Vì sao Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022?

Thứ sáu, 18/3/2022 | 15:22 GMT+7

Thủ tướng Trung Quốc nói: "Tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5% là sự ổn định tiêu chuẩn cao và vốn là một sự cải thiện. Nó không dễ đạt được, phải được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô liên quan."

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn Cầu (một ấn bản của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc), tại một cuộc họp báo ngày 11/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã giải thích chi tiết về những gì chính phủ nước này năm nay sẽ thực hiện trong bộ công cụ chính sách của mình để duy trì vị thế của nền kinh tế như đầu tàu kinh tế thế giới.

Tại sự kiện trên, ông bày tỏ sự tự tin rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, bất chấp những “cơn gió ngược.”

Cuộc họp báo của Thủ tướng, thường được coi là một hoạt động nổi bật đánh dấu sự kết thúc của kỳ họp “Lưỡng hội” thường niên và là một kênh quan trọng để truyền thông nước ngoài giao tiếp với các quan chức Trung Quốc, là một dịp rất được mong đợi trong năm nay. Sự kiện này được đặt trong bối cảnh thế giới đang tò mò về việc Trung Quốc sẽ định hướng phát triển kinh tế như thế nào trước những thách thức nhiều mặt từ nước ngoài và cả trong nước.

Bên cạnh những "vết thương" cũ, chẳng hạn như mối quan hệ lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Mỹ cùng những sự gián đoạn do đại dịch COVID-19, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Ví dụ rõ ràng nhất là tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và giá dầu mỏ tăng vọt.

Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trả lời 13 câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế khác nhau, như mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay, thị trường việc làm, sự thịnh vượng chung và chính sách cắt giảm thuế.

Do các quy định về phòng chống dịch bệnh, các nhà báo từ những cơ quan truyền thông Trung Quốc và nước ngoài vẫn cần đặt câu hỏi cho Thủ tướng Lý Khắc Cường thông qua video. Nhưng điều này không làm giảm sự say mê của họ trong việc đặt câu hỏi tại sự kiện này, vì đây là cuộc họp báo cuối cùng của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong nhiệm kỳ của ông.

Vào sáng 11/3, khoảng 100 nhà báo đã đến Trung tâm Truyền thông từ hàng giờ trước cuộc họp báo để chuẩn bị đưa tin về sự kiện quan trọng này. Sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường trả lời xong câu hỏi cuối cùng, các nhà báo đã dành cho ông một tràng pháo tay.

[Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 5,5%]

Một số nhà báo nước ngoài tham gia cuộc họp báo nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, họ rất ấn tượng trước những câu trả lời của ông về rất nhiều vấn đề liên quan đến những điểm nóng quốc tế và trong nước, cùng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.Họ cũng nhận định Trung Quốc đã làm rất tốt trong việc phát triển và mở cửa, cũng như bảo vệ người dân của mình trong mười năm qua, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.

Một sự giải thích tự tin

Câu trả lời của ông Lý Khắc Cường cho câu hỏi đầu tiên, cũng là tinh thần chung của cuộc họp báo, giải thích lý do tại sao Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm nay và chính phủ đang lên kế hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu đó.

Năm ngoái, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 6%, nhưng tăng trưởng thực tế đã vượt qua mục tiêu đó, đạt 8,1% trong năm 2021. Lời giải thích của Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng được đưa ra vào thời điểm truyền thông nước ngoài đặt ra nhiều nghi ngờ về mục tiêu GDP của Trung Quốc trong năm nay, bao gồm việc nhấn mạnh rằng mục tiêu này là thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Một số tờ báo quốc tế cũng dự báo rằng Trung Quốc không thể thực hiện được mục tiêu đó vì những thách thức mới.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh tính khả thi của mục tiêu GDP trên, khi ông sử dụng phép ẩn dụ về việc leo núi để minh họa rằng tăng trưởng khó khăn hơn với nền kinh tế đang phát triển nhanh của Trung Quốc cùng những thách thức kinh tế mới. Thủ tướng Lý Khắc Cường nói: "Tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5% là sự ổn định tiêu chuẩn cao và vốn là một sự cải thiện. Nó không dễ đạt được và phải được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô liên quan."

Chuyên gia Bách Văn Hỷ, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Công ty quản lý tài sản IPG Trung Quốc cho rằng lời giải thích của Thủ tướng Lý Khắc Cường phản ánh niềm tin của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vào khả năng phục hồi cũng như khả năng chống chịu các yếu tố gây suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng được hỗ trợ bởi quy mô thị trường và cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc. Chuyên gia này nói rằng điều đó cho thấy niềm tin rằng sự trì trệ do các yếu tố bất ổn đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ tương đối nhỏ, mặc dù Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng bày tỏ một mức độ thận trọng nhất định.

Một số tổ chức nước ngoài cũng đánh giá cao đối với việc Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%. Họ cho rằng việc Trung Quốc "giảm tốc" trong các mục tiêu kinh tế sẽ ngăn chặn những thách thức trong bối cảnh hiện nay với nhiều bất ổn, bao gồm lạm phát, thâm hụt công và thất nghiệp.

