Trung Quốc có thể thách thức vai trò của Mỹ ở Trung Đông?

Thứ sáu, 23/7/2021 | 15:59 GMT+7

Thông qua các sáng kiến BRI, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Trung Đông, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng, mạng viễn thông 5G…

(Nguồn: business-standard.com)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, mặc dù Trung Quốc đã thể hiện sự hào hứng trong việc tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển của Trung Đông, nhưng dường như nước này vẫn thiếu thực lực và biện pháp để có thể phát huy sức ảnh hưởng ở Trung Đông.

Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều báo cáo quốc tế liên quan đến việc Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Trung Đông.

Kể từ khi Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút quân khỏi Iraq, Afghanistan, nhiều đồn đoán dấy lên về việc Mỹ giảm bớt sự quan tâm đối với Trung Đông.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc được cho là đang cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ và là bên tham gia tích cực vào các vấn đề Trung Đông. Liệu sự thực có phải như vậy hay không?

Trung Đông từng bước xích lại gần Trung Quốc

Bước sang thế kỷ XXI, ngày càng có nhiều quốc gia Trung Đông tăng cường giao lưu với Trung Quốc, hoặc mong muốn như vậy.

Có hai nguyên nhân chủ yếu, một là sức hút từ sự phát triển nhanh của Trung Quốc. Hai là, chiến tranh đã gây ra những thảm họa nghiêm trọng cho chính quyền, chính phủ và nhân dân Trung Đông.

[Đằng sau thỏa thuận đầu tư 400 tỷ USD của Trung Quốc vào Iran]

Từ năm 2001 đến nay, Mỹ và các nước đồng minh liên tiếp can dự vào các cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Iraq, Libya và Syria.

Cuối cùng Washington tuyên bố rút quân và để lại hai quốc gia đang chìm trong hỗn loạn.

Mặc khác, khi Mỹ liên tiếp triển khai các hoạt động quân sự ở Trung Đông, Trung Quốc đã tập trung nguồn lực để phát triển đất nước và đạt được những thành tựu thu hút sự chú ý của thế giới.

Thành tựu phát triển kinh tế, truyền thống ngoại giao không can thiệp vào chính trị nội bộ nước khác, cộng thêm sức ảnh hưởng quốc gia ngày càng tăng, tất cả những điều này đã làm gia tăng sức hút của Trung Quốc đối với các nước Trung Đông. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) với đặc trưng cơ bản là phát triển và hợp tác, tích cực và chủ động phát triển quan hệ với các nước Trung Đông.

Thông qua các sáng kiến BRI, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Trung Đông, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng, mạng viễn thông 5G…

Hiện nay, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia Trung Đông. Đồng thời, Trung Quốc cũng là nước đầu tư lớn nhất ở khu vực Trung Đông.

Mối quan ngại của Trung Đông đối với Trung Quốc

Thành tựu phát triển nổi bật của Trung Quốc, vốn đầu tư nước ngoài và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, cũng như sự sẵn sàng phát triển quan hệ tốt hơn với Trung Đông là những điều rất dễ nhìn thấy.

Tuy nhiên, vấn đề không thể phủ nhận là lòng tin và sự tín nhiệm của các nước Trung Đông với Trung Quốc hiện nay vẫn còn thiếu. Điều này đã hạn chế thái độ tích cực của các nước Trung Đông trong việc hợp tác với Trung Quốc.

So với các nước phát triển phương Tây như Mỹ, Anh, Đức…, với tư cách là nước phát triển sau, sức hút của Trung Quốc với các quốc gia Trung Đông vẫn là tương đối yếu. Trong tâm trí của nhiều người dân Trung Đông, Trung Quốc vẫn không phải là chỗ dựa mà họ nghĩ đến đầu tiên khi gặp phải khủng hoảng.

Hơn nữa, cho đến hiện nay, cái gọi là vấn đề chất lượng hàng hóa Trung Quốc được phóng đại quá mức vẫn hạn chế nghiêm trọng nhận thức tích cực của người dân Trung Đông về Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao của một số nước Trung Đông đối với Trung Quốc cũng tồn tại một số hoài nghi. Mặc dù Trung Quốc và hầu hết các nước Trung Đông đều duy trì quan hệ bình thường, thậm chí tương đối tốt, nhưng đối với một số quốc gia Trung Đông, điều này rất khó lý giải.

