Những nguy cơ khủng bố tồn tại ở Afghanistan thời kỳ 'hậu Mỹ'

Thứ tư, 26/5/2021 | 16:36 GMT+7

Mỹ sẽ rút hoàn toàn binh lính ra khỏi quốc gia Nam Á này vào tháng 9/2021 theo một thỏa thuận được đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và lực lượng Taliban.

Hiện trường vụ nổ bom ở Kabul, Afghanistan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bất chấp khuyến nghị từ giới chức tình báo và quân sự cấp cao, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn quyết định tiếp nối chính sách tương tự như của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Afghanistan.

Mỹ sẽ rút hoàn toàn binh lính ra khỏi quốc gia Nam Á này vào tháng 9/2021 theo một thỏa thuận được đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và lực lượng Taliban.

Bất chấp những diễn giải chính trị đầy ảo tưởng hoặc thiếu trung thực mà chính quyền đương nhiệm đưa ra, thỏa thuận rút quân mang tên "Thỏa thuận Chấm dứt Chiếm đóng" chỉ là sự che đậy cho cho kế hoạch rút quân vô điều kiện mà Mỹ đã triển khai kể từ nửa cuối năm 2019.

Trong khi đó, sau khi Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Afghanistan, Australia sẽ phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố lớn hơn.

Đây là chủ đề chính trong bài viết của nhà nghiên cứu Oved Lobel thuộc Hội đồng Australia/Israel và các vấn đề Do Thái đăng trên trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) ngày 14/5.

[Mỹ tìm cách đảm bảo an ninh tại Afghanistan sau khi rút quân]

Không giống như Mỹ, lực lượng Taliban chưa bao giờ thay đổi lập trường. Kể từ năm 2001, mọi tuyên bố và qua cuộc phỏng vấn, từ cấp lãnh đạo đến cấp quan chức, lực lượng này luôn tái khẳng định mục tiêu duy nhất là thánh chiến để tái thiết lập Tiểu vương quốc Hồi giáo thần quyền, tàn bạo của lực lượng này ở Afghanistan.

Cho đến thời điểm hiện tại, sự hiện diện của quân đội phương Tây là nhằm đảm bảo lực lượng Taliban không thể thực hiện được mục tiêu đó, nhưng việc Mỹ rút quân sẽ dẫn đến sự giải thể nhanh chóng của chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan hiện tại.

Các vụ thảm sát và dòng người tị nạn quy mô lớn và tình trạng bất ổn sẽ là những hậu quả kèm theo khác vốn không thể tránh khỏi nếu lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước.

Tuy nhiên, ngoài những hậu quả khủng khiếp đó, còn có một hệ quả tiềm ẩn khác nhiều khả năng sẽ tác động trực tiếp và tiêu cực đến Australia, đó là sự trỗi dậy của lực lượng Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISKP) ở Afghanistan.

Lực lượng Al-Qaeda đã gián tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban, tham vấn cho Taliban ở mọi giai đoạn về cách thức tiến hành. Hai nhóm này gắn bó chặt chẽ với nhau, với Al-Qaeda hoạt động dưới quyền và trung thành với Taliban.

Hậu quả không thể tránh khỏi của việc tái lập tiểu vương quốc là một tổ chức khủng bố như Al-Qaeda sẽ được trao quyền lực to lớn.

Al-Qaeda đã phải chịu áp lực nghiêm trọng, từ cả những vụ ám sát liên tục đối với các thủ lĩnh của nhóm trên khắp thế giới, bao gồm cả vụ ám sát chỉ huy thứ hai của Al-Qaeda ở Iran do Israel tiến hành, cũng như việc Al-Qaeda mất quyền kiểm soát đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tổ chức cũ của lực lược này có chi nhánh của Syria, hiện được gọi là Hay'at Tahrir al-Sham.

Thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của lực lượng Al-Qeada được cho là đã thiệt mạng và tổ chức này đang suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ý kiến khẳng định rằng al-Qaeda vẫn còn một ban lãnh đạo chủ chốt và một khi nhóm này xây dựng lại mạng lưới, và cuối cùng al-Qaeda có thể sẽ đảo ngược chiến thuật tấn công trực tiếp vào những lợi ích của phương Tây thông qua các cuộc tấn công khủng bố xuyên quốc gia.

Ngoài việc tái thiết một quốc gia hồi giáo mới ở Afghanistan có thể đem lại "dư địa" cho al-Qeada, căn cứ chính của nhóm này vẫn đặt tại Iran, vốn vẫn đem lại lợi thế để nhóm này tiếp tục tấn công những lợi ích của phương Tây hoặc Arab như đã từng thực hiện hồi năm 2003.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm nhãn tiền nhất sẽ là sự phục hồi của ISKP. Tính đến tháng 12/2019, giới chức Mỹ miêu tả ISKP là nhánh hùng mạnh và nguy hiểm nhất của IS, với âm mưu rõ ràng là tấn công phương Tây.

Theo báo cáo từ Mỹ, chỉ có một chiến dịch phối hợp chung giữa lực lượng Taliban và chính phủ Afghanistan, với sự hậu thuẫn của không quân Mỹ, mới có thể tái chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn do ISKP kiểm soát. Nhưng đó là một đánh giá sai lệch về các sự kiện.

