Tổng thống Biden bỏ lỡ những gì trong chính sách ngoại giao châu Á?

Thứ hai, 05/12/2022 | 17:36 GMT+7

Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chú ý đến Đông Nam Á, nhưng ông đã bỏ lỡ cơ hội khi hạ thấp khía cạnh ngoại giao kinh tế và thương mại cũng như không có một chương trình nghị sự tham vọng hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du châu Á, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia, nơi ông có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức, những kết quả đạt được dường như không nhiều.

Ông Biden đáng lẽ đã có thể đưa ra một chương trình nghị sự tham vọng hơn. Chẳng hạn như kết thúc chuyến công du ở Philippines để nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh thường bị bỏ qua này, công khai đẩy lùi trò chơi quyền lực của Trung Quốc ở Biển Đông, mời Indonesia tham gia nhóm Bộ tứ và đề xuất Hiến chương Thái Bình Dương ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, tự do và hòa bình trong thế kỷ XXI.

Cân bằng kinh tế và an ninh ở Philippines

Cách tiếp cận của Mỹ đối với Indonesia - quốc gia có 275 triệu dân và là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới - nên được kết hợp chặt chẽ với quốc gia láng giềng Philippines. Manila là một đồng minh đặc biệt quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á.

Liên minh Washington-Manila đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi Mỹ rời Subic và Clark hồi đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước.

Một sai lầm chiến lược của Mỹ trong những thập kỷ gần đây là sự chú ý và nguồn lực dành cho quan hệ đối tác an ninh với quan hệ kinh tế bị mất cân bằng.

Với Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) là 360 tỷ USD và dân số 110 triệu người, nhu cầu về thương mại và đầu tư tư nhân của Philippines rất lớn.

Theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), tổng thương mại hàng hóa hai chiều với Mỹ trong năm 2020 chỉ đạt 22 tỷ USD và thương mại dịch vụ đạt 10 tỷ USD.

Hiện tại, một trong những thách thức kinh tế lớn nhất đối với ngành công nghiệp, đặc biệt là điện tử và chất bán dẫn, là điện đắt hơn 40% so với ở Việt Nam, trong khi dịch vụ hậu cần và chi phí lao động cao hơn lần lượt 10% và 25% so với mức trung bình của nước láng giềng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Khi Intel có mặt tại Philippines từ năm 1974 đến năm 2009, tập đoàn Mỹ - chuyên sản xuất các sản phẩm như chip vi xử lý, bo mạch chủ và các thiết bị máy tính khác – đã phải nhập khẩu khoảng 85% nguyên liệu đầu vào, bao gồm cả mạch tích hợp và tấm bán dẫn.

Không có lý do gì mà thiết kế chip không thể trở thành một ngành công nghiệp thích hợp ở Philippines, với những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp ngành điện tử được đào tạo về thiết kế, bố trí và thẩm định chip.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất tại Philippines, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

Binh sỹ Mỹ và binh sỹ Philippines tham gia cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Salaknib. (Nguồn: Reuters)

Vị thế của Mỹ trong chính phủ và người dân Philippines sẽ mạnh hơn nếu Washington cân bằng giữa việc tập trung chú ý vào quân sự và viện trợ phát triển với các mối quan hệ đối tác trong các lĩnh vực như công nghệ. Điều này đặc biệt đúng khi trụ sở của Ngân hàng Phát triển châu Á được đặt ở Manila.

Cần liên tục xem xét các vi phạm nhân quyền, nhưng điều này nên được tách biệt với Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) năm 1998 cũng như Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014.

Cả hai thỏa thuận đều dẫn đến khả năng răn đe hiệu quả hơn, triển khai nhanh chóng các hoạt động cứu trợ thảm họa và tạo cơ hội cho các cuộc tập trận huấn luyện chung và chống khủng bố.

Những điều này cũng hỗ trợ chiến lược của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ phân tán lực lượng Mỹ, bao gồm các đơn vị thủy quân lục chiến và lục quân, dọc theo chuỗi đảo thứ nhất chạy từ Nhật Bản xuống Đông Nam Á.

Việc duy trì và mở rộng các thỏa thuận này là rất quan trọng vì bên ngoài Philippines, các lực lượng quân sự gần nhất của Mỹ có khả năng ứng phó với một sự cố ở quần đảo Trường Sa đồn trú ở Okinawa và Guam, cách đó lần lượt là 1.300 và 1.500 hải lý.

Đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc đang tìm cách thực thi đường biên giới trên biển không được công nhận mà nước này tự vạch ra bao trùm khoảng 85% (tương đương 1,4 triệu dặm vuông) diện tích Biển Đông.

Gần như toàn bộ diện tích này nằm trong vùng biển quốc tế, và là nơi hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỷ USD đi qua mỗi năm.

Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo nhỏ và rạn san hô đang tranh chấp như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có giá trị pháp lý và trái với luật pháp quốc tế đã được thiết lập về ranh giới hàng hải theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc đã phê chuẩn. Bắc Kinh đã cải tạo và bồi đắp các bãi đá và rạn san hô với các căn cứ quân sự bất chấp những tuyên bố chủ quyền chồng lấn của Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei ở vùng biển này.

[Chính phủ Mỹ tái khẳng định chính sách ngoại giao châu Á]

Trung Quốc đã đặt tên cho 80 đảo nhỏ và rạn san hô, không chỉ bao gồm các đảo nhân tạo mà còn cả 55 thực thể ngầm dưới nước.

Để thực thi những yêu sách này, Trung Quốc đã ráo riết sử dụng 3 lực lượng hải quân – gồm các hạm đội của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng Hải cảnh và lực lượng dân quân hàng hải - để xâm chiếm các vùng biển ngoài khơi Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines.

Bắc Kinh gần đây trở nên khiêu khích hơn khi đe dọa và phá hoại các dự án dầu khí lớn ngoài khơi bên trong Vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của Malaysia và Việt Nam.

Mỹ không có yêu sách lãnh thổ nhưng có lợi ích sống còn lâu dài đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là hữu ích, nhưng Mỹ cần làm nhiều hơn nữa.

Vấn đề này cũng có thể được nêu bật tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hôm 18-19/11 tại Bangkok. Tổng thống Biden đã không tham dự, và đó là một sai lầm vì đây là nhóm kinh tế châu Á duy nhất mà Đài Loan là một nền kinh tế thành viên.

Kết nạp Indonesia vào nhóm Bộ tứ

Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản giúp thúc đẩy sự ổn định, an ninh và thịnh vượng vì một số lý do. Liên minh không chính thức này kết hợp sức mạnh tài chính, ưu thế công nghệ và tầng lớp tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng, với tổng dân số là 2,2 tỷ người và GDP là 32.000 tỷ USD.

Nhiều cấp độ hợp tác củng cố nhóm này, chẳng hạn như khi Hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận thường niên Malabar cùng hải quân Nhật Bản và Ấn Độ.

Ngoài ra, tháng 9/2021, Australia, Anh và Mỹ đã ký hiệp ước an ninh ba bên AUKUS, theo đó sẽ cung cấp cho Canberra tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tinh thần hợp tác này cần được mở rộng sang lĩnh vực kinh tế và tài chính bằng cách mời Indonesia tham gia nhóm Bộ tứ.

Indonesia là một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quan hệ Mỹ-Indonesia đang ngày càng trở nên quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh Mỹ-Trung. Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia hiện gấp đôi so với đầu tư của Mỹ.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bekasi, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Indonesia là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới, quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ 7 tính theo sức mua và dẫn đầu ASEAN, chiếm khoảng một nửa sản lượng kinh tế hàng năm của khối.

Hơn 5.000 tỷ USD hàng hóa và hơn 50% lưu lượng tàu chở dầu của thế giới đi qua Ấn Độ Dương và Eo biển Malacca vào Biển Đông.

Cũng cần lưu ý rằng Ấn Độ và Indonesia có mối liên hệ văn hóa hàng ngàn năm. Kết nạp Indonesia vào nhóm Bộ tứ sẽ là một nước cờ ngoại giao khi tập hợp 4 trong số 5 nền dân chủ lớn nhất thế giới gồm Ấn Độ, Mỹ, Indonesia và Nhật Bản.

Thách thức là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, sẽ gây áp lực buộc Indonesia không tham gia nhóm Bộ tứ.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước đang leo thang do luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, có hiệu lực từ đầu năm 2021, lần đầu tiên cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nước này nổ súng vào tàu nước ngoài và phá hủy các công trình được xây dựng trong vùng biển tranh chấp.

