Trọng điểm mới trong chủ nghĩa đa phương “kiểu châu Á” của RCEP

Thứ năm, 17/3/2022 | 10:41 GMT+7

Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến rạn nứt giữa các nước phương Tây và phương Đông tuy nhiên năm 2022, 15 nền kinh tế châu Á lại đi ngược xu hướng và lựa chọn đoàn kết khi RCEP chính thức có hiệu lực.

Theo HK01 mới đây, căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến rạn nứt giữa các nước phương Tây và phương Đông bị hằn sâu đến mức khó xoay chuyển tình hình, bức tường cao thương mại được dựng lên và xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa đã phát triển đến một đỉnh cao khác.

Tuy nhiên, trong một năm 2022 khi mà thế giới có thể chia rẽ sâu sắc hơn, 15 nền kinh tế châu Á lại đi ngược xu hướng và lựa chọn đoàn kết. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết đã chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay, mở ra một chương mới của chủ nghĩa đa phương khu vực châu Á.

Hiệp định thuơng mại “ở châu Á và vì châu Á”

Vừa qua, Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã nộp đơn xin gia nhập RCEP với tư cách là khu thuế quan độc lập, đồng thời tin tưởng sẽ được phê chuẩn sau 18 tháng. Gần đây, một hội thảo trực tuyến với chủ đề “Gợi ý của RCEP đối với Hong Kong” đã được tổ chức, trong đó mời 4 chuyên gia kinh tế của Trung Quốc và Hong Kong tham gia thảo luận xoay quay vấn đề Hong Kong dựa vào RCEP để tìm thấy cơ hội kinh tế mới như thế nào, các diễn giả đã bàn về ảnh hưởng của RCEP đối với kinh tế thế giới và châu Á từ 4 góc độ khác nhau, bao gồm công nghiệp, chính trị, tài chính và học thuật.

Kỷ nguyên của châu Á đang đến: đó là lời nhận định của Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) Vương Huy Diệu.

Chủ tịch CCG Vương Huy Diệu, giải thích rằng châu Á từng là khu vực tập trung dân số và tài sản của thế giới nhưng đến thập niên 60 của thế kỷ XX, châu Á thậm chí lại là một trong những lục địa nghèo nhất thế giới xét theo mức thu nhập.

Tuy nhiên nửa thế kỷ qua, kinh tế châu Á đã tăng trưởng nhanh chóng. Hiện nay, tỷ lệ đóng góp của châu lục này đối với kinh tế toàn cầu đã lên đến hơn 60%, trong đó Trung Quốc đóng góp trên 30%.

Quan trọng hơn, theo kết quả của hơn 20 cuộc đối thoại công khai được CCG tổ chức trong một năm qua với các học giả và nhà lãnh đạo quan điểm hàng đầu châu Âu và Mỹ, bao gồm các cựu chính khách, có một sự đồng thuận cơ bản của giới tinh hoa là châu Á đã trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giáo sư kinh tế Đặng Hy Vĩ đến từ Viện quản lý kinh tế Đại học Hong Kong cũng thể hiện quan điểm tương tự. Ông dẫn số liệu trong đó cho thấy mặc dù tiến trình toàn cầu hóa đã đình trệ kể từ sau năm 2008, thậm chí xuất hiện xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trong xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa, chỉ có các nền kinh tế ở khu vực châu Á vẫn lựa chọn “chủ nghĩa đa phương.”

Giáo sư Đặng Hy Vĩ viện dẫn kết quả nghiên cứu kinh tế và biểu đồ của Đại học Princeton (Mỹ) cho thấy nếu chỉ có 10 giây để trình bày quốc gia nào là lực lượng lớn nhất thúc đẩy toàn cầu hóa, rõ ràng đó chính là Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành một điểm trung tâm của hệ thống thương mại trong quá trình toàn cầu hóa trong ba, bốn thập kỷ qua. Theo Giáo sư Đặng Hy Vĩ, trước năm 2015, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ, sau đó bị Liên minh châu Âu thay thế và gần hai năm nay là 10 nước ASEAN. Điều này xảy ra trước khi RCEP được ký kết, do đó RCEP là hiệp định thương mại “ở châu Á và vì châu Á.”

[Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của RCEP trong quan hệ với ASEAN]

Theo nhà kinh tế trưởng kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Trung Quốc của JPMorgan Chase tại Trung Quốc Chu Hải Bân, xuất phát từ nguyên nhân lịch sử, các nước châu Á vẫn tồn tại sự thiếu lòng tin lẫn nhau. Tuy nhiên, dưới sự thúc đẩy từng bước của RCEP, các nền kinh tế trong khu vực sẽ tăng cường tính chung, có triển vọng đặt nền tảng cho các biện pháp hội nhập kinh tế khu vực trong tương lai như “Liên minh châu Á,” “đồng tiền chung châu Á.”

Những cái “nhưng”

RCEP là điều kiện rất quan trọng đối với sự trỗi dậy của châu Á và hội nhập kinh tế châu Á. Tuy nhiên, hội nhập châu Á trên thực tế là một quá trình từng bước, bản thân RCEP không phải là điểm cuối, mặc dù có rất nhiều tiến bộ, nhưng cũng tồn tại một số hạn chế, do đó RCEP là một quá trình.

Về phương diện tiến bộ, chuyên gia Chu Hải Bân nhấn mạnh hiện nay, theo sắp xếp sơ bộ của RCEP, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước hưởng lợi nhiều nhất. Bởi vì giữa ASEAN+3 (ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã có hiệp định thương mại tự do, đột phá chủ yếu của RCEP trên thực tế là đạt được hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Chu Hải Bân trích dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho thấy nếu các nước Malaysia, Singapore, Việt Nam, Singapore gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì lợi ích kinh tế thu được sẽ lớn hơn. Mặc dù RCEP đã thúc đẩy thương mại tự do, nhưng vẫn không thể so với CPTPP về mức độ tự do hóa và mở cửa thị trường, đây là quan điểm được thừa nhận hiện nay.

Chuyên gia Chu Hải Bân phân tích tồn tại của RCEP về khía cạnh mở cửa thị trường từ hai phương diện. Đầu tiên, trình độ phát triển kinh tế của các nước RCEP có sự khác nhau khá lớn, chẳng hạn trong RCEP vừa có các nước phát triển với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, vừa có các nước đang phát triển GDP bình quân thu nhập thấp như Campuchia, Lào, Myanmar... Tuy nhiên, điều khoản của RCEP lại thiếu quy định miễn trừ đặc biệt mà yêu cầu tất cả các nước thành viên đồng thuận mới có thể thông qua hiệp định thương mại.

Thứ hai, RCEP không hạ thấp đáng kể rào cản thương mại của ngành công nghiệp thứ nhất (nông nghiệp) và ngành công nghiệp thứ ba (dịch vụ). Mặc dù RCEP giảm đến 92% thuế quan hàng hóa, nhưng hiệp định này vẫn có hạn chế và bảo hộ về sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn bảo hộ thương mại nông sản của Nhật Bản vẫn có thời gian chuyển tiếp tương đối dài.

Đồng thời, mức độ mở cửa ngành dịch vụ của RCEP không được như thương mại hàng hóa, mà chỉ ở mức 65%. Điều này có liên quan đến quy định chặt chẽ hơn trong ngành dịch vụ của một số nước thành viên. Đối với việc cải cách và mở cửa thể chế sâu hơn, chẳng hạn như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, lao động, dữ liệu xuyên biên giới…, việc xây dựng các quy tắc của RCEP vẫn còn hạn chế.

Vai trò của Hong Kong trong RCEP

Chuyên gia Chu Hải Bân lấy Singapore làm ví dụ để gợi ý đối với Hong Kong. Việc Singapore gia nhập RCEP không có tác động đến GDP, bởi mức độ mở cửa của RCEP đối với ngành dịch vụ khá khỏ, Singapore với tư cách là trung tâm tài chính khu vực, tương tự Hong Kong và là nền kinh tế do ngành dịch vụ dẫn dắt. Do đó trong sắp xếp giai đoạn đầu của RCEP, lợi ích trực tiếp là tương đối hạn chế. Vì vậy, cần phải cân nhắc điểm này khi thảo luận về vai trò của Hong Kong trong RCEP.

