Vì sao các nước mới nổi đều chỉ có một cơ hội trỗi dậy?

Thứ ba, 29/11/2022 | 16:39 GMT+7

Giáo sư, tiến sỹ quan hệ quốc tế thuộc Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) Đặng Hy Trạch cho rằng trong thời kỳ biến động lớn, tất cả các nước mới nổi đều chỉ có một cơ hội trỗi dậy cuối cùng.

Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết trên tờ Liên hợp buổi sáng, nhiều người cho rằng ngay cả khi một quốc gia tạm thời thất bại nhưng nếu thật sự nỗ lực thì cuối cùng quốc gia đó vẫn có cơ hội phục hồi, thậm chí trỗi dậy trở thành cường quốc.

Với lịch sử phát triển nhiều thăng trầm, việc Trung Quốc vẫn có thể trỗi dậy như hiện nay dường như đã chứng minh cho quan điểm lịch sử này, đồng thời giúp người dân duy trì thái độ lạc quan khi đối diện với thách thức. Quan điểm đó là khó khăn chỉ là tạm thời và cuối cùng Trung Quốc sẽ phục hồi, phát triển và trỗi dậy thành công.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quan điểm lịch sử “một quốc gia luôn có cơ hội” là không đáng tin cậy trong thời kỳ cổ đại, và càng không đáng tin cậy hơn nữa trong thời kỳ hiện đại.

Giáo sư, tiến sỹ quan hệ quốc tế thuộc Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) Đặng Hy Trạch, cũng là tác giả của bài viết trên tờ Liên hợp buổi sáng, cho rằng trong thời kỳ biến động lớn, tất cả các nước mới nổi đều chỉ có một cơ hội trỗi dậy cuối cùng.

Các nước mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) và các nước khác có khát vọng trở thành quốc gia hàng đầu. Trỗi dậy là việc lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, phát triển hòa bình trở thành cường quốc thực sự (nghĩa là quốc gia hàng đầu).

Quốc gia hàng đầu trên thế giới hiện nay chỉ có một là Mỹ, nhưng trên thực tế, nội dung đề cập trong bài viết của tác giả Đặng Hy Trạch cũng thích hợp cho các nước phát triển truyền thống có quy mô không lớn như Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản… Bài biết cho rằng nếu những nước này không thể giành chiến thắng trong vòng cạnh tranh toàn cầu mới, thì nhiều khả năng họ sẽ bị tụt hạng.

Có sự khác biệt lớn về phương thức trỗi dậy từ thời cổ đại đến nay. Muốn hiểu tại sao các nước mới nổi chỉ có một cơ hội phát triển cuối cùng, trước hết cần hiểu bốn khác biệt lớn về phương thức trỗi dậy từ thời cổ đại đến nay.

Động lực trỗi dậy đã thay đổi

Thứ nhất, động lực trỗi dậy của các nước từ thời kỳ cổ đại đến nay khác nhau rõ ràng, thời kỳ cổ đại chủ yếu dựa vào nhân tố tự nhiên, trong khi thời kỳ hiện đại chủ yếu dựa vào sáng tạo đổi mới.

Trong thời kỳ cổ đại, yếu tố cấu thành quan trọng nhất của sức mạnh quốc gia là dân số và đất đai. Chỉ cần có con người và đất đai, cộng thêm nhà lãnh đạo sáng suốt thì đất nước sẽ trỗi dậy dễ dàng.

Trong thời kỳ hiện đại, động lực chủ yếu của trỗi dậy là đổi mới sáng tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo thể chế, cả hai bổ sung lẫn nhau. Tuy nhiên, mức độ khó khăn của việc tạo ra điều kiện xã hội cho đổi mới sáng tạo cao hơn nhiều so với việc tích lũy sức mạnh thiên nhiên trong thời kỳ cổ đại.

Mặc dù sự trỗi dậy của một quốc gia trong thời kỳ hiện đại cũng có liên quan đến các nhà lãnh đạo, song sự thành công không ủy thác cho một nhà lãnh đạo đặc biệt, mà dựa vào giới tinh hoa trong xã hội, đặc biệt là giới tinh hoa chính trị, để thiết lập thể chế lành mạnh và môi trường xã hội đổi mới sáng tạo thích hợp dựa trên thể chế.

Nếu không có thể chế lành mạnh thì không thể tạo ra những đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ quy mô lớn lâu bền và ổn định, từ đó không thể thực hiện sự trỗi dậy của quốc gia.

Những lợi thế phát triển trước ngày càng được củng cố

Có một học thuyết gọi là lợi thế phát triển sau nhưng chỉ có thể thành lập cục bộ. Học thuyết có thể hiệu quả đối với những ngành công nghiệp cấp thấp và trung bình trong giai đoạn bám đuổi, tuy nhiên đối với ngành công nghiệp cấp cao thuộc giai đoạn đổi mới sáng tạo thì lại không hiệu quả và sẽ ngày càng không thể phát huy trong tương lai. Điều này có thể lý giải từ xu hướng toàn cầu hóa giao dịch hàng hóa.

Một quốc gia có quy mô trung bình ở thời cổ đại (tương đương với Đức, Pháp hiện nay) dường như không có một loại hàng hóa cụ thể nào mang tính toàn quốc (nghĩa là có thể tiêu thụ rộng rãi trên phạm vi toàn quốc dưới dạng hàng hóa đại chúng) ngoại trừ một lượng hàng hóa không nhiều đáp ứng nhu cầu của tầng lớp giàu có thiểu số.

Trong khi đó, ở các nước lớn, hàng hóa cụ thể mang tính khu vực hơn. Hàng hóa cụ thể không phải là chủng loại hàng hàng hóa (chẳng hạn như rượu), mà là hàng hóa do một nhà máy nào đó sản xuất (chẳng hạn như Luzhou Laojiao).

Ví dụ, chất lượng của Luzhou Laojiao có tốt đến đâu cũng chỉ có thể tiêu thụ ở miền Nam Tứ Xuyên. Do muối là hàng hóa thiết yếu trong cuộc sống, nên phạm vi tiêu thụ của muối mỏ Tự Cống rộng hơn. Điều này là do trong thời kỳ cổ đại, giao thông và thông tin liên lạc không phát triển, chi phí vận chuyển hàng hóa đắt đỏ, do đó các hàng hóa cụ thể đều mang tính khu vực.

[Tình trạng thoái vốn ở các nước mới nổi mạnh hơn cả thời kỳ 2008]

Tuy nhiên, toàn cầu hóa của phát triển giao thông và thông tin liên lạc trong thời kỳ hiện đại đã nâng cao đáng kể hiệu suất vận chuyển và hạ thấp chi phí vận chuyển, khiến các hàng hóa cụ thể vừa có tính toàn quốc, vừa có tính toàn cầu. Không những các hàng hóa cụ thể có giá trị gia tăng cao, mà ngay cả những hàng hóa cụ thể có giá trị gia tăng thấp cũng là hàng hóa mang tính toàn cầu.

Chẳng hạn, quặng của Brazil và Australia, dầu mỏ của Trung Đông đều có thể vận chuyển đến Trung Quốc; gạo, tiểu mạch, thịt lợn, thịt bò của Mỹ, thậm chí trái cây tươi cũng có thể vận chuyển đến Trung Quốc.

Điều này sẽ dẫn đến xu hướng như thế nào? Một là, lợi thế phát triển trước dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng được củng cố; Hai là các doanh nghiệp sẽ xuất hiện hiện tượng người thắng được tất cả, cả hai tăng cường bổ sung lẫn nhau.

Chẳng hạn, một công ty nào đó sau khi sản xuất ra sản phẩm gốc có giá trị gia tăng cao, dựa vào chi phí vận chuyển thấp, có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu và đạt được lợi nhuận cao. Sau đó, công ty này đầu tư một phần lợi nhuận vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để sản xuất hàng hóa cao cấp hơn.

Một khi các sản phẩm cao cấp hơn được sản xuất, chúng sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu và một lần nữa thu được lợi nhuận cao, hình thành vòng tuần hoàn lành mạnh “sản phẩm gốc-chiếm lĩnh thị trường-lợi nhuận cao-tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D)-sản phẩm gốc (lần hai)…," thực hiện tăng trưởng mô hình xoắn ốc.

Đây chính là lợi thế phát triển trước ngày càng được củng cố. Một khi các công ty khác đi sau, lợi nhuận sẽ giảm xuống, đầu tư cho R&D không nhiều, dẫn đến khả năng đổi mới sáng tạo thấp, rơi vào vòng tuần hoàn luẩn quẩn, thậm chí suy giảm và đóng cửa.

Vậy nên xuất hiện hiện tượng người thắng được tất cả ở cấp độ doanh nghiệp. Tiếp đến, hiện tượng các công ty độc quyền ngày càng rõ nét hơn, nghĩa là có rất ít công ty độc quyền trong toàn bộ lĩnh vực. Chẳng hạn, trước đây có rất nhiều công ty sản xuất chip, nhưng hiện nay chỉ còn lại một số công ty lớn. Trong tương lai, hiện tượng lợi thế phát triển trước và người thắng được tất cả sẽ ngày càng rõ ràng hơn.

Sự tấn công từ các siêu cường

Trong thời kỳ cổ đại, việc thu thập thông tin tình báo phải dựa vào khảo sát thực địa, ngay cả khi dựa vào gián điệp hay nội ứng cũng phải như vậy. Do đó, rất khó để một quốc gia thu thập được thông tin tình báo chính xác về quốc gia khác.

Trái lại, trong thời đại con người và hàng hóa lưu thông toàn cầu hiện nay, sức mạnh quốc gia dễ nắm bắt hơn. Chẳng hạn, thông qua hàng hóa của Mỹ và Đức, có thể biết sơ bộ trình độ phát triển công nghệ của những nước này, cơ quan tình báo có thể nắm bắt chính xác hơn sức mạnh của một quốc gia cụ thể. Điều này cung cấp khả năng để các siêu cường sử dụng các biện pháp chính xác để ngăn chặn sự trỗi dậy của các nước mới nổi.

Nếu một siêu cường phát hiện một công ty nào đó của quốc gia mới nổi sở hữu công nghệ tiên tiến có thể đe dọa lợi thế của mình, thì siêu cường đó có thể áp dụng các biện pháp như mua lại, phong tỏa và phá hủy… để ngăn chặn và tấn công chính xác.

Nếu sử dụng cách tiếp cận ôn hòa, một siêu cường có thể tự mua để sử dụng; còn nếu sử dụng cách tiếp cận thô bạo thì nước đó có thể thực hiện phong tỏa công nghệ, nghĩa là sử dụng chuỗi phụ thuộc công nghệ để ngăn cản các nước mới nổi có được công nghệ thượng nguồn của mình, cản trở sự phát triển của các nước mới nổi; tàn khốc hơn thì có thể áp dụng các biện pháp bạo lực để phá hủy.

Siêu cường là duy nhất

Thứ tư, các siêu cường kiểm soát tất cả, kiềm chế sự trỗi dậy của các nước mới nổi. Bốn điểm trên thể hiện rằng ở cấp độ quốc gia, các siêu cường có thể sử dụng lợi thế phát triển trước, song song với việc thúc đẩy vòng tuần hoàn lành mạnh ở nước mình, để ngăn chặn chính xác đối với các nước mới nổi nhằm duy trì vị trí dẫn đầu, thực hiện cái gọi là người thắng có tất cả.

Vậy nên, cấu trúc thế giới ngày càng được củng cố, quốc gia hàng đầu hay là siêu cường chỉ có thể có một, còn lại là những quốc gia hạng hai, hạng ba. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của xã hội ngày càng phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo công nghệ, mặc dù công nghệ và kinh tế của các quốc gia hạng hai, hạng ba cũng có thể phát triển, nhưng khoảng cách so với quốc gia hàng đầu ngày càng lớn.

Quốc gia hàng đầu chủ yếu sản xuất hàng hóa cao cấp, quốc gia hạng hai, hạng ba chủ yếu sản xuất hàng hóa cấp thấp và trung bình. Mặc dù giữa các quốc gia hạng hai, hạng ba có thể biến động, nhưng sự biến động này sẽ ngày càng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của quốc gia hàng đầu.

Thế giới đang trải qua sự thay đổi lớn chưa từng có, cho dù là ở cấp độ doanh nghiệp hay cấp độ quốc gia, người thắng được tất cả không còn là một ý định chủ quan, mà là một xu hướng khách quan, những thay đổi lớn đã tạo ra điều kiện khách quan để người thắng có được tất cả.

Trong các yếu tố quyết định sức mạnh quốc gia (bao gồm thể chế, văn hóa, lãnh thổ, dân số, tài nguyên, dự trữ…), thể chế và văn hóa là yếu tố quan trọng nhất. Nếu thể chế, văn hóa không hiện đại, thì cho dù lãnh thổ, tài nguyên có nhiều đến đâu cũng không thể đạt được sự phát triển và đổi mới sáng tạo lành mạnh, lâu bền. Nga là một ví dụ điển hình.

Còn nếu thể chế, văn hóa hiện đại, thì ngay cả khi không có lợi thế quy mô cũng có thể trở thành quốc gia phát triển, chẳng hạn như Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản…, điển hình hơn là Singapore, Israel, Hàn Quốc.

Các tòa nhà cao tầng ở Singapore. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong thời kỳ hiện nay, Mỹ là siêu cường duy nhất, có tất cả lợi thế của quốc gia hàng đầu, trong khi các nước phát triển truyền thống như Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản… lại thiếu lợi thế quy mô. Ban đầu, sự khác biệt về tài nguyên thiên nhiên giữa các nước phát triển truyền thống và Mỹ là chắc chắn, nhưng tại sao khoảng cách giữa những nước này và Mỹ ngày càng rộng hơn trong những thập kỷ gần đây?

Nguyên nhân là do lợi thế phát triển trước của Mỹ ngày càng được củng cố. Đương nhiên, nếu xuất hiện một công nghệ như siêu trí tuệ nhân tạo, thì mọi thứ sẽ thay đổi và cần có một đánh giá khác.

Trong thời đại có nhiều thay đổi lớn hiện nay, nếu các nước muốn trỗi dậy, thì họ cần phải nỗ lực cải thiện thể chế và văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đổi mới sáng tạo. Một khi thất bại, quốc gia sẽ vĩnh viễn đánh mất cơ hội trỗi dậy cuối cùng, vì vậy tất cả các quốc gia đều nên suy nghĩ và thận trọng.

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan từng nhấn mạnh rằng pháp quyền là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu phát triển mới là đạo lý bền vững thì phát triển trong môi trường pháp quyền là đạo lý bền vững hơn./.