Ô nhiễm không khí: Hạn chế ra đường thì dân đi đâu?

Thứ ba, 17/12/2019 | 08:47 GMT+7

Những ngày gần đây, các chỉ số xấu về chất lượng không khí tại Hà Nội tiếp tục làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, thậm chí gây bệnh nặng và mãn tính như bệnh phổi, hô hấp, hen suyễn, dị ứng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi.

Ảnh minh họa

Gia tăng nguy cơ ung thư phổi, ung thư da

PGS-TS-BS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai - cho biết: Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...

Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do đó WHO đã khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương gần đây tiếp nhận khoảng 2.500 bệnh nhân/ngày tới khám với nhiều loại bệnh khác nhau. Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Minh Trang - khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) - cho biết: “Chúng tôi cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân tới khám và được chẩn đoán các bệnh liên quan đến dị ứng như viêm da tiếp xúc dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa tăng lên rõ rệt”.

Bác sĩ Trang cho hay, ô nhiễm không khí có thể làm khởi phát hoặc nặng lên một số bệnh như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mày đay, lão hóa da, rám má, xạm da. Đặc biệt, tình trạng này còn làm cho một số bệnh da kém đáp ứng điều trị và dễ tái phát nặng lên, kéo dài, khó điều trị hơn.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu do khói bụi, khí thải như NO2, CO, SO2, tạo thành các bụi mịn (dạng lỏng hoặc rắn) có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng 1/40 hạt cát. Chúng rất có hại cho sức khỏe, dễ dàng xuyên qua hàng rào bảo vệ da vốn rất mỏng.

“Ô nhiễm không khí, không chỉ tác động trực tiếp, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, gây bệnh như một yếu tố trực tiếp. Các bụi mịn, siêu mịn còn tương tác với bức xạ mặt trời (các tia UV) để gây lão hóa da nhanh chóng, tổn thương da, thậm chí ung thư da thông qua việc tác động vào các thành phần trên da như tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào hắc tố” - bác sĩ Trang phân tích.

Như vậy, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người có sẵn bệnh lý về da, cơ địa dị ứng, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, dưới ánh nắng hoặc trong môi trường khói bụi, không được bảo hộ lao động đầy đủ.

Bộ Y tế khuyến cáo

Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam vừa xây dựng và đưa ra Hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.

Theo đó, đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo phải thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Còn đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng../.

Theo Hoanhap.vn

Nguồn https://hoanhap.vn/chi-tiet/o-nhiem-khong-khi-han-che-ra-duong-thi-dan-di-dau1576542946.html