Trừng phạt kinh tế Nga: Đòn giáng mới vào quá trình toàn cầu hóa

Thứ tư, 30/3/2022 | 16:54 GMT+7

Các nỗ lực do Mỹ cầm đầu nhằm loại bỏ Nga khỏi thương mại quốc tế báo hiệu một tương lai nơi các quốc gia và công ty chuyển hướng khỏi giao dịch với các đối thủ, tập trung vào đối tác cùng chí hướng.

(Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Wall Street Journal, các nỗ lực do Mỹ cầm đầu nhằm loại bỏ Nga khỏi thương mại quốc tế đánh dấu một rạn nứt khác trong tầm nhìn thương mại tự do mà đã định hướng chính sách của Mỹ trong gần 30 năm qua.

Điều này cũng báo hiệu một tương lai nơi các quốc gia và các công ty chuyển hướng khỏi giao dịch với các đối thủ và tập trung nhiều hơn vào các đối tác cùng chí hướng.

Mỹ và các đồng minh Tây Âu đã thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm cả việc cấm hoặc cắt giảm mua dầu mỏ, khí đốt và than của Nga, để gây áp lực với Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Phương Tây cũng đã loại các ngân hàng của Nga khỏi các mạng lưới tài chính quốc tế.

Trong khi đó, một liên minh nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ đang đưa ra một dự luật kêu gọi Mỹ gây sức ép để đình chỉ quy chế thành viên của Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - một hành động chưa có tiền lệ trong lịch sử WTO.

Theo bài viết trên Wall Street Journal, khái niệm toàn cầu hóa - các quốc gia buôn bán với nhau với ít rào cản hơn, tập trung vào các ngành công nghiệp và dịch vụ mà họ làm tốt nhất - đã chịu áp lực trong nhiều năm do sự cạnh tranh kinh tế, đóng cửa nhà máy ở các nước tiên tiến. Một số người cho rằng các biên giới thương mại mở cửa không đem lại lợi ích quốc gia tốt nhất, đặc biệt trong các thời kỳ khẩn cấp.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi dậy xu hướng này bằng cách phát động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc vào năm 2018.

Đại dịch COVID-19 đã tiếp thêm động lực bằng cách cho thấy sự phụ thuộc của Mỹ vào các mặt hàng sản xuất từ nước ngoài như đồ bảo hộ cá nhân và chip máy tính.

[EU kéo dài biện pháp trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng]

Bà Jennifer Hillman, cựu luật sư tòa án thương mại của WTO và hiện đang giảng dạy luật quốc tế tại Đại học Georgetown của Mỹ, đã nhận định tương lai của các hiệp định thương mại toàn cầu có thể nằm trong các hiệp ước khu vực lớn, nơi các bên tham gia chia sẻ lợi ích chung lớn hơn, ví dụ như Hiệp định Mỹ-Canada-Mexico (USMCA), được ký kết vào năm 2020.

Những người ủng hộ toàn cầu hóa lưu ý rằng những lợi ích của thương mại tự do đã rất sâu rộng, mở ra các thị trường mới cho các doanh nghiệp và làm cho nhiều loại hàng hóa tiêu dùng có giá cả phải chăng hơn. Dịch chuyển nhiều hơn sản xuất trong nước chắc chắn sẽ làm tăng thêm lạm phát đang gia tăng.

Ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Washington tập trung vào an ninh quốc gia của Mỹ, cho biết các công nghệ vận tải và thông tin liên lạc vẫn khiến thương mại toàn cầu trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và cho phép họ cung cấp các sản phẩm cạnh tranh nhất.

Ông Reinsch nhận định các động thái nhằm cô lập Nga là "rất thỏa mãn trong ngắn hạn, nhưng không ai muốn nói về những hậu quả lâu dài của việc làm suy yếu các thể chế quốc tế."

Bất chấp những lợi ích của toàn cầu hóa, thế giới đã đi theo hướng khác trong hơn một thập kỷ vừa qua. Theo ước tính, thời kỳ đỉnh điểm của toàn cầu hóa đến vào năm 2008 khi xuất khẩu thế giới đạt 31% Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Đến năm 2020, con số này đã giảm xuống còn 26%.

Các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, cũng đang tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, trong một sự kìm hãm khác đối với thương mại toàn cầu. Theo dữ liệu của WTO, kể từ năm 2010, khối lượng thương mại phải hứng chịu thuế quan và các rào cản thương mại khác đã tăng từ 126 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD.

Sự lạc quan sau Chiến tranh Lạnh

WTO ra đời vào năm 1995 trong bối cảnh làn sóng lạc quan thời hậu Chiến tranh Lạnh về một thế giới đoàn kết dựa trên các lý tưởng thương mại tự do, mở cửa thị trường và dân chủ toàn cầu gia tăng. Các bên ký kết đã cam kết đưa ra một bộ điều kiện thương mại cho tất cả các thành viên WTO khác mà không có sự phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, ông Douglas Irwin, giáo sư kinh tế và sử gia về thương mại toàn cầu tại Đại học Dartmouth cho biết, sau đó đã xuất hiện các dấu hiệu căng thẳng ngày càng tăng đối với WTO.

