Đại chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc: 'Trò chơi' cùng thiệt

Thứ ba, 31/1/2023 | 15:04 GMT+7

Mỹ đang tự sản xuất chip và lôi kéo nước đồng minh thực hiện các biện pháp tương tự, công khai mục đích kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp chip Trung Quốc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ABC)

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục áp dụng các chính sách khuyến khích tự sản xuất chip.

Ngoài ra, Mỹ cũng lôi kéo nước đồng minh thực hiện các biện pháp tương tự, công khai mục đích kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp chip Trung Quốc.

Một số quan chức Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chip, với giá trị lên đến 1.000 tỷ nhân dân tệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc có lẽ cần tìm kiếm các công cụ khác để hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước.

Mỹ tăng tốc lôi kéo đồng minh

Việc Mỹ muốn lôi kéo đồng minh tham gia vào các kế hoạch lớn nhằm tái cấu trúc ngành công nghiệp chip đã làm dấy lên làn sóng phản đối của các công ty.

Trung Quốc đã đệ đơn khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cáo buộc Mỹ lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, để gây áp lực lên nước này.

[Cuộc chiến chip máy tính: Mỹ đóng băng công nghệ AI của Trung Quốc]

Để đảm bảo cho sự ổn định của nguồn cung chip, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã hợp tác với Tập đoàn chế tạo chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) bán dẫn lớn nhất thế giới, đồng thời tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Đài Loan, gia tăng quy mô sản xuất chip trong nước.

TSMC xây dựng hai nhà máy ở ngoại ô thành phố Phoenix, thủ phủ của bang Arizona.

Nhà máy thứ nhất dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt vào năm 2024, nhà máy thứ hai có kế hoạch sản xuất hàng loạt vào năm 2026. Tổng đầu tư của hai nhà máy khoảng 40 tỷ USD, lần lượt đúc chip cao cấp 5nm và 3nm.

Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất chip 17 tỷ USD do công ty điện tử Samsung (Samsung Electronics) của Hàn Quốc đầu tư xây dựng ở thành phố Tyler, bang Texas, cũng dự kiến bắt đầu được đưa vào vận hành vào nửa cuối năm 2024.

Nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ là Intel cũng đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới ở bang Ohio.

Intel đã đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn vào bang Arizona vào năm 1980 và thành lập máy sản xuất chip đầu tiên, thúc đẩy kế hoạch xây dựng “sa mạc Silicon” ở bang Arizona.

Tháng 12/2022, khi tham dự lễ khánh thành nhà máy chip của TSMC tại thành phố Phoenix, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Những con chip này có thể thay đổi cuộc chơi.”

TSMC cung cấp chip máy tính, điện thoại di động, hệ thống thông tin thế hệ thứ 5 (5G), sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) cho các ông lớn công nghệ như Apple, Intel, AMD (Advanced Micro Devices), NVIDIA…

Nỗi lo chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu có thể chia thành hai khối

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề chip đã làm dấy lên quan ngại rằng chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu có thể chia thành hai khối, đồng thời cũng khiến các công ty giống như TSMC ngày càng khó cung cấp dịch vụ cho khách hàng Trung Quốc.

Đã có bình luận chỉ trích Mỹ lôi kéo hoặc gây sức ép buộc TSMC và Samsung đặt nhà máy ở Mỹ, nơi có chi phí sản xuất cao, không phù hợp với nhu cầu chi phí của doanh nghiệp.

Hãng thông tấn BBC dẫn lời nhà nghiên cứu Lưu Bội Chân của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan nói rằng sản xuất ở Mỹ chi phí tương đối cao, đây là xu hướng “đảo ngược toàn cầu hóa."

Những người phản đối cũng chỉ trích Mỹ xây dựng lợi ích trên tổn thất của đồng minh.

Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASML Holding NV đã phàn nàn về những thiệt hại kinh tế. Peter Wennink, Giám đốc điều hành của ASML Holding NV nhấn mạnh, công ty đã “hy sinh quá đủ” với lệnh cấm bán hàng cho Trung Quốc trước đó.

Ngoài Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản là hai nước cung ứng thiết bị bán dẫn tiên tiến lớn nhất trên thế giới.

