Thỏa thuận AUKUS và những câu hỏi Australia phải trả lời

Thứ tư, 09/2/2022 | 11:01 GMT+7

Trong bối cảnh một tương lai không chắc chắn, AUKUS sẽ mang đến những cơ hội và lợi ích mới vượt xa cả việc mua sắm các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Facebook)

Trang mạng aspistrategist.org.au đưa tin thỏa thuận an ninh-quốc phòng ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) được công bố hồi tháng Chín năm ngoái đánh dấu một cột mốc quan trọng trong thế trận an ninh quốc gia của Australia vốn sẽ còn tồn tại trong nhiều thập kỷ tới.

Thỏa thuận này sẽ định hình cách mà Australia phải đối mặt với những thách thức trong một môi trường địa chiến lược năng động, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng Australia-Anh (AUKMIN) mới đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận này.

Trong bối cảnh một tương lai không chắc chắn, AUKUS sẽ mang đến những cơ hội và lợi ích mới vượt xa cả việc mua sắm các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, AUKUS vẫn còn trong giai đoạn đầu - với nhiều hứa hẹn hơn là chi tiết.

[Thỏa thuận AUKUS đẩy chi tiêu quốc phòng của Australia lên 2,5% GDP]

Như ông Stephan Fruehling thuộc Đại học Quốc gia Australia đã lưu ý, mặc dù sẽ phải cân nhắc nhiều trong quá trình đàm phán về cách thức thỏa thuận sẽ đáp ứng lợi ích quốc gia, song đối với Australia thật khó để hiểu đầy đủ ý nghĩa của nó. Những khía cạnh đáng để xem xét là thỏa thuận này có ảnh hưởng đến tương lai như thế nào.

Ngoài hợp đồng tàu ngầm, AUKUS hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích về công nghệ và chia sẻ thông tin cho Australia.

Từ vũ khí siêu thanh cho đến công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo, AUKUS sẽ tạo cơ hội cho Australia tăng cường an ninh và quan hệ đối tác chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, AUKUS mang lại cơ hội tốt nhất cho Australia để khai thác các cuộc cách mạng công nghệ trong tương lai gần, đẩy nhanh sự phát triển và tiếp nhận các công nghệ quốc phòng quan trọng và mới nổi, chẳng hạn như các hệ thống không người lái trên không và dưới nước tiên tiến.

Điều này sẽ không chỉ giúp Australia duy trì lợi thế năng lực trong khu vực mà còn nâng cao sự tập trung của Australia vào khả năng tự lực cùng với các đối tác quan trọng, vốn là chủ đề thường xuyên trong bản hướng dẫn chính sách của chính phủ Australia.

Việc nắm bắt những cơ hội này sẽ đòi hỏi cách tiếp cận của toàn bộ xã hội. Các cơ sở khoa học, công nghệ, công nghiệp và cung ứng của Australia phải gắn kết với AUKUS để nước này có thể tối đa hóa lợi ích của mình.

Việc phát triển một lực lượng quốc phòng có thể áp dụng những công nghệ này một cách hiệu quả sẽ cần những khoản đầu tư vào nguồn nhân lực để xây dựng các kỹ năng kỹ thuật và tư duy đổi mới nhằm liên kết các khả năng mới với các khái niệm chiến đấu mới.

Tuy nhiên, lợi ích của việc tiếp cận các công nghệ và năng lực mang tính cách mạng sẽ đi kèm với chi phí - đặc biệt là kỳ vọng về một nước Australia chủ động hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Điều này có nghĩa là sẽ phải thay đổi vị thế “cường quốc bậc trung” của Australia hiện nay để trở thành một nhà lãnh đạo khu vực phản ứng nhanh hơn với các nước láng giềng, đặc biệt là trong việc ngăn chặn mối đe dọa lan rộng của chiến tranh vùng xám.

Về vấn đề này, Australia phải tiếp tục can dự với các đối tác để hiểu rõ cách thức nước này có thể đóng góp tốt nhất cho an ninh và hỗ trợ các đối tác chiến lược của mình.

