Phép thử hiếm hoi về chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc

Thứ năm, 27/5/2021 | 16:10 GMT+7

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc dường như đang tiến đến một cuộc xung đột nước lớn không thể tránh khỏi, Trung Quốc chọn cách gây áp lực với các đồng minh của Mỹ - chính là Australia.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Beltandroad)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, trong bối cảnh các nền dân chủ tự do trên thế giới đang phải vật lộn để xác định xem cách tốt nhất để quản lý mối quan hệ của mình với Trung Quốc là gì, phép so sánh đơn giản nhất là nhìn vào Australia và New Zealand.

Hai quốc gia bên bờ biển Tasman này dường như không có điểm khác biệt nào lớn trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc.

Cả Australia và New Zealand đều là thành viên của liên minh tình báo Five Eyes và là đồng minh vững chắc của Mỹ, và mối quan hệ này sẽ khó có thể thay đổi trong tương lai gần. Cả hai đều đã cấm Huawei và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng 5G cho các mạng không dây trong nước.

Đồng thời, hai nước này cũng chỉ trích việc Trung Quốc đàn áp nhân quyền ở trong nước và ngày càng gây hấn trên trường quốc tế. Cả hai nước này cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế và luôn trăn trở liệu - và bằng cách nào - họ có thể giảm bớt phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới? Tuy nhiên, một biến số quan trọng trong đó hai quốc gia châu Đại Dương này thể hiện sự khác biệt khi đối mặt với vấn đề Trung Quốc là “giọng điệu."

Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison và nội các của ông tỏ ra thẳng thắn và không hối tiếc về sự rạn nứt ngày càng sâu sắc với đối tác thương mại lớn nhất của mình (Trung Quốc). Các nhà ngoại giao “chiến lang” và truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng sẵn sàng “đổ thêm dầu vào lửa."

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc dường như đang tiến đến một cuộc xung đột nước lớn không thể tránh khỏi, Trung Quốc chọn cách gây áp lực với các đồng minh của Mỹ - và không ai khác, đó chính là Australia. Các nhà lãnh đạo Australia dường như sẽ đảm nhiệm vai trò ở tiền tuyến.

Mặc dù nhiều lợi ích cốt lõi của hai quốc gia vẫn đối nghịch nhau, nhưng chính phủ Morrison đã hứng chịu chỉ trích vì thái độ thẳng thắn và gây chiến với Trung Quốc, dẫn đến tình hình vốn đã khó khăn nay càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 12/2020 cho chuyên mục “The Foreign Desk” của đài Monocle 24, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã đề xuất một chính sách thận trọng hơn với Trung Quốc và đó sẽ là “nói ít, làm nhiều."

“Nói ít” là một lời mô tả chính xác về cách chính phủ của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chọn để đối phó với Trung Quốc. Trái ngược với ngôn từ mạnh mẽ và thái độ sẵn sàng tham gia các cuộc tranh cãi ngoại giao nảy lửa của Australia, các nhà ngoại giao của New Zealand nhẹ nhàng hơn.

[Phân tích việc Trung Quốc đình chỉ đàm phán thương mại với Australia]

Trong bài phát biểu ngày 19/4, Ngoại trưởng Nanaia Mahuta nhấn mạnh "sẵn sàng làm việc với Trung Quốc" về các vấn đề có lợi ích chung như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nghèo đói. Mặc dù chỉ trích Trung Quốc một cách vừa trực tiếp, vừa tinh tế trong vấn đề vi phạm nhân quyền và tấn công mạng, nhưng New Zealand cho thấy thái độ “nhẹ nhàng” hơn các đồng minh của họ là Australia, Mỹ và Canada.

Bản chất tương đối thân thiện trong ngôn từ của New Zealand với Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích từ các đối tác Five Eyes, có lẽ lớn nhất là từ Australia. Họ không hài lòng khi thấy đối tác thân cận nhất của mình lại “hòa nhã” với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiến hành cuộc chiến thương mại toàn diện nhằm vào hàng xuất khẩu của Australia.

Mặc dù Australia và New Zealand có những đối ngược về quan điểm, nhưng các cách tiếp cận khác nhau của họ có thể đưa ra một nghiên cứu điển hình có giá trị cho các cường quốc tầm trung khác đang vật lộn để xác định phương thức chính xác nhằm quản lý quan hệ với Trung Quốc.

Trong các chính sách thực tế của mình, New Zealand phần lớn vẫn đồng hành với Mỹ, Australia và các đồng minh của họ. Họ đang trao cho Trung Quốc một cơ hội để chứng minh cho thế giới rằng liệu có "con đường trung gian" nào để gắn kết với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà không phải đầu hàng trước những yêu cầu thường phi lý của nước này hay không.

Trong chính trị cũng như trong cuộc sống, khi chúng ta đối xử với người khác - ngay cả kẻ thù của mình - bằng sự tử tế và tôn trọng, chúng ta sẽ “được nhiều hơn mất”. Tuy nhiên, cũng có những khoảnh khắc những hành động tử tế bị những kẻ xấu lợi dụng. Khi nói đến Trung Quốc, Australia và New Zealand sẽ là hai ví dụ điển hình cho cách tiếp cận với Trung Quốc./.

(Vietnam+)