Các nước lớn nhìn nhận thế nào về Thế vận hội Tokyo 2020?

Thứ sáu, 30/7/2021 | 15:16 GMT+7

Ngày 23/7, thời điểm khai mạc Olympic Tokyo 2020 cuối cùng cũng đã đến. Đây cũng là dịp để hiểu rõ hơn các nước lớn nhìn nhận như thế nào về Olympic Tokyo 2020.

Sân vận động ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản, thời điểm khai mạc Olympic Tokyo 2020 cuối cùng cũng đã đến. Đây cũng là dịp để hiểu rõ hơn các nước lớn nhìn nhận như thế nào về Olympic Tokyo 2020.

Mỹ: Cường quốc thể thao ủng hộ mạnh mẽ Nhật Bản

Trong các phát biểu song phương, Chính quyền Tổng thống Joe Biden luôn thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực đăng cai và tổ chức Olympic của Nhật Bản. Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật tại Washington hồi tháng Tư vừa qua, Tổng thống Biden đã khẳng định: “Mỹ ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Suga để tổ chức một giải đấu an toàn và an ninh.”

Mặc dù từ tháng Tư đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản không được cải thiện nhiều, nhưng người phát ngôn của Nhà Trắng kiêm Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki vẫn nhiều lần tuyên bố “lập trường không thay đổi” đối với Tokyo và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Nhật Bản.

Sau đó, phía Mỹ đã xác nhận Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ, bà Jill Biden sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic tại thủ đô Tokyo trong ngày 23/7.

Đằng sau sự ủng hộ đó là sự cải thiện mạnh mẽ chương trình tiêm chủng tại Mỹ. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã nằm trong tầm kiểm soát và Chính quyền Biden muốn tăng cường sức nặng của mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật để đối phó với Trung Quốc.

Hơn thế, Mỹ không có cơ hội nào tốt hơn để chứng tỏ là một cường quốc thể thao, vốn là niềm tự hào của nước Mỹ trong các kỳ Olympic từ trước đến nay.

Ở góc độ tài chính, nhiều tập đoàn lớn đã ký hợp đồng tài trợ cho Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Đài truyền hình NBC cũng đã bỏ số tiền khổng lồ để mua bản quyền của các trận đấu tại Olympic năm nay.

[Thủ tướng Nhật Bản: Olympic Tokyo sẽ diễn ra thành công bất chấp COVID]

Theo một cuộc điều tra xã hội tại Mỹ được thực hiện bởi công ty nghiên cứu IPSOS vào đầu tháng 6, có tới 52% người Mỹ được hỏi đã trả lời Olympic Tokyo nên được tổ chức ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, 66% số người tin rằng chính việc tham gia Olympic sẽ góp phần mang lại sự đoàn kết cho nước Mỹ.

Nga: Tham dự trong lệnh trừng phạt nhuốm màu chính trị

Bê bối với hàng loạt vận động viên sử dụng chất cấm bị phanh phui từ năm 2015 đã khiến Ủy ban Olympic Quốc tế áp đặt án phạt đối với Nga, cấm các vận động viên của Nga tham dự các sự kiện thể thao trên toàn cầu trong vòng 4 năm, tính từ năm 2018.

Sau đó, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) giảm án phạt xuống còn 2 năm và Ủy ban Olympic Quốc nới lỏng lệnh trừng phạt bằng cách cho phép những vận động viên Nga “trong sạch” tham dự Olympic, bắt đầu từ Olympic mùa Đông Pyeong Chang 2018.

Tuy nhiên, các vận động viên đến từ Nga phải thi đấu với tên gọi “Đoàn thể thao trung lập” và lá cờ đại diện của Olympic. Các vận động viên Nga tham dự các kỳ Olympic trong thời gian thực thi án phạt bị cấm mọi hành động, hành vi công khai liên quan đến quốc kỳ, quốc ca và các biểu tượng, biểu trưng của quốc gia. 

Tại Olympic Tokyo năm nay, quốc kỳ và quốc ca Nga chắc chắn vẫn sẽ không được xuất hiện trên đất Nhật Bản trong suốt Thế vận hội. Nhóm vận động viên Nga sẽ thi đấu dưới danh nghĩa của “Đoàn thể thao thuộc Ủy ban Olympic Nga,” biểu tượng bao gồm một ngọn lửa được nối liền bởi các sọc màu đỏ và xanh, giống như quốc kỳ Nga. Quốc ca Nga sẽ thay thế bằng bài hát biểu tượng âm nhạc của quốc gia.

Tổng thống Nga Valdimir Putin từng chỉ trích hành động trên mang màu sắc chính trị, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của một đại hội thể thao tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng rất biết cách tận dụng tình thế này để khơi dậy lòng yêu nước của người dân Nga, từ đó lấy lại uy tín cá nhân, dường như đã xuống thấp hơn giai đoạn đầu nắm quyền.

Trung Quốc cử đoàn đông nhất từ trước đến nay

Với tư cách là nước chủ nhà của Thế vận hội mùa Đông dự kiến khai mạc vào tháng 2/2022, Trung Quốc luôn là nước ủng hộ mạnh mẽ đối với Nhật Bản.

Tại một cuộc họp báo hôm 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc sẽ học hỏi được kinh nghiệm tổ chức Olympic của nước chủ nhà Nhật Bản lần này và hoàn toàn tự tin cùng với cộng đồng quốc tế, tổ chức một giải đấu thành công tại Bắc Kinh đầu năm sau.

Đặc biệt, phía Trung Quốc không giấu tham vọng coi Olympic mùa Đông sắp tới là một biểu tượng chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong kiểm soát COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2022 sẽ chính thức bước vào nhiệm kỳ 3 với tư cách người đứng đầu Trung Quốc sau khi sửa đổi Điều lệ đảng, Hiến pháp. Do đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn tận dụng thành công của Thế vận hội mùa Đông như một cách để thuyết phục nội bộ và gia tăng uy tín cá nhân.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với không ít khó khăn khi Mỹ đang dẫn đầu nhóm các nước kêu gọi “tẩy chay ngoại giao”, không cử lãnh đạo hoặc quan chức đến Bắc Kinh vào dịp Trung Quốc tổ chức Thế vận hội mùa Đông.

Đó có thể hiểu là một biện pháp trừng phạt nhằm vào cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền tại Khu tự trị Tân Cương và Đặc khu hành chính Hong Kong.

Pháp sẵn sàng tiếp nhận sự chuyển giao quyền đăng cai Olympic

Chính phủ Pháp và Ban Tổ chức Olympic nước này đang bắt tay vào công tác chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa Hè kế tiếp tại Paris. Vì vậy, Paris luôn hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản.

Ngay cả khi Nhật Bản tuyên bố lùi thời gian tổ chức Olympic một năm và không ít luồng ý kiến lo ngại giải đấu không thể diễn ra do dịch bệnh COVID-19, thì phía Pháp vẫn bảo lưu lập trường ủng hộ mạnh mẽ và tin tưởng Nhật Bản “sẽ có quyết định phù hợp.”

Tổng thống Pháp đã sớm xác nhận tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 và Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng bày tỏ sự háo hức được tiếp nhận ngọn lửa Olympic vào đêm bế mạc.

Những hình ảnh về Thế vận hội này sẽ được gửi đến khắp các địa phương trên toàn nước Pháp và là động lực để nước Pháp tổ chức thành công sau 3 năm nữa.

Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội để Ban tổ chức Olympic Paris nhìn nhận rõ ràng mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với công tác chuẩn bị và tổ chức một sự kiện thể thao quy mô lớn như Olympic./.

(Vietnam+)