Ẩn ý đằng sau nguyện vọng gia nhập CPTPP của Trung Quốc?

Thứ hai, 27/9/2021 | 15:13 GMT+7

Nỗ lực tham gia liên minh thương mại 11 thành viên của Trung Quốc tuy có vẻ xa vời nhưng lại giúp nâng tầm ý nghĩa địa chính trị của CPTPP lên mức cao hơn.

Cảng Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Trang mạng economist.com đưa tin đơn đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đặt trên bàn của Damien O’Connor, Bộ trưởng Thương mại của New Zealand ngày 16/9. Địa điểm này phù hợp với lịch sử của thỏa thuận này.

Tại một cuộc họp năm 1999, các bộ trưởng thương mại của 2 cường quốc xuất khẩu nhỏ là New Zealand và Singapore đã khởi động cái mà sau này trở thành một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Thời điểm này cũng có ý nghĩa bởi đơn đề nghị của Trung Quốc được đưa ra chỉ một ngày sau khi có thông báo về việc Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia xây dựng một hạm đội tàu ngầm có năng lực hạt nhân.

Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc quân sự thống trị tại châu Á, song sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hiện là vô song.

Nỗ lực tham gia liên minh thương mại 11 thành viên của Trung Quốc tuy có vẻ xa vời nhưng lại giúp nâng tầm ý nghĩa địa chính trị của CPTPP lên mức cao hơn so với những gì mà hiệp định này từng được mường tượng cách đây hơn 2 thập kỷ.

[Triển vọng về việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định CPTPP]

Điều này cũng cho thấy sự điên rồ của một nước Mỹ hướng nội khi đã từ bỏ tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 1/2017.

CPTPP, một sự sửa đổi nhỏ so với thỏa thuận gốc, đã bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2018. Đây là một trong những thỏa thuận thương mại tiên tiến nhất trên thế giới.

Khi New Zealand và Singapore lần đầu tiên khởi xướng một liên minh thương mại do thất vọng trước tốc độ chậm chạp của các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc thậm chí còn chưa phải là thành viên của thực thể thương mại toàn cầu này và quy mô kinh tế của nước này vẫn tương đối nhỏ so với hiện nay.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của nước này chỉ chiếm 3,4%. Năm ngoái, tỷ lệ này đã đạt 14,7%, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới chiếm tỷ trọng 2 chữ số.

Khi Mỹ vẫn còn là một bên tích cực trong việc xây dựng TPP, thỏa thuận này được mô tả là một công cụ kiềm chế Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng của mình lên các quy tắc thương mại.

Hiện nay, vẫn khó để có thể tưởng tượng rằng đơn đề nghị gia nhập của Trung Quốc sẽ được chấp thuận trong tương lai gần.

CPTPP là một thỏa thuận chi tiết đòi hỏi sự hội nhập sâu rộng về kinh tế, và các thành viên mới phải được chấp thuận bởi sự nhất trí của tất cả các thành viên.

Theo Jeff Schott của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một hãng tư vấn tại Washington, “thật ngạc nhiên là Trung Quốc đang đạt gần đủ các điều kiện của CPTPP trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực mà còn khoảng cách thì chúng đều rất lớn.”

Ông cho rằng đất nước đã đạt được những bước tiến lớn trong những năm gần đây về quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư, nhưng sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước (SOES), sự yếu kém về quyền lao động và những mối lo ngại về quyền riêng tư của các dữ liệu khiến Trung Quốc vẫn còn phải nỗ lực nhiều để đáp ứng các tiêu chuẩn.

Cách đối xử với các SOES vẫn luôn là mối lo ngại thường trực của nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc.

Để trở thành thành viên của CPTPP, Việt Nam đặc biệt đã phải chấp nhận các quy định hạn chế về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động và cơ cấu của họ, điều mà Trung Quốc dự kiến sẽ phản ánh.

Sự quản lý dữ liệu là một vấn đề mà Trung Quốc đang có chủ trương đi ngược lại với xu hướng cần thiết mà một thành viên cần tuân theo.

Các quốc gia CPTPP đã cam kết thúc đẩy sự trao đổi thông tiên liên biên giới.

Ngược lại, Trung Quốc đã trở thành một hình mẫu cho sự địa phương hóa dữ liệu: một luật bảo vệ dữ liệu vừa được thông qua hồi tháng trước sẽ khiến các công ty nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chia sẻ thông tin ra ngoài đất nước này.

Các thành viên tham gia thỏa thuận hiện nay cũng khó có thể chấp nhận sự kết nạp này chỉ vì một lời hứa sẽ thay đổi.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại và láng giềng lớn của mình trong những năm gần đây đã xấu đi, khiến cho nỗ lực gia nhập CPTPP trở thành một ván cược ngoại giao khó khăn hơn nhiều so với việc nước này gia nhập WTO vốn được hoàn tất vào năm 2001.

