AfCFTA sẽ là động lực cho cuộc cách mạng sản xuất ở châu Phi?

Thứ hai, 07/2/2022 | 10:48 GMT+7

AfCFTA là một hiệp định thương mại đầy tham vọng nhằm hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới bằng cách kết nối gần 1,3 tỷ người của 55 quốc gia châu Phi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AU)

Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) liệu có thể đạt được tiến bộ nào trong việc loại bỏ các rào cản thương mại, làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của lục địa này?

AfCFTA là một hiệp định thương mại đầy tham vọng nhằm hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới bằng cách kết nối gần 1,3 tỷ người của 55 quốc gia châu Phi.

Hiệp định này nhằm tạo ra một thị trường duy nhất cho hàng hóa và dịch vụ để đẩy mạnh hội nhập kinh tế của châu Phi. Khu vực thương mại này có thể đạt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.400 tỷ USD. Nhưng liệu khu vực có phát huy được đầy đủ tiềm năng hay không còn phụ thuộc vào các cải cách chính sách và các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia ký kết.

AfCFTA nhằm giảm thuế quan giữa các thành viên. Hiệp định này cũng bao gồm các chính sách khu vực như tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, dịch vụ, đồng thời bao gồm các biện pháp quy định về tiêu chuẩn vệ sinh và hàng rào kỹ thuật đối với thương mại. Thỏa thuận do Liên minh châu Phi (AU) làm trung gian và được 44 trong số 55 quốc gia thành viên ký kết tại Kigali, Rwanda vào ngày 21/3/2018. Cho tới nay, quốc gia châu Phi duy nhất vẫn chưa ký thỏa thuận là Eritrea, nước có nền kinh tế đa phần là khép kín.

Theo Trung tâm Luật Thương mại Tralac, kể từ ngày 9/9/2021, 38 trong số 54 quốc gia ký kết đã gửi các văn kiện phê chuẩn lên chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi. Ban thư ký AfCFTA, một cơ quan độc lập trong AU có trụ sở tại Accra (Ghana), và do Tổng thư ký Wamkele Mene đứng đầu, chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán về AfCFTA đã kết thúc?

Giao dịch thương mại theo hiệp định bắt đầu vào ngày 1/1/2021, sau 6 tháng trì hoãn do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, AfCFTA vẫn còn các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề cần được giải quyết trước khi hiệp định có thể phát huy hết tác dụng.

[AfCFTA vẫn chưa thể mang lại kết quả như kỳ vọng cho Lục địa Đen]

Các cuộc đàm phán được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn một - thương mại hàng hóa và dịch vụ. Các cuộc đàm phán hướng tới việc phê chuẩn các công cụ pháp lý (bản thân hiệp định AfCFTA và các giao thức về thương mại dịch vụ, hàng hóa và giải quyết tranh chấp), có hiệu lực vào ngày 30/5/2019, cho phép bắt đầu giao dịch. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về nhiều chi tiết vẫn đang diễn ra. Giai đoạn hai - quyền sở hữu trí tuệ, chính sách đầu tư và cạnh tranh. Một số cuộc đàm phán đã bắt đầu. Giai đoạn ba - thương mại điện tử. Các cuộc đàm phán này sẽ bắt đầu khi giai đoạn 2 hoàn tất.

Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để xóa bỏ thuế quan đối với 90% dòng hàng hóa trong thời hạn 5 năm (10 năm đối với các nước kém phát triển nhất, hay các nước LDC). Đối với 7% các mặt hàng được coi là “nhạy cảm,” thuế quan sẽ được xóa bỏ trong thời hạn 10 năm (13 năm đối với các nước LDC). 3% mặt hàng còn lại có thể được loại trừ khỏi quy định miễn thuế, nhưng giá trị các hàng hóa này không được vượt quá 10% tổng nhập khẩu nội châu Phi.

Các cuộc đàm phán về quy định xuất xứ của hàng hóa đã xác nhận một điểm mấu chốt: “Trong khi một số quốc gia đang tranh cãi về các quy định xuất xứ nghiêm ngặt của hàng hóa để đảm bảo rằng sự ưu tiên chỉ dành cho các thành viên, thì những quốc gia khác - các nước kém phát triển nhất với năng lực sản xuất yếu hơn - ủng hộ các quy tắc linh hoạt hơn, vì các quy tắc hỗ trợ phát triển cho phép họ tìm nguồn đầu vào từ các địa điểm rẻ và cạnh tranh nhất."

Hội nhập thương mại xuyên châu Phi từ lâu đã bị hạn chế bởi biên giới và cơ sở hạ tầng giao thông lạc hậu, cũng như sự chắp vá của các quy định khác nhau trên hàng chục thị trường. Chính phủ các nước thường dựng lên các rào cản thương mại để bảo vệ thị trường của họ khỏi sự cạnh tranh trong khu vực, khiến việc buôn bán với các nước láng giềng trở nên đắt đỏ hơn so với các quốc gia ở xa.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), kim ngạch xuất khẩu nội địa châu Phi chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017, so với 68,1% của châu Âu, 59,4% của châu Á, 55% của châu Mỹ và 7% của châu Đại Dương. Thương mại nội châu Phi, được định nghĩa là mức trung bình của xuất khẩu và nhập khẩu nội châu Phi, ở mức khoảng 2% trong giai đoạn 2015-2017. Tỷ trọng xuất khẩu từ châu Phi sang phần còn lại của thế giới dao động từ 80% đến 90% trong giai đoạn 2000-2017, chỉ châu Đại Dương có mức độ phụ thuộc xuất khẩu cao hơn so với phần còn lại của thế giới trong cùng thời kỳ.

