Singapore: Thị trường sôi động của các tổ chức tài chính Trung Quốc

Thứ sáu, 18/6/2021 | 11:47 GMT+7

Từ mục đích phục vụ kiều bào ở nước ngoài ban đầu, đến việc phục vụ doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thị trường ASEAN hiện nay, định vị của Singapore với tổ chức tài chính Trung Quốc đã dần thay đổi.

Khu kinh doanh tài chính Raffles Place ở Singapore. (Nguồn: AFP)

Từ mục đích phục vụ kiều bào ở nước ngoài ban đầu, đến xuất phát điểm phục vụ doanh nghiệp Trung Quốc và mở rộng thị trường Đông Nam Á hiện nay, định vị của Singapore đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc đã dần thay đổi.

Ngay từ những năm 1930, các tổ chức tài chính Trung Quốc đã đặt chân đến Singapore, cung cấp dịch vụ chuyển tiền cho Hoa kiều. Trong đó, Ngân hàng Trung Quốc thành lập chi nhánh sớm nhất ở Singapore, thậm chí đã đảm nhận vai trò “sứ giả ngoại giao” trong giai đoạn đầu, chẳng hạn như xử lý thủ tục thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc.

Cùng với quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng thắt chặt, nhiều doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc chọn Singapore làm địa điểm để phát triển thị trường khu vực, nghiