Những tiết lộ của Tổng thống Macron qua “Thư gửi người Pháp”

Thứ bảy, 12/3/2022 | 16:11 GMT+7

Trong “Thư gửi người Pháp,” Tổng thống Emmanuel Macron đã chính thức công bố ý định tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, trong đó ông tỏ rõ mong muốn “chuẩn bị cho tương lai của thế hệ con cháu.”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Báo "Le Monde", ngày 3/3, qua hình thức một bức thư, gọi là “Thư gửi người Pháp,” Tổng thống Emmanuel Macron đã chính thức công bố ý định tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, trong đó ông tỏ rõ mong muốn “chuẩn bị cho tương lai của thế hệ con cháu.”

Nội dung bài viết như sau:

Ý định của ông tất nhiên ai cũng có thể đoán được từ trước, chỉ có điều cách thông báo của ông bây giờ các cử tri Pháp mới được biết. Gần một tháng trước cuộc bỏ phiếu vòng một, Macron đã chính thức hóa chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm 2022.

Thay vì có bài phát biểu từ Điện Élysée theo cách của các tiền bối Charles de Gaulle và Valéry Giscard d'Estaing, hoặc nói trực tiếp trên truyền hình như François Mitterrand và Nicolas Sarkozy, hoặc tuyên bố ngoài trời như Jacques Chirac…, Emmanuel Macron thích gửi gắm thông điệp của mình qua “thư,” được đăng trên tất cả các mặt báo hàng ngày của khu vực.

Nó gần giống với những gì ông muốn làm năm 2019, tức là gửi thông điệp tới tất cả các quốc gia EU, hai tháng trước cuộc bầu cử châu Âu.

“Tôi là một ứng cử viên cùng các bạn sáng tạo ra lời giải của Pháp và châu Âu thống nhất đối với các thách thức của thế kỷ. Tôi là một ứng cử viên để bảo vệ các giá trị đang bị những rối loạn của thế giới đe dọa. Tôi là một ứng cử viên để tiếp tục chuẩn bị cho tương lai của con cháu chúng ta. Để cho phép chúng ta hôm nay và ngày mai tự quyết định cho chính chúng ta. Tôi nhận thấy ở khắp mọi nơi một tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ đối với mọi thử thách, một ý chí quyết tâm cao độ, một khát vọng xây dựng không mệt mỏi. Tôi nhận thấy điều này ở khắp mọi nơi trên đất nước của chúng ta và trong những lần đi gặp gỡ những người đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài. Ở mỗi nơi, tôi đều nhận thấy mong muốn được tham gia cuộc phiêu lưu tập thể tuyệt vời và vĩ đại có tên là nước Pháp,” ông viết trong thư.

[Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Ông Macron dẫn đầu trong thăm dò dư luận]

Trước bề bộn công việc đối nội và đối ngoại, Macron dường như không biết chia sẻ với ai ngoại trừ Thủ tướng Jean Castex, người đã có một buổi làm việc trực tiếp với ông suốt buổi sáng 3/3 trước khi công bố "lá thư.”.

Nó giống như một cách tượng trưng để giao cho Thủ tướng chìa khóa quản lý các vấn đề hiện tại của đất nước, để ông có thể dần rút lui trong những tuần tới. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine, nơi “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra” theo như nhận định của Điện Elysée, có thể sẽ buộc ông phải giữ chức tổng thống “cho đến giờ phút cuối cùng.”

Nhưng việc chính thức công bố ý định tranh cử cũng sẽ buộc ông phải bước xuống đấu trường. Ông chính là người mà các đối thủ đang kiên nhẫn chờ đợi và ghen tị vì có nhiều lợi thế và chưa từng thay đổi vị trí dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò ý kiến cử tri.

Ông chưa có dịp để đứng đàn trước hàng nghìn cảm tình viên nhiệt thành tay giơ cao cờ hiệu và các biểu ngữ hô vang tên mình như những tổng thống sắp mãn nhiệm khác. Trong bối cảnh quốc tế hiện tại, hình ảnh đó hẳn sẽ không phù hợp. “Tất nhiên, tôi sẽ không thể có một chiến dịch vận động như mong muốn vì bối cảnh,” ông thừa nhận trong thư.

