Châu Á có phải những quân cờ trên “bàn cờ cường quốc” của Mỹ?

Thứ hai, 01/8/2022 | 17:39 GMT+7

Các quốc gia châu Á cần xem xét những thay đổi bên trong của chính nước Mỹ và tính toán, “ước lượng” tốt hơn về sự “đáng tin cậy” của Washington trong những sáng kiến mới.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ ở thủ đô Tokyo, ngày 24/5/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tờ StraitsTimes đã đăng bài viết của Phó Giáo sư Simon Tay, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Singapore (SIIA), bình luận về việc các quốc gia châu Á cần làm gì khi Mỹ đưa ra các sáng kiến, nỗ lực nhằm thúc đẩy sự can dự đối với châu Á.

Theo bài viết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh sự hợp tác, can dự với châu Á. Tuy nhiên, giữa vòng xoáy của hoạt động này, những dấu hỏi đã được đặt ra không chỉ liên quan đến các vấn đề chi tiết sẽ được đàm phán, thương lượng như thế nào mà còn liên quan đến cách thức Mỹ nhìn nhận về các đối tác của mình.

Về phần mình, các quốc gia châu Á cần xem xét những thay đổi bên trong của chính nước Mỹ, và tính toán, “ước lượng” tốt hơn về sự “đáng tin cậy” của những sáng kiến mới.

Chương trình nghị sự của Tổng thống Biden đối với châu Á đang chuyển sang cấp độ cao hơn và trên nhiều khía cạnh hơn. Vào giữa tháng 5/2022, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đã được nối lại sau thời gian gián đoạn trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Trump.

Cuối tháng 5/2022, Tổng thống Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới châu Á. Điều này không chỉ đơn giản là nhằm giữ vững, duy trì mối quan hệ nồng ấm với các đồng minh lâu năm là Nhật Bản và Hàn Quốc, hay thậm chí là với Australia và Ấn Độ với tư cách là các đối tác trong cơ chế nhóm Đối thoại An ninh Bộ Tứ.

Các bước đi mới cũng đã được thực hiện. Hàn Quốc và Nhật Bản đã “sửa chữa” những khác biệt song phương của họ để xây dựng liên minh ba bên với Mỹ.

Ông Biden cũng đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), với cam kết mới nhất của Washington là vạch ra "các quy tắc mới cho nền kinh tế thế kỷ 21."

Khoảng 14 nhà lãnh đạo - trong đó có 7 nhà lãnh đạo từ ASEAN - đã đến Tokyo để tham dự việc công bố sáng kiến này.

Tuy nhiên, sáng kiến IPEF đang có nhiều vấn đề hơn là những khác biệt nhỏ, liên quan đến các tiêu chuẩn đã được thống nhất, đặc biệt là đối với vấn đề nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển.

Đã có những lời phàn nàn, than phiền về sự thiếu khả năng tiếp cận thêm đối với thị trường Mỹ. Trong bối cảnh đó, mỗi chính phủ châu Á sẽ phải tính toán lợi ích của riêng quốc gia mình.

Những "quân cờ" trên bàn cờ “cường quốc”

Các mối quan hệ song phương với Mỹ thường được xem như một chức năng của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã cảnh báo các nước chỉ là "quân cờ" trên bàn cờ “cường quốc.” Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ các sáng kiến của ông Biden, cho rằng mục đích và ý định của Mỹ chỉ là tạo ra một liên minh theo kiểu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Điều này không hoàn toàn là không có cơ sở. Hãy xem xét chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine. Đây là một vấn đề toàn cầu với các tác động nghiêm trọng đối với giá cả mặt hàng năng lượng và lương thực, gây ra lạm phát và làm căng thẳng các chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, cách giải thích của người Mỹ về cuộc xung đột này đã gây nhiều tranh cãi. Các quan chức chính quyền ông Biden phần lớn tuyên bố về tình hữu nghị Trung-Nga là "không có giới hạn," với sự cảnh giác rằng bất kỳ thực thể nào ở Trung Quốc đều có thể cung cấp những sự hỗ trợ cho Moskva.

Một khuynh hướng như vậy có thể giành được sự hoan nghênh ở phương Tây, nhưng có nguy cơ không được lắng nghe ở nhiều thủ đô tại châu Á.

Mỹ có những vấn đề riêng

Mức độ xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Biden hiện tại lại tiếp tục suy giảm.

Thêm vào đó, lạm phát tăng vọt đang gây tổn hại cho người dân bình thường. Hầu hết mọi người đều dự đoán rằng ít nhất là đảng Dân chủ sẽ mất Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay, làm cản trở bất kỳ chương trình nghị sự lập pháp nào mà chính quyền ông Biden có thể đề xuất.

