Vấn đề hạt nhân Iran: Cuộc chiến giữa sự thật và diễn ngôn

Thứ hai, 01/2/2021 | 10:52 GMT+7

Tổng thống đắc cử Mỹ đã đưa ra hứa hẹn rằng ông sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran với điều kiện Tehran quay trở lại tuân thủ các quy định. Về vấn đề này, có một số yếu tố cần được chú ý.

Bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, vài ngày trước lễ kỷ niệm 5 năm ngày thực thi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), Hạ viện Mỹ đã đưa ra bản luận tội thứ hai cho cựu Tổng thống Donald Trump.

Điều quan trọng trong vấn đề này là thực tế rằng ông Trump về cơ bản đã bị cơ quan lập pháp Mỹ truy tố vì vi phạm pháp quyền. Theo Điều khoản luận tội, ông bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, nền dân chủ và hiến pháp.

Sự thật là ông Trump không chỉ là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ mà còn là mối nguy lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế từ trước đến nay. 

Với việc coi thường tất cả nguyên tắc và thể chế, ông Trump đã thổi bùng hỗn loạn trong quan hệ quốc tế và bội phản các đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Âu.

Mặc dù ông Trump giờ đây chỉ còn trong lịch sử Mỹ, nhưng một số dấu hiệu đáng lo ngại trong những tuần qua cho thấy một số nước châu Âu vẫn chưa học được các bài học thích đáng và chủ nghĩa Trump với Iran có thể tồn tại trong một thời gian.

JCPOA thời hậu Trump

Những diễn biến hậu bầu cử ở Mỹ là nguồn cơn gây ra những bất bình trong giới lãnh đạo châu Âu; do đó, bản luận tội ông Trump đã được hoan nghênh ở châu Âu khi cuối cùng họ có thể “thở phào nhẹ nhõm.”

Mặc dù vụ luận tội và chuyển giao quyền lực diễn ra ở nước Mỹ nhưng nó vẫn có ảnh hưởng rất lớn với thế giới. Tân tổng thống Joe Biden đã hứa hẹn tại Hội nghị An ninh Munich năm 2019 rằng họ sẽ trở lại.

Và giờ đây họ đã trở lại. Tổng thống Mỹ Biden đã đưa ra hứa hẹn rằng ông sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran với điều kiện Tehran quay trở lại tuân thủ các quy định. Về vấn đề này, có một số yếu tố cần được chú ý.

Trước hết, Iran là nạn nhân trong hai năm qua; nạn nhân của một “kẻ bắt nạt” không bị kiểm soát, người không giấu giếm sự coi thường của mình đối với các nguyên tắc ứng xử quốc tế.

Do đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bóp méo sự thật và mô tả Iran như một tác nhân phá hoại tiến trình ngoại giao là hoàn toàn vô trách nhiệm và mang tính khiêu khích.

[Bộ Ngoại giao Iran nêu điều kiện thực hiện cam kết hạt nhân]

Thứ hai, không giống như cách hành xử hay thay đổi và không thể đoán trước của chính quyền ông Trump, tất cả các bước có thể đảo ngược do phía Iran thực hiện đã được thông báo một cách minh bạch cho tất cả các bên.

Thứ ba, các bước đi của Iran đều có thể dự đoán được và không có hành động nào diễn ra bất ngờ nhằm đảm bảo niềm tin trong suốt quá trình.

Thứ tư, những bước đi có thể đảo ngược của Iran trong năm qua, vốn khiến châu Âu thất vọng, thực chất là kết quả tất yếu của việc phía châu Âu không hành động và không thực hiện các cam kết.

Bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran 300 km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều này đã gây thiệt hại cho Iran hàng tỷ USD và ngăn cản quá trình bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại, đặc biệt trong năm 2020 khi đợt bùng phát COVID-19 đã gây ra một thiệt hại lớn về người tại Iran.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang giám sát mọi bước đi và đã thiết lập một trong những chế độ giám sát và xác minh nghiêm ngặt nhất tại Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Tất cả điều này có nghĩa là “những lo ngại,” bất kể mức độ nghiêm trọng của chúng như thế nào, như được các nước châu Âu tham gia thỏa thuận thể hiện trong tuyên bố của họ vào ngày 6 và 11/1, chỉ là sự phản ánh định kiến cố hữu chống lại chương trình hạt nhân của Iran.

“Cuộc chiến giằng co” giữa sự thật và diễn ngôn

Mọi người có thể đặt câu hỏi tại sao chương trình hạt nhân của Iran được coi là mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân. Để tìm câu trả lời, chúng ta nên xem xét bối cảnh an ninh của đầu những năm 2000 khi các khái niệm về mối đe dọa vượt ra ngoài khuôn khổ các phân tích và tính toán thực tế của chính quyền Bush.

Iraq là một ví dụ sinh động về sự coi thường thực tế, khi Tổng thống Bush nhất quyết khẳng định một cách “mù quáng” sự tồn tại của vũ khí hủy diệt hàng loạt trong kho vũ khí của Saddam, dựa trên những thông tin tình báo sai lầm bất chấp các bằng chứng ngược lại được quốc tế xác minh. Điều này đã dẫn đến việc Mỹ xâm lược Iraq với những ảnh hưởng trong khu vực vẫn được cảm nhận rõ hiện nay.

Trong bối cảnh đó, có thể khẳng định chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran là sản phẩm trực tiếp của “diễn ngôn” chính sách đối ngoại như vậy, trong đó mô tả chương trình hạt nhân của Iran như một mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ý thức như vậy đã tiêm nhiễm mọi vấn đề liên quan đến Iran và các chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran.

Từ giới chính sách đối ngoại đến cộng đồng tình báo, từ các viện tư vấn đến các trung tâm học thuật, từ báo chí đến truyền thông, khái niệm "Iran là một mối đe dọa phổ biến hạt nhân" tràn ngập các cuộc tranh luận và điều dường như được coi là đương nhiên là bất cứ hành động nào Iran tiến hành chắc chắn có liên hệ với các nỗ lực vũ khí hóa. Giới chức Mỹ và các quốc gia khác vẫn thường viện cớ này khi cần để tiếp tục chương trình nghị sự xâm lược và kích động chiến tranh trong khu vực.

Trở lại thực tế

Các thanh sát viên IAEA đang có mặt tại Iran và họ có quyền tiếp cận những nơi mà họ cho là cần được thanh tra. Tất cả hoạt động hạt nhân ở Iran đều được công bố với cơ quan này và diễn ra trước mắt các thanh sát viên của IAEA.

Bên cạnh đó, trái ngược với những gì Mỹ đã làm vào ngày 8/5/2018, trong hai năm qua, Iran đã có một lộ trình hành động minh bạch, có thể kiểm chứng và dự đoán được và có thể đảo ngược trong chương trình hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng Iran đã đồng ý thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin theo quy định của JCPOA trên cơ sở tạm thời. Chúng ta không thể xây dựng lòng tin mãi mãi và các biện pháp như vậy cũng không thể được mặc nhiên công nhận.

Một số biện pháp nên thực hiện hiện nay bao gồm: Thứ nhất, các nước châu Âu tham gia JCPOA cần đóng vai trò mang tính xây dựng và thừa nhận thực tế rằng Iran là nạn nhân của các chính sách của chính quyền Trump trong hai năm rưỡi qua.

Thứ hai, EU không nên tuyên truyền những quan điểm sai lệch về Iran và không nên tham gia vào cuộc chiến “suy diễn” này và cần cân nhắc quan điểm của dư luận. Việc theo đuổi chính sách trừng phạt và cưỡng ép đã thất bại trong quá khứ và cũng sẽ thất bại trong tương lai.

Cuối cùng, với chính quyền sắp tới của Mỹ và các hứa hẹn trở lại JCPOA, điều quan trọng là phải tận dụng động lực này thay vì tạo ra những trở ngại cho tiến trình ngoại giao./.

(Vietnam+)