Theo Kazuhito Yamashita, một cựu nhà đàm phán thương mại Nhật Bản từng tham gia các cuộc thảo luận về việc kết nạp Trung Quốc vào WTO, khi đó những người có tư tưởng lạc quan thì lập luận rằng Trung Quốc nên được chấp nhận để gia nhập WTO và rằng các vấn đề có thể được khắc phục sau đó bằng việc áp đặt thực thi các điều khoản.

Trong khi đó, các quan điểm trái ngược lập luận rằng rất khó để thay đổi nhiều điều tại một nền kinh tế cộng sản, và ý kiến này “hoàn toàn đúng."

Tuy nhiên, ngay cả khi các cơ hội để sớm gia nhập CPTPP còn rất mong manh, có thể vẫn còn nhiều lý do khác để Trung Quốc công khai nguyện vọng của mình. Hầu hết các quốc gia không muốn trở thành thành viên CPTPP để trở thành một khối chống Trung Quốc.

Thật vậy, một số thậm chí còn sốt sắng tìm kiếm lợi ích kinh tế tiềm năng từ việc Trung Quốc trở thành thành viên.

Khi các cuộc đàm phán để Mỹ gia nhập TPP bắt đầu vào năm 2008, đối với một số quốc gia hiện là thành viên của CPTPP như New Zealand, Peru và Chile, Mỹ là một đối tác thương mại lớn hơn so với Trung Quốc. Còn bây giờ, trong số các thành viên CPTPP, chỉ có Canada và Mexico giao thương với Mỹ nhiều hơn với Trung Quốc.

Một bài báo đăng trên trang piie.com năm 2019 ước tính doanh thu toàn cầu đạt được từ CPTPP khi thỏa thuận có hiệu lực có thể lên đến 147.000 tỷ USD.

Nếu Trung Quốc tham gia thỏa thuận thì con số này có thể đạt tới 632 nghìn tỷ. Những lợi ích mà nhiều thành viên đạt được có thể lên tới hơn 1% thu nhập thực tế của họ.

Tuy nhiên, đối với các chính phủ khác, mối quan hệ với Trung Quốc đã tồi tệ đến mức độ khó có thể chấp nhận được việc kết nạp nước này.

Nigel Cory, một chuyên gia thương mại tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin tại Washington, cũng là một nhà cựu ngoại giao người Australia, nhận định: “Việc đối phó với ảnh hưởng kinh tế, chính trị và trong không gian mạng của Trung Quốc đang là động cơ trọng tâm thúc đẩy nhiều chính sách của Australia và Nhật Bản. Những tính toán chiến lược về trung Quốc đang ngày càng được đẩy mạnh ở cả 2 quốc gia này.”

Việc điều hòa sự bất đồng giữa các nước coi việc kết nạp Trung Quốc là một cơ hội kinh tế với các nước coi đây là một mối đe dọa chính trị có thể có lợi cho các nhà cầm quyền Trung Quốc về mặt ngoại giao.

Trung Quốc hiện là thành viên lớn nhất của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một thỏa thuận thương mại lớn hơn nhưng hời hợt hơn vừa được ký vào năm ngoái.

Thỏa thuận này đặt ra ít điều kiện để trở thành thành viên, nhưng khác với CPTPP, nó lại bao gồm mọi nền kinh tế lớn của Đông Nam Á, và cả Hàn Quốc. Việc trở thành thành viên của cả hai hiệp định, nếu xảy ra, sẽ càng giúp đất nước này trở thành một lãnh đạo hàng đầu về ngoại giao thương mại tại châu Á.

Đứng ở bên ngoài CPTPP, Mỹ không tác động trực tiếp đến kết quả của các cuộc thảo luận về việc kết nạp Trung Quốc. Dĩ nhiên, nước này vẫn có ảnh hưởng, đặc biệt là với các nước láng giềng cận kề của mình.

Thỏa thuận thương mại tự do của họ với Mexico và Canada đòi hỏi bất kỳ nước nào trong 3 nước đều phải tham vấn các nước còn lại trước khi tiến hành đàm phán với một nước mà không bên nào trong số này có chung một thỏa thuận thương mại.

Thỏa thuận tàu ngầm của Mỹ với Australia cũng sẽ củng cố quyết tâm của mình trong việc thúc đẩy các lợi ích của Mỹ tại khu vực, kể cả các lợi ích kinh tế.

Hầu hết đều đặt cược rằng nỗ lực tham gia CPTPP của Trung Quốc sẽ thất bại.

Và cách đây không lâu, một số người còn đánh cược rằng Trung Quốc sẽ thể hiện sự quan tâm đến việc trở thành thành viên CPTPP nhiều hơn Mỹ. Nếu nỗ lực này mang một ý nghĩa khác, đó vẫn là một minh chứng rõ ràng cho thấy tầm ảnh hưởng thương mại của Mỹ đã suy yếu nhanh đến thế nào./.

(Vietnam+)