Nước Mỹ trên đường tìm kiếm một vị thế toàn cầu mới

Thứ hai, 13/9/2021 | 17:43 GMT+7

Sự nhấn mạnh của Tổng thống Biden về ý nghĩa rộng lớn hơn của chính sách đối ngoại Mỹ làm nổi bật sự chuyển hướng của Mỹ, hướng đến việc sử dụng sức mạnh quân sự một cách kiềm chế và thận trọng hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ hơn 24 giờ sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Kabul và hoàn thành cuộc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố bắt đầu một chương mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 31/8, ông Biden nói: “Quyết định này không chỉ liên quan đến Afghanistan, đây là về việc kết thúc kỷ nguyên của các hoạt động quân sự lớn nhằm tái thiết các quốc gia khác.”

Theo tờ Financial Times ngày 3/9, nhận xét của ông Biden không mới lạ. Sự hoài nghi của ông về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã có từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và mong muốn của ông đã được đưa ra trong cam kết chiến dịch bầu cử năm 2020, đồng thời cũng là ưu tiên kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng tháng 1/2021.

Tuy nhiên, bản chất của việc rút quân và sự nhấn mạnh của ông Biden về ý nghĩa rộng lớn hơn của chính sách đối ngoại Mỹ đang thu hút sự quan tâm từ khắp Washington và thế giới, làm nổi bật lên sự chuyển hướng của Mỹ trong vài năm qua, hướng đến việc sử dụng sức mạnh quân sự một cách kiềm chế và thận trọng hơn.

Các ưu tiên "giờ đã khác"

Đối với những người ủng hộ cách tiếp cận của ông Biden, động thái này phản ánh những gì họ coi là sự hiệu chỉnh lại đối với chính sách an ninh quốc gia Mỹ, sau những cuộc xung đột không có kết quả và tốn kém kéo dài trong hai thập kỷ qua.

Họ tin rằng sự thay đổi này sẽ mang lại cho các quan chức Mỹ và quân đội nhiều không gian để tập trung vào việc đối đầu với các đối thủ chiến lược lớn như Trung Quốc và Nga, đồng thời đương đầu với những thách thức toàn cầu như khủng hoảng khí hậu, mà không bị sa lầy vào các cuộc xung đột có kết thúc mở, đặc biệt là ở Trung Đông.

Trong khi đó, những người khác lo lắng rằng ông Biden đang mở ra một kỷ nguyên Mỹ với nhiều rủi ro hơn, với việc tạo cho các đối thủ sự tự tin và khiến các đồng minh dễ bị tổn thương nhất cảm thấy lo lắng và làm mất đi một số hy vọng về sự trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu mạnh mẽ của Mỹ sau 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

[Chính trường Mỹ đón chờ cơn bão mới sau khủng hoảng ở Afghanistan]

Tom Donilon, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Quyết định của Tổng thống Biden cho thấy Mỹ không còn có lợi ích khi tiếp tục một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ ở Afghanistan, vốn đang phải trả giá bằng mạng người và kinh tế. Các ưu tiên giờ đã khác.”

Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói rằng điểm cốt lõi trong “tầm nhìn” về chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden vẫn giống nhau kể từ những ngày ông còn ở Thượng viện. Ông Sullivan chỉ ra các thành phần chính của chính sách đối ngoại: “Một nước Mỹ mạnh mẽ hợp tác với các đối tác và đồng minh để ủng hộ các giá trị chung, thúc đẩy lợi ích chung.”

Các cựu quan chức và nhà ngoại giao Mỹ nói rằng việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan diễn ra suôn sẻ hơn sẽ khiến người ta yên tâm hơn và nhất quán với lời của ông Sullivan. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ đã bị bất ngờ bởi sự thần tốc của Taliban và phải xin thêm thời gian để sơ tán công dân của họ, một điều được cho là đã làm suy giảm niềm tin vào Mỹ.

Những tình huống khó xử

Bà Mara Rudman, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho biết: “Việc duy trì và xây dựng uy tín của Mỹ với các đồng minh cũng như đối thủ sẽ là thách thức chính mà chính quyền ông Biden phải đối mặt, sau khi rút quân khỏi Afghanistan.”

Tuy nhiên, không rõ rằng tất cả các vết rạn nứt và xích mích liệu có được hàn gắn gắn một cách nhanh chóng hay không. “Đối với các đồng minh phương Tây, việc này sẽ thúc đẩy một cuộc thảo luận nghiêm túc ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nơi khác về ý nghĩa của việc thực hiện các hoạt động lớn trong tương lai,” một nhà ngoại giao của châu Âu cho biết.

Michael McKinley, cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan và là một cựu quan chức ngoại giao kỳ cựu cho rằng, việc Mỹ rời khỏi Afghanistan không nên “tác động đến phần còn lại của thế giới”. Tuy nhiên, sự rút lui ở Afghanistan khiến chính quyền ông Biden buộc phải thành công với phần còn lại của chính sách đối ngoại và các mục tiêu trong nước."

“Câu hỏi thực sự là chương trình nghị sự rộng lớn hơn có cơ sở không?” ông McKinley nhận định và đặt câu hỏi liệu Mỹ có đang tái hòa nhập thành công với các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, công nghệ, ứng phó với đại dịch và phát triển một chiến lược chặt chẽ để đối phó với Trung Quốc và Nga không?

Ở Mỹ, ông Biden nhấn mạnh vào các kế hoạch của mình về chương trình cơ sở hạ tầng 1,2 tỷ USD, gói chi tiêu xã hội 3,5 tỷ USD và tăng thuế đối với các công ty và người giàu. Đây được coi là các vấn đề rất quan trọng đối với nỗ lực của Mỹ trong việc thách thức các đối thủ quốc tế trên mặt trận kinh tế.

Nathalie Tocci, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Rome, cho rằng chiến lược của ông Biden “có ý nghĩa đối với một siêu cường đang suy tàn tương đối”. Nhưng khi Mỹ thận trọng hơn trong việc triển khai lực lượng quân sự, Washington có thể phải đối mặt với tình huống khó xử tương tự như các nước châu Âu phải đối mặt.

“Chúng tôi [ở châu Âu] không biết phải làm gì với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi không biết phải làm gì với Belarus. Đó không chỉ là về Afghanistan”. Bà Tocci cho biết: "Chúng tôi không biết phải làm gì ở một số nơi như vậy trong một thời gian dài. Chúng tôi cũng không có câu trả lời, nhưng chúng tôi cần phải tìm ra”./.

(Vietnam+)