Đồng thời, quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược lại phán quyết Roe v Wade (phán quyết năm 1973 công nhận quyền phá thai của phụ nữ theo Hiến pháp và hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc) đã đặt tâm điểm sự chú ý vào một sự phân hóa lâu đời khác trong xã hội Mỹ.

[Quốc hội Mỹ thúc đẩy tăng chi ngân sách cho khu vực Ấn Độ Dương-TBD]

Các cuộc biểu tình, và cả các đảng phái, hội nhóm, đang được tổ chức bởi các phe cánh khác nhau. Nước Mỹ ngày nay đang phải gánh chịu một sự chia rẽ chính trị sâu sắc và không thể kiềm chế, giống như một cuộc nội chiến và không phải không có súng đạn.

Có thể nói, mặc dù không có điều gì trong số này cho thấy Washington sắp thất bại. Nước này vẫn còn nhiều lĩnh vực đang dẫn đầu thế giới như về tài chính với đồng USD, năng lực quân sự và giáo dục, cũng như trong một số khía cạnh của nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn hiện tại trong chính trị nội địa Mỹ là điều mà những người châu Á sẽ cần phải xem xét một cách thực tế về tính ổn định và mức độ tin cậy.

Quy tắc quốc tế hay quy tắc của Mỹ?

Rõ ràng là cần có các quy tắc và tiêu chuẩn để chi phối các khía cạnh mới của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Thế giới có nhiều cơ hội mới để tăng trưởng và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi chính quyền ông Biden tiếp cận với các nhóm mới và khác nhau này cũng như các quy tắc mới, thì không nghi ngờ gì Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các quy tắc quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và sau Chiến tranh Lạnh.

Những quy tắc đó đã được nhiều người, bao gồm cả cố Thủ tướng sáng lập Singapore Lý Quang Diệu chấp nhận, coi đó là những quy tắc mà các quốc gia khác có thể thực hiện và đạt được. Trong thời đại đó, Mỹ đóng vai trò cường quốc.

Tuy nhiên, sau những năm cầm quyền của ông Trump, những quan điểm như vậy lại có vẻ ngây thơ.

Câu khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" vẫn tiếp tục được thực hiện và tập hợp các lực lượng đã đưa ông Trump lên nắm quyền, và rất có thể chứng kiến sự hồi sinh trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Không có khu vực bầu cử nào ở Mỹ thể hiện rõ ràng ủng hộ, hỗ trợ sự tiếp cận thị trường nói riêng và tự do thương mại nói chung. Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có thể sẽ quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định do chính quyền cựu Tổng thống Obama khởi xướng và thúc đẩy tiến tới và sau đó được Nhật Bản và các nước khác hoàn tất.

Hơn nữa, có một xu hướng mới đối với Mỹ là sử dụng các lý do về an ninh và chính trị làm ngoại lệ đối với các quy tắc kinh tế và thị trường công bằng.

Hãy xem xét số phận của tập đoàn công nghệ Huawei và việc tập đoàn này bị loại khỏi các hợp đồng và chuỗi cung ứng dựa trên những lo ngại về an ninh của Mỹ.

Cũng cần nhớ lại quyết định năm 2018 của Washington không cho phép Broadcom có trụ sở tại Singapore mua lại nhà sản xuất chip Qualcomm - một lần nữa vì lý do an ninh.

Một sự quay trở lại của người Mỹ để can dự vào châu Á là điều đáng hoan nghênh, thực sự là điều cần thiết. Nhưng song song với đó, các quốc gia nên tìm những cách khác để thúc đẩy hợp tác và các quy tắc mới.

Các nỗ lực đó có thể tập trung vào ASEAN như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các sáng kiến cũng có thể bắt đầu với quy mô nhỏ giữa hai hoặc ba quốc gia, như Singapore đang làm với Chile và New Zealand về nền kinh tế kỹ thuật số và với Australia về thỏa thuận kinh tế xanh.

Vẫn còn những liên kết khác có thể được thúc đẩy với các nhóm như Liên minh châu Âu hoặc thậm chí là Liên minh Thái Bình Dương ở Nam Mỹ.

Nhiều người châu Á vẫn là bạn, là đồng minh và chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục đưa ra các sáng kiến của mình một cách nghiêm túc, triển khai các công cụ thuyết phục đồng thời cả gây sức ép.

Tuy nhiên, người châu Á cần phải dừng lại để xem xét nếu những gì được đề xuất là phiến diện “một chiều” và không phù hợp với lợi ích và mối quan tâm của họ, hoặc có vẻ không nhất quán và có khả năng không đáng tin cậy.

Khi người Mỹ kêu gọi, các nước châu Á lắng nghe. Nhưng không có gì đảm bảo rằng câu trả lời từ người châu Á sẽ là tích cực./.