Những nguy cơ lớn mà tin giả gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội

Thứ ba, 30/3/2021 | 10:55 GMT+7

Rất khó để phân biệt đâu là tin thật và tin giả, và vì vậy không dễ để hạn chế những thiệt hại mà tin giả gây ra cho các nguồn tin chính thống. Tin giả đã, đang và sẽ làm lu mờ tin chính thống.

Theo trang mạng asiatimes.com, nhiều nền tảng Internet hiện nay đăng tải thông tin mà không phân biệt tin chính thống và tin giả, tạo dựng uy tín bằng tin chính thống và kiếm tiền bằng tin giả, làm xói mòn những nền tảng cần thiết để sản xuất và cung cấp tin chính thống cho độc giả.

Tin chính thống là cơ sở cần thiết cho các quyết định và ý kiến, góp phần giúp chính phủ đưa ra các quyết sách phù hợp.

Vì vậy, việc đăng tải tin giả cần phải bị xử lý, nếu không nền tảng của dân chủ sẽ bị hủy hoại và mở ra một nền chuyên chế độc tài với thực tế luôn bị bóp méo, và cùng với đó là việc quốc hữu hóa các nền tảng Internet.

Tin giả đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, xét về mặt khách quan, tin giả ở thời hiện đại có một quy mô rất khác và có thể tạo ra một môi trường cũng như nền kinh tế hoàn toàn khác.

Các cổng thông tin lớn như Twitter hoặc Facebook và các công cụ tìm kiếm khổng lồ như Google hoặc Bing là một “hỗn hợp” đầy bất cẩn.

Hay nói cách khác, theo các thuật ngữ kinh tế, là một nơi mà “tiền tốt” và “tiền xấu” đều lưu hành. Điều này về cơ bản sẽ làm mất trật tự kinh tế, vì "tiền xấu" làm hao hụt "tiền tốt."

Và trong trường hợp này, tin giả sẽ làm lu mờ các tin chính thống. Đây không còn chỉ là lý thuyết mà là điều đang diễn ra hàng ngày.

Người ta có thể thấy sự khác biệt về số lượt truy cập của một tin tức giật gân nhưng vô nghĩa như một con mèo sinh ra với ba đầu, so với số lượt truy cập của một bài phân tích dài do The New York Review of Books hoặc The London Review of Books xuất bản.

Tất nhiên, khác biệt này là điều luôn tồn tại, và những câu chuyện phiếm vu vơ luôn dễ thu hút độc giả hơn những cuộc tranh luận gây tranh cãi về triết học.

Vì sự thuận tiện và dễ dàng của các nền tảng số, các nhà xuất bản lớn và uy tín hiện cũng phân phối các bài xã luận trên cùng một nền tảng mà một đứa trẻ vừa thực hiện những cuộc trò chuyện ảo.

Thực tế này khích lệ việc tạo ra các công cụ tốt hơn, hiệu quả hơn để phân phối các thông tin quan trọng, và sự hiện diện của những bài đăng ấy đã giúp những công cụ ban đầu được tạo ra với mục đích chỉ để chuyện phiếm, chẳng hạn như Facebook, ngày càng trở nên có uy tín và ảnh hưởng hơn.

Nền tảng đó không còn chỉ là nơi để tiêu khiển, mà trên thực tế đã cung cấp một dịch vụ công, tương tự như nước hoặc điện. Tuy nhiên, việc những nền tảng như Facebook nổi tiếng nhất với những mẩu chuyện giật gân và kỳ lạ khiến thực tế này có nhiều điểm bất cập.

[Xử phạt các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19]

Chưa hề có những nền tảng cung cấp thông tin và phân loại độc giả, chẳng hạn như những độc giả chính luận và những độc giả chỉ tìm đọc tin lá cải. Rất khó để phân biệt đâu là tin thật và tin giả, và vì vậy không dễ để hạn chế những thiệt hại mà tin giả gây ra cho các nguồn tin chính thống.

Để có một nền báo chí tốt, người ta cần nền tảng văn hóa lớn. Nhiều năm kinh nghiệm và các tiêu chuẩn đạo đức lành mạnh sẽ giúp ích đáng kể cho việc phân biệt thông tin thật trước thông tin sai lệch tràn lan hàng ngày.