Những lợi ích dự kiến của AfCFTA

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng đến năm 2035, thu nhập thực tế thu được từ việc thực hiện đầy đủ hiệp định có thể là 7%, tương đương gần 450 tỷ USD. Đến năm 2035, tổng lượng xuất khẩu sẽ tăng gần 29% so với mô hình kinh doanh thông thường. Xuất khẩu trong lục địa sẽ tăng hơn 81%, trong khi xuất khẩu sang các nước ngoài châu Phi sẽ tăng 19%.

WB dự đoán rằng thỏa thuận có thể góp phần nâng cao đời sống của 30 triệu người nghèo cùng cực và 68 triệu người nghèo ở mức trung bình. Tuy nhiên, tác động của hiệp định sẽ không đồng đều giữa các quốc gia. Theo WB, các nước như Côte d'Ivoire và Zimbabwe có thể tăng thu nhập ở mức rất cao là 14%. Một số nước - chẳng hạn như Madagascar, Malawi và Mozambique - sẽ chỉ đạt mức tăng thu nhập thực tế thấp hơn, là khoảng 2%.

Chốt kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển Durban, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Theo phân tích của WB, trong các chính sách khu vực đã bao gồm các khu vực thương mại ưu đãi tiểu vùng (PTA), chẳng hạn như Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC).

AfCFTA sẽ đưa ra một khuôn khổ quy định chung, giảm thiểu sự phân mảnh thị trường do các bộ quy tắc khác nhau tạo ra. Thứ hai, AfCFTA sẽ là cơ hội để điều chỉnh các chính sách khu vực quan trọng đối với hội nhập kinh tế, thường được quy định trong các hiệp định thương mại. Nhưng điều đó cho đến nay vẫn chưa được đề cập trong hầu hết các PTA của châu Phi, điều mà WB đánh giá thường là nông cạn.

Các nhà hoạch định chính sách nói rằng sự di chuyển tự do của lao động sẽ là yếu tố quan trọng góp phần vào việc vận hành thành công khu vực thương mại tự do, nhưng không phải tất cả các nước châu Phi đều cam kết thực hiện điều này. Cùng với việc ký kết hiệp định AfCFTA và ủng hộ Tuyên bố Kigali, 30 quốc gia châu Phi đã ký Nghị định thư về sự Di chuyển tự do của người dân nhằm tìm cách thiết lập một khu vực miễn thị thực trong các quốc gia AfCFTA. Tuy nhiên, các nước ký kết chính của AfCFTA là Nigeria và Nam Phi vẫn chưa ký và thiếu ý chí chính trị để thực hiện Nghị định thư này.

Hướng tới cuộc cách mạng sản xuất tại châu Phi

Các tác giả của Báo cáo tương lai năm 2021 của AfCFTA nhận định rằng, AfCFTA không chỉ là một hiệp định thương mại. Nó nên được coi là một công cụ cho sự phát triển của châu Phi. Bằng cách thúc đẩy sự hội nhập của châu lục, AfCFTA sẽ tạo ra chuỗi giá trị khu vực (RVC) rộng và sâu hơn, từ đó đặt nền móng cho cuộc cách mạng sản xuất tại châu Phi.

Khi các nền kinh tế châu Phi tìm cách rời khỏi vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu thô cho phần còn lại của thế giới, và hướng tới giao dịch nhiều sản phẩm giá trị gia tăng hơn với nhau, việc phát triển RVC sẽ cho phép các quốc gia kết hợp lợi thế so sánh và cạnh tranh của họ để tham gia vào các ngành công nghiệp mà họ có thể đã bị loại trừ.

Khả năng của AfCFTA trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi này ở châu Phi một phần phụ thuộc vào sự chuyển tiếp thành công từ các phương pháp tiếp cận hướng nội hiện tại sang thương mại và đầu tư theo hướng tăng cường các chuỗi giá trị khu vực, trong đó các phân đoạn khác nhau của các chuỗi giá trị công nghiệp nằm trong khu vực phản ánh lợi thế so sánh của địa phương.

Áp dụng phương pháp đánh giá về các ưu đãi thuế quan và dịch vụ, đã được trao đổi giữa các quốc gia thành viên AfCFTA, báo cáo xác định 10 chuỗi giá trị có thể tối đa hóa các cơ hội mới là ôtô, da và sản phẩm da, cacao, đậu nành, dệt may, dược phẩm, sản xuất vaccine, pin lithium-ion, dịch vụ tài chính di động; văn hóa và công nghiệp sáng tạo.

Báo cáo nhằm mục đích giúp các chính phủ hướng mục tiêu đến các lĩnh vực họ có thể hưởng lợi từ việc gia nhập AfCFTA, và giúp các bên tham gia thị trường hiểu rõ hơn về nơi họ nên đầu tư. Báo cáo cũng đưa ra quan điểm từ các công ty điều hành các doanh nghiệp xuất khẩu trong một số chuỗi giá trị đã được xác định, tất cả đều nhằm phục vụ cho việc tạo ra một cuộc cách mạng sản xuất tại châu Phi./.