Giám đốc Peter Wennink nói rằng đối với việc cấm bán thiết bị công nghệ bức xạ tử ngoại (Extreme Ultra-violet) tiên tiến cho Trung Quốc, ASML Holding NV “chỉ có thể đầu hàng.”

Các nhà sản xuất chip của Mỹ đã thu lợi trong quá trình này, trên 25% doanh thu của họ đến từ thị trường Trung Quốc, trong khi hiện nay Trung Quốc chỉ chiếm 15% doanh số bán hàng của ASML Holding NV.

Cho dù toàn cầu hóa kinh tế-thương mại đã “khai tử” hay chưa, có phân tích cho rằng việc Mỹ hợp lực với đồng minh để xây dựng lại hệ sinh thái bán dẫn phản ánh tư duy của Mỹ đã có sự thay đổi lớn.

Chính phủ Mỹ đang dần từ bỏ phương châm nới lỏng kiểm soát và giảm thuế để giúp thị trường vận hành tự do trong 40 năm qua, thay vào đó thiết lập chiến lược sản xuất rõ ràng, tài trợ để thu hút đầu tư tư nhân.

Báo cáo của hãng thông tấn BBC nhấn mạnh TSMC xây dựng nhà máy ở Mỹ, cũng như “Đạo luật CHIPS và Khoa học,” đều là bước đầu tiên của chiến lược sản xuất này. Tổng giá trị của đạo luật này lên đến 280 tỷ USD, bao gồm 52 tỷ USD tài trợ cho các công ty sản xuất chip máy tính.

Quan hệ phụ thuộc lẫn nhau không thay đổi

Cũng có phân tích cho rằng quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa nguồn gốc các loại sản phẩm bán dẫn sẽ không thay đổi và Mỹ sẽ không thể độc quyền thống trị.

Tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đưa ra ý tưởng xây dựng “Liên minh Chip 4” với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, mục đích là lôi kéo các nhà sản xuất chip của những nền kinh tế này liên kết để đảm bảo nguồn cung chip không bị đứt gãy. Trong đó, Đài Loan và Hàn Quốc đã thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ.

People's Daily Online dẫn báo cáo của truyền thông Hàn Quốc nói rằng, trong thời gian thăm Trung Quốc vào tháng 8/2022, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã thông báo Chính phủ Hàn Quốc sẽ tham gia hội nghị tham vấn trù bị của “Liên minh Chip 4.”

Phía Hàn Quốc nhấn mạnh việc tham gia liên minh không phải là hành vi nhằm vào Trung Quốc, Hàn Quốc có thể đóng vai trò cầu nối liên kết với Trung Quốc trong quá trình này.

Bên cạnh “Liên minh Chip 4” xuyên quốc gia, trong vòng 18 tháng qua, Mỹ cũng tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp chip trong nước.

Chính quyền ông Joe Biden đã cung cấp tối thiểu 760 tỷ USD trợ cấp, miễn giảm thuế và các khoản trợ cấp khác để thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, từ Mùa Xuân năm 2020 đến nay đã có 35 công ty cam kết đầu tư gần 200 tỷ USD vào các dự án sản xuất liên quan đến chip.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Chris Miller ở Khoa lịch sử của Học viện Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) nhấn mạnh mặc dù Mỹ đầu tư nhiều vào ngành sản xuất chip, nhưng nước này chưa chắc có thể thực hiện hoàn toàn mục tiêu tự cung tự cấp.

Chris Miller là tác giả của cuốn sách “Chiến tranh chip: Cuộc chiến công nghệ then chốt nhất toàn cầu.”

(Nguồn: AFP)

Khi trả lời phỏng vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), tác giả Miller giải thích rằng chip được sử dụng rộng rãi trong ôtô và đồ diện gia dụng, 31% sản lượng chip được sản xuất ở Đài Loan, 23% sản xuất ở Trung Quốc, nhưng không phải tất cả chip đều có thể dễ dàng được thay thế bằng một sản phẩm khác, thiếu một con chip sẽ khiến toàn bộ chiếc ôtô không thể hoàn thiện và xuất xưởng.

Cuối năm 2020, chip sử dụng cho ôtô trên toàn cầu bị thiếu hàng, ảnh hưởng đến nguồn cung đã chứng minh điều này.