Ảnh minh họa. (Nguồn: shutterstock.com)

Nói cách khác, một nền báo chí tốt cần phải dựa vào sự đóng góp của những nhà báo có thâm niên từ 10-20 năm và sau nhiều thập kỷ trau dồi để cung cấp cho độc giả những câu chuyện có giá trị.

Tin đồn giật gân là thứ không cần nghiên cứu và chắc chắn cũng không bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn đạo đức.

Tuy nhiên, nhìn vào số lượng truy cập, rõ ràng một tác phẩm cần đầu tư nguồn vốn lớn, hay các tác phẩm báo chí tốt, chỉ nhận được một phần nhỏ so với những gì đáng được hưởng.

Đầu tư cho những tin đồn thất thiệt gần như là không có. “Sân chơi” đang nghiêng về thông tin xấu độc một cách đáng lo ngại.

Lượt truy cập đồng nghĩa với tiềm năng quảng cáo và độ lan tỏa trong độc giả. Thực tế là rõ ràng ngày càng ít người đọc báo giấy hơn, và nhiều người ưu tiên tiếp nhận thông tin từ Internet do sự tiện lợi.

Tuy nhiên, cái giá của sự tiện lợi và không được kiểm soát là người ta thường khó có thể phân biệt được gì có giá trị và những gì không có. Các chế độ độc tài có thể giải quyết vấn đề này bằng lệnh cấm.

Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến điều tồi tệ hơn khi chính quyền thâu tóm các nội dung thông tin, họ có thể lạm dụng hoặc sử dụng thông tin như công cụ để củng cố quyền lực của mình.

Nếu điều này xảy ra, truyền thông cũng không thể hoạt động như những cơ quan giám sát quyền lực như bản chất vốn có.

Tuy nhiên, trong các nền dân chủ, việc thiếu vắng sự kiểm soát cần thiết có thể sẽ làm hao mòn dần sức mạnh thông tin của những tiêu chuẩn đạo đức và văn hóa.

Các nền tảng thông tin, vốn không quan tâm đến các nội dung đăng tải, có trách nhiệm rất lớn. Sự buông lỏng trong quản lý thông tin có thể giết chết nền dân chủ bằng việc “tin cậy” một cách mù quáng vào sự can thiệp “chính đáng” của nhà nước, hoặc bằng cách công nhận bất kỳ thuyết âm mưu vô căn cứ nào mà tin giả lan truyền.

Tất nhiên, không phải tất cả độc giả đều giống nhau. Vì nhiều lý do, những người mua The Economist hoặc Financial Times hay Osservatore Romano quan trọng hơn những người chỉ lướt qua các dòng tweet.

Thị trường quảng cáo nhận ra những khác biệt này và nhắm đến những đối tượng độc giả khác nhau. Nói một cách đơn giản, người ta không thể và cũng không nên tìm mọi cách xóa bỏ những lời đồn thổi, điều trên thực tế cũng có giá trị riêng, bởi cách làm này giống với việc sử dụng một đồng tiền độc quyền trên sân chơi chung.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây là người ta không được nhầm lẫn chúng với tin tức, và những nhận thức này cần được cải thiện nhanh hơn bao giờ hết, và phải dựa trên những mô hình kinh tế khác nhau.

Trung Quốc cực kỳ nhạy cảm với vấn đề này. Lo ngại trước sự lan truyền của tin tức giả mạo đã khiến Bắc Kinh áp đặt sự kiểm soát của nhà nước đối với thông tin, một hành động vô hình chung cũng bóp nghẹt dòng thông tin chính thống.

Người ta có thể không thích giải pháp của Trung Quốc, nhưng có những vấn đề mà Trung Quốc nêu lên là có thật.

Nếu các nền dân chủ không giải quyết triệt để khúc mắc này, họ sẽ vô tình trao uy tín cho những biện pháp kiểm soát tin tức của chế độ, thay vì ủng hộ sự trung thực và nỗ lực của các nhà báo.

Nếu điều này xảy ra, cái gọi là tự do sẽ không còn. Và cuối cùng, Google và Facebook của thế giới này cũng sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước, giống như Alibaba của Jack Ma ở Trung Quốc./.

 

(Vietnam+)