Luật mới cũng cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc khám xét tàu nước ngoài. Đáp lại, Indonesia đang chuyển trụ sở của lực lượng tác chiến hải quân đến quần đảo Natuna để có thể phản ứng nhanh hơn với bất kỳ vụ va chạm nào trên biển.

Trung Quốc tuyên bố có quyền đánh bắt và thăm dò lịch sử trong vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna.

Hiến chương Thái Bình Dương

Không nên giới hạn số lượng quốc gia tham gia một thể chế dựa trên nền tảng những gì mà nhóm Bộ tứ đại diện. Ví dụ như một “Hiến chương Thái Bình Dương” hỗ trợ một trật tự mở, dựa trên luật lệ, với cam kết chung đối với luật pháp quốc tế, chính quyền tự trị, tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong lịch sử đã từng có tiền lệ, đó là Hiến chương Đại Tây Dương do Mỹ và Anh ký kết ngày 14/8/1941, với mục đích đề ra một tầm nhìn tích cực cho thế giới hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc, điều quan trọng là các nền kinh tế Vành đai Thái Bình Dương phải nhất trí về các nguyên tắc sẽ làm nền tảng cho sự tiến bộ, thịnh vượng và hòa bình lâu dài.

Với mục tiêu này, dưới đây là dự thảo Hiến chương Thái Bình Dương có thể được 21 nền kinh tế thành viên APEC xem xét: “Chúng tôi, đại diện cho các nền kinh tế Thái Bình Dương, tập hợp lại gặp nhau, nhận thấy việc đưa ra một số nguyên tắc chung đã được biết đến trong các chính sách quốc gia của các nước ở Thái Bình Dương là điều đúng đắn, từ đó có thể hy vọng vào một Thế kỷ Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

Thứ nhất, các nước tham gia Hiến chương không tìm kiếm mở rộng lãnh thổ;

Thứ hai, các nước tham gia Hiến chương mong muốn không có sự thay đổi lãnh thổ nào không phù hợp với mong muốn được bày tỏ tự do của các quốc gia, dân tộc liên quan;

Thứ ba, các nước tham gia Hiến chương tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc được lựa chọn hình thức chính phủ nơi họ sinh sống;

Thứ tư, các nước tham gia Hiến chương sẽ cố gắng, trong khuôn khổ các nghĩa vụ hiện hành, thúc đẩy để tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, hưởng quyền tiếp cận trên cơ sở bình đẳng các hoạt động thương mại và nguồn nguyên liệu thô của thế giới cần thiết cho sự thịnh vượng và an ninh kinh tế của họ;

Thứ năm, các nước tham gia Hiến chương muốn mang lại sự hợp tác toàn diện nhất trong lĩnh vực kinh tế nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn lao động được cải thiện, tiến bộ kinh tế và an ninh tài chính; cho mọi người dân;

Thứ sáu, các nước tham gia Hiến chương nhất trí với một bộ quy tắc ứng xử và ngoại giao từ bỏ chèn ép và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đảm bảo giải quyết hòa bình mọi tranh chấp lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế;

Thứ bảy, các nước tham gia Hiến chương cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải để mọi người có thể qua lại vùng biển và đại dương mà không gặp trở ngại; Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, nhất trí tán thành các nguyên tắc này để đảm bảo một thế kỷ Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng”.

Hiến chương Thái Bình Dương và một thông điệp rõ ràng về Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng khi các quốc gia trong khu vực xây dựng sự đồng thuận về tự do hàng hải.

Indonesia và Philippines là những đối tác châu Á thường bị Mỹ bỏ qua và cả hai đều xứng đáng được chú ý nhiều hơn.

Cuối cùng, Mỹ là cường quốc duy nhất trong Vành đai Thái Bình Dương không có hiệp định kinh tế chiến lược với ASEAN. 6 trong số các thị trường này - Singapore, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysia - đại diện cho một thị trường tiêu dùng gần bằng quy mô của Bắc Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Biden xứng đáng được ghi nhận vì đã chú ý đến Đông Nam Á, nhưng ông đã bỏ lỡ cơ hội khi hạ thấp khía cạnh ngoại giao kinh tế và thương mại cũng như không có một chương trình nghị sự tham vọng hơn./.