Giống như ở Syria và Iraq, nơi lực lượng IS đưa ra quyết định chiến thuật là loại bỏ đế chế hồi giáo cũ (caliphate) và quay trở lại hoạt động nổi dậy như thời điểm năm 2016 và 2017, ISKP đã giải thể lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát ở các tỉnh Kunar và Nangarhar và bắt đầu "đầu hàng" trước chính phủ Afghanistan với hàng nghìn tay súng tự ngồi tù ở Kabul vào năm 2019 và 2020.

Kabul coi những tay súng này là lực lượng trung thành với chính phủ. Trong khi đó, hàng nghìn tay súng khác và gia đình của họ đã chạy trốn sang Pakistan và thâm nhập sâu hơn vào tỉnh Kunar hoặc hoạt động ngầm ở các thành phố khác của Afghanistan.

Mục đích của việc "đầu hàng" là để tuyên truyền và nhân rộng lý tưởng bên trong các nhà tù để chuẩn bị cho chiến dịch "phá tường vượt ngục" (breaking the walls) của ISKP để giải phóng những tay súng bị giam cầm và nhanh chóng tái lập sau khi Mỹ rút quân.

Điều này đã được thực hiện một lần vào giữa năm 2020, khi ISKP tiến hành một cuộc tấn công tinh vi vào nhà tù trung tâm của Nangarhar đã giải phóng hàng trăm tay súng Taliban và ISKP.

ISKP cũng đang đặt cược vào việc Taliban sẽ nhanh chóng tiếp quản Afghanistan và giải phóng tất cả các tay súng, cho dù là thành viên hay không, qua đó tận dụng sự hỗn loạn để khuếch đại các cuộc tấn công của ISKP.

ISKP có sự hỗ trợ cực kỳ mạnh mẽ từ các "chân rết" ở Kabul và có thể trên khắp đất nước, đặc biệt là trong số những người Tajik tầng lớp trung lưu. ISKP cũng duy trì hàng chục nhánh nhỏ ở một số thành phố lớn, mỗi nhánh đều có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tinh vi và tàn khốc bất chấp sức ép nghiêm trọng của Mỹ, Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan. Một khi Mỹ rút lui hoàn toàn, ISKP sẽ nhanh chóng tái lập trong cuộc nội chiến hỗn loạn và có thể áp đảo ngay cả tiểu vương quốc của Taliban.

Điều đó không chỉ là thảm họa đối với Afghanistan và khu vực mà còn đối với cả phương Tây, bao gồm cả Australia.

ISKP đã được xác định có liên quan tới các âm mưu và các cuộc tấn công ở châu Âu, châu Á và Mỹ. Điều đáng lo ngại hơn đối với Australia là Jamaah Anshorut Daulah (JAD), chi nhánh của IS tại Indonesia, có quan hệ mật thiết với ISKP và một trong những thủ lĩnh cấp cao của tổ chức này đã chỉ huy các cuộc tấn công của JAD từ Afghanistan và tuyển mộ các chiến binh tại châu Á cho ISKP.

Mối quan tâm trực tiếp hơn nữa đối với Australia là Isaac el Matari, kẻ tự xưng là "tướng chỉ huy của IS ở Australia" và được cho là đã cố thiết lập một thành trì ở khu vực Blue Mountains để tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Sydney, có liên hệ với ISKP và đã cố gắng cấu kết với lực lượng này thông qua Pakistan.

Mặc dù đối tượng này đã bị bắt giữ trong đợt đột kích chống khủng bố vào năm 2019, nhưng chắc chắn rằng một lực lượng ISKP đang trỗi dậy sẽ làm gia tăng hàng loạt vấn đề liên quan thánh chiến tại Australia.

Binh sỹ Mỹ canh gác khi lực lượng quân đội quốc gia Afghanistan tham gia đợt huấn luyện về chất nổ ở Lashkar Gah, tỉnh Helmand Afghanistan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đã đến lúc Mỹ và các đồng minh cần phải làm rõ về hậu quả của việc rút quân khỏi Afghanistan và cần thẳng thắng đánh giá liệu họ có thể quản lý được tình hình tại Afghanistan mà không cần đến quân đội hoặc các đại diện ở Afghanistan, thậm chí ở khu vực, hay không?

Điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng việc lực lượng Taliban sẽ tiếp quản Afghanistan sau khi phương Tây rút quân là không thể tránh khỏi và sẽ dẫn đến những vụ thảm sát kinh hoàng, gây ra những dòng người tị nạn gây mất ổn định và chấm dứt nhiều quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ ở Afghanistan. Ngoài ra, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng đáng kể những mối đe dọa khủng bố.

Trong bối cảnh tình hình Afghanistan sẽ tái hiện như thời kỳ những năm 1990, quốc gia này sẽ sớm chứng kiến tình trạng xung đột sắc tộc và bộ tộc và các thủ lĩnh quân sự sẽ đạt các thỏa thuận thiếu thận trọng với Taliban.

Trong khi đó, Pakistan, Iran, Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả các quốc gia có lợi ích đối địch với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, cuối cùng là những bên quyết định kết quả.

Tất cả những vấn đề đó sẽ sớm tác động đến phương Tây và sẽ có thể là lý do buộc phương Tây tái can dự vào Afghanistan một lần nữa trong khoảng 10 năm tới.

Trong khi đó, những vấn đề này lại có thể được quản lý dễ dàng bằng việc duy trì một lực lượng binh sỹ quy mô nhỏ ở Afghanistan (thay vì rút toàn bộ)./.

(Vietnam+)