Xét từ góc độ thực tế, điều quan trọng hơn là phải tìm kiếm sự đồng thuận lớn nhất giữa các nền kinh tế và làm cho hiệp định chính thức có hiệu lực, chứ các mục tiêu không thể được thực hiện trong một sớm một chiều. Do đó, RCEP là một quá trình tiệm tiến, không phải là quá trình hội nhập “từ 0 đến 1” và xảy ra đột ngột. Mặc dù mức độ mở cửa còn hạn chế nhưng RCEP hiện thực hơn và có tính thao tác lớn hơn, chẳng hạn việc mở rộng thành viên tương đối dễ dàng và Hong Kong cũng đã đệ đơn xin gia nhập. Trong tương lai, nếu RCEP tiếp tục cải tiến về mặt quy tắc, đặc biệt là thúc đẩy ngành dịch vụ hoặc đầu tư khu vực, điều này có ý nghĩa lớn hơn đối với Hong Kong.

Đứng ở góc độ toàn cầu hóa, hội nhập châu Á là một điểm sáng của RCEP. Đứng ở góc độ châu Á, tái cấu trúc kinh tế khu vực lại là trọng điểm của RCEP.

Xuất phát từ văn kiện của RCEP, chuyên gia Đặng Hy Vĩ giải thích cách RCEP thúc đẩy “dòng chảy” công nghiệp trong khu vực bằng cách chia 20 chương của hiệp định thành hai phần. Trong đó, 8 chương đầu chủ yếu là “Hiệp định thương mại của thế kỷ XX,” có liên quan đến thương mại hàng hóa, là bộ phận phổ biến của các hiệp định thương mại tự do truyền thống, 12 chương sau là “bộ phận của thế kỷ XXI,” chủ yếu bao gồm thương mại dịch vụ, là “bước tiến bộ” của hiệp định thương mại truyền thống.

Trong 8 chương đầu, chuyên gia Đặng Hy Vĩ nhấn mạnh điểm sáng nằm ở chương 3, nghĩa là “chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.” Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của RCEP quy định tất cả hàng hóa sản xuất ở RCEP đều phải có nhãn hiệu sản xuất “Made in RCEP.”

Khi nhãn hiệu “Made in RCEP” được áp dụng thống nhất, ảnh hưởng mang lại cũng rất dễ thấy. Thứ nhất, có thể giảm thiểu các hành vi gian lận thương mại. Thứ hai, sự lựa chọn nhà cung ứng ở thượng và hạ nguồn và khách hàng của nhiều chuỗi sản xuất đều sẽ mở rộng sang các nền kinh tế RCEP mà không phải lo lắng về thuế quan. Do đó, toàn bộ chuỗi sản xuất châu Á sẽ có quá trình tối ưu hóa, năng suất và hiệu quả thương mại đều được nâng cao. Đồng thời, giá cả hàng hóa cũng sẽ giảm xuống do năng suất được cải thiện.

Chuyên gia Chu Hải Bân phân tích cho rằng trong tương lai, ngành công nghiệp lao động cấp thấp của Trung Quốc sẽ tiếp tục phân tán mạnh sang các nước có chi phí lao động tương đối thấp giống như mô hình “đàn nhạn bay” của 4 con rồng châu Á trước đây. Đối với Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa chiến lược hoặc trung gian trong khu vực sẽ ngày càng cao, và một số thị trường hàng hóa cấp thấp sẽ dần chuyển sang khu vực Đông Nam Á.