Tác giả Chris Miller nhấn mạnh nếu Đài Loan rơi vào khủng hoảng địa chính trị, muốn khôi phục năng lực sản xuất của Đài Loan phải mất nhiều năm, do thiết bị sản xuất chip là thiết bị chính xác, hơn nữa bản thân thiết bị cũng phải dựa vào chip để vận hành. Ước tính thiệt hại của ngành sản xuất toàn cầu lên đến hàng ngàn tỷ USD.

Trung Quốc không còn là “người chơi phụ”

Bản thân Trung Quốc cũng nỗ lực nghiên cứu phát triển chip cao cấp, giảm nhẹ “nút thắt cổ chai” chiến lược này, tuy nhiên đến nay hiệu quả vẫn không đáng kể.

Tác giả Chris Miller nhấn mạnh sản xuất chất bán dẫn tiên tiến là quá trình sản xuất phức tạp nhất, tinh vi nhất trong lịch sử loài người.

Các nhà sản xuất bên ngoài Đài Loan không thể sao chép năng lực sản xuất của Đài Loan trong một sớm một chiều, điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

Đồng thời, với việc đang tìm cách điều chỉnh cục diện sản xuất bán dẫn toàn cầu, Chính phủ Mỹ cũng không giấu giếm ý đồ kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp chip Trung Quốc.

“Đạo luật CHIPS và Khoa học” của Mỹ quy định rằng các công ty công nghệ Mỹ nhận hỗ trợ vốn của chính phủ không được đặt nhà máy có công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc, thời gian có hiệu lực của lệnh cấm kéo dài 10 năm.

Tuy nhiên, Robert N. Castellano, Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường ngành vi điện tử toàn cầu “Mạng thông tin” có bài viết cho rằng các lệnh trừng phạt, danh sách thực thể và đạo luật của Mỹ sẽ không cản trở được Trung Quốc, ngược lại còn tăng cường quyết tâm muốn vượt qua Mỹ của Trung Quốc.

Chủ tịch Robert N. Castellano nhấn mạnh rằng ông lớn ngành chip của Trung Quốc là SMIC (Công ty Quốc tế sản xuất bán dẫn Thượng Hải) đã có thể sản xuất chip 7nm, và các nhà cung ứng thiết bị trong nước của Trung Quốc đang chế tạo thiết bị sản xuất chip 5nm để bán cho các công ty chip nước ngoài.

Tờ The Daily Telegraph của Anh cũng cho rằng Trung Quốc đã đạt được những đột phá công nghệ quan trọng, nắm chắc công nghệ thiết kế chip mà trước đây chỉ có phương Tây mới có thể thực hiện được.

Báo cáo viện dẫn tài liệu xin cấp bằng sáng chế nhấn mạnh, công ty công nghệ Huawei đã đạt được tiến triển quan trọng về phương diện sản xuất chip nhỏ nhất và tiên tiến nhất, mở rộng cánh cửa đạt được tiến bộ của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã kiềm chế nền kinh tế và năng lực tài chính của Trung Quốc. Đại kế hoạch đầu tư lớn để xây dựng ngành công nghiệp chip trong nước nhằm cạnh tranh với Mỹ buộc phải hoãn lại. Việc phát triển ngành công nghiệp chip để thách thức vị thế thống trị của Mỹ, bảo đảm năng lực quân sự là một trong những kế hoạch quan trọng của Chính phủ Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời nguồn tin giấu tên nhấn mạnh một số quan chức vẫn chủ trương thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ, tuy nhiên do kế hoạch khuyến khích cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ chưa đạt được hiệu quả mong muốn nên các quan chức hàng đầu đang thảo luận phương án thay thế, nghiên cứu xem có thể thông qua các biện pháp khác như hạ thấp chi phí nguyên liệu bán dẫn để hỗ trợ các nhà sản xuất bán dẫn nội địa hay không.

Kiểm soát xuất khẩu quá mức phá hủy hiệu quả toàn cầu hóa

Việc thiếu hụt nguồn cung chip cần thiết từng khiến các nhà sản xuất ôtô và khách hàng hạ nguồn khác rơi vào tình cảnh khó khăn.

Trên 90% chip tiên tiến nhất thế giới quy trình kỹ thuật dưới 9nm được Đài Loan sản xuất.

