Chương trình nghị sự thương mại dở dang của châu Phi

Thứ ba, 08/3/2022 | 14:03 GMT+7

Nhiều người hy vọng AfCFTA sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa khi các công ty tận dụng lợi thế kinh tế về quy mô để phân tán rủi ro của việc đầu tư vào các thị trường nhỏ hơn.

Cảng Apapa ở Nigeria. (Nguồn: Reuters)

Theo tạp chí Project Syndicate, Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, hứa hẹn sẽ đẩy nhanh sự đa dạng hóa của các nền kinh tế trong khu vực và giảm bớt tác động của chu kỳ giá cả hàng hóa đối với tăng trưởng.

Trong khi hoạt động ngoại thương của châu Phi bị chi phối bởi các mặt hàng hóa chính và tài nguyên thiên nhiên, thì chuyến hàng đầu tiên trong khuôn khổ AfCFTA - từ Ghana đến Nam Phi, bao gồm các mặt hàng chế tạo chủ yếu thúc đẩy nội thương của châu Phi.

Do vậy, nhiều người hy vọng rằng AfCFTA - bằng cách tạo ra một thị trường chung gồm 55 quốc gia với tổng dân số hơn 1,3 tỷ người và tổng GDP là 3.400 tỷ USD, sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa khi các công ty tận dụng lợi thế kinh tế về quy mô để phân tán rủi ro của việc đầu tư vào các thị trường nhỏ hơn. Để đạt được mục tiêu đó, thỏa thuận thương mại này sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa (mục tiêu cuối cùng là tự do hóa 97% đối với các mặt hàng).

AfCFTA có khả năng sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên khắp châu Phi - với các bằng chứng thực tế ở những nơi khác cho thấy việc gia nhập khu vực thương mại tự do có thể giúp tăng các nguồn vốn FDI thêm khoảng 1/4, và chuyển trọng tâm từ tài nguyên thiên nhiên sang các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động. Hơn nữa, hiệp định có khả năng chuyển đổi các nền kinh tế châu Phi, tăng đáng kể tỷ trọng thương mại toàn cầu của lục địa này và tăng cường khả năng thương lượng của châu Phi trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế.

Nhưng trong khi nhiều người ca ngợi AfCFTA như một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với châu Phi, thì tự do hóa thương mại không nhất thiết sẽ đảm bảo thành công về kinh tế.

Chắc chắn, thỏa thuận này đã thu hút được nhiều sự chú ý của giới học thuật và hoạch định chính sách. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Ngân hàng xuất nhập khẩu châu Phi (AEIB) đều có các nghiên cứu tổng hợp sâu rộng về các tác động tiềm tàng của AfCFTA. Tạp chí Thương mại châu Phi gần đây đã xuất bản một số đặc biệt về AfCFTA và thương mại châu Phi.

Tất cả những phân tích này đều chỉ ra những tác động tích cực và đáng kể của hiệp định đối với sự phát triển kinh tế của châu Phi. Các ước tính cho thấy AfCFTA sẽ giúp tăng GDP của châu Phi thêm 0,5% sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2045, so với kịch bản không có hội nhập thương mại khu vực.

Tiền lương thực tế sẽ tăng đối với cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông, nhất là lao động phổ thông, cho thấy sự chuyển dịch theo hướng tăng trưởng bao trùm hơn. WB ước tính rằng AfCFTA có thể đưa 30 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực và khoảng 68 triệu người thoát khỏi nghèo vừa phải vào năm 2035, trong đó phụ nữ được hưởng lợi nhiều hơn nam giới. Hội nhập thương mại cũng có thể có tác động đáng kể ở cấp độ hộ gia đình và doanh nghiệp. Tổng chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng dự kiến sẽ đạt khoảng 6.700 tỷ USD vào năm 2030.

[AfCFTA sẽ là động lực cho cuộc cách mạng sản xuất tại châu Phi?]