Có thể cuộc míttinh sẽ hoãn lại đến giữa tháng 3. Không giống như năm 2017, lần này ông không nhất thiết phải đưa ra một “chương trình cổ điển,” với một danh sách các đề xuất và lời hứa mà nhiều khi không hoàn thành được.

Thay vào đó, ông sẽ theo ý tưởng tập trung cho những điểm mạnh, hay những trục chính trong chính sách có thể đề ra, để phù hợp hơn với vị trí của một tổng thống sắp mãn nhiệm.

Đầu tiên phải là giáo dục và “trường học của tương lai,” nơi ông hy vọng sẽ trao thêm quyền tự do giáo dục hơn cho các cơ sở.

Tiếp đến là “trục an ninh,” với mong muốn tăng gấp đôi sự hiện diện của cơ quan thực thi pháp luật trên khắp lãnh thổ thông qua chương trình tái tổ chức bộ máy. Tương tự đối với lĩnh vực năng lượng, ông dự định làm một cuộc cách mạng bằng cách khởi động lại dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Cuối cùng, chắc chắn là vấn đề lương hưu, một lĩnh vực ông rất muốn cải cách bằng cách đẩy lùi tuổi nghỉ hưu và xây dựng ba chế độ quyền lợi cơ bản. Nhưng cũng không thể không nhắc đến các vấn đề việc làm, thuế, tăng trưởng, sức mua, rồi chủ đề châu Âu - một dự án rất lớn, nhất là sau những khủng hoảng liên quan đến Ukraine vốn có tính thời sự hơn bao giờ hết.

Từ COVID-19 đến Ukraine, chỉ hơn hai năm thôi Lục địa già đã có bước tiến dài hơn cả chặng đường nửa thế kỷ. Một kế hoạch phục hồi khổng lồ trị giá 750 tỷ được quyết định vào nửa cuối năm 2020 bất chấp sự miễn cưỡng của Đức.

Đó là chương trình tái công nghiệp hóa và đẩy mạnh mục tiêu nghiên cứu-phát triển, vốn chỉ mới bắt đầu sau tình trạng khan hiếm khẩu trang và thiếu năng lực sản xuất vaccine.

Cuối cùng phải là phòng thủ chung, một vấn đề còn sơ khai và nhạy cảm, nhưng khủng hoảng giữa Moskva và Kiev chắc chắn sẽ là chất xúc tác hiệu quả nhất.

Đây sẽ là một chủ đề nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 10-11/3 tại Versailles. Emmanuel Macron tiếp tục tham gia trong tư cách Tổng thống Pháp. Nhưng chắc chắn bài phát biểu của ông sẽ được những người đồng cấp hiểu như suy nghĩ của một ứng cử viên tổng thống.

Emmanuel Macron đang dẫn đầu danh sách các cuộc thăm dò ý kiến cử tri và ngày càng dẫn trước các đối thủ. Theo khảo sát mới nhất, được thực hiện trước khi Macron chính thức thông báo ý định tái tranh cử và công bố ngày 4/3, do Công ty nghiên cứu và tư vấn BVA thực hiện, tổng thống sắp mãn nhiệm đã giành được 29%, tức là được thêm không dưới 5 điểm so với hai tuần trước.

Qua nhiều cuộc thăm dò, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) luôn giữ vững vị trí thứ hai, giành 16% số ý kiến ủng hộ, mất 1,5 điểm. Cùng ở vị trí thứ ba là Valérie Pécresse của đảng Những người cộng hòa (LR) trung hữu và Éric Zemmour của đảng Tái chinh phục! cực hữu, với 13% số phiếu ủng hộ.

Hai ứng cử viên này lần lượt mất 0,5 điểm và 1,5 điểm so với lần thăm dò trước đó. Tuy nhiên, theo nhận định của BVA, nếu bỏ đi chút sai số tất yếu xảy ra với các cuộc thăm dò dư luận, ba ứng cử viên này thực sự đang ở trong một cuộc đua quyết liệt để có thể giành được vị trí thứ hai./.