Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh năng lượng toàn cầu

Thứ bảy, 04/6/2022 | 16:19 GMT+7

Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến quá trình hội nhập của lục địa Á-Âu bị gián đoạn đột ngột, có nguy cơ làm thay đổi cấu trúc năng lượng thế giới, buộc nhiều nước phải phát triển nguồn năng lượng riêng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng Bình luận Trung Quốc, căng thẳng Nga-Ukraine là sự kiện lịch sử làm thay đổi cấu trúc thế giới.

Căng thẳng này đã khiến quá trình hội nhập của lục địa Á-Âu bị gián đoạn đột ngột và thậm chí có nguy cơ làm thay đổi cấu trúc năng lượng thế giới, buộc nhiều quốc gia phải phát triển nguồn năng lượng xanh của riêng mình nhanh nhất có thể.

Với EU: Năng lượng xanh là giải pháp cần nhưng chưa đủ

Mỹ đã đề nghị các nước trong Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt đối với Nga. Kết quả là các nước EU như Đức đã giảm hoặc từ chối mua khí đốt tự nhiên của Nga.

Tuy nhiên, điều này khiến những nước này phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Nga đã đóng đường ống dẫn khí đến Ba Lan, Bungaria và Ba Lan đã phải chuyển sang mua khí đốt từ Đức, vốn cũng có nguồn gốc từ Nga. Nếu tình hình này kéo dài, sẽ có thêm các nước EU phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không đủ nguồn cung năng lượng. Cuối cùng, họ cũng sẽ phải chịu áp lực kinh tế lớn do giá năng lượng tăng.

Pháp không liên quan nhiều đến cuộc khủng hoảng năng lượng vì hơn 70% điện năng của Pháp được sản xuất bởi các nhà máy năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc bảo trì định kỳ các nhà máy năng lượng hạt nhân đã làm nảy sinh vấn đề thiếu năng lượng ở Pháp.

Hiện Pháp đã phải mua điện từ các nước khác. Điều này cho thấy Pháp, từng là nước tự chủ về năng lượng, cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tổng thống Mỹ đã ký thỏa thuận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels về cam kết cung cấp khí đốt hoá lỏng cho các nước EU. Điều này cho thấy các nước EU không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào Mỹ.

Các quan chức Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rằng căng thẳng ở Ukraine sẽ tiếp diễn. Nếu điều này thật sự xảy ra, xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ chịu áp lực, còn các nước EU sẽ phải tìm kiếm nguồn cung năng lượng lâu dài từ các khu vực khác trên thế giới.

Khả năng có thể xảy ra nhất là EU phải xem xét các phương án đẩy nhanh tốc độ phát triển năng lượng xanh. Các nước ở khu vực Scandinavia đang nhanh chóng phát triển năng lượng gió ngoài khơi và một số nước EU chọn phát triển năng lượng Mặt Trời.

Những nguồn năng lượng xanh này có thể làm giảm nhu cầu cấp thiết của các nước châu Âu ở mức độ nào đó, nhưng trong ngắn hạn, do quy mô đầu tư lớn và đặc biệt là do nguồn cung điện năng không ổn định, các nước châu Âu khó có thể dựa vào năng lượng xanh để tránh phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga.

Căng thẳng Nga-Ukraine có thể sẽ tiến triển từ xung đột địa chính trị thành một cuộc chiến về năng lượng. Trong một bài phát biểu, một quan chức Anh đã nói rằng Nga là quốc gia có lãnh thổ rộng lớn và nguồn năng lượng dồi dào, do đó các nước phương Tây nên sử dụng biện pháp quyết đoán để phá hủy ngành năng lượng của Nga và biến nước này thành một nước phương Đông không còn năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, giả định là các nước phương Tây cố gắng phá hủy ngành năng lượng truyền thống của Nga và biến Nga thành một nước phương Đông không còn năng lực đe dọa phương Tây. Khi đó, người ta có thể hình dung Nga sẽ đáp trả như thế nào?

Trung Quốc: Thế lực, quyền lực mới?

Trong khi đó, một cán cân quyền lực khác trên thị trường năng lượng nằm ở châu Á. Trung Quốc là nước thiếu hụt năng lượng. Hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu một khối lượng lớn dầu và khí đốt tự nhiên từ Trung Đông và Nga. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ củng cố nguồn cung năng lượng và cố gắng tự chủ năng lượng.

Trung Quốc đã và đang thăm dò, khai thác thêm dầu, khí đốt ở khu vực phía Tây, cũng như xây dựng các hạ tầng năng lượng ở ngoài khơi. Trong tương lai, chiến lược phát triển năng lượng của Trung Quốc sẽ dựa vào thủy điện và tập trung phát triển điện Mặt Trời, điện gió, điện địa nhiệt và điện hạt nhân. Trung Quốc đang giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng với tốc độ chưa từng có. Khi có thể tự chủ về năng lượng, Trung Quốc sẽ có thể tự tin hơn trong công cuộc phát triển của mình.

Điều Trung Quốc lo ngại là căng thẳng tại Ukraine sẽ biến thành một cuộc chiến năng lượng trên toàn thế giới. Để có môi trường phát triển hòa bình, Trung Quốc hy vọng các bên liên quan sẽ chấm dứt căng thẳng ở Ukraine càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, xét từ tình hình hiện thời, điều này khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cần hướng đến việc nghiêm túc bảo đảm an ninh năng lượng của mình thông qua một số cách thức.

Thứ nhất, Trung Quốc nên có các biện pháp thiết thực và hiệu quả để cảnh báo một số nước nhất định rằng nếu họ làm ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng và phá hủy các cơ sở hạ tầng năng lượng của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đáp trả ngay lập tức. Cần lưu ý rằng khu vực duyên hải Trung Quốc là khu vực phát triển nhất về kinh tế của Trung Quốc và cũng là cơ sở năng lượng của nước này.

Ngoài ra, bố cục chiến lược của Trung Quốc cũng nên được xem xét lại, tất cả nguồn lực không nên được đặt ở những thành phố lớn dọc bờ biển vì như vậy sẽ đối mặt với những rủi ro rất lớn.

Trung Quốc nên giảm dần đầu tư quy mô lớn vào các thành phố duyên hải phía Đông và phân bổ một số nguồn lực vào các khu vực miền Trung và miền Tây. Chỉ bằng cách này, Trung Quốc mới có thể phát triển cân bằng và an ninh năng lượng của Trung Quốc mới có thể được đảm bảo.

Thứ hai, Trung Quốc nên tăng cường hợp tác với các nước xuất khẩu năng lượng, tiếp tục áp dụng chiến lược đa dạng hóa nguồn năng lượng để đảm bảo nguồn cung năng lượng quốc gia không bị đe dọa nghiêm trọng nếu căng thẳng ở Ukraine kéo dài.

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh đã có từ lâu, nhưng trước kia Trung Quốc nhập khẩu ít năng lượng từ các nước này do tuyến đường vận chuyển xa và chi phí tương đối cao. Trong tương lai, Trung Quốc nên tăng cường hợp tác năng lượng với các nước Mỹ Latinh. Đồng thời, Trung Quốc nên củng cố hơn nữa hợp tác năng lượng với các nước Trung Đông, đặc biệt là với Iran để đảm bảo nguồn nhập khẩu năng lượng quốc gia không bị ngăn cản nhiều do xung đột giữa các nước lớn.

Thứ ba, Trung Quốc có thể cân nhắc chiến lược đổi trang thiết bị quân sự lấy năng lượng. Trung Quốc có những lợi thế nhất định trong việc sản xuất các trang thiết bị quân sự truyền thống và cũng đã tích lũy số lượng lớn tên lửa và súng phóng rocket truyền thống.

Khi cần thiết, Trung Quốc có thể tăng xuất khẩu trang thiết bị quân sự cho các nước phù hợp hoặc điều chỉnh trang thiết bị quân sự cho phù hợp với nhu cầu của một số nước để đổi lấy nguồn năng lượng mà mình cần. Quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc đã tiến vào giai đoạn then chốt, giá năng lượng tăng chắc chắn sẽ gây ra tác động nghiêm trọng tới kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc đã xóa thuế quan đối với than đá nhập khẩu và trong tương lai nước này sẽ tiếp tục điều chỉnh thuế quan đối với các loại năng lượng nhập khẩu, mục đích là nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng để nền kinh tế có thể duy trì động lực tăng trưởng.

Thứ tư, Trung Quốc cần đẩy nhanh việc xây dựng thị trường nội địa, không đóng cửa nền kinh tế. Trung Quốc là nước sản xuất lớn nhất thế giới, đại đa số hàng hoá Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu. Do đó, Trung Quốc nên củng cố quan hệ với các đối tác thương mại của mình và duy trì vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trên thị trường thương mại quốc tế, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có thể được thay thế dễ dàng. Nếu các nước khác cũng xuất khẩu các sản phẩm như của Trung Quốc, sẽ rất khó để các công ty Trung Quốc tăng xuất khẩu. Vì vậy, cần có các biện pháp thực tiễn, hiệu quả để khôi phục việc làm và sản xuất sớm nhất có thể, đồng thời tăng cường nguồn cung năng lượng để đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc.

Thứ năm, Trung Quốc phải đối mặt với tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, những bước phát triển và thay đổi trong quan hệ quốc tế cần phải được tính tới khi hoạch định chiến lược năng lượng. Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính và đã thiết lập một vòng bao vây chiến lược để kiềm chế nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng thi hành các chính sách mang tính phân biệt đối với đầu tư của Trung Quốc, nhiều công ty Trung Quốc đã phải đối mặt với những khoản phạt khổng lồ ở Ấn Độ.

Trong khi đó, hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang duy trì áp lực lớn lên tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc. Do đó, nước này nên cân nhắc chiến lược thay thế xuất khẩu. Một mặt, Trung Quốc cần giảm mức độ phụ thuộc vào thương mại, mặt khác, mở các thị trường khác để đảm bảo doanh nghiệp Trung Quốc không gặp vấn đề khi thị phần suy giảm.

Tuy nhiên, rất khó để tìm được một thị trường lớn thay thế Mỹ và EU. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc nên định hướng cho các doanh nghiệp Trung Quốc chuẩn bị cả hai mặt. Một là tăng cường tính cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu để đạt được lợi nhuận cao hơn. Hai là chuẩn bị sẵn sàng chuyển đổi để ứng phó với các thách thức bên ngoài sắp tới.

Thứ sáu, ASEAN đã trở thành tâm điểm chú ý của Trung Quốc và Mỹ, Mỹ đã liên tục cử các quan chức cấp cao đến thăm các nước Đông Nam Á và đang cố gắng xây dựng một khung hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cần theo dõi sát chiến lược địa chính trị của Mỹ ở khu vực này. Điều này một phần là vì ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng vì những động thái chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không phải nhằm mở rộng thị phần của Mỹ, mà là để ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc.

Trung Quốc nên có các biện pháp thực tiễn, hiệu quả để củng cố quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Trên cơ sở hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư truyền thống, dần dần phát hiện và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, vì chỉ bằng cách này mới có thể hình thành nên một cộng đồng chung vận mệnh thực sự. Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vốn đã có những lợi thế từ trước và cội nguồn của một số con sông ở nhiều nước ASEAN bắt nguồn từ Trung Quốc.

Lan Thương và Mekong đã trở thành một con sông quốc tế kết nối Trung Quốc và các nước ASEAN. Trung Quốc có thể xem xét việc xây dựng một nhà máy thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Lan Thương và mời các nước liên quan đến sông Mekong tham gia.

Một mặt, điều này có thể gia tăng độ minh bạch trong việc hợp tác và biến dòng sông Lan Thương-Mekong thực sự trở thành một mối liên kết giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Mặt khác, trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích và rủi ro, các bên liên quan có thể chia sẻ lợi ích từ việc phát triển con sông quốc tế này.

Chính phủ Trung Quốc có thể cân nhắc cùng với các nước liên quan khác đầu tư phát triển và chia sẻ lợi ích từ việc xây dựng các nhà máy thủy điện quy mô lớn trên dòng chính và các nhánh phụ của sông Lan Thương-Mekong dựa trên khuôn khổ các cơ chế hợp tác đã có.

Nếu Trung Quốc và các nước ASEAN tiến hành hợp tác năng lượng toàn diện trên cơ sở hợp tác thương mại truyền thống, thì một số nước như Mỹ sẽ rất khó cản trở mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN./.