Chính sách của Biden đối với Afghanistan: Bây giờ hoặc không bao giờ

Thứ ba, 23/3/2021 | 11:20 GMT+7

Trong bức thư gửi Chính phủ Afghanistan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã vạch ra đề xuất gồm 4 bước mà Mỹ cho rằng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình hòa bình bị trì hoãn lâu nay.

Binh sỹ Mỹ ở Afghanistan. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng eurasiareview.com, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden rốt cuộc cũng đã công bố kế hoạch đối với Afghanistan và đang khôi phục những gì mà mà cựu Tổng thống Donald Trump đã bỏ lại.

Trong bức thư gửi Chính phủ Afghanistan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã vạch ra đề xuất gồm 4 bước mà Mỹ cho rằng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình hòa bình bị trì hoãn lâu nay.

Cần phải xem đề xuất 4 bước này một cách riêng rẽ để hiểu được cặn kẽ từng chi tiết cũng như đánh giá khả năng thành công của chúng.

Bước đầu tiên của đề xuất này Liên hợp quốc cần triệu tập một cuộc họp ngoại trưởng các nước (trong đó có Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ và Mỹ) để thảo luận về một cách tiếp cận chung hướng tới ủng hộ hòa bình.

Đây là một động thái quan trọng, qua đó sẽ đảm bảo rằng tất cả các quốc gia trong khu vực (và cả Mỹ) đều nhất trí hướng tới việc hoạch định những đóng góp về chính trị, kinh tế và phát triển dành cho Afghanistan.

Từ lâu, Ấn Độ đã nhấn mạnh sự cần thiết về hợp tác khu vực sâu rộng hơn tại Afghanistan và là một trong những đồng minh duy nhất của Kabul đề cao tầm quan trọng về một thỏa thuận do chính phủ Afghanistan dẫn đầu.

[Mỹ và Afghanistan nhất trí thúc đẩy tiến trình hòa bình]

Do đó, việc để Ấn Độ tham gia cuộc họp trên đã cho thấy sự chấp thuận của Mỹ đối với vai trò quan trọng mà New Delhi có thể đóng góp, cũng như trao cho Afghanistan một đồng minh tin cậy có thể ủng hộ cho những lợi ích cao nhất của Kabul.

Bước thứ hai là một dự thảo thỏa thuận hòa bình, qua đó cho phép chính quyền Kabul và lực lượng Taliban khởi động các cuộc thảo luận xung quanh việc phát triển Hiến pháp và chính phủ tương lai cũng như các điều khoản ngừng bắn.

Thỏa thuận này sẽ bao gồm một lộ trình chính trị hướng tới thiết lập chính quyền chuyển tiếp, theo đó dự kiến sẽ tồn tại lâm thời cho đến khi một chính phủ hợp hiến và thường trực mới được thành lập. Điều này sẽ tạo ra các đề xuất về các nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp trong chính phủ theo lẽ tự nhiên.

Tất cả các nhánh này trong chính phủ sẽ đều dành chỗ cho các thành viên của Taliban, qua đó tạo tiền đề cho quá trình chia sẻ quyền lực giữa các đại diện trúng cử với những thành viên cấp cao của nhóm phiến quân này.

Bước thứ ba trong đề xuất của Mỹ là tổ chức cuộc họp cấp cao giữa Kabul với lực lượng Taliban tại Thổ Nhĩ Kỳ để hoàn tất thỏa thuận hòa bình. Việc lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm bên trung gian thứ ba để tổ chức cuộc họp này là một điều thú vị, bởi Ankara và Islamabad là những đồng minh thân cận và đã tăng cường hợp tác quân sự-quốc phòng trong những năm gần đây, đồng thời chính trường Ấn Độ sẽ rất chú ý tới sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, sự lựa chọn này nhiều khả năng bắt nguồn từ các mối quan hệ ổn định giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Iran, Trung Quốc và Nga. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia Hồi giáo chiếm đa số, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nước tài trợ đáng kể cho Afghanistan.

