Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ: Cơ hội cho Ấn Độ

Thứ sáu, 05/8/2022 | 14:30 GMT+7

IPEF được kỳ vọng sẽ bổ sung cho tham vọng của Ấn Độ trong việc tích hợp nền kinh tế với mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các nỗ lực khác nhau, bao gồm Sáng kiến Chuỗi cung ứng phục hồi.

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất điện thoại của Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Trang VIF đăng bài phân tích của Nghiên cứu viên cao cấp, Tiến sỹ Rahul Nath Choudhury với tựa đề “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ: Cơ hội cho Ấn Độ,” nội dung như sau:

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Tứ giác An ninh (hay còn gọi là Bộ tứ QUAD), được tổ chức tại Tokyo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng với các nhà lãnh đạo 13 quốc gia ký một hiệp định được gọi là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF).

Các bên tham gia hiệp định chia sẻ các giá trị và lợi ích giống nhau và nỗ lực đạt được mục tiêu chung là thịnh vượng kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

[Mỹ tổ chức hội nghị IPEF trực tuyến nhằm mở rộng can dự với châu Á]

Các bên cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, công bằng, bao trùm, liên kết với nhau, tự cường, an toàn và thịnh vượng.

Tuyên bố chung của IPEF đưa ra kế hoạch cho “các cuộc thảo luận tập thể nhằm hướng tới các cuộc đàm phán trong tương lai,” tập trung vào bốn trụ cột là thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng.

Sau khi khuôn khổ ra mắt, một số học giả bày tỏ rằng sáng kiến này là một giải pháp thay thế cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đối với Ấn Độ, IPEF được kỳ vọng sẽ giúp nước này gắn kết sâu sắc hơn với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính trong mối liên hệ này, bài báo cố gắng đánh giá những lợi ích có thể có mà Ấn Độ có thể đạt được từ thỏa thuận này, đồng thời cung cấp phân tích so sánh giữa IPEF với RCEP và CPTPP.

Sự khác nhau giữa CPTTP và RCEP?

IPEF được nhiều người khẳng định là nỗ lực của Mỹ nhằm giành lại chỗ đứng trong khu vực mà họ đang để mất tầm ảnh hưởng vào tay Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Washington rời CPTPP và RCEP được coi là khối thương mại lớn do Trung Quốc thống trị.

Nhưng sự khác biệt cơ bản giữa IPEF, CPTTP và RCEP nằm ở nền tảng cơ bản. IPEF không phải là một hiệp định thương mại tự do, trong khi RCEP và CPTTP lại là hai hiệp định thương mại lớn nhất và toàn diện nhất trên thế giới, bao trùm lên một loạt các vấn đề chủ yếu nhằm mục đích giảm thuế quan giữa các thành viên và cung cấp khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho các bên tham gia.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất trong số các thành viên RCEP trong khi yêu cầu trở thành thành viên của nước này cũng đang chờ được thông qua trong CPTPP.

Ở chiều ngược lại, IPEF không cung cấp khả năng tiếp cận thị trường ưu đãi cho các bên tham gia cũng như không vạch ra bất kỳ kế hoạch cắt giảm thuế quan nào.

Như đề cập trước đó, thương mại là một trong những trụ cột của IPEF nhưng đề xuất của tổ chức này không hoàn toàn dựa trên các vấn đề thương mại. Bên cạnh đó, IPEF không đưa ra các thuộc tính cơ bản của hiệp định thương mại như quy tắc xuất xứ, bảo hộ đầu tư...

IPEF không có bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp nào, vốn là trọng tâm của hầu hết các thỏa thuận kinh tế bao gồm RCEP và CPTPP. Trong khi IPEF thúc đẩy các vấn đề về tiêu chuẩn lao động và môi trường cùng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, những khái niệm này lại không được đề cập trong RCEP hoặc CPTPP.

Ấn Độ hưởng lợi thế nào từ IPEF?

Ấn Độ là quốc gia duy nhất của khu vực Nam Á tham gia IPEF. Việc tham gia IPEF phản ánh mối quan tâm mới của Ấn Độ trong việc hợp tác kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cam kết mang lại tăng trưởng, sự thịnh vượng cho khu vực.

