Đàm phán hạt nhân Iran đã bước vào "giai đoạn quyết định"

Thứ tư, 16/3/2022 | 16:09 GMT+7

Không khí cho việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã được chuẩn bị đầy đủ, chỉ còn phụ thuộc vào việc Mỹ và Iran có nắm bắt được cơ hội và tạo ra cơ hội cho hòa bình trong khu vực hay không.

Quang cảnh một vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ và Iran gần đây đã đạt được tiến triển lớn trong việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Dư luận đánh giá rằng các cuộc đàm phán đã bước vào "giai đoạn quyết định" và không loại trừ khả năng đạt được một thỏa thuận trong ngắn hạn.

Tại sao hai bên lại đột ngột đạt được tiến triển như vậy và những biến số tiềm ẩn nào đang chờ đợi ở phía trước? Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh thuộc Đại học Thanh Hoa ngày 8/3 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Diêu Cẩm Tường thuộc Viện Các nước đang Phát triển, Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, bình luận về vấn đề này.

Tất cả các bên cùng "hợp lực" để thúc đẩy thỏa thuận

Theo bài viết, hiện tại, hầu hết các bên liên quan đến JCPOA và các lực lượng chủ chốt bên ngoài đều giữ lập trường tích cực về việc nối lại JCPOA càng sớm càng tốt.

Đối với Mỹ và Iran, các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều muốn quay trở lại thỏa thuận. Phía Iran cho rằng nếu các lệnh trừng phạt quốc tế có thể được dỡ bỏ hoặc loại bỏ phần lớn, điều đó không chỉ giúp Iran cải thiện nhanh chóng tình hình kinh tế mà còn giúp nhanh chóng ổn định tình hình chính trị trong nước, giải quyết tình trạng hỗn loạn trong nước nổi lên bởi các vấn đề kinh tế-chính trị trong những năm gần đây.

Mỹ tin rằng JCPOA sẽ giúp nước này rút khỏi Trung Đông suôn sẻ hơn, duy trì ổn định chiến lược khu vực để từ đó tập trung sức lực cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

[Iran đang đánh giá các yếu tố mới ảnh hưởng đến đàm phán hạt nhân]

Ngoài ra, các nước vùng Vịnh trong khu vực cũng tiếp tục thúc đẩy cải thiện quan hệ với Iran, thậm chí nhiều quan chức quân sự Israel còn tin rằng bản thân thỏa thuận sẽ giúp bảo vệ an ninh của Israel.

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Israel dường như đang xem xét lại thái độ cố chấp của mình đối với JCPOA, rằng việc duy trì mối quan hệ bền chặt với Mỹ là ưu tiên hàng đầu của họ chứ không phải liên tục phá hoại chương trình nghị sự khu vực của Mỹ. Vì vậy, trong bầu không khí đối thoại nhất quán như vậy, tất cả các bên đều hy vọng sẽ nắm bắt cơ hội để quay lại thỏa thuận càng sớm càng tốt.

Đồng thời, có thể thấy trong thời gian gần đây đã có một số nới lỏng trong vấn đề "dỡ bỏ lệnh trừng phạt" đối với Iran. Mỹ gần đây đã khôi phục các biện pháp miễn trừ trừng phạt đối với một số chương trình hạt nhân dân sự của Iran, cho thấy có dấu hiệu nới lỏng dần các biện pháp trừng phạt.

Ngân hàng Trung ương Iran cũng đã bắt đầu đàm phán với Hàn Quốc để giải phóng khoản tiền 7 tỷ USD bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Một phái đoàn dầu mỏ của Iran cũng đã đến Seoul.

Do Hàn Quốc là khách hàng lớn của dầu thô nhẹ của Iran, điều này dường như ngụ ý rằng phía Iran sẽ có bước đột phá quay trở lại thị trường dầu quốc tế. Những "lời nói" và "hành động" này dường như đều có nghĩa là thời điểm quan trọng cho các cuộc đàm phán đã đến.

Những trở ngại phía trước

Hiện tại, dự thảo văn bản hướng tới việc quay trở lại JCPOA về cơ bản đã chuẩn bị sẵn sàng, khoảng 98% nội dung do các bên cùng soạn thảo, điều đó cho thấy hầu hết các vấn đề đã đạt được nhận thức chung, nhưng vẫn còn một vài điểm chưa thống nhất.

Đặc biệt, vấn đề mức độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, hay đưa ra những đảm bảo mạnh mẽ liên quan tới thỏa thuận, hay dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế liên quan đến nhân quyền và khủng bố… là những vấn đề đã thực sự kéo dài từ lâu và đòi hỏi Mỹ phải đưa ra quyết định chính trị.

Ngoài ra, trong trường hợp chính phủ mới của Mỹ sau này đòi "xét lại" chính sách của Mỹ đối với Iran, làm thế nào để thực hiện các thỏa thuận đáp ứng kỳ vọng của Iran? Vì khó có thể ràng buộc chính phủ tương lai của Mỹ về mặt thể chế, hai bên có thể áp dụng một thỏa thuận "tốt nhì." Ví dụ, nếu Mỹ vi phạm thỏa thuận một lần nữa trong tương lai, Iran có thể tăng cường làm giàu urani tương ứng.

Ngoài ra, có thể tồn tại một số trở ngại trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể của cả hai bên, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính chống rửa tiền. Iran bị tổ chức này đưa vào "danh sách đen" hồi tháng 2/2020, khiến các hoạt động tài chính quốc tế của Iran gặp trở ngại.

Trong tương lai, nếu Iran muốn giải phóng hoàn toàn các khoản tiền bị đóng băng của mình, nước này cũng cần phải đẩy nhanh quá trình pháp lý trong nước và chấp nhận các nghị quyết liên quan của nhóm công tác này.

Điều này cũng sẽ giúp Iran thoát khỏi "danh sách đen" và cải thiện các loại hạn chế trong các mặt như thu hút đầu tư nước ngoài và thanh toán quốc tế… Điều này đòi hỏi những nỗ lực thực sự từ phía Iran.

Xung đột Nga-Ukraine mang đến nhiều biến số mới cho JCPOA

Mặc dù khó có thể liên kết trực tiếp hai sự kiện này, song cuộc xung đột Nga-Ukraine thực sự đã ảnh hưởng đến tiến độ đàm phán hạt nhân Iran. Hiện ở Mỹ có hai quan điểm.

Một bên cho rằng lập trường của Iran quá gần với Nga, đặc biệt là sau khi quan chức Iran gần đây tuyên bố rằng "Ukraine đã trở thành nạn nhân của những căng thẳng do Mỹ gây ra," Mỹ không nên nhân nhượng với Iran vào thời điểm này.

Một bên khác tin rằng lúc này càng cần đẩy nhanh đạt được thỏa thuận, từ đó làm suy yếu quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nga và Iran, điều này có thể làm giảm sự hỗ trợ quốc tế mà Nga đã nhận được.

Nhưng từ quan điểm thực tế, cả Mỹ và Iran dường như đang cố gắng thực hiện một cách tiếp cận thực dụng hơn. Đối với phía Mỹ, họ ang tập trung vào việc "tách" vấn đề Nga-Ukraine khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, cố gắng làm suy yếu mối liên hệ giữa hai bên và xóa bỏ sự bi quan về các cuộc đàm phán đã nổi lên trong vài ngày qua.

Giá năng lượng quốc tế tăng cũng đặt ra một "bài kiểm tra" trực tiếp đối với Tổng thống Joe Biden trong việc kiểm soát lạm phát trong nước và cảm giác cấp bách đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng đang tăng lên.

Đối với Iran, sự kết hợp chiến lược với Nga là rất quan trọng, nhưng họ không muốn liên kết vòng xung đột này với các cuộc đàm phán hạt nhân Iran.

Như trưởng đoàn đàm phán của Iran đã nói, dù bạn có tiến gần đích đến đâu, điều đó không có nghĩa là bạn có thể vượt qua vạch đích. Giai đoạn sắp tới cũng sẽ là một cuộc khảo nghiệm đối với chủ nghĩa đa phương và cơ chế điều phối quốc tế.

Có thể nói rằng không khí cho việc nối lại thỏa thuận hiện nay đã được chuẩn bị đầy đủ, chỉ còn phụ thuộc vào việc Mỹ và Iran có nắm bắt được cơ hội và tạo ra cơ hội cho hòa bình trong khu vực hay không./.