Việt Nam luôn kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Đó là nhận định của Tiến sỹ Vijay Sakhuja - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ trong bài viết với tiêu đề "Tương lai tươi sáng cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden" đăng trên trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu chính sách công.
VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.
Đã bốn tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ và chính quyền của ông rất quan tâm đến việc cải thiện quan hệ song phương với Việt Nam.
Về phần mình, phía Việt Nam chuyển lời chúc mừng theo thông lệ tới Tổng thống Biden và bày tỏ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính quyền của ông. Mặc dù không có gì quá nổi bật được trao đổi giữa hai bên, nhưng ít nhất hai vấn đề đáng được chú ý.
Đầu tiên là về kinh tế và thương mại có một vài bước phát triển rất tích cực. Trong đó, Việt Nam đã được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách “thao túng tiền tệ” và “Các hành vi, chính sách và hoạt động không lành mạnh.”
Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden mong muốn cứu vãn những thiệt hại do chính quyền tiền nhiệm gây ra liên quan các vấn đề thương mại song phương và đã chọn bắt đầu lại quan hệ thương mại trên một phương diện mới.
"Bảng thông tin quan hệ song phương" do chính quyền Biden công bố vào tháng 4 năm 2021 cho thấy thương mại song phương và đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã “tăng trưởng đáng kể.”
Trong 5 năm qua, thương mại song phương đã tăng từ 451 triệu USD lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt mức trên 10 tỷ USD vào năm 2020 và nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ năm 2020 đạt mức 79,6 tỷ USD.
Trong khi đó, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam năm 2019 ước đạt 2,6 tỷ USD. Ngoài ra, cả hai nước đều là Thành viên quan trọng của một số tổ chức đa phương như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng như Liên hợp quốc nơi Việt Nam hiện đang giữ chức vụ Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thứ hai, trên mặt trận chiến lược, Việt Nam kiên định và không đứng về phe nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Hà Nội đã cho thấy rõ với cả Washington và Bắc Kinh rằng họ không muốn bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc cạnh tranh cường quốc nào; thay vào đó, họ sẽ vẫn hướng đến lợi ích quốc gia của mình cũng như được thúc đẩy bởi nhận thức tập thể của ASEAN mà Việt Nam giữ chức Chủ tịch vào năm 2020.
[Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực]
Quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam được dẫn dắt bởi Quan hệ Đối tác Toàn diện 2013 đã được củng cố thông qua Tuyên bố chung năm 2015, 2016 và 2017. Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo hiệp định Đối tác Toàn diện, Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ cải thiện năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam, hợp tác xuyên biên giới trong khu vực và thực hiện các công ước và tiêu chuẩn quốc tế.
Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ tiếp tục thúc đẩy "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời được ban hành vào tháng 3 năm 2021 nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác, nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung,” ngầm ám chỉ tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tương tự, Nhật Bản cũng đã thuyết phục Việt Nam về các vấn đề liên quan Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong cuộc điện đàm gần đây giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga Yoshihide, Nhật Bản nhấn mạnh rằng Việt Nam là đối tác quan trọng trong nỗ lực của Tokyo nhằm hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Hà Nội không bị lung lay bởi sự thuyết phục của Washington và Tokyo. Việt Nam vẫn kiên định khi hiểu rằng lợi ích quốc gia của mình không cho phép nếu bị lung lay bởi những lời thuyết phục như vậy hoặc đứng về phía Trung Quốc, nước có tranh chấp hàng hải lớn ở Biển Đông. Hà Nội dường như không sẵn sàng để bị thu hút bất kỳ ai trong số các bên.
Vào đầu năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí về mối quan hệ với Trung Quốc và Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ rằng Việt Nam sẽ không tham gia vào cuộc cạnh tranh cường quốc giữa Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam cũng sẽ không đứng về phía Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Hơn nữa, ngay cả khi Mỹ tăng cường nỗ lực lôi kéo Việt Nam, “vấn đề Biển Đông sẽ không gây ra tác động đáng kể trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.”
Trong một số vấn đề song phương khác, Chính quyền Tổng thống Biden thừa nhận tầm quan trọng của các cuộc tiếp xúc trực tiếp, trong đó những sinh viên đóng một vai trò quan trọng.
Hiện nay, “hàng chục nghìn người Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, đóng góp gần 1 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã mở khóa học đại học đầu tiên vào năm 2019, mang đến nền giáo dục độc lập, đẳng cấp thế giới theo phong cách Hoa Kỳ đến Việt Nam.”
Mặt khác, Hoa Kỳ thể hiện sự hài lòng đối với Việt Nam về các vấn đề trước đây như rà phá bom mìn, thống kê người mất tích và khắc phục chất độc màu da cam, phối hợp trong thống kê tù nhân chiến tranh (POW), người mất tích trong chiến tranh (MIA).
Hoa Kỳ là nước tài trợ duy nhất lớn nhất cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam do bom, đạn chùm có từ thời chiến tranh với Việt Nam.
Tuy nhiên, cả hai bên đều chưa công bố sáng kiến hợp tác quốc phòng và an ninh mới nào.
Các thỏa thuận hiện có về đào tạo, nâng cao năng lực vật chất, ghé cảng và trao đổi quân sự cấp cao theo thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ về Quan hệ Quốc phòng năm 2015 vẫn tiếp tục cho đến nay.
Có thể nói Mỹ sẽ gợi ý một số động thái quân sự nhưng Việt Nam nhiều khả năng sẽ kín đáo trong việc chấp nhận những đề nghị này do tính nhạy cảm cao của các thỏa thuận như vậy đối với Trung Quốc./.