh vực tương tự hoặc chồng chéo, nhiều khả năng thành phố thủ đô mới của Indonesia sẽ nằm trong một thỏa thuận hợp tác ba bên giữa ba quốc gia.

Thủ đô mới của Indonesia sẽ nằm trong một thỏa thuận hợp tác ba bên giữa ba quốc gia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự xuất hiện mô hình hợp tác ba bên này không có gì đáng ngạc nhiên. Như đã đề cập trước đó, quan hệ Trung Quốc-Indonesia đã có bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Indonesia coi Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng, trong khi Indonesia được Bắc Kinh coi là quốc gia có vai trò cốt yếu để hiện thực hóa sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Do các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia làm gia tăng tâm lý tiêu cực lâu đời chống quốc gia này, cũng như các tác động tiêu cực của các khoản đầu tư Trung Quốc và sự phản đối mạnh mẽ của công chúng Indonesia đối với chính sách Tân Cương của Trung Quốc, Jakarta cho rằng sự tham gia của UAE vào mối quan hệ Trung Quốc-Indonesia ngày càng gia tăng là cách để cân bằng các nhận thức cục bộ nói trên.

Điều này đã được Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan khẳng định, đồng thời kêu gọi người dân Indonesia chấm dứt mọi hành vi bài ngoại đối với Trung Quốc và cho rằng “mọi người không nên tức giận khi hợp tác giữa Indonesia và UAE cũng sẽ bao hàm cả Trung Quốc.”

Về phần mình, Trung Quốc cũng có quan hệ ngày càng bền chặt với UAE - quốc gia được Bắc Kinh coi là một trong những cửa ngõ vào khu vực Trung Đông rộng lớn. Điều đáng lưu ý là kể từ khi BRI được triển khai vào năm 2013, Bắc Kinh cũng đã mở rộng sự hiện diện chính trị, kinh tế và văn hóa của mình tại Trung Đông, bên cạnh châu Phi và châu Âu.

Vào đầu tháng Hai này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định tầm quan trọng của các nước Trung Đông trong các cuộc gặp với một số nhà lãnh đạo Arập bên lề lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022. Do đó, việc hợp tác với Jakarta và Abu Dhabi được Bắc Kinh coi là “một mũi tên trúng hai đích”, cho phép nước này tăng cường quan hệ đồng thời với cả hai đối tác quan trọng.

Về phần mình, với chính sách “hướng Đông,” UAE đã cố gắng đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình bằng cách tách khỏi các đối tác phương Tây truyền thống để củng cố quan hệ với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.

Bên cạnh phản ứng tích cực trước sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc tại Trung Đông, Abu Dhabi cũng đã mở rộng quan hệ đối tác với Indonesia. Quan hệ hợp tác Indonesia-UAE đang phát triển khá nhanh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Năm 2020, hai quốc gia này đã ký kết 16 biên bản ghi nhớ, tiếp nối bằng một loạt thỏa thuận khác hồi năm ngoái.

Dựa trên các yếu tố trên, nhiều khả năng quan hệ hợp tác ba bên giữa Indonesia, Trung Quốc và UAE sẽ còn tiếp tục và mở rộng sang các lĩnh vực khác trong thời gian tới./.