Những “bóng đen” trước thềm Olympic Tokyo 2020

Thứ sáu, 23/7/2021 | 11:45 GMT+7

Trong bối cảnh vài ngày nữa là đến ngày khai mạc Olympic, cùng với những quan ngại về dịch tễ do đại dịch COVID-19, vấn đề chính trị hóa thể thao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản khiến dư luận thêm lo ngại.

(Nguồn: texasnewstoday.com)

Theo TTXVN/AP/RFI, Olympic Tokyo 2020 sẽ chính thức khai mạc vào tối nay, 23/7 và kéo dài trong 17 ngày.

Đây là kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử bị lùi lại một năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hơn 10.000 vận động viên thế giới sẽ so tài để giành 339 huy chương ở 33 bộ môn thi đấu chính thức.

Trong bối cảnh này, cùng với những quan ngại về dịch tễ do đại dịch COVID-19, vấn đề chính trị hóa thể thao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản khiến dư luận thêm lo ngại.

Theo trang Thông tin Hàn Quốc ngày 18/7, tại ký túc xá cho các vận động viên nước ngoài tham gia Olympic Tokyo 2020, khu vực của đoàn Hàn Quốc có treo cờ Thái cực, băng rôn “Team Korea” và dòng chữ tiếng Hàn “Hãy nói với thượng đế rằng ta vẫn còn sự ủng hộ và động viên của hơn 50 triệu quốc dân.”

Dòng chữ tiếng Hàn mượn câu nói của Tướng Yi Sun-shin - người 2 lần đánh bại quân Nhật Bản xâm lược. Khi quân Nhật Bản xâm lược lãnh thổ Hàn Quốc năm 1592, vị tướng này đã làm nên kỳ tích đánh bại 330 chiến hạm của quân Nhật, trong khi lực lượng của ông chỉ có 12 tàu chiến nhỏ.

Trước trận chiến, ông có động viên tinh thần quân sỹ bằng câu nói: "Hãy nói với thượng đế rằng ta vẫn còn 12 chiến hạm." Đối với người Hàn Quốc, Tướng Yi Sun-shin là biểu tượng của dũng khí và niềm tin chiến thắng.

Ban đầu, đoàn Hàn Quốc còn treo cả hình Tướng Yi Sun-shin nhưng bị Ban tổ chức Nhật Bản yêu cầu gỡ xuống vì động chạm đến vấn đề lịch sử nhạy cảm giữa hai quốc gia. Quân Nhật Bản từng 2 lần đại bại trước Tướng Yi Sun-shin, vì vậy có một số ý kiến cho rằng treo hình ông là vi phạm tinh thần thể thao trong sáng.

[WHO: Không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ dịch bệnh ở Olympic Tokyo]

Tuy nhiên, Ủy ban Olympic và thể thao Hàn Quốc cũng có phản bác, cho rằng chính Nhật Bản đã lợi dụng sự kiện thể thao quốc tế để thực hiện tham vọng chính trị “đen tối.”

Trước đó, trong tài liệu quảng bá cho Olympic mùa Hè Tokyo 2020, Nhật Bản đã chú thích Quần đảo Dokdo trên bản đồ Olympic là lãnh thổ của nước này.

Mặc dù Hàn Quốc đã nhiều lần đề nghị sửa lại bản đồ này, phía Nhật Bản vẫn kiên quyết giữ lại và nhấn mạnh rằng bản đồ đã được ghi chú "một cách khách quan," đảo Takeshima (tên đảo Dokdo theo cách gọi của Nhật Bản) rõ ràng là lãnh thổ lâu đời của Nhật Bản xét về cả mặt lịch sử và luật pháp quốc tế. Theo đó, lập trường phản đối của Hàn Quốc là điều “không thể chấp nhận.”

Để giải quyết vấn đề, Hiệp hội thể thao Hàn Quốc và Ban tổ chức Olympic Nhật Bản đã đi đến thống nhất: Đoàn Hàn Quốc gỡ băng rôn và câu khẩu hiệu liên quan đến Tướng Yi Sun-shin.

Đáp lại, Ban tổ chức Olympic Nhật Bản sẽ cấm cổ động viên mang các vật phẩm tượng trưng cho tội ác chiến tranh như cờ Húc Nhật kỳ, đồng phục có biểu tượng Húc Nhật kỳ vào trong sân vận động hay nơi thi đấu của Olympic.

Trong khi đó, theo đài RFI, nỗi lo sợ dịch bệnh đã lấn át tâm trạng hào hứng của người dân Nhật Bản đón chờ ngày hội thể thao lớn nhất của hành tinh. Olympic Tokyo 2020 và sau đó là Paralympic diễn ra ở 10 tỉnh, thành trên đất nước Nhật Bản, trong đó phần lớn các cuộc thi đấu diễn ra ở Tokyo.

Dự kiến nước chủ nhà Nhật Bản sẽ đón khoảng 18.000 vận động viên, huấn luyện viên và lãnh đạo các đoàn thể thao đại diện cho 206 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự Olympic Tokyo 2020.

Duy nhất có Triều Tiên thông báo không tham gia Olympic Tokyo do lo ngại về đại dịch COVID-19. Đây sẽ là lần đầu tiên nước này vắng mặt tại đấu trường Olympic kể từ năm 1988.

Bên cạnh đó, thể thao Nga do phải chịu án phạt của Tòa án Trọng tài thể thao, được phép cử vận động viên nhưng dưới hình thức các đội vận động viên trung lập không mang quốc kỳ Nga.

Để duy trì được sự kiện thể thao này, chính phủ từ tháng 5 đã lần lượt ban hành các biện pháp, ban đầu là cấm khán giả đến từ nước ngoài, rồi đến khán giả trong nước cũng bị cấm vào sân đấu theo dõi cổ vũ.

Một loạt các biện pháp phòng dịch khắt khe nhất cũng được áp dụng cho những người tham dự sự kiện, khiến cho Olympic Tokyo trở thành kỳ Thế Vận hội có nhiều quy định nhất trong lịch sử. Bao trùm công tác chuẩn bị Olympic Tokyo là các biện pháp vệ sinh, y tế phòng dịch.

Mọi thành viên các đoàn thể thao đến Nhật đều phải tiêm phòng COVID-19 đủ 2 liều, và họ vẫn liên tục được xét nghiệm, trong trường hợp nhiễm virus sẽ bị cách ly ngay. Sinh hoạt, di chuyển, tập luyện của các vận động viên cũng bị giám sát và hạn chế tối đa.

Nếu vi phạm quy định phòng dịch thì các vận động viên cũng như các thành viên của đoàn sẽ bị buộc rời khỏi Olympic lập tức.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, ngay trước thềm Olympic khai mạc, Tokyo và 3 quận lân cận đang đặt trong tình trạng báo động về lây nhiễm COVID-19. Trong ngày 18/7, Tokyo ghi nhận 1.008 ca mắc COVID-19, là ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm.

Trong khi đó, 2 vận động viên bóng đá của đoàn thể thao Nam Phi trở thành những vận động viên Olympic đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi đến ký túc xá dành cho các vận động viên.

Trước đó, 1 nhân viên trong đoàn Nam Phi cũng có xét nghiệm dương tính và sớm được đưa đi cách ly. Cũng theo AP, hơn 200 người đã biểu tình tại nhà ga Shinjuku, trung tâm Tokyo trong ngày 18/7, kêu gọi dừng việc tổ chức sự kiện Olympic trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng./.

(Vietnam+)