Hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn trong Chiến lược Ấn Độ Dương-TBD của Mỹ

Thứ bảy, 12/3/2022 | 16:16 GMT+7

Chính quyền ông Joe Biden dường như sẵn sàng triển khai những động thái nhằm củng cố quan hệ hợp tác ba bên với hai đồng minh châu Á của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ảnh minh họa. (Nguồn: csis.org)

Yonhap đưa tin theo giới phân tích, chính quyền ông Joe Biden dường như sẵn sàng triển khai những động thái nhằm củng cố quan hệ hợp tác ba bên với hai đồng minh châu Á của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản, coi đó như một đòn bẩy chính nhằm đối trọng với sự quyết đoán của Trung Quốc và những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên sau khi Washington gần đây công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hồi tuần trước, Nhà Trắng công bố tài liệu chiến lược nói trên, dài 19 trang, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là nỗ lực huy động "năng lực tập thể" của mạng lưới các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tài liệu này đã đánh giá "năng lực tập thể" như vậy là "sức mạnh bất đối xứng to lớn nhất của Mỹ" trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.

[Ngoại trưởng Mỹ-Nhật-Hàn ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề quốc tế]

Mối quan hệ hợp tác ba bên được mở rộng với Seoul và Tokyo là một phần của "Kế hoạch Hành động Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của chiến lược nói trên và kế hoạch này sẽ được triển okhai trong vòng "12 đến 24 tháng tới."

Rõ ràng, đây là tiếng còi hiệu triệu để hai đồng minh nhanh chóng vượt qua sự thù địch liên quan đến những vấn đề lịch sử và tái phân bổ nguồn lực để đối phó với những thách thức chung.

Chiến lược mang những nội dung mới này được đưa ra trong bối cảnh nỗ lực của Nhật Bản nhằm đưa một mỏ ở nước này có liên quan đến vấn đề lao động bị cưỡng bức thời chiến vào hồ sơ xin công nhận di sản văn hóa do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xét duyệt đã làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với Seoul.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay vẫn vướng vào những tranh chấp kéo dài liên quan đến vấn đề lịch sử và chủ quyền lãnh hải.

Giáo sư Park Won-gon chuyên nghiên cứu vấn đề Triều Tiên tại Đại học Nữ Ewha đánh giá: "Trọng tâm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Biden là việc khôi phục mạng lưới đồng minh và thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa các nước này để có thể đủ sức kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy."

Giáo sư Park cho rằng xét đến hai trụ cột chính của chiến lược này là an ninh và kinh tế, chắc chắn Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phù hợp để củng cố những trụ cột này. Đây là một lý do mà Mỹ cần thúc đẩy hợp tác ba bên.

Đối với trụ cột an ninh, chiến lược của chính quyền ông Biden huy động các cơ chế song phương, như hợp tác ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc và Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản cũng như cơ chế an ninh ba bên AUKUS gồm Mỹ, Anh và Australia.

Đối với trụ cột kinh tế, tài liệu đưa ra một kế hoạch mới chỉ mang tính sơ bộ của Washington nhằm thúc đẩy việc triển khai một "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" về hợp tác với các đối tác trên lĩnh vực thương mại, kinh tế số, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và những chuỗi cung ứng "an toàn và bền vững."

Ngoại trừ điểm chung là quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Biden đối lập hoàn toàn với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của người tiền nhiệm Donald Trump mà giới chỉ trích cho rằng là cách tiếp cận của chủ nghĩa biệt lập và xa rời đồng minh.

Những nỗ lực hiện tại của Washington nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực ở phạm vi rộng lớn hơn diễn ra trong bối cảnh Mỹ tìm mọi cách để thể hiện vai trò nổi trội hơn trong cuộc đối địch ngày càng gay gắt với Trung Quốc về an ninh hàng hải, vị thế lãnh đạo lĩnh vực công nghệ, thương mại và trong nhiều lĩnh vực khác.

Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden tiết lộ: "Mỹ tìm cách xây dựng năng lực tập thể để vượt qua những thách thức của thế kỷ XXI, đồng thời nắm bắt những cơ hội cho dù liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, hành xử của Trung Quốc hay chuẩn bị đối đầu với một đại dịch mới và phục hồi sau đại dịch này."

