Chuyên gia Mỹ: Chính sách châu Á của Tổng thống Biden sẽ chặt chẽ hơn

Thứ sáu, 08/1/2021 | 10:30 GMT+7

Về chính sách với Trung Quốc, chuyên gia Mỹ khẳng định sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Washington trong mục tiêu đẩy lùi Trung Quốc vẫn sẽ còn nhưng sẽ có sự thay đổi trong các phát biểu về Bắc Kinh.

Nhật báo The Australian Financial Review đăng ý kiến của hai chuyên gia Mỹ có uy tín và kinh nghiệm về Đông Á là Mike Green (cựu Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia về châu Á dưới thời Tổng thống George W. Bush) và Paul Heer (cựu quan chức tình báo về Đông Á từ năm 2007-2015) dự báo rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ đặt trọng tâm vào giải quyết các vấn đề trong nước, đặc biệt là đối phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế, trong khi chính sách châu Á sẽ chặt chẽ hơn.

Về chính sách với Trung Quốc, hai chuyên gia đều khẳng định sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Washington trong mục tiêu đẩy lùi Trung Quốc vẫn sẽ còn, nhưng sẽ có sự thay đổi trong các phát biểu về Bắc Kinh.

Theo ông Green, hầu hết người Mỹ thích cách gọi Trung Quốc của Tổng thống Trump là “đối thủ cạnh tranh chiến lược,” nhưng không thích cách ông ta gây ra sự hỗn loạn và bất trắc cho các đồng minh quan trọng của Washington.

Mỹ sẽ không có tranh luận về việc cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh những thách thức trong nước, “sẽ có các cuộc tranh luận về mức độ cam kết các nguồn lực cho nỗ lực này."

Ông Green dự đoán sẽ không còn những lời lẽ công kích Đảng Cộng sản Trung Quốc như là một “mối đe dọa hiện hữu” đối với thế giới.

Trong khi đó, chuyên gia Heer nhận định rằng ông Biden "sẽ theo đuổi và cố gắng tiếp cận chặt chẽ và thực dụng hơn đối với Trung Quốc nhằm tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và nối lại cam kết và hợp tác với Bắc Kinh, song sẽ tuyên bố rõ với Trung Quốc rằng mối quan hệ như vậy sẽ phụ thuộc vào hành vi mang tính xây dựng và có đi có lại của Bắc Kinh, đặc biệt là các hành vi của nước này trong khu vực."

Theo ông Heer, Mỹ sẽ không dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc và không có nhượng bộ nào đối với Bắc Kinh "đơn giản chỉ vì mục đích muốn khôi phục quan hệ hữu hảo" với Trung Quốc.

Về chính sách đối với khu vực, chuyên gia Green nhận định ông Biden sẽ tiếp tục thúc đẩy một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) "nếu các đồng minh mong muốn."

[Ba sai lầm làm suy giảm vị thế cạnh tranh của Mỹ ở châu Á]

Mặc dù vậy, ông Green dự báo sẽ có điều chỉnh về ngôn ngữ xung quanh khái niệm chiến lược này, trong đó có khả năng chính quyền mới của Mỹ có thể bớt nhiệt tình với vai trò của Quad.

Đánh giá thẳng thắn về bức tranh chiến lược mới mà ông Biden phải đối mặt, ông Green nói xét tương quan sức mạnh chiến lược tương đối hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, vị thế bá chủ của Mỹ ở Đông Á, chưa nói đến toàn cầu, đã trở thành quá khứ. Theo ông Green, chính quyền Biden có thể chưa hoàn toàn nhận ra điều này, hoặc ít nhất là chưa sẵn sàng công khai thừa nhận điều này.

Mặc dù hệ thống liên minh châu Á của Washington vẫn là một đối trọng quan trọng trước sự ép buộc về ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc, nhưng ông Heer nhấn mạnh hệ thống này sẽ phản tác dụng nếu nó được sử dụng như là "phương tiện cho cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ để giành quyền bá chủ trong khu vực."

Cả hai nhà phân tích đều không cho rằng ông Biden sẽ đáp ứng lời kêu gọi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thay vào đó, theo chuyên gia Green, trọng tâm của ông Biden sẽ tập trung vào các thỏa thuận nhỏ hơn về hệ thống viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo và thương mại kỹ thuật số, đặc biệt với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Về quan hệ Australia-Mỹ trong thời gian tới, ông Green cho rằng trước mắt Australia cần ủng hộ ý tưởng của ông Biden về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ, nhưng khuyến cáo Canberra thận trọng khi tham gia vào diễn đàn này với mục đích thuyết giảng về dân chủ cho các nước châu Á.

Ngoài ra, ông Green dự báo sẽ "không có những thay đổi mang tính cách mạng" trong quan hệ Australia-Mỹ. Cuộc thảo luận về việc cung cấp các cảng biển mới cho các hạm đội mới hoặc căn cứ triển khai tên lửa đạn đạo của Mỹ vẫn sẽ chỉ là thảo luận.

Hai chuyên gia này kết luận, trong thời gian tới, khó khăn đối với Canberra vẫn sẽ là thích nghi với sự suy giảm tương đối của Mỹ. Mặc dù có thể rất muốn giúp đỡ Australia, đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng chính quyền của ông Biden sẽ không thể làm được gì nhiều vì phải tập trung giải quyết các vấn đề trong nước.

Một điều chắc chắn là vốn chính trị của ông Biden là có hạn, và ông sẽ phải ưu tiên sử dụng ở trong nước tất cả những gì mình có./.

 

(Vietnam+)