Một nỗ lực bắt đầu vào năm 2001 được gọi là Vòng đàm phán Doha, được xây dựng nhằm cắt giảm thuế quan nông nghiệp và giúp đỡ người nghèo trên thế giới tốt hơn trong thời đại toàn cầu hóa, đã không thu hút được sự chú ý.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tạo ra một thế hệ mới những người hoài nghi về toàn cầu hóa, trong khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty và quốc gia phải suy nghĩ lại về mức độ mà các mối quan hệ thương mại của họ làm tổn hại đến các ngành công nghiệp trong nước.

Ông Zach Mottl, sở hữu công ty gia đình từ năm 1918, nói rằng, hành động quân sự của Nga với Ukraine hiện nay cho thấy rõ rằng, "toàn cầu hóa không mang lại hòa bình" và Mỹ phải nhanh chóng tách khỏi Nga và tiếp tục tách mình khỏi Trung Quốc.

Động thái của Quốc hội Mỹ nhằm loại Nga khỏi WTO là một bước đi theo hướng đó, ngay cả khi một cuộc bỏ phiếu như vậy không có thẩm quyền chính thức về vấn đề này.

Chưa bao giờ trong lịch sử của WTO có một nỗ lực nghiêm túc nhằm loại bỏ bất kỳ ai trong số 164 quốc gia thành viên. WTO thậm chí còn không được xây dựng với một quy trình trục xuất chính thức và Mỹ sẽ phải đối mặt với con đường khó khăn để thuyết phục các thành viên khác thực hiện bước chưa từng có này.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có hành động chính thức của WTO, một số công ty đã quyết định rút lui - hoặc từ bỏ hoàn toàn - hoạt động của họ ở Nga.

Các công ty lớn như Apple Inc., Ford Motor Co. và Dell Technologies Inc. nằm trong số các công ty cắt đứt quan hệ hoặc tạm dừng hoạt động. Các công ty dầu mỏ khổng lồ như BP, Shell và Exxon nằm trong số các công ty đang thoái vốn hoặc ngừng sản xuất tại Nga.

Sự gia nhập WTO của Nga

Sau khi tham gia hiệp định, không ai bị loại khỏi tổ chức tiền thân của WTO - Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, được tạo ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai với nỗ lực ngăn chặn chiến tranh quay trở lại và xung đột thương mại giữa các nước lớn.

Việc Nga gia nhập WTO vào tháng 8/2012, về mặt nào đó, là đỉnh điểm của nhiều thập kỷ làm việc nhằm chấm dứt một hệ thống khối đặc trưng cho thương mại toàn cầu từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai cho đến khi Liên Xô sụp đổ.

Mặc dù mối quan hệ với Nga hiện đang trở nên khó khăn, nhưng Derek Scissors, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho rằng việc kết nạp Trung Quốc vào WTO còn là sai lầm lớn hơn. Nga là một nền kinh tế tương đối nhỏ và cô lập - quy mô bằng một phần mười của Trung Quốc - và Bắc Kinh điều hành một hệ thống can thiệp có sự chỉ đạo của nhà nước vào nền kinh tế của họ, trái ngược hẳn với hệ thống của Mỹ.

Giờ đây, thế giới có thể đang quay trở lại một hệ thống gồm các khối thương mại biệt lập hơn. Mỹ sẽ ngừng mua dầu của Nga và một nước khác có thể cũng sẽ làm như vậy. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã không ngăn cản Bắc Kinh thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển các ngành công nghệ cao của Trung Quốc đến năm 2025 mà đối địch với phương Tây.

Mặc dù các nhà lập pháp ở Mỹ vẫn đang bàn thảo các chi tiết nhưng có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với các biện pháp như chi 52 tỷ USD để đưa ngành sản xuất chất bán dẫn trở lại nước Mỹ - một chính sách công nghiệp mà cách đây một thập kỷ hầu như không thể tưởng tượng được.

Tuy nhiên, ngay cả với một giải pháp nhanh chóng, phần lớn vết nứt khó có thể được đảo ngược. Internet cũng đang trở nên phân mảnh, một hiện tượng được gọi là "Splinternet" khi Nga hiện đã tham gia cùng Trung Quốc cắt đứt nhiều liên kết internet của nước này với phương Tây để hạn chế luồng thông tin.

Kỷ nguyên của sự thân thiện thương mại ngày càng tăng và giao dịch tự do và không bị ràng buộc với các đối thủ hiện giống như một mốt nhất thời, hơn là điểm cuối của một xu hướng./.