Là một nước mới nổi trong khu vực, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của sáng kiến khu vực này. Đồng thời, Ấn Độ cũng được hưởng lợi từ sáng kiến này.

Xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt là một trong những mục tiêu của IPEF. IPEF được kỳ vọng sẽ bổ sung cho tham vọng của Ấn Độ trong việc tích hợp nền kinh tế với mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các nỗ lực khác nhau, bao gồm Sáng kiến Chuỗi cung ứng phục hồi.

Ấn Độ có thể chuyển hướng các nguồn nhập khẩu và tìm các sản phẩm thay thế trong số các thành viên IPEF để nhập khẩu nguyên liệu thô và các sản phẩm khác.

Ví dụ, Malaysia có thể trở thành nguồn cung cấp chip máy tính, trong khi Australia có thể đáp ứng nhu cầu về khoáng sản và nhu cầu năng lượng của Ấn Độ.

Điều này làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc đối với những nguyên liệu thô này. Do đó, bằng cách tăng cường hoặc chuyển hướng thương mại nguyên liệu thô với các thành viên IPEF, Ấn Độ có thể tạo ra một bước đệm chống lại bất kỳ cú sốc nguồn cung nào trong tương lai.

Trong khi đó, tham vọng trở thành một trung tâm kinh tế kỹ thuật số của Ấn Độ cũng được bổ sung bởi các mục tiêu chính của IPEF. IPEF cũng sẽ mở rộng hỗ trợ cho kế hoạch của Ấn Độ để trở thành một nền kinh tế hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề liên quan đến khí hậu.

Việc gia tăng thương mại với các bên tham gia IPEF sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ thương mại của Ấn Độ với khu vực. Ấn Độ cũng đã có một Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại tạm thời với Australia vào tháng 4/2022.

Tuy nhiên, Chính phủ Australia đã có sự thay đổi sau đó. Các cam kết thông qua IPEF có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ mới giữa Ấn Độ-Australia.

Tư cách thành viên IPEF có thể chứng tỏ là một nền tảng hiệu quả để Ấn Độ khẳng định lập trường chủ động đối với các hiệp định thương mại song phương và khu vực.

Những thách thức có thể xảy ra

IPEF chủ yếu do Mỹ lãnh đạo và thúc đẩy bởi các lợi ích của mình. Một tuyên bố của Nhà Trắng đề cập rằng "Mỹ là một cường quốc kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và việc mở rộng vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực là điều tốt cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, cũng như cho người dân trong khu vực.

IPEF cho phép Mỹ và các đồng minh quyết định về các quy tắc đảm bảo công nhân, doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại của Mỹ có thể cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Rõ ràng, IPEF rất coi trọng lợi ích của Mỹ. Do đó, vẫn có sự e ngại về việc khuôn khổ này sẽ trở thành một công cụ để thúc đẩy và đặt lợi ích của Mỹ lên trước các nước khác.

IPEF cũng có thể đặt ra một số thách thức kỹ thuật đối với Ấn Độ. Chính sách hiện tại của Ấn Độ về thương mại điện tử, luồng dữ liệu, bản địa hóa dữ liệu... có thể không đồng bộ với chính sách của Mỹ và một số thành viên khác.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thể gặp khó khăn trong việc xem xét lại luật lao động và các tiêu chuẩn môi trường theo dự kiến của IPEF. Điều này là do một số thành viên như Mỹ và Singapore có tiêu chuẩn cao liên quan đến các lĩnh vực này so với Ấn Độ.

Có thể nói, IPEF được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể sự thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, củng cố đáng kể các nỗ lực hiện có như QUAD và thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Australia, Vương quốc Anh, và Mỹ (AUKUS).

Đối với Ấn Độ, đây chắc chắn là một cơ hội tuyệt vời để tăng cường gắn bó với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thực hiện đúng các cam kết. IPEF cũng cung cấp triển vọng lớn cho Ấn Độ để tích lũy các lợi ích kinh tế to lớn.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ liệu khuôn khổ mang lại bao nhiêu lợi ích cho các quốc gia thành viên./.