Ông Denis Depoux, Giám đốc điều hành toàn cầu của công ty tư vấn Roland Berger nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng: "Năm 2022 là một năm mà nền kinh tế Trung Quốc trở lại với các nguyên tắc cơ bản... Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải chèo lái thực dụng và nhanh nhẹn đối với hệ thống kinh tế Trung Quốc vào năm 2022, trong khi vẫn giữ định hướng trung và dài hạn đã đặt ra trong kế hoạch 5 năm."

Bộ công cụ để hỗ trợ tăng trưởng

Trong khi giải thích kỹ hơn về việc Trung Quốc lên kế hoạch như thế nào để đạt được các mục tiêu kinh tế của mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tiết lộ một số biện pháp mà Trung Quốc sẵn sàng thực hiện trong năm nay. Ví dụ, Trung Quốc sẽ tuân theo các biện pháp cắt giảm thuế và giảm phí, vốn đã được chứng minh là chính sách hiệu quả nhất trong những năm gần đây. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ trả lại thuế giữ lại cho các doanh nghiệp siêu nhỏ vào cuối tháng Sáu.

Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về việc làm, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng cần có các nền tảng việc làm mới, trong khi chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ như cung cấp dịch vụ đào tạo cho lao động mới. Chính phủ cũng sẽ cải thiện các chính sách để giải quyết những vấn đề như an sinh xã hội và quyền lao động cho "những người lao động linh hoạt," như những người giao hàng.

Các chuyên gia như Bách Văn Hỷ tin tưởng rằng bộ công cụ chính sách của Trung Quốc - đã được chứng minh là có đủ sức mạnh và những điều chỉnh kịp thời trong năm qua - đủ để giúp Trung Quốc đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định trong bối cảnh nhiều thách thức của năm 2022.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô Chu Mậu Hoa tại Ngân hàng Everbright cho rằng các chính sách vĩ mô của Trung Quốc năm nay sẽ vẫn nhất quán với năm ngoái trong những lĩnh vực như hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, kích thích tiêu dùng phục hồi và hỗ trợ thương mại với nước ngoài. Tuy nhiên, chúng cũng sẽ có một số điều chỉnh, chẳng hạn như tăng cường sức mạnh hỗ trợ cho các ngành dịch vụ và cơ sở hạ tầng.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng báo hiệu một số điều chỉnh chính sách. Ví dụ, ông tiết lộ rằng chính phủ sẽ xem xét việc tăng cường sức mạnh của các khoản hoàn thuế nếu tác động của các chính sách hiện hành là tốt.

Bộ công cụ chính sách đối ngoại đầy đủ và những động lực kinh tế nội tại của thị trường Trung Quốc. Chúng đang thúc đẩy các nhà kinh tế giữ quan điểm lạc quan và kỳ vọng cao về khả năng Trung Quốc đạt được tăng trưởng ổn định và duy trì động lực kinh tế thế giới trong năm nay.

Giáo sư Lý Hải Đông của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh chia sẻ nhận định: "Có một điều chắc chắn là trong bối cảnh nhiều bất ổn, Trung Quốc cũng có nhiều “viên đạn” - các công cụ kinh tế, nguồn lực, sự khôn ngoan chính trị - để đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định, bất chấp nhiều khu vực khác đang gặp vấn đề, như lạm phát cào của Mỹ và cảm giác mất an ninh của châu Âu." Ông cũng lưu ý rằng do tình hình địa - chính trị, dòng vốn lớn hơn có thể chảy từ các thị trường nước ngoài vào Trung Quốc trong năm nay.

Tư duy lấy con người làm trung tâm

Các chuyên gia cũng nhận định rằng những câu trả lời của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thể hiện tư duy "lấy con người làm trung tâm" trong việc thiết kế các chính sách kinh tế. Vì ông không chỉ trả lời nhiều câu hỏi về sinh kế (ông đã đề cập đến cụm từ "sinh kế của người dân" hơn 10 lần) mà còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ thiết kế các chính sách kinh tế dựa trên những nhu cầu về sinh kế.

Ví dụ, khi giải thích những chính sách hỗ trợ việc làm, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng các chính sách tài khóa và tiền tệ phải được thực hiện "xung quanh" việc đạt được mục tiêu việc làm.

Ông Lý Khắc Cường nói rằng nhà chức trách sẽ tăng cường quản lý trong các lĩnh vực liên quan đến cuộc sống, sức khỏe và những lợi ích của người dân, như thực phẩm, thuốc, sản xuất an toàn và tài chính. Chính phủ cũng sẽ cải tiến các phương pháp quản lý cùng với những sự thay đổi của các mô hình kinh tế mới, nhằm đảm sự cạnh tranh thị trường bình đẳng.

Theo chuyên gia Bách Văn Hỷ, việc hoạch định và chỉ đạo chính sách kinh tế năm nay mang tính "thực dụng" hơn, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cuối cùng vẫn do nhu cầu của người dân hỗ trợ./.