Xung quanh vụ điều tra “bê bối Trung Quốc” liên quan tới WB

Chủ nhật, 26/9/2021 | 20:02 GMT+7

Đương kim Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva bị cáo buộc là gây sức ép nâng điểm cho Trung Quốc trong báo cáo thường niên Doing Business.

Bà Kristalina Georgieva. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hãng Reuters/AFP/BBC, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 16/9 cho biết họ ngừng ra báo cáo thường niên Doing Business (Môi trường kinh doanh các nước) sau khi một điều tra cho thấy có bê bối liên quan điểm số cho Trung Quốc trong quá khứ.

Đương kim Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva bị cáo buộc là gây sức ép nâng điểm cho Trung Quốc. Bà Georgieva từng là Giám đốc điều hành WB từ tháng 1/2017, trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất của IMF từ ngày 1/10/2019.

Cáo buộc

Trong thông cáo ngày 16/9, WB cho biết cuộc điều tra về loạt báo cáo “Doing Business” đã phát hiện các vấn đề đạo đức nghiêm trọng đến mức quyết định dẹp luôn loạt báo cáo hàng năm.

WB cho biết trong một đánh giá công bố hồi tháng 12/2020, xếp hạng của Trung Quốc trong báo cáo Kinh doanh 2018 (được công bố hồi tháng 10/2017) lẽ ra phải thấp hơn 7 bậc - ở vị trí 85 thay vì 78 - sau khi thực hiện các thay đổi về phương pháp dữ liệu so với dự thảo ban đầu.

Giờ đây, theo báo cáo điều tra mà WB vừa công bố, “những thay đổi đối với dữ liệu của Trung Quốc trong Kinh doanh 2018 dường như là kết quả của 2 loại áp lực riêng biệt mà ban lãnh đạo ngân hàng áp dụng đối với nhóm làm báo cáo.”

Cuộc điều tra trên do Công ty luật WilmerHale thực hiện. Báo cáo của họ được gửi cho ban giám đốc WB ngày 15/9 và được đồng ý cho công bố.

[Xuất khẩu vững mạnh, kinh tế Trung Quốc trút bớt gánh nặng]

Trong một tuyên bố, bà Georgieva nêu rõ: “Tôi không đồng ý về cơ bản với những phát hiện và cách giải thích của cuộc điều tra về sự bất thường về dữ liệu vì nó liên quan đến vai trò của tôi trong báo cáo Kinh doanh của WB năm 2018.”

Báo cáo Doing Business của WB đóng một vai trò đáng chú ý ở các thị trường mới nổi, với việc các chính phủ thường xuyên cố gắng tăng thứ hạng để kêu gọi đầu tư nước ngoài. Nhưng việc xếp hạng đã là nguồn gốc của cuộc tranh luận sôi nổi trong những năm gần đây. Năm 2018, Paul Romer đã phải từ chức nhà kinh tế trưởng của WB sau khi đặt câu hỏi về những thay đổi trong thứ hạng của Chile trong báo cáo.

Điều tra nói gì?

Theo Reuters, báo cáo của WilmerHale đã trích dẫn “áp lực trực tiếp và gián tiếp” từ các nhân viên cấp cao trong văn phòng của Chủ tịch WB lúc bấy giờ là Jim Yong Kim để thay đổi phương pháp của báo cáo nhằm nâng cao điểm số của Trung Quốc và cho biết nó có thể xảy ra theo chỉ đạo của ông này.

Điều tra cũng cho biết bà Georgieva là một cố vấn chính đã gây áp lực buộc nhân viên phải “thực hiện những thay đổi cụ thể đối với các điểm dữ liệu của Trung Quốc” và tăng thứ hạng của Trung Quốc vào thời điểm WB đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với một nguồn vốn lớn.

Trong khi đó, tờ New York Times nói kết quả điều tra do công ty luật WilmerHale tiến hành theo yêu cầu của ủy ban đạo đức ngân hàng, đã đặt câu hỏi về bà Georgieva trong thời gian làm việc tại WB và nhấn mạnh áp lực mà ngân hàng quốc tế này phải chịu từ Trung Quốc, cổ đông lớn thứ ba của họ sau Mỹ và Nhật Bản.

Theo cuộc điều tra, nhân viên của Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã tổ chức các cuộc họp để tìm cách cải thiện xếp hạng của Trung Quốc. Bà Georgieva cũng tham gia, làm việc với một trợ lý để đề ra một phương pháp giúp Trung Quốc thăng hạng mà không ảnh hưởng đến thứ hạng của các quốc gia khác.

Bà Georgieva đã “trực tiếp can dự” trong việc nâng hạng cho Trung Quốc và có một lần đã “mắng” Giám đốc WB tại Trung Quốc vì làm tổn hại quan hệ với Bắc Kinh. Cuối tháng 10/2017, trước khi báo cáo được công bố, bà Georgieva đã tới nhà viên chức phụ trách nhóm Doing Business để nhận bản báo cáo và cảm ơn viên chức này vì giúp “giải quyết vấn đề” về thứ hạng của Trung Quốc. Khi được phỏng vấn để phục vụ cuộc điều tra, bà đã nói rằng không thể nhớ vì sao bà phải đến tận nơi lấy báo cáo thay vì chờ nó được gửi tới văn phòng.

Điều tra của WilmerHale cũng trích dẫn những bất thường trong dữ liệu được sử dụng để xác định thứ hạng cho Saudi Arabia và Azerbaijan trong báo cáo Doing Business 2020 (được công bố vào năm 2019). Tuy nhiên, họ không tìm ra bằng chứng nào cho thấy bất kỳ thành viên nào trong Văn phòng Chủ tịch hoặc ban điều hành của ngân hàng có liên quan đến những thay đổi này.

Sau khi công bố kết quả điều tra ngày 16/9, WB ra thông cáo nêu rõ: “Sau khi xem xét tất cả các thông tin cho đến nay về Doing Business, bao gồm các phát hiện trước đó, kiểm toán và báo cáo mà Ngân hàng đã công bố hôm nay, thay mặt Ban Giám đốc điều hành, Ban Quản lý quyết định chấm dứt ra báo cáo Doing Business hàng năm.

WB vẫn cam kết kiên quyết thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển và hỗ trợ các chính phủ thiết kế môi trường pháp lý hỗ trợ điều này. Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường đầu tư và kinh doanh”./.

(Vietnam+)