Như nhà phân tích an ninh-quốc phòng Malcolm Davis của Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI) nhấn mạnh, Australia cần phải rất năng động trong chính sách ngoại giao quốc phòng của mình để gây ảnh hưởng tích cực đến một khu vực mà có thể coi AUKUS là nhằm củng cố lực lượng Anh-Mỹ và làm suy yếu các lực lượng khác trong khu vực.

Điều này đòi hỏi các nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) phải phát triển các kỹ năng ngoại giao sớm hơn trong sự nghiệp của họ thay vì như trước đây.

Thông thường, chỉ có các quan chức cấp cao được lựa chọn mới thực hiện các nỗ lực ngoại giao.

AUKUS sẽ cung cấp cho Australia một mô hình chiến lược mới để vận hành.

Sự tham gia của Anh đánh dấu sự công nhận hơn nữa rằng trung tâm quyền lực toàn cầu đang dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương.

Vị trí của Australia ở trung tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trái ngược với Mỹ và Anh, có nghĩa là những thay đổi trong môi trường chiến lược khu vực có ý nghĩa quan trọng hơn.

Sự thay đổi mô hình này mang lại cơ hội để đánh giá lại chiến lược và cách thức hoạt động của Australia. Điều đó có thể đòi hỏi phải xác định lại các quan niệm cũ về can dự khu vực, đồng thời cách mạng hóa các khái niệm và hiệu ứng chiến đấu của ADF.

Tuy nhiên, những thay đổi này dựa vào việc nắm bắt lợi thế trí tuệ để tham gia vào những ý tưởng và tư duy mới.

Toàn bộ bộ máy quốc phòng sẽ cần phải được tận dụng và trao quyền để khám phá các cơ hội và lựa chọn tiềm năng trong tương lai.

Là một phần của mô hình chiến lược mới này, điều quan trọng là phải trả lời cách AUKUS phù hợp với tầm nhìn an ninh của Australia.

Điều quan trọng là phải hiểu rõ nó phù hợp như thế nào với các mối quan hệ an ninh hiện có bao gồm ANZUS, Thỏa thuận Phòng thủ 5 nước (FPDA- gồm Malaysia, Singapore, Anh, Australia và New Zealand) và Nhóm Bộ tứ, cũng như các diễn đàn quan trọng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việc tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi như “Trọng tâm chiến lược của Australia sẽ thúc đẩy hay bị thúc đẩy bởi AUKUS?” và “Tiếp cận chiến lược thúc đẩy công nghệ ở mức độ nào?” cũng sẽ rất cần thiết.

AUKUS chắc chắn sẽ kết hợp chặt chẽ hơn hành động của Australia với hành động của các đồng minh quan trọng của nước này.

Mặc dù tích cực ở nhiều khía cạnh, song sự liên kết và phụ thuộc ngày càng tăng này cũng có thể dẫn đến việc đưa ra những thỏa hiệp bất lợi, chẳng hạn như các vấn đề về chủ quyền.

Sự phụ thuộc của Australia vào sự hỗ trợ của AUKUS để vận hành công nghệ cũng cần phải được cân nhắc. Australia sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ bên ngoài này trong bao lâu? Năng lực trong nước phải được phát triển đến mức nào và lĩnh vực nào cần ưu tiên? Những câu hỏi này đặc biệt thích hợp khi nói đến việc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Cuối cùng, câu hỏi về chủ quyền mà AUKUS đặt ra là một trong những quyền tự do hành động: Australia sẽ tiếp tục theo đuổi các hoạt động độc lập ở mức độ nào khi sử dụng công nghệ và thông tin của AUKUS?

Mặc dù đây luôn là một vấn đề đối với Australia, AUKUS sẽ cung cấp một trọng tâm mới vào những khả năng chủ quyền mà Australia yêu cầu trong khi đóng góp vào các nghĩa vụ của liên minh.

Lập luận này cũng áp dụng cho lĩnh vực không gian và điều khiển học, nơi các hoạt động tác chiến ngày càng quan trọng đang diễn ra.

Những câu hỏi này không nhằm mục đích hù dọa, AUKUS sẽ vô cùng thuận lợi và là một liên minh cần thiết để tăng cường an ninh của Australia trong bối cảnh tình hình ngày càng phức tạp.

Nhưng những câu hỏi này phải được cân nhắc và được trả lời để xác định rõ chiến lược cho “thập kỷ nguy hiểm” này và xa hơn nữa./.