Năm bài học rút ra từ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran

Thứ hai, 21/3/2022 | 11:04 GMT+7

Mức độ sâu sắc, quy mô và tính liên tục của các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và các hành động thực thi liên quan vẫn có thể là bài học cho cuộc tranh luận về việc trừng phạt Nga.

Các máy ly tâm bên trong cơ sở hạt nhân Natanz ở miền Trung Iran. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, trong 3 tháng qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thử nhưng thất bại trong việc tận dụng những lời đe dọa trừng phạt để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Nga vào vùng Donbas của Ukraine.

Sau mệnh lệnh mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin, các lực lượng Nga đã tấn công miền Đông Ukraine bằng đường không, đường bộ và đường biển ngày 24/2, và cuộc tấn công lan đến thủ đô Kiev của Ukraine chỉ 2 ngày sau đó.

Washington đã đáp trả bằng một loạt lệnh trừng phạt, thề sẽ bắt Nga phải trả giá lớn hơn về kinh tế, đồng thời cung cấp viện trợ quân sự cho những người Ukraine đang lâm vào cảnh khó khăn.

Kể từ sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ ngày càng dựa vào các biện pháp trừng phạt và các công cụ phi động học khác để lấy đó làm vũ khí phân xử các cuộc xung đột trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các lệnh trừng phạt Iran - cả trước khi đạt được cũng như sau khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - cung cấp những hiểu biết quan trọng nhưng chưa được áp dụng đầy đủ về sức mạnh của các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Mặc dù Nga là mục tiêu lớn hơn và khác biệt so với Iran, nhưng mức độ sâu sắc, quy mô và tính liên tục của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và các hành động thực thi liên quan vẫn có thể là bài học cho cuộc tranh luận về việc trừng phạt Nga khi cuộc chiến của Putin ở Ukraine tiếp tục.

[Iran: Đàm phán hạt nhân có thể đạt kết quả nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận]

Đầu tiên, các biện pháp trừng phạt tài chính là một trong những vũ khí kinh tế dễ sử dụng nhất của Washington và thường là những vũ khí gây “đau đớn” nhất cho mục tiêu.

Trên thực tế, trong một bản đánh giá vào tháng 10/2021 về các chương trình trừng phạt của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ đã nói rằng việc “đóng băng” Iran khỏi hệ thống tài chính quốc tế là một trong những thành công của các biện pháp kinh tế mang tính cưỡng chế và trừng phạt.

Việc áp đặt một lệnh cấm vận đối với các quốc gia lớn, có nhiều liên kết và có ảnh hưởng về địa chính trị như Nga và Iran - cả hai đều có biên giới trên bộ dài - có thể gặp phải nhiều thách thức.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt tài chính dễ áp dụng hơn đáng kể, ảnh hưởng đến thương mại ở cấp độ vĩ mô và phát huy những lợi thế tương đối mà Mỹ có được trong nền kinh tế thế giới ngày nay.

Các biện pháp trừng phạt này gây khó khăn đặc biệt cho việc chuyển doanh thu do thương mại tạo ra từ các khoản thu bằng USD hoặc euro.

Do nền kinh tế Nga hội nhập sâu rộng với các cấu trúc kinh tế phương Tây hơn nhiều so với nền kinh tế của Cộng hòa Hồi giáo Iran, nỗi đau mà Moskva phải gánh chịu do cơ chế trừng phạt tài chính toàn diện mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với những gì Tehran cảm nhận.

Ngược lại, sự hội nhập kinh tế sâu sắc hơn có nghĩa là sự phản kháng chính trị bên trong khối phương Tây chống lại các biện pháp như vậy sẽ mạnh mẽ hơn nhiều, như đã thấy trong cuộc tranh luận về việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán điện tử toàn cầu, được gọi là Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).

Bài học thứ hai từ kinh nghiệm trừng phạt Iran mang tính chính trị hơn, đó là các biện pháp trừng phạt toàn diện nên được triển khai dứt khoát và ngay trong một lần, chứ không phải từng bước.

Mặc dù có một logic chiến lược đằng sau sự leo thang dần dần, nhưng một đối thủ kiên quyết theo đuổi vũ khí hạt nhân hoặc một đối thủ cam kết theo đuổi một cuộc xâm lược quốc gia khác có thể coi việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như một tín hiệu cho thấy Washington không muốn sử dụng vũ lực để trừng phạt hoặc thay đổi hành vi.

Việc bắt đầu với các lệnh trừng phạt quy mô nhỏ rồi tăng dần lên sẽ khiến đối thủ đó cảm thấy rằng Washington đang câu giờ bằng cách thực hiện các biện pháp trừng phạt thay vì mạo hiểm chấp nhận tổn thất để tung ra đòn hạ gục.

Bài học thứ ba từ “kỷ nguyên” trừng phạt Iran là các biện pháp trừng phạt và bất kỳ áp lực kinh tế nào phải được liên tục đánh giá, duy trì và cải thiện để có hiệu quả.

Mặc dù điều này có thể trái ngược với luận điểm trước đó, nhưng việc tinh chỉnh liên tục không giống như mặc định cho chiến lược leo thang. Thay vào đó, nó liên quan đến việc cải tiến chương trình trừng phạt ban đầu vốn có tác dụng ngăn chặn rất ít khi ngay từ khi được triển khai.

Nếu Washington nghiêm túc về lựa chọn trừng phạt chống lại Putin, họ phải sử dụng các nguồn thông tin tình báo để theo dõi tác động trên thị trường và chiến trường, cũng như những gì Nga đang làm để bù đắp những phí tổn này.

Bài học thứ tư từ kinh nghiệm đối phó với Iran là các biện pháp trừng phạt đa phương không hẳn hiệu quả hơn các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Trong trường hợp của Iran, các lệnh trừng phạt đơn phương do chính quyền Trump áp đặt không hề kém hiệu quả hơn so với các lệnh trừng phạt đa phương đã được ký thành luật hoặc do Tổng thống Barack Obama áp đặt, theo sau một số vòng trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trên thực tế, kinh nghiệm rút ra cho giai đoạn 2018-2020 là các biện pháp trừng phạt đơn phương có thể có hiệu quả tương đương, nếu không muốn nói là hiệu quả hơn và trong thời gian ngắn.

Trong trường hợp của Nga, sự phản kháng của châu Âu chống lại việc trừng phạt Moskva được thể hiện mạnh mẽ hơn và được tổ chức tốt hơn. Tuy nhiên, với việc cuộc chiến của Putin tiếp diễn, những rạn nứt đáng kể đã hình thành và một số quốc gia châu Âu đang đảo ngược hướng đi bằng cách cung cấp viện trợ quân sự, tạm dừng các hợp đồng và ủng hộ các lệnh trừng phạt.

Thay vì núp bóng châu Âu ban đầu, giờ là lúc chính quyền Biden dẫn đầu các nỗ lực trừng phạt, giống như việc Mỹ kêu gọi loại Iran khỏi hệ thống SWIFT hồi năm 2018.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là bài học về bộ máy quan liêu. Với trọng tâm của các biện pháp trừng phạt là để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ, Washington cần phải nỗ lực để hỗ trợ và mở rộng khả năng chiến tranh tài chính của mình để có sự tham gia đầy đủ các yếu tố nhân sự và nguồn tài trợ trong Bộ Tài chính, bao gồm nhưng không giới hạn ở Văn phòng Chống Khủng bố và Tình báo Tài chính.

Ví dụ, ngân sách ban hành cho văn phòng đó trong năm tài chính 2021 là 175 triệu USD, một con số thấp hơn ngân sách quân sự 777 tỷ USD của đất nước. Khi sự phụ thuộc vào các lệnh trừng phạt và các công cụ liên quan của Washington ngày càng lớn, trụ sở chiến tranh kinh tế của Mỹ cũng phải mở rộng và hiện đại hóa tương tự để đảm bảo các chương trình mà họ giám sát được phục vụ đầy đủ.

Các biện pháp trừng phạt không bao giờ có thể thay thế chức năng của quân đội Mỹ trong việc ngăn chặn các đối thủ nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao, nhưng chúng là một công cụ chính sách đối ngoại quan trọng, theo nhu cầu và đa mục đích, bổ sung cho các nguồn sức mạnh khác của Mỹ.

Hiện tại, mục tiêu của các biện pháp trừng phạt phải là áp đặt các phí tổn lên nền kinh tế Nga, khiến các mục tiêu chiến lược và chiến thuật của Putin trở nên quá tốn kém để có thể đạt được, làm thay đổi cách tính chi phí/lợi ích tổng thể của Nga, làm suy yếu nền kinh tế và ngăn chặn sự xâm lược hơn nữa.

Các biện pháp trừng phạt này có thể hỗ trợ chứ không thay thế các mục tiêu chính sách rộng lớn hơn của Mỹ liên quan đến việc chống lại Nga, ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như gửi thông điệp tới nhiều bên về quyết tâm và sức mạnh kinh tế của Mỹ./.