Việc lồng ghép vấn đề hợp tác ba bên với Seoul và Tokyo trong chiến lược này đã làm gia tăng đồn đoán rằng Washington có thể vạch ra một mô hình hợp tác chính thức hơn nữa với các đồng minh châu Á - một mục tiêu mà lâu nay bị cản trở bởi sự thù địch mang tính lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bất chấp quan hệ căng thẳng giữa Seoul và Tokyo lại bùng phát gần đây, Washington vẫn chỉ dấu rằng nước này sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực để đạt được mục tiêu nói trên, nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một mặt trận thống nhất để đối phó với Triều Tiên.

Mong muốn đạt được mục tiêu này đã được thể hiện rõ nét khi ngoại trưởng của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 12/2 đã nhóm họp tại Hawaii để bàn về cách thức đối phó với Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên đã tiến hành 7 vụ thử tên lửa chỉ trong vòng tháng 1/2022.

Sự hiệu triệu nói trên của Mỹ nhằm xốc lại tinh thần đoàn kết giữa các đồng minh và đối tác diễn ra giữa lúc Washington đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ của các mạng lưới này nhằm đối phó với nguy cơ Nga tiến hành xâm lược Ukraine.

Trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây liên quan đến Ukraine, Mỹ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Vì nếu cuộc xung đột biến thành một cuộc chiến tổng lực thì điều này đồng nghĩa với việc Mỹ và các đồng minh châu Âu đã chịu "bó tay" trong nỗ lực ngăn chặn.

Ngoài ra, điều này cũng có thể dẫn đến nguy cơ phải vẽ lại bản đồ châu Âu tương tự việc vẽ lại bản đồ này sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Tuyên bố chung sau cuộc họp Mỹ-Nhật-Hàn tại Hawaii có đoạn nhấn mạnh ba nước cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để ngăn chặn những hành động leo thang của Nga.

Tuy nhiên, nhìn bề ngoài, việc Mỹ thúc đẩy hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản dường như nhấn mạnh nhiều hơn đến thách thức do Triều Tiên đặt ra.

Tài liệu chiến lược có đoạn: "Gần như mọi thách thức to lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều cần đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ thông qua các cơ chế ba bên về vấn đề Triều Tiên."

Cũng theo tài liệu này, ngoài lĩnh vực an ninh, Mỹ cũng sẽ hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản về phát triển khu vực và xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thiết yếu, những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và những lĩnh vực khác.

Kim Tae-hyung - Giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Soongsil - bình luận: "Mỹ không thể không nhấn mạnh ít nhất một cách khoa trương về tầm quan trọng của hợp tác trên diện rộng với các đồng minh châu Á vượt ra ngoài quan hệ đối tác an ninh trọng tâm hiện nay khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trên cả vấn đề giá trị, hệ tư tưởng và nhiều lĩnh vực khác."

Đề cập đến các chương trình "tên lửa và hạt nhân" của Triều Tiên vốn gây bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, tài liệu chiến lược cho biết Washington sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại "nghiêm túc và bền vững," đồng thời tăng cường biện pháp ngăn chặn và răn đe mở rộng để đối phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên trong khi vẫn duy trì tư thế "sẵn sàng ngăn chặn và nếu có thể là đánh bại bất kỳ hành động hung hăng nào nhắm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ."

Ngăn chặn và răn đe mở rộng đồng nghĩa với việc Mỹ đưa ra cam kết huy động đầy đủ các khả năng quân sự, cả năng lực hạt nhân và năng lực thông thường, để đối phó với những hành động gây hấn của Triều Tiên.

Chiến lược của chính quyền Biden đặt ra một câu hỏi địa chính trị quan trọng cho chính phủ tiếp theo của Hàn Quốc, dự kiến sẽ ra mắt sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2022: Seoul sẽ điều chỉnh hợp tác ba bên sâu rộng với Mỹ và Nhật Bản như thế nào?

Shin Bum-Cheol, Giám đốc chương trình ngoại giao và an ninh tại Viện nghiên cứu Kinh tế và Xã hội của Hàn Quốc, bày tỏ quan ngại: "Ngoài vấn đề về cách thức đối phó với những mối đe dọa của Triều Tiên, một vấn đề khác là liệu chính quyền tiếp theo của Seoul sẽ coi vấn đề tái củng cố hợp tác ba bên với Washington và Tokyo là một vấn đề ưu tiên ở mức độ như thế nào trong bối cảnh Hàn Quốc cũng có mối quan hệ với Trung Quốc"./.