Trên thực tế, sự chuyển dịch những ngành công nghiệp này đã xảy ra trước khi RCEP được ký kết. Phó Chủ tịch Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong (HKTDC) Lưu Hội Bình cho biết công ty Golden Resources Warehouse thuộc lĩnh vực linh kiện kim loại chính xác và giải pháp sản xuất tự động đã thông qua chương trình T-Box của HKTDC để chuyển nhà máy từ Đông Quan (Trung Quốc) sang Thái Lan, đã đi vào hoạt động từ giữa năm 2021. Điều có thể dự đoán là, cùng với việc RCEP có hiệu lực thực thi, các nhà máy của doanh nghiệp Hong Kong ở Đại lục sẽ có thể nhanh chóng chuyển sang các nước ASEAN có chi phí lao động và nguyên vật liệu thấp hơn.

Chuyên gia Chu Hải Bân nhắc lại rằng sự thay đổi kết cấu sản xuất của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến vai trò tương lai của Hong Kong, đặc biệt là Trung Quốc cần phải thúc đẩy cải tiến ngành sản xuất, bao gồm chuyển đổi xanh sản xuất công nghiệp, phát triển bền vững, và nhu cầu tài chính xanh ẩn chứa trong quá trình này rất lớn, đây là một cơ hội Hong Kong cần nắm bắt.

Bên cạnh tài chính xanh, chuyên gia nhấn mạnh đến cơ hội mới của mục tiêu “quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.” Theo “Hệ số tương quan tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và các đồng tiền chủ chốt của châu Á,” sau năm 2017, tính liên quan tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ với các đồng tiền chủ chốt trong khu vực ngày càng cao.

Trong tương lai, dưới sự thúc đẩy của RCEP, việc sử dụng đồng nhân dân tệ rộng rãi sẽ phát huy tác dụng tích cực trongvấn đề tăng cường hội nhập của hệ thống tiền tệ khu vực. Hong Kong với tư cách là trung tâm nhân dân tệ bên ngoài toàn cầu, phối hợp với nhu cầu sử dụng quốc tế nhân dân tệ mang lại từ RCEP và sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ là một lĩnh vực đầy hứa hẹn.

12 chương sau của RCEP chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý của thương mại dịch vụ, lĩnh vực đầu tư. Chuyên gia Đặng Hy Vĩ cho rằng so với CPTPP, quả thực RCEP không đề cập đến các vấn đề được các nước hàng đầu thế giới thường quan tâm như bảo vệ môi trường, lao động trẻ em… Tuy nhiên, do căn cứ vào bối cảnh phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của các nước khác nhau, đây là một sự hợp tác mang tính bao trùm. Trước hết cần phát triển kinh tế, sau đó mới đề cập đến các nhân tố phi kinh tế. Đây có lẽ là xu hướng tương lai.

Chuyên gia Đặng Hy Vĩ cho rằng với tư cách là một trung tâm dịch vụ cao cấp, Hong Kong nên thảo luận và khám phá nhiều hơn. Chẳng hạn, chương cuối cùng của RCEP là “giải quyết tranh chấp,” nghĩa là khi doanh nghiệp các nền kinh tế thành viên trong khu vực xảy ra tranh chấp kinh tế, cần tuân theo “hướng dẫn tố tụng” và Hong Kong hoàn toàn có thể phát huy lợi thế hiện có để đóng vai trò trung tâm giải quyết tranh chấp pháp lý trong khu vực.

Ngoài ra, chuyên gia Đặng Hy Vĩ còn kiến nghị Hong Kong nắm chắc làn sóng chuyển đổi số thương mại xuyên biên giới, tận dụng vị trí trung tâm và cơ sở hạ tầng truyền thông hoàn thiện để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn của RCEP.

Trong khi đó, Chủ tịch Vương Huy Diệu kiến nghị Hong Kong có thể tận dụng các lợi thế như mức thuế thấp, dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống hội nhập quốc tế để xây dựng trung tâm nhân tài và nghiên cứu phát triển của RCEP, chẳng hạn tập hợp các tổ chức tư vấn của RCEP từ khắp nơi để nghiên cứu chính sách mở cửa tiếp theo của RCEP, tổ chức hội nghị thường niên RCEP./.