Con đường duy nhất để giải quyết những xung đột ở Ukraine

Thứ tư, 06/4/2022 | 16:04 GMT+7

Các bên tham gia đàm phán - ngay cả các quan chức ở cấp cao nhất - phải ghi nhớ rằng họ không thể mong đợi đạt được mọi thứ họ muốn. Họ phải sẵn sàng hiểu sở thích và quan điểm của các bên khác.

Người dân Ukraine sơ tán khỏi thủ đô Kiev ngày 5/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng project-syndicate.org đưa tin, nếu các cường quốc trong Chiến tranh Lạnh có thể cùng nhau hoàn thành Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào những năm 1960 và nếu các bên tham chiến ở Trung Mỹ có thể đồng ý về các dàn xếp để chấm dứt xung đột của họ trong những năm 1980, điều tương tự cũng có thể xảy ra ngày hôm nay ở Ukraine.

Trên thực tế, không có cách nào thay thế cho đối thoại. Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn, nhu cầu đàm phán cũng trở nên cấp thiết hơn. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã cảnh báo rằng Ukraine đang “bị tàn phá trước mắt thế giới,” với lựa chọn hợp lý duy nhất là “chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và đàm phán nghiêm túc dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.”

Mặc dù đã có các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, song theo các bản tin, chúng không đạt được tiến bộ. Nhưng đừng nhầm: một thỏa thuận thương lượng là con đường duy nhất để tiến tới hòa bình. Ngay cả trong những tình huống có vẻ khó khăn với những quan điểm không khoan nhượng, sức mạnh của lý trí vẫn có thể chiếm ưu thế. Đối thoại có thể biến điều không thể thành có thể.

Ông Oscar Arias đã nhận ra điều này từ kinh nghiệm cá nhân. Trong nhiệm kỳ đầu tiên làm tổng thống Costa Rica vào cuối những năm 1980, tình hình ở Trung Mỹ cũng được coi là khó giải quyết. Các cuộc nội chiến ở Guatemala, El Salvador và Nicaragua đã gây ra đổ máu và đau khổ cùng cực.

Việc đạt được các thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa các bên dường như chỉ là một giấc mơ viển vông - ít nhất là trong mắt của những người theo chủ nghĩa hiện thực tự mô tả. Tuy nhiên, ông Oscar Arias đã cố gắng gắn kết các bên lại với nhau và cuối cùng chiến tranh đã kết thúc. Điều gì đó tương tự vẫn có thể xảy ra ở Ukraine.

Cộng đồng quốc tế đã đáp trả cuộc chiến tranh do Nga gây ra bằng các biện pháp trừng phạt và vũ khí, nhưng không ai tin rằng những các biện pháp trừng phạt này có thể chấm dứt sự đau khổ của Ukraine. Vũ khí và đạn dược có thể giúp những người bảo vệ dũng cảm của Ukraine đối mặt với xe tăng và máy bay của Nga, nhưng chúng cũng có thể kéo dài cuộc chiến và làm tăng số người chết và thương vong.

[Ukraine sẽ tiếp tục đàm phán trực tuyến với Nga về Hiệp ước hòa bình]

Và trong khi một số người có thể hoan nghênh một cuộc xung đột kéo dài như một chiến lược nhằm làm suy giảm lực lượng của Nga và gây áp lực lên chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều đó cũng sẽ dẫn đến tổn thất nhân lực lớn - ngay cả khi nó hoạt động theo như kế hoạch.

Nhiều người sẽ chết ở cả hai bên và tình trạng bất ổn hơn bên trong nước Nga sẽ gây ra những cuộc đàn áp thậm chí còn khốc liệt hơn và sự mất mát các quyền tự do cơ bản và tự do dân sự thậm chí còn lớn hơn. Xung đột càng kéo dài và sự chia rẽ giữa Nga và các nền dân chủ trên thế giới càng lớn, càng khó theo đuổi hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu, phục hồi đại dịch, ổn định tài chính, pháp quyền và - có lẽ là quan trọng nhất - an ninh hạt nhân.

Trong cuộc khủng hoảng ngày nay, chúng ta cần tất cả các bên liên quan cam kết tối thiểu rằng họ sẽ không phải là người đầu tiên sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại và thương lượng.

Trong bài diễn văn nhậm chức năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã nói một câu nổi tiếng: “Chúng ta đừng bao giờ đàm phán vì sợ hãi. Nhưng chúng ta không bao giờ sợ đàm phán."

Sau đó ông đã đưa câu nói này vào thực tế. Sau Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 - dấu hiệu của ngày tận thế - các cuộc đàm phán đã diễn ra dẫn đến Hiệp ước NPT, dựa trên cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân. Ngày nay, 191 quốc gia - bao gồm Nga, Mỹ và tất cả các thành viên NATO - là thành viên của tổ chức này.

Trước đây, chúng ta đã cùng nhau ngăn chặn nguy cơ “bên miệng hố chiến tranh hạt nhân;” chúng ta có thể làm lại điều này ngay bây giờ. Nghị quyết gần đây của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ukraine “kêu gọi giải quyết hòa bình ngay lập tức cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đối thoại chính trị, đàm phán, hòa giải và các biện pháp hòa bình khác.”

Những lời lẽ này là niềm khao khát của người sân trên khắp thế giới. Tất nhiên, việc thương lượng để có giải pháp toàn diện sẽ không dễ dàng. Các cuộc họp lẻ tẻ để giải tỏa những bất bình chính trị sẽ không giúp ích được gì. Điều cần thiết lúc này là ngừng bắn và đối thoại nghiêm túc ở cấp cao nhất. Đó là lý do tại sao nhiều người đoạt giải Nobel Hòa bình đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và các nước khác theo đuổi chính sách ngoại giao cấp cao ngay lập tức.

Các bên tham gia đàm phán - ngay cả các quan chức ở cấp cao nhất - phải ghi nhớ rằng họ không thể mong đợi đạt được mọi thứ họ muốn. Họ phải sẵn sàng hiểu sở thích và quan điểm của các bên khác. Ukraine phải được đảm bảo về chủ quyền, an ninh và dân chủ. Nga phải được đảm bảo rằng các lợi ích an ninh của họ phải được tôn trọng và đáp ứng. Cả hai bên phải được chuẩn bị để linh hoạt và nhượng bộ.

Với các điều kiện đó được đáp ứng, các cuộc đàm phán có thể mang lại sự tiến bộ để hướng tới hòa bình. Trên thực tế, đó là cách tiếp cận duy nhất có thể tạo ra một giải pháp lâu dài. Mặc dù triển vọng này hiện có vẻ khó đạt được, nhưng chúng ta không nên mất hy vọng./.