Quan hệ giữa các quốc gia Trung Đông luôn phức tạp, trong một số vấn đề xung đột rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể duy trì quan hệ bình thường với tất cả những quốc gia này, liệu điều này có chứng tỏ quan điểm giá trị của Trung Quốc có vấn đề hay không?

Cần một sách ngoại giao Trung Đông hiệu quả hơn

Cho dù xuất phát từ lợi ích của mình hay trách nhiệm nước lớn, Trung Quốc cũng cần quan tâm nhiều hơn đến Trung Đông. Chương trình ngoại giao Trung Đông của Trung Quốc trong những năm gần đây đã chứng minh điều này.

Trung Quốc cần thuyết phục các quốc gia Trung Đông tin tưởng chính sách ngoại giao của mình không chịu tác động của bên thứ ba. Định vị ngoại giao của Trung Quốc đối với các nước Trung Đông vẫn bị hoài nghi.

Dựa trên những bài học trong lịch sử, các nước Trung Đông rất lo ngại mình sẽ trở thành quân cờ trên bàn cờ đọ sức nước lớn trên thế giới.

Do đó, khi phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông, Trung Quốc cần nỗ lực xóa bỏ sự lo ngại này của các nước đối tác.

Thứ hai, Trung Quốc cần cụ thể hóa chính sách và hành động ngoại giao của mình đối với các nước Trung Đông. Mặc dù từ “Trung Đông” thường được sử dụng, nhưng khi triển khai chính sách ngoại giao với các nước Trung Đông, Trung Quốc cần đạt được nhận thức cụ thể về từng nước Trung Đông.

Chưa nói đến “chính sách Trung Đông” đơn nhất, mà ngay “chính sách Liên đoàn các quốc gia Arab” đơn nhất cũng rất khó đạt được thành công, bởi vì nhu cầu của các quốc gia Arab trong phát triển quan hệ với Trung Quốc cũng có sự khác biệt.

Vì vậy, Trung Quốc cần triển khai chính sách ngoại giao với các nước Trung Đông khác nhau có tính mục tiêu nhiều hơn.

Thứ ba, Trung Quốc cần tăng cường hơn nữa hành động ngoại giao với những quốc gia then chốt ở Trung Đông.

Các nước Trung Đông đã hình thành nhiều phe phái khác nhau xoay quanh các nước lớn trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cần đặc biệt tăng cường coi trọng các quốc gia Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel, Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE)…

Thứ tư, Trung Quốc cần nâng cao mức độ nhạy cảm ngoại giao ở Trung Đông. Tình hình Trung Đông thường có sự biến động, nên khi triển khai chính sách ngoại giao với các nước Trung Đông, cần có sự nhạy cảm và không để cho tư duy ngoại giao Trung Đông cũ cản trở những phản ứng phù hợp với tình hình hiện tại.

Thậm chí, khi cần thiết, lãnh đạo hoặc quan chức cao cấp Trung Quốc có thể độc lập thăm một số nước Trung Đông, không nhất thiết mỗi chuyến đi Trung Đông đều phải thăm nhiều nước có lợi ích xung đột nhau nhằm thể hiện sự khách quan và công bằng của mình.

Tóm lại, các nước Trung Đông sẵn sàng xích lại gần Trung Quốc, nhưng đến nay họ vẫn mong muốn quan hệ mật thiết với các nước lớn như Mỹ và châu Âu.

Vì vậy, ngoài tiếp tục nỗ lực phát triển, Trung Quốc cũng cần tăng cường sức hút đối với các nước Trung Đông bằng phương thức thích hợp và hiệu quả hơn.

Mặc dù Trung Quốc đã thể hiện sự hào hứng trong việc tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển của Trung Đông, nhưng vẫn thiếu thực lực và biện pháp để có thể phát huy sức ảnh hưởng ở Trung Đông./.

(Vietnam+)