Bước thứ tư - bước cuối cùng trong kế hoạch hòa bình của Washington - là một đề xuất nhằm "giảm bạo lực" trong vòng 90 ngày. Trong khi việc Taliban giảm bạo lực sẽ đồng nghĩa với việc lực lượng Afghanistan cũng xuống thang, thì dường như lực lượng chính phủ hiện rất lạc quan với việc đưa ra đề xuất như vậy đối với Taliban, bởi lực lượng phiên quân luôn nghi ngờ ý đồ “giảm bạo lực” là âm mưu để mở rộng ảnh hưởng, chứ không phải là nhằm đạt được hòa bình.

Bức thư của Ngoại trưởng Blinken cũng đề cập ý định của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tuân thủ thời hạn chót rút quân vào ngày 1/5 tới, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Mặc dù Mỹ muốn tiếp tục viện trợ tài chính cho Afghanistan, song ông Blinken cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng lực lượng Taliban có thể nhanh chóng giành quyền kiểm soát lãnh thổ sau khi binh lính phương Tây rút quân. Đây là một thực tế mà chính quyền Kabul cũng nhận thức rõ.

Theo Taliban, việc Mỹ kéo dài thời hạn rút quân chẳng khác nào bội ước với thỏa thuận rút quân được ký ở Doha hồi tháng 2/2020, khi đó Washington đã cam kết rút toàn bộ binh sỹ về nước.

Mỹ đưa ra luận điểm phản bác rằng việc rút quân dựa trên điều kiện Taliban phải chấm dứt mối quan hệ với phiến quân Al-Qaeda và các băng nhóm tương tự đang đe doạ Afghanistan, điều mà Taliban chưa hề thực hiện.

Trên thực tế, kể từ khi ký thỏa thuận Doha, hành động bạo lực của Taliban thậm chí còn nhiều hơn trước, trong bối cảnh chính phủ Afghanistan đang sẵn sàng đối phó trước “chiến dịch tấn công mùa Xuân” ác liệt của Taliban.

Việc thiếu đi một thỏa thuận giữa chính phủ Afghanistan với Taliban cùng với sự vắng mặt của Mỹ và quân đội nước ngoài nhiều khả năng đẩy Afghanistan đến bờ vực chiến tranh chỉ trong vài tuần, qua đó khiến việc các bên phải quay lại bàn đàm phán sẽ trở nên gian nan và bất khả thi.

Kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden đối với Afghanistan phản ánh sự cấp bách mà trong đó Mỹ đang tìm lối thoát song không từ bỏ bất kỳ lợi ích nào nước này từng cố giành được trong nhiều năm qua.

Những tuyên bố và đe dọa của Mỹ về việc tuân thủ thời hạn rút quân sẽ gia tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani trong việc đẩy nhanh tiến trình hòa giải với đề xuất hòa bình hiện tại là lựa chọn duy nhất.

Ngoài ra, hiện vẫn còn một dấu hỏi lớn về việc liệu sáng kiến mới này có thể thành công như thế nào trong bối cảnh mâu thuẫn nội bộ sâu sắc trong chính quyền Tổng thống Ghani, sự bất đồng giữa Kabul và Taliban về ý tưởng điều hành đất nước, cũng như những xung đột lợi ích của các nước trong khu vực và nỗ lực rút quân trong tuyệt vọng từ phía Mỹ.

Chưa kể hàng thập kỷ mất lòng tin giữa hai bên và tình trạng bạo lực leo thang sẽ rạo ra tình cảnh khó mà tưởng tượng khi các quan chức trúng cử tại Afghanistan sẽ từ bỏ chức vụ và cho phép Taliban tham gia chính phủ lâm thời.

Đối với Ấn Độ, mặc dù hài lòng khi trở thành một phần trong liên minh khu vực các nước kiến tạo cho tương lai của Afghanistan, song New Delhi nhiều khả năng vẫn nghi ngại về kế hoạch hòa bình này chỉ bởi một lý do đơn giản: một chính phủ lâm thời, hay một chính phủ chia sẻ quyền lực, sẽ trao quyền lực cho Taliban - điều này cũng tương tự như trao cho quân đội Pakistan “quyền chỉ huy.”

Đối với New Delhi, điều này chắc chắn và sẽ không bao giờ được chấp nhận. Giờ chính là thời điểm để Mỹ nhận ra thực tế này./.

(Vietnam+)