Kinh tế châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đang khó khăn đến mức nào?

Thứ năm, 15/9/2022 | 11:55 GMT+7

Châu Âu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng khí đốt, Mỹ liên tục tăng lãi suất, Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn và khủng hoảng thị trường bất động sản…

(Nguồn: trtworld.com)

Với những nguyên nhân khác nhau, ba động lực của nền kinh tế thế giới đều "trục trặc" - một điều hiếm khi xảy ra ngày cả sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Dưới đây là bài phân tích trên báo Pháp Le Monde số ra gần đây về tác động của vấn đề này đến nền kinh tế toàn cầu.

Châu Âu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng khí đốt, Mỹ liên tục tăng lãi suất, Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn và khủng hoảng thị trường bất động sản… Cả ba "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới đang chạy hết sức chậm chạp, thậm chí thụt lùi.

Ông Seth Carpenter, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley, cảnh báo: "Bóng mây suy thoái đang tích tụ trên khắp thế giới."

Tamara Basic Vasiljev, chuyên gia của cơ quan phân tích Oxford Economics nói thêm: "Đối với người tiêu dùng, mùa Đông dài và lạnh lẽo đang dần xuất hiện."

Trong giới kinh tế học có sự đồng thuận đáng lo ngại rằng khu vực đồng tiền chung euro sẽ rơi vào suy thoái cuối năm 2022, Mỹ có khả năng tránh được nhưng không thoát khỏi tình trạng giảm tốc mạnh.

Còn đối với Trung Quốc, động lực của nền kinh tế toàn cầu từ 1/4 thế kỷ nay, tăng trưởng chưa bao giờ xuống thấp và mong manh như hiện nay kể từ nhiều thập kỷ gần đây.

Ngoài ra, cũng cần phải nhắc đến Anh - nhiều khả năng đã bị suy thoái, khu vực Đông Âu - bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc xung đột Ukraine, hay hàng loạt nền kinh tế mới nổi đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng như Lebanon, Sri Lanka, Pakistan, và Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến cơn bão lạm phát đến 80%. Tuy vậy tình hình chưa đến nỗi "thảm họa."

Chuyên gia kinh tế Alejandra Grindal của trung tâm phân tích Ned Davis Research cho rằng thế giới "chưa phải ở đêm trước của một cuộc đại khủng hoảng như năm 2008," nhưng chúng ta "đang tiến về một cuộc suy thoái toàn cầu."

Ngân hàng Thụy Sỹ UBS dự báo ngay cả đối với châu Âu, suy thoái có thể sẽ không quá sâu.

Năm 2022 thoạt tiên bắt đầu với những tín hiệu rất lạc quan. Dịch COVID-19 kết thúc, các hộ gia đình không phải chịu đựng quá nhiều khó khăn nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ nhiều nước.

Lạm phát bắt đầu nhú lên nhưng đa số ý kiến cho rằng nó chủ yếu ở Mỹ và chỉ mang tính chất tạm thời.

Kịch bản "màu hồng" này đã trật hướng vì hai lý do. Thứ nhất, phương Tây đã trải qua đợt giá cả bùng nổ mạnh nhất từ 40 năm nay do việc nới lỏng quản lý kinh tế sau cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra, chuỗi cung ứng hỗn loạn, thị trường lao động căng thẳng, tiếp đến là ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine.

Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero COVID nghiêm khắc.

Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) liên tục hạ dự báo tăng trưởng đã làm bộc lộ những bất thường của nền kinh tế. Tháng 10/2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 4,9% năm 2022.

Đến tháng Tư, dự báo bắt đầu giảm xuống còn 3,6% và tháng Bảy vừa qua thì chỉ còn 3,2%. Mức này vẫn còn bị coi là quá cao. Morgan Stanley cho rằng tăng trưởng chung chỉ đạt 2,5%, còn ngân hàng Oddo BHF đưa ra mức 2,8%.

Châu Âu bị tác động bởi cú sốc khí đốt

Đầu năm 2021, khí đốt giao dịch tại châu Âu - trên thị trường Hà Lan, nơi được coi là điểm tham chiếu - với giá 15 euro/MWH (khoảng 14,83 USD). Đến giữa tháng Sáu vừa qua, giá tăng lên 100 euro.

Ngày 1/8, giá khí đốt lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 euro/MWH, đến cuối tháng đã lên đến 282 euro, có lúc leo lên 340 euro.

Chuyên gia về hàng hóa của cơ quan tư vấn Capital Economics, Caroline Bain cho biết, cú sốc này "chưa từng có, kể cả trong thập niên 1970 thế giới cũng chưa từng chứng kiến giá khí đốt tăng nhanh như vậy."

Cú sốc khí đốt - giống như trước kia người ta nói cú sốc dầu mỏ - gây ra hai tác động trực tiếp lớn. Đầu tiên là ảnh hưởng đến người tiêu thụ, nâng tỷ lệ chi tiêu cho năng lượng trung bình lên gần 10% thu nhập. Giá cả tăng đẩy lạm phát lên, nay đã xấp xỉ 9% trong Eurozone.

Ông Andrew Kenningham, chuyên gia về Eurozone của Capital Economics, nói: "Điều này khiến cho thu nhập dành cho tiêu dùng của các hộ gia đình giảm 4% trong năm nay."

Tiếp đến, cú sốc ảnh hưởng đến công nghiệp. Một số nhà máy bắt đầu phải đóng cửa vì không còn lợi nhuận.