Thương mại trong khu vực châu Phi dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong khuôn khổ AfCFTA, với xuất khẩu nội địa tăng 34% (tương đương khoảng 133 tỷ USD hàng năm) so với kịch bản không có hiệp định. Hơn nữa, khoảng 2/3 lợi nhuận thương mại nội khối châu Phi có thể sẽ được thực hiện trong lĩnh vực sản xuất. Điều này sẽ tạo tiền đề cho mối quan hệ tăng cường phúc lợi và củng cố lẫn nhau giữa thương mại nội vùng và công nghiệp hóa, dẫn đến tăng trưởng bền vững của các công việc sản xuất được trả lương cao trong khi mở rộng nguồn thu thuế của các quốc gia và cải thiện các tài khoản bên ngoài của họ.

Tuy nhiên, các hàng rào phi thuế quan đáng kể cùng với những khác biệt về quy định và các tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm dịch động thực vật và kỹ thuật khác nhau làm tăng thêm chi phí thương mại xuyên biên giới ở châu Phi ước tính khoảng 14,3%, cao hơn mức thuế trung bình là 6,9%. Loại bỏ những hạn chế này và làm sâu sắc hơn sự hội nhập của các doanh nghiệp châu Phi vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại trong nội bộ châu lục và thúc đẩy tăng trưởng.

(Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)

WB ước tính rằng việc thực hiện đầy đủ AfCFTA có thể nâng cao thu nhập thực tế của châu Phi lên 7% (khoảng 450 tỷ USD) vào năm 2035, với các biện pháp thuận lợi hóa thương mại để cắt giảm bớt nạn quan liêu và đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với phần tăng trị giá khoảng 292 tỷ USD này.

Vượt qua tình trạng thâm hụt cơ sở hạ tầng kinh niên của châu Phi - cả vật chất và kỹ thuật số, sẽ thúc đẩy sức mạnh của sáng tạo thương mại và giúp đảm bảo thực hiện thành công AfCFTA. Bằng cách giải quyết những hạn chế về nguồn cung của châu Phi, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng cường cả sản xuất và hậu cần ở một khu vực có nhiều quốc gia không giáp biển hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Khi các nhà đầu tư tìm cách tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô mà AfCFTA tạo ra, việc tích hợp thị trường và cải thiện kết nối phải là ưu tiên hàng đầu.

Làm rõ các quy tắc xuất xứ của AfCFTA - quy tắc xác định liệu sản phẩm có được miễn thuế theo hiệp định hay không, cũng là chìa khóa để đẩy mạnh công nghiệp hóa và phát triển chuỗi giá trị khu vực. Bất chấp những thách thức mà đại dịch COVID-19 đặt ra, các nhà đàm phán đã đạt được những tiến bộ đáng kể đối với thỏa thuận về quy tắc xuất xứ, sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Điều đó sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán giai đoạn hai về các động lực chính của tăng trưởng trong tương lai, bao gồm các giao thức về đầu tư, chính sách cạnh tranh và quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, như việc vội vàng ký kết các hiệp định thương mại song phương với các nước bên thứ ba cho thấy, thách thức hội nhập thương mại quan trọng nhất của châu Phi có thể chính là vấn đề đặt lợi ích chung của khu vực lên hàng đầu.

Mặc dù AfCFTA không cấm các nước thành viên tham gia các cuộc đàm phán như vậy, nhưng các thỏa thuận song phương với bên thứ ba có thể ảnh hưởng đến các mô hình thương mại của châu Phi và tạo tiền lệ cho các quy tắc thương mại và đầu tư trong khu vực.

Trên thực tế, chúng có thể dẫn đến sự chệch hướng thương mại, do điều khoản tối huệ quốc của AfCFTA tự động mở rộng các nhượng bộ thuế quan dành cho bên thứ ba đối với các thành viên AfCFTA.

Như nhà kinh tế học Jeffrey Sachs đã lập luận, “nếu châu Phi trở nên hội nhập kinh tế, thì lục địa này sẽ trở thành người lãnh đạo toàn cầu và là khu vực kinh tế lớn nhất trên thế giới."

Tính đến thời điểm này, 41 quốc gia đã phê chuẩn AfCFTA. Nhưng nếu hiệp định trở thành bệ phóng cho sự hội nhập sâu hơn của châu Phi vào nền kinh tế toàn cầu, các chính phủ phải hỗ trợ bổ sung tự do hóa thương mại bằng các biện pháp thuận lợi hóa thương mại mạnh mẽ và tăng cường điều phối khu vực để tham gia với các đối tác bên ngoài như một khối thương mại thống nhất./.