Chính phủ nhiều nước cũng đang đầu tư mạnh tay cho ngành chip để đảm bảo nguồn cung, lần lượt công bố các kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất chip trong nước để khôi phục “chủ quyền công nghệ."

Theo số liệu của công ty phân tích thông tin lĩnh vực viễn thông và công nghệ toàn cầu “New Street Research,” để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Ấn Độ cam kết cung cấp các khoản trợ cấp lên đến 190 tỷ USD trong 10 năm tới.

Điển hình là EU, ngay từ cuối tháng 11/2022, các nước EU đã bắt đầu thúc đẩy kế hoạch trợ cấp 43 tỷ euro (46 tỷ USD), tăng cường sản xuất bán dẫn để trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu. Mục đích lớn lao của EU là thống lĩnh 20% thị trường bán dẫn toàn cầu vào năm 2030.

Hiện nay, Mỹ chiếm 12% thị trường toàn cầu và hy vọng tỷ lệ này sẽ nâng lên 15% khi TSMC xây dựng các nhà máy mới.

Để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn trong nước, Mỹ liên tục đưa ra các chính sách và cần sự hợp tác của đồng minh, điều này đã “phả hơi lạnh” vào ngành điện tử toàn cầu.

Cục Công nghiệp và An toàn của Bộ Thương mại Mỹ có thể cấp giấy phép xuất khẩu cho mọi thực thể bên ngoài theo quy tắc hàng hóa nước ngoài, đồng thời ngăn chặn việc tiêu thụ sản phẩm mà cơ quan này cho là xâm phạm lợi ích thương mại và chiến lược của Mỹ.

Chủ tịch TSMC Ngụy Triết Gia cảnh báo việc chính phủ kiểm soát xuất khẩu quá mức có thể sẽ khiến cho lòng tin và hợp tác giữa các nước suy yếu.

Tại một sự kiện công nghiệp ở Đài Bắc vào ngày 17/12/2022, Chủ tịch Ngụy Triết Gia nhấn mạnh: “Kiểm soát xuất khẩu và lệnh cấm đối với hàng hóa các nước khác đã phá hủy năng suất và hiệu quả của toàn cầu hóa, hoặc ít nhất cũng hạ thấp những điểm tích cực mà thị trường tự do mang lại.”

Ông kêu gọi các chính trị gia đưa ra phương án thay thế.

Giữa tháng 12/2022, Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên WTO, cáo buộc Mỹ liên tục mở rộng khái niệm an ninh quốc gia trong những năm gần đây, lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cản trở thương mại quốc tế bình thường của các hàng hóa bao gồm chip.

Thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích những biện pháp này là chủ nghĩa bảo hộ thương mại điển hình, đe dọa sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, gây nguy hiểm cho nền tảng trị giá 580 tỷ USD của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.

Dựa vào cơ chế WTO để giải quyết tranh chấp là động thái không đáp ứng kịp. Sau khi Trung Quốc đệ đơn khởi kiện, Mỹ có 60 ngày để thương lượng. Nếu không thể giải quyết vấn đề, Trung Quốc có thể yêu cầu WTO thành lập nhóm hội thẩm.

WTO có thể mất vài năm để đưa ra phán quyết. Ngay cả khi Trung Quốc thắng kiện, thì Mỹ cũng có thể kháng cáo và WTO không có khả năng buộc Mỹ phải thay đổi hành động của mình.

Tuy nhiên, ngày 1/1 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phát đi thông điệp tương đối tích cực.

Ông Blinken viết trên Twitter rằng ông và tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã gọi điện thảo luận quan hệ song phương, đồng thời sẽ “duy trì thông suốt các kênh liên lạc.”

Sau đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với phóng viên rằng, thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc là xuất phát từ lợi ích quốc gia, đây là quan hệ chủ yếu dựa vào cạnh tranh, trong đó cần có sự hợp tác mang tính xây dựng, nhưng cũng sẽ tồn tại những bất đồng sâu sắc, thậm chí đối đầu trên một số lĩnh vực.

Do đó, điều Mỹ quan tâm không phải là ai ở vị trí nào, mà là làm cách nào để quản lý quan hệ song phương sâu rộng này bằng phương thức mang tính xây dựng. Điều này không chỉ phù hợp với lợi ích của Mỹ, mà còn phù hợp với mong muốn của các nước khác./.