Từ bỏ mục tiêu tăng trưởng - lựa chọn tồi của các nước phát triển

Thứ hai, 30/1/2023 | 10:00 GMT+7

Tạp chí chuyên ngành Le Nouvel Economiste của Pháp cho rằng việc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng là một lựa chọn tồi, làm ảnh hưởng sự thịnh vượng và bền vững của các nền dân chủ phương Tây.

Khách hàng chọn mua đồ trong siêu thị ở Walthamstow, phía Đông London của Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bình luận về hệ quả của việc các nước phát triển xem nhẹ mục tiêu tăng trưởng, tạp chí chuyên ngành Le Nouvel Economiste của Pháp cho rằng đó là một lựa chọn tồi, làm ảnh hưởng sự thịnh vượng và bền vững của các nền dân chủ.

Mối đe dọa của một cuộc suy thoái hiện đang treo lơ lửng trên nền kinh tế toàn cầu. Nhưng những khó khăn mà các nước giàu gặp phải liên quan đến tăng trưởng còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Tốc độ tăng trưởng trong dài hạn đã giảm một cách đáng báo động, góp phần tạo nên sự trì trệ về mức sống và sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân túy.

Giai đoạn 1980-2000, GDP bình quân đầu người ở các nước phát triển tăng trung bình 2,25%/năm. Nhưng kể từ đó, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1,1%.

Mặc dù phần lớn sự chậm lại này là do các xu hướng không thể kiểm soát được, như sự già hóa của dân số tại các nước này, nhưng một số nguyên nhân khác là có thể đảo ngược. Vấn đề là phục hồi tăng trưởng hiện đang bị xếp xuống phần cuối của các chính sách ưu tiên.

Chương trình tranh cử của các chính trị gia ít tập trung vào chủ đề này hơn trước và mong muốn cải cách của họ đã biến mất.

Hết động lực tăng trưởng

Nửa sau thế kỷ XX là thời kỳ hoàng kim cho tăng trưởng. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, sự bùng nổ tỷ lệ sinh đã tạo ra một lực lượng lao động có trình độ học vấn cao hơn các thế hệ trước, với năng suất trung bình tăng lên nhờ các kinh nghiệm được tích lũy.

Trong những năm 1970 và 1980, ở nhiều quốc gia phát triển, phụ nữ chiếm số đông trong lực lượng lao động. Trong khi đó, việc xóa bỏ các rào cản thương mại và sự hội nhập của châu Á vào nền kinh tế thế giới đã cho phép hoạt động sản xuất đạt hiệu quả tốt hơn rất nhiều.

["Các nước phát triển thiếu trách nhiệm trong khủng hoảng người tị nạn"]

Điều kiện sống đã được cải thiện. Năm 1950, gần 1/3 hộ gia đình Mỹ không có bồn vệ sinh xả nước. Vào năm 2000, hầu hết trong số đó đã có thể tự hào sở hữu ít nhất 2 chiếc ôtô.

Nhưng sau đó, nhiều xu thế hỗ trợ tăng trưởng đã bị đình trệ hoặc đảo ngược. Kỹ năng của lực lượng lao động không còn tiến bộ nhanh như trước. Ngày càng có nhiều công nhân nghỉ hưu, sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động đã ổn định và sự phát triển của giáo dục không còn có nhiều đóng góp như trước.

Khi trở nên giàu hơn, người tiêu dùng đã chi tiêu phần lớn thu nhập của họ cho các dịch vụ khó có thể tăng năng suất.

Các lĩnh vực như giao thông, giáo dục và xây dựng gần như không thay đổi so với 20 năm trước.

Những vấn đề khác, chẳng hạn như giáo dục đại học, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, bị ảnh hưởng bởi thói quan liêu và nỗi ám ảnh về lợi nhuận.

Chủ nghĩa can thiệp nhà nước thay cho chủ nghĩa tư bản tự do

Già hóa dân số không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng mà còn khiến các cử tri ít quan tâm hơn đến GDP, bởi vì tăng trưởng chủ yếu mang lại lợi ích cho những người đang trong độ tuổi lao động, chứ không phải cho những người về hưu có thu nhập ổn định.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn vào các cương lĩnh chính trị của các chính trị gia cho thấy số lượng những người có lập trường không ủng hộ tăng trưởng đã tăng khoảng 60% kể từ những năm 1980.

Với các nhà nước, phúc lợi thường chú trọng việc trợ cấp lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho người già, hơn là đầu tư vào cơ sở hạ tầng có lợi cho sự tăng trưởng hoặc phát triển của trẻ nhỏ. Hỗ trợ cho cải cách thúc đẩy tăng trưởng đã trở nên suy yếu.

Thậm chí, ngay cả khi các chính trị gia nói rằng muốn tăng trưởng, họ vẫn hành động như thể không muốn.

Vấn đề thay đổi cấu trúc đi đôi với xu hướng ly khai về phương diện chính trị đặc biệt đáng chú ý ở Anh, quốc gia kể từ năm 2007 đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người trung bình hàng năm chỉ là 0,4%.

Việc không xây đủ nhà ở tại khu vực thịnh vượng ở vùng Đông Nam đã kìm hãm năng suất lao động và việc quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã gây tổn hại cho thương mại và đầu tư.

Tháng 9/2022 bà Liz Truss trở thành Thủ tướng với lời hứa sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cắt giảm thuế, vốn đang là nguồn bù đắp sự thâm hụt. Nhưng kết cục là bà đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.

Bà Truss không phải là người duy nhất thất bại. Cựu Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn tăng trưởng 4% hàng năm, nhưng ông đã cản trở sự thịnh vượng lâu dài bằng cách làm rạn nứt nền tảng của thương mại toàn cầu. Chỉ riêng năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã đưa ra 12.000 quy định mới.

Các nhà lãnh đạo phương Tây ngày nay là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho sự can thiệp nhà nước và dường như họ tin rằng chính sách công nghiệp, chủ nghĩa bảo hộ và gói cứu trợ là con đường dẫn đến thành công kinh tế.

Điều này xuất phát từ niềm tin - sai lầm - rằng chủ nghĩa tư bản tự do hoặc thương mại tự do là nguyên nhân của tăng trưởng chậm hơn.

Niềm tin này đôi khi trở nên trầm trọng hơn khi đi kèm với suy nghĩ rằng "đã tăng trưởng là không thể xanh," có nghĩa là tăng trưởng không thể đi đôi với bảo vệ sinh thái và phát triển bền vững.

Cải cách để cứu các nền dân chủ phương Tây

Trên thực tế, trước tình trạng suy giảm dân số, cải cách tự do để thúc đẩy tăng trưởng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Các cuộc cải cách này sẽ không thể phục hồi tỷ lệ tăng trưởng cao như vào cuối thế kỷ XX.

Nhưng việc chấp nhận thương mại tự do, nới lỏng các quy định xây dựng, cải cách chế độ nhập cư và xây dựng hệ thống thuế hỗ trợ đầu tư kinh doanh có thể tăng thêm khoảng nửa điểm phần trăm cho mức tăng trưởng bình quân đầu người hàng năm.

Điều này sẽ không làm các cử tri hào hứng, nhưng tốc độ tăng trưởng hiện tại quá yếu nên bất kỳ tiến bộ nào cũng quan trọng và sẽ giúp nền kinh tế dần cải thiện.

Và nếu không quan tâm đến tăng trưởng, các nền dân chủ giàu có sẽ phải chứng kiến sức sống kinh tế của họ "khô héo" và suy yếu trên trường thế giới./.