Gia tăng số vụ tự tử bằng chất độc

Thứ năm, 02/8/2018 | 08:58 GMT+7

Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai cho biết, hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận ít nhất 1 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy paraquat. Cá biệt có đêm có đến 5 bệnh nhân ngộ độc được chuyển vào BV Bạch Mai cấp cứu do tự tử bằng loại chất kịch độc.


Bệnh nhân ngộ độc đang được điều trị

Mới nhất, bệnh nhân P.T.H.N (38 tuổi, Hải Dương) đã được gia đình xin về lo hậu sự do tình trạng quá nặng. Trước đó vào ngày 24/7, bệnh nhân tự uống 1 chai diệt cỏ Paraquat và 1 chai Butachlor để tự tử do mâu thuẫn gia đình.

Dù được gia đình phát hiện đưa ngay đến BV huyện cấp cứu, rửa dạ dày rồi chuyển tiếp tuyến trên nhưng do lượng độc quá lớn nên các bác sĩ không thể làm gì hơn.

Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 42 tuổi ở Hưng Yên, uống Paraquat tự tử sau khi cãi nhau với bố mẹ. Dù đã được lọc máu, điều trị tích cực xong tiên lượng hết sức dè dặt.

Theo BS Nguyên, Paraquat là chất kịch độc. Số lượng ngộ độc loại thuốc này vào Bạch Mai cấp cứu không ngừng tăng qua từng năm, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca 2015 và đến 2016 tăng lên 450 ca.

Đáng tiếc, đến nay các nhà khoa học trên thế giới cũng như Việt Nam chỉ có thể khử độc Paraquat bằng cách rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc và kết quả rất hạn chết. 70-90% bệnh nhân sẽ tử vong dù chỉ uống 1 ngụm 5ml.

Đặc biệt, trong khi các bệnh khác khiến bệnh nhân hôn mê, mệt mỏi riêng với ngộ độc paraquat, bệnh nhân tỉnh táo, đau đớn, vật vã cho đến lúc nhắm mắt. Đây cũng là điều ám ảnh các bác sĩ và người thân. 

Trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày, đa phần tử vong trong 5- 7 ngày, thậm chí bệnh nhân tỉnh táo đến 3 tháng nhưng vẫn có thể chết do suy hô hấp.

Theo quyết định của Bộ trưởng NN&PTNT, từ 8/2/2019, thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và paraquat sẽ bị loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo tính toán, khi loại bỏ được paraquat, mỗi năm Việt Nam sẽ cứu được ít nhất 1.000 người tự tử bằng loại thuốc này.

Thúy Hạnh

Theo Hoanhap.vn