Chẳng hạn như Nyrstar, một doanh nghiệp Bỉ chuyên đúc kẽm, đã tuyên bố đóng cửa nhà máy ở Hà Lan từ 1/9.

Hai nước thành viên vẫn có nền tảng sản xuất công nghiệp lớn là Đức và Italy bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước xung đột Ukraine, giới kinh tế dự báo tăng trưởng của Đức có thể đạt 3,5%, hiện nay họ cho rằng sẽ không quá 1,5%.

Thậm chí, các chuyên gia của Oddo BHF cho rằng tăng trưởng của Đức có thể phải giảm thêm ít nhất 1% nữa.

Những khó khăn này chồng thêm biện pháp thắt chặt tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát.

Tháng Bảy vừa qua, ECB đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ 2011 lên mức 0%.

Ngày 27/8, Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng thống đốc ECB, đã nhắc lại rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu, cho rằng cần "có hành động kiên quyết" hơn nữa. Dự báo tại kỳ họp ngày 8/9, ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,5-0,75 điểm phần trăm.

Tin tốt là Eurozone đã đạt mức tăng trưởng khá hồi đầu năm, khoảng 0,5% trong quý I/2022 và 0,6% trong quý 2. Nhưng thực ra đó chỉ là hiệu ứng hậu COVID-19.

Ngành du lịch đã khởi sắc trở lại, vì lý do đó đà giảm tốc có thể sẽ hạn chế hơn trong quý 3 nhờ vào kỳ nghỉ mùa Hè. Nhưng quý 4 sẽ là giai đoạn rất khó khăn khi nhu cầu sưởi ấm tăng mạnh.

Mỹ: Fed quyết tâm chặn đứng lạm phát

Mỹ đã trải qua giai đoạn đầu năm khó khăn. GDP giảm 0,4% trong quý đầu và 0,2% trong quý 2/2022.

Kinh tế đi xuống chủ yếu là do tình hình trao đổi thương mại quốc tế kém và chính sách tích trữ hàng hóa của doanh nghiệp. Ngược lại, tiêu thụ nội địa không suy giảm. Do đó, Mỹ không phải chịu cú sốc như của châu Âu. Khí đốt tại Mỹ rẻ hơn và chỉ tương đương 1/8 so với châu Âu.

Điểm đen lớn nhất là lạm phát, mặc dù giảm nhẹ, vẫn ở mức 8,5% vào tháng 7/2022.

Cục Dự trữ liên bang (Fed) muốn đưa lạm phát trở lại mức 2% bằng mọi giá, dù phải chấp nhận gây ra những "hậu quả đau đớn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp," theo tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 26/8.

Từ tháng Ba, Fed đã nâng lãi suất thêm 2,25 điểm phần trăm. Đợt thắt chặt tiền tệ này đã nhanh chóng gây ra hiệu ứng mạnh. Lãi suất cố định vay mua nhà thời hạn 30 năm trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19 ở mức 2,7%, nay tăng lên 5,5%.

Liệu biện pháp siết chặt chính sách tiền tệ này có kích thích đợt suy thoái mới? Hay Fed sẽ giảm thành công lạm phát mà không làm tăng số người thất nghiệp?

Hiện tại, thị trường lao động vẫn "chịu đựng" khá tốt, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, các số liệu thống kê về tình hình tạo việc làm đều rất tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà kinh tế của ngân hàng UBS, "xu hướng này dường như không thể kéo dài."

Họ cho rằng người Mỹ ngày càng phải tiêu lạm hoặc sử dụng các khoản vay tiêu dùng để bù đắp cho sức mua giảm sút. Trong khi đó, thị trường lao động vẫn hết sức căng thẳng, đến mức mà các doanh nghiệp không thể tìm được người đang muốn kiếm việc làm.

Trung Quốc vất vả chống dịch COVID-19 và khủng hoảng địa ốc

Năm 2000, Trung Quốc chiếm 4% tổng xuất khẩu của thế giới, hiện nay là 15%, chưa kể 3% của Hong Kong (Trung Quốc).

Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nước này thường được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu, từng là chỗ dựa cho thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Thế nhưng tình thế hiện nay khác.

Trong quý 2/2022, GDP Trung Quốc - số liệu nên xem xét một cách thận trọng vì thường không chính xác - đã giảm đến 2,6%. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ ở đô thị tăng lên mức kỷ lục, 20%. Tính theo năm, nền kinh tế "giậm chân tại chỗ." Đây là hậu quả của chính sách "Không COVID" (Zero COVID). Hàng chục thành phố lần lượt bị phong tỏa, kể cả Thâm Quyến - "lá phổi" của miền Nam hay Thượng Hải - "thủ đô kinh tế."

Đồng thời, một trong những điều lo ngại nhất của các nhà kinh tế từ nhiều năm nay dường như đang thành hiện thực: sự sụp đổ của thị trường bất động sản-lĩnh vực chiếm 1/4 tăng trưởng của Trung Quốc. Hàng nghìn tòa nhà lớn bỏ trống do không thể tìm được người mua. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản, hàng loạt công trình bị bỏ dở. Rất nhiều chủ nhà đã mua sản phẩm trên giấy nhưng tiến trình xây cất bị bỏ dở.

Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm 2022. Nhưng IMF cho rằng Trung Quốc khó đạt 3,3%. Ngày 24/8, Bắc Kinh đã đưa ra một chương trình hỗ trợ mới trị giá 2.600 tỷ nhân dân tệ (hơn 380 tỷ USD), nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế./.