Báo Ấn Độ nhận định về những tham vọng kinh tế của BRI

Thứ hai, 30/5/2022 | 16:24 GMT+7

Theo bài viết trên firstpost.com, BRI đã không hiệu quả ở một số quốc gia, chẳng hạn như Sri Lanka đã rơi vào “bẫy nợ” và buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng nổi tiếng tại Hambantota trong 99 năm.

Cảng Hambantota của Sri Lanka cho Trung Quốc thuê 99 năm. (Nguồn: thehindu.com)

Trang web truyền thông và tin tức Ấn Độ Firstpost.com vừa đăng bài viết của nguyên Hiệu trưởng trường Đại học JNU (Ấn Độ) Chintamani Mahapatra, trong đó nhận định về sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Tác giả cho rằng một trong những dự án lớn nhằm duy trì quyền bá chủ của Trung Quốc là sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được giới thiệu cách đây khoảng 9 năm. Đó là một phần trong chiến lược biến Trung Quốc thành trung tâm của một thế giới thu nhỏ, một trung tâm với nhiều nan hoa trải khắp các khu vực Nam và Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, châu Phi và sau đó là châu Âu.

Tham vọng này thậm chí còn được lan rộng ra cả khu vực Mỹ Latinh.

Một tương lai với “vận mệnh chung...”

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói về một tương lai với “vận mệnh chung” là các quốc gia sẽ vay vốn, công nghệ, quản lý, kỹ sư và lao động của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm duy trì kết nối với Trung Quốc.

Ý tưởng vành đai, nhằm kết nối các quốc gia mà con đường tơ lụa cổ đại đi qua, đã lần đầu tiên được đưa ra ở Kazakhstan, và khái niệm về con đường nhằm kết nối các quốc gia thông qua không gian hàng hải, được Tổng thống Indonesia đưa ra ở Indonesia năm 2013.

Bốn năm sau, các nhà lãnh đạo của khoảng 60 quốc gia được mời tới Bắc Kinh tham dự một sự kiện lớn, nơi BRI được công bố với sự trang trọng và nghi thức. Trong khi ngay cả Mỹ, một số quốc gia châu Âu và Nhật Bản cử đại diện, thì nước được mời duy nhất từ chối tham dự sự kiện về BRI là Ấn Độ.

Trong một vài năm, một số lượng lớn các quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Trung Quốc và bày tỏ sẵn sàng tham gia dự án BRI. Các nền kinh tế láng giềng của Ấn Độ, chẳng hạn như Sri Lanka, Nepal, Bangladesh, Maldives cũng bày tỏ sự quan tâm.

 … không thành công như mong đợi

Tuy nhiên, một loạt những phát triển khác trong những năm gần đây dường như đã “bóp nghẹt” giấc mơ Trung Quốc và mang lại những thách thức đáng kể cho dự án BRI.

Thứ nhất, cuộc chiến thuế quan do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng và được tiếp tục bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tác động trực tiếp đến kinh tế Trung Quốc.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Trung Quốc trên thế giới mà còn dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và từ đó kéo theo cả câu chuyện tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

[Lý do căng thẳng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vẫn bế tắc]

Tất nhiên, thách thức đáng nói nhất đối với khái niệm BRI là kết quả không hiệu quả ở một số quốc gia, chẳng hạn như Sri Lanka đã rơi vào “bẫy nợ” và buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng nổi tiếng tại Hambantota được xây dựng như một phần của dự án BRI trong 99 năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng BRI phải chịu một phần trách nhiệm cho tình trạng bất ổn kinh tế và xung đột dân sự hiện nay ở Sri Lanka.

Dự án BRI không minh bạch, không có điều khoản bảo vệ môi trường và là sáng kiến đơn phương do Trung Quốc quyết định duy nhất.

Một số lượng lớn các nước đang phát triển đã sớm bị dự án BRI hấp dẫn với hy vọng nhận được hỗ trợ vốn để phát triển hạ tầng mà không cần ràng buộc nhiều.

Những hậu quả có thể nhìn thấy của các dự án BRI ở một số quốc gia dường như có tác động theo tầng dẫn đến việc nhận thức muộn các mối nguy hiểm liên quan đến những dự án như vậy.

Nepal đã không thể thực hiện một dự án BRI nào trong nhiều năm sau khi ký kết hiệp định. Sri Lanka, Nepal, Bangladesh, Kenya, Nigeria và một số quốc gia ở Đông Âu đã và đang chứng kiến sự phản kháng của người dân địa phương đối với các dự án Trung Quốc.

Hậu quả kinh tế của đại dịch và cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng đã tạo ra rào cản cho việc triển khai ổn định các dự án BRI. Một diễn biến đáng hoan nghênh là các nước đang phát triển đang dần nhận ra lý do tại sao Ấn Độ đứng ngoài BRI vốn ít tôn trọng nguyên tắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Gần đây, có một số dự án đáng chú ý là dự án “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) của Nhóm G7 đang tìm cách huy động hơn 40.000 tỷ USD nhằm cung cấp một giải pháp thay thế cho các dự án BRI của Trung Quốc.

Ngoài ra là đề xuất "Cổng toàn cầu" của Liên minh châu Âu với hơn 300 tỷ euro để cạnh tranh với các dự án BRI của Trung Quốc và sự hợp tác giữa Nhật Bản-Ấn Độ để xây dựng “Hành lang tăng trưởng Á-Phi.”

Tuy nhiên, điều cần thiết không chỉ là các kế hoạch lớn mà còn là sự quyết tâm thực hiện những dự án này, để trật tự toàn cầu được thiết lập dựa trên quy tắc và sự phát triển cơ sở hạ tầng bền vững cũng như khả năng chi trả của những quốc gia đang phát triển./.