Những cơ hội cho tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

Thứ tư, 07/12/2022 | 17:15 GMT+7

Anwar Ibrahim tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia với cam kết hàn gắn đất nước chia rẽ sắc tộc, chống tham nhũng và hồi phục một nền kinh tế đang vật lộn với tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu sau khi công bố thành phần nội các mới tại Putrajaya, Malaysia, ngày 2/12/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

AP/freemalaysiatoday.com đưa tin nhà lãnh đạo kỳ cựu với tư tưởng cải cách Anwar Ibrahim đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia vào ngày 24/11 với cam kết hàn gắn một đất nước chia rẽ sắc tộc, chống tham nhũng và hồi phục một nền kinh tế đang vật lộn với tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang.

Việc ông lên nắm quyền là chiến thắng cho lực lượng cải cách chính trị vốn mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh nhiều ngày qua với phe dân tộc chủ nghĩa Malaysia sau khi tổng tuyển cử khép lại với kết quả là một Quốc hội treo.

Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah đã xướng tên ông Anwar, 75 tuổi, là nhà lãnh đạo thứ 10 của quốc gia Đông Nam Á này sau khi tuyên bố ông hài lòng với việc Anwar là ứng cử viên đã có được sự ủng hộ của đa số.

[Malaysia khẳng định duy trì nguyên tắc chính sách đối ngoại hiện nay]

Trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới, ông Anwar cho biết ông sẽ thành lập chính phủ thống nhất bao gồm Liên minh Hy vọng (PH) giành được 82 ghế, Mặt trận Dân tộc (Barisan Nasional-BN) với 30 ghế và khối chính trị tại bang miền Đông Sarawak chiếm 23 ghế.

Tập hợp này đem lại cho ông thế đa số với 135 ghế và dự kiến một số đảng phái nhỏ cũng sẽ tham gia liên minh cầm quyền.

Sự ủng hộ không ngờ của các cử tri Malaysia đã giúp Liên minh Perikatan Nasional (Liên minh Quốc gia-PN) của cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin, giành được 73 ghế tại Quốc hội, với đồng minh theo đường lối cứng rắn là Đảng Hồi giáo Pan-Malaysia (PAS) trở thành chính đảng giành chiến thắng lớn nhất trong bầu cử với 49 ghế.

Tổng thư ký PAS Takiyuddin Hassan ngày 25/11 đã cảm ơn Thủ tướng Anwar Ibrahim đã mời liên minh PN tham gia chính phủ đoàn kết, đồng thời cho biết vấn đề sẽ được thảo luận giữa các đảng tham gia PN.

PAS cũng nói rằng họ sẽ bám sát quan điểm của cử tri về vấn đề này bởi họ đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính đảng Hồi giáo và liên minh PN trong cuộc tổng tuyển cử.

Bế tắc đã được giải quyết khi BN do Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) đứng đầu chấp nhận ủng hộ chính phủ thống nhất do ông Anwar dẫn dắt.

Mối quan hệ này từng là không tưởng trên chính trường Malaysia, vốn lâu nay luôn chứng kiến mối quan hệ thù địch giữa hai bên.

Thị trường chứng khoán và đồng nội tệ Malaysia đều đã tăng giá sau thông tin bổ nhiệm của ông Anwar.

Hàn gắn

Anwar cho biết ông mong muốn chiến thắng của ông và khối chính trị mà ông đại diện sẽ mang lại hy vọng mới cho những người Malaysia khao khát một quốc gia công bằng hơn, đồng thời trấn an cộng đồng Hồi giáo tại Malaysia.

Ông Anwar cho biết ưu tiên của ông sẽ là củng cố nền kinh tế nước nhà trước nhiều dự đoán nền kinh tế Malaysia sẽ trải qua suy thoái trong năm tới, cũng như thúc đẩy các biện pháp kiềm chế lạm phát gia tăng.

Nhiều người dân vùng nông thôn lo ngại họ có thể mất đi các đặc quyền với chế độ đa nguyên lớn hơn dưới thời Anwar.

Quá thất vọng với tình trạng tham nhũng và đấu đá nội bộ trong UMNO cầm quyền lâu năm, nhiều người đã chọn ủng hộ khối của cựu Thủ tướng Muhyiddin trong cuộc bỏ phiếu hồi tuần trước.

Tân Thủ tướng Anwar nói: “Malaysia đã tồn tại hơn sáu thập kỷ. Mọi người Malaysia dù thuộc dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo hay khu vực nào, đặc biệt là Sabah và Sarawak, cũng không nên bị cảm thấy rằng họ bị phớt lờ dưới bất kỳ hình thức nào. Dưới chính phủ mà tôi lãnh đạo, sẽ không ai bị gạt ra ngoài lề.”

Bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo nằm trong số 2 bang nghèo nhất của đất nước.

Việc Anwar vươn lên vị trí lãnh đạo đất nước đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của ông và trấn an phần nào những lo ngại về việc Malaysia bị Hồi giáo hóa.

Tuy nhiên, ông phải đối mặt với trọng trách lớn lao là thu hẹp những bất đồng sắc tộc ngày càng sâu sắc sau cuộc bầu cử ngày 17/11, cũng như mục tiêu phục hồi nền kinh tế.

Các Bộ trưởng trong nội các mới của Malaysia tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Kuala Lumpur ngày 3/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bridget Welsh, chuyên gia chính trị Đông Nam Á làm việc tại Đại học Nottingham Malaysia, bình luận: “Anwar là một người theo chủ nghĩa toàn cầu, điều này sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư quốc tế. Ông ấy được coi là người xây dựng cầu nối giữa các cộng đồng, điều sẽ thử thách khả năng lãnh đạo của ông ấy trong tương lai, nhưng đồng thời cũng có thể đem đến sự an tâm phần nào trước những thách thức mà Malaysia sẽ phải đối mặt.”

Anwar từng nắm giữ cương vị phó thủ tướng, đã bị bãi nhiệm và bỏ tù vào những năm 1990 đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố và một phong trào cải cách về sau phát triển thành một lực lượng chính trị lớn.

Sự kiện ngày 24/11 đánh dấu chiến thắng thứ hai của khối chính trị có xu hướng cải cách của ông - sau chiến thắng đầu tiên trong cuộc bầu cử lịch sử năm 2018 dẫn đến sự sụp đổ của UMNO và sự thay đổi chế độ đầu tiên kể từ khi Malaysia độc lập năm 1957.

Anwar bị giam giữ trong tù vào thời điểm đó với tội danh mà ông chỉ trích là có động cơ chính trị. Ông được ân xá và dự kiến kế nhiệm Mahathir Mohamad. Tuy nhiên, chính phủ này đã sụp đổ khi Muhyiddin rút lui và bắt tay với UMNO thành lập chính phủ mới.

Chính phủ của Muhyiddin bị bủa vây bởi những tranh chấp nội bộ và ông đã từ chức sau 17 tháng cầm quyền. Lãnh đạo UMNO Ismail Sabri Yaakob sau đó được nhà vua chọn làm thủ tướng.

Cơ hội sửa chữa

Việc Anwar Ibrahim được bổ nhiệm làm thủ tướng thứ 10 của Malaysia mang đến cho ông cơ hội sửa chữa nhiều sai lầm gần đây dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ BN do cựu Thủ tướng Najib Razak dẫn dắt hồi năm 2018.

Cuộc khủng hoảng chính trị Malaysia năm 2020, Sheraton Move, đã phá hỏng kết quả cuộc bầu cử lần thứ 14, lật đổ chính phủ liên minh đương nhiệm Pakatan Harapan khi đó mới chỉ cầm quyền 22 tháng sau chiến thắng tại cuộc tổng tuyển cử Malaysia 2018.

Kết quả là Mahathir Mohamad từ chức thủ tướng thứ 7 và Muhyiddin Yassin sau đó trở thành thủ tướng thứ 8.

Khủng hoảng cũng đã hủy hoại niềm tin và trọng trách mà Hạ viện Malaysia từng trao cho chính phủ PH cầm quyền, một trọng trách bắt nguồn từ những bài học khắc nghiệt mà Malaysia đã nếm trải khi cho phép một cá nhân nắm giữ quyền lực bao trùm và quyền lực đối với tất cả các khía cạnh của chính phủ.

Quyền lực ấy cho phép một nhà lãnh đạo đặt lợi ích cá nhân và riêng tư lên trên lợi ích của chính phủ.

Theo trang mạng freemalaysiatoday, thủ tướng có quyền kiểm soát ngân khố một cách hiệu quả hoàn toàn có cơ hội thao túng nguồn tiền và tất yếu dẫn đến cám dỗ sử dụng chung cho lợi ích cá nhân.

Đó là bài học khắc nghiệt mà người Malaysia học được từ câu chuyện 1MDB, từng được các phương tiện truyền thông tiết lộ và sau đó được phơi bày trong các phiên tòa xét xử tham nhũng liên quan tới SRC International, 1 chi nhánh của quỹ 1MDB, của ông Najib.

Malaysia từng là quốc gia đáng tự hào với các thể chế chính phủ tuân thủ các nguyên tắc dân chủ được tôn vinh và kế thừa từ Westminster.

Hạ viện giải tán chính phủ năm 2018 và trao cho chính quyền PH - lực lượng chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó, sau bê bối của Thủ tướng Najib - trọng trách khôi phục các nguyên tắc quản trị hiệu quả. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà chính phủ đoàn kết hiện tại phải tuân thủ.

Chính phủ của Anwar Ibrahim phải chứng minh rõ ràng và dứt khoát rằng họ hiểu những nguyên tắc đó ngay từ đầu và sẽ áp dụng một cách triệt để trong suốt nhiệm kỳ.

Điều này cần phải bắt đầu với việc thủ tướng giữ khoảng cách với các vấn đề ngân sách. Không nền dân chủ nào trên thế giới cho phép thủ tướng của mình kiểm soát ngân khố. Malaysia cũng không nên là ngoại lệ./.