Lý do căng thẳng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vẫn bế tắc

Thứ hai, 21/3/2022 | 14:55 GMT+7

Các chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã gặp nhau trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 15 nhưng đàm phán đã kết thúc mà không mang lại đột phá nào.

Binh sỹ Ấn Độ tuần tra gần khu vực Ladakh, ngày 28/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin ngày 11/3, các chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã gặp nhau trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 15 về vấn đề rút quân khỏi các "điểm xung đột" dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Ladakh.

Các cuộc đàm phán, được tổ chức tại điểm họp ở biên giới Chushul-Moldo thuộc phía Ấn Độ trên LAC, đã kết thúc mà không mang lại đột phá nào.

Đây là cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, sự kiện mà nhiều người trong hệ thống an ninh Ấn Độ lo ngại có thể gây tác động đến cuộc tranh chấp ở biên giới của nước này với Trung Quốc.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xuống cấp nghiêm trọng kể từ tháng 5/2020, khi binh lính Trung Quốc xâm nhập vào phần lãnh thổ của Ấn Độ trên đường biên giới tranh chấp ở Ladakh.

[Đàm phán Trung Quốc-Ấn Độ về biên giới Ladakh không đạt tiến triển]

Đã có 15 vòng đàm phán đã diễn ra trong 22 tháng qua, và những kết quả đạt được là các cuộc rút quân khỏi Thung lũng Galwan (tháng 7/2020), các bờ Nam và Bắc của Pangong Tso (tháng 2/2021) và Trạm Gogra (tháng 8/2021).

Thỏa thuận về việc rút quân khỏi 3 “điểm xung đột” khác - Suối nước nóng, Đồng bằng Demchok và Depsang - vẫn chưa đạt được.

Suối nước nóng hoặc Điểm tuần tra (PP 15), nằm gần sông Chang Chenmo trong tiểu vùng Galwan của LAC, là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của vòng đàm phán thứ 15.

Các nhà phân tích Ấn Độ trích dẫn các nguồn tin quân sự mô tả vấn đề ở Suối nước nóng là "quả dễ hái" và một giải pháp xử lý là trong tầm tay.

Rõ ràng, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí về việc rút quân khỏi Suối nước nóng vào tháng 7/2020 và mặc dù tiến trình rút quân đã bắt đầu, nhưng phía Trung Quốc đã không hoàn tất quá trình này. Kết quả là hai bên có “hai nhóm binh sĩ nhỏ đóng quân đối diện nhau tại PP 15.”

Cũng rõ ràng là "sự nhận thức rộng rãi về cách giải quyết" xung đột tại Suối nước nóng đã đạt được trong vòng đàm phán thứ 14 hồi tháng Một.

Điều này củng cố hy vọng rằng một thỏa thuận về Suối nước nóng sẽ đạt được tại vòng 15. Tuy nhiên, điều ấy đã không xảy ra.

Mặc dù không có đột phá nào đạt được tại vòng đàm phán thứ 15, song hai bên cũng đã ra được một tuyên bố chung vào cuối buổi họp, và đây cũng coi như là một thành quả nếu so với vòng thứ 13 vào tháng 10 năm ngoái, vốn đã kết thúc bằng những lời cáo buộc lẫn nhau và những tuyên bố mâu thuẫn mà trong đó hai bên đả kích lẫn nhau.

Tại vòng đàm phán lần này, tuyên bố đưa ra có vẻ khá tích cực. Hai bên đã "tiếp tục thúc đẩy những câu chuyện của họ" từ vòng trước được tổ chức hôm 22/1.

Họ nhất trí tạm thời duy trì an ninh và ổn định ở thực địa và tiếp tục "đối thoại thông qua các kênh quân sự và ngoại giao để đạt được một giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận trong thời gian sớm nhất."

Tuy nhiên, 3 vòng đàm phán mới nhất vẫn chưa đem lại được thỏa thuận nào về việc rút quân. Lần cuối mà một thỏa thuận tương tự đạt được là tại vòng đàm phán thứ 12 vào tháng 8/2021, khi hai bên nhất trí rút quân khỏi Trạm Gogra.

Trái ngược với các thông tin cho rằng việc đạt được một giải pháp rút quân tại Suối nước nóng sẽ dễ dàng, thực chất vấn đề này đang chứng tỏ là một "chướng ngại vật."

Các cựu quan chức quân sự cho biết đây là một khu vực quan trọng đối với cả hai bên.

Harcharanjit Singh Panag, một trung tướng đã nghỉ hưu trong Quân đội Ấn Độ, viết trên Twitter: "Quả dễ hái ư? Địa lý của khu vực này khiến nó trở nên quan trọng như Đồng bằng Depsang, nếu không muốn nói là hơn. Hãy nhớ là vào năm 1959, cuộc đụng độ đầu tiên đã diễn ra ở đây!”

Các nhà phân tích Ấn Độ đang nói rằng người Trung Quốc đã dứt khoát từ chối thảo luận về việc rút quân khỏi Depsang. Quân đội Trung Quốc được cho là đã chiếm ngã ba chữ Y thuộc phía Ấn Độ trên đường LAC, cắt đứt quyền tiếp cận của binh sỹ Ấn Độ tới 5 điểm tuần tra tại khu vực có tính chiến lược cao này.

Người Trung Quốc cũng đã dựng một số lều ở khu vực Demchok bên phía Ấn Độ và không chịu rút đi.

Với giá trị chiến lược to lớn của Suối nước nóng, Demchok và Depsang, có lẽ khó mà thuyết phục được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thay đổi lập trường tại các cuộc đàm phán.

Và có thể là quyết định rút quân khỏi Suối nước nóng, Depsang và Demchok sẽ phải được đưa ra ở cấp chính trị cao nhất, vì các cuộc đàm phán hiện tại ở cấp tư lệnh quân đoàn đã không thể phá vỡ thế bế tắc.

Trong khi đó, các nhà phân tích Ấn Độ đang lôi kéo sự chú ý vào những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với tư thế sẵn sàng phòng vệ của Ấn Độ và tình hình tại LAC.

Trong khi một số người không loại trừ khả năng Trung Quốc sử dụng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng ở Đông Âu để âm thầm thâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Ấn Độ, vượt qua LAC tại các điểm khu vực chiến lược khác và củng cố vị thế của mình ở những nơi như Depsang, thì một số khác đang nhấn mạnh về những tác động lâu dài đối với nguồn cung ứng quân sự của Nga cho Ấn Độ.

Khí tài quân sự của Ấn Độ chủ yếu phụ thuộc vào Nga. Liệu nguồn cung cho Ấn Độ có bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Moskva? Nếu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine kéo dài, năng lực của nước này trong việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng của Ấn Độ sẽ bị suy giảm. Hơn nữa, sự phụ thuộc của Moskva vào Trung Quốc về mặt hỗ trợ ngoại giao và quân sự sẽ ngày càng lớn.

Nếu xung đột biên giới với Trung Quốc leo thang trong những tháng tới, Ấn Độ có thể không nhận được sự hỗ trợ của Nga nhiều như trước đây. Ấn Độ có thể sẽ phải đơn độc đối phó với Trung Quốc.

Sự bế tắc trên bàn đàm phán là lý do khiến Ấn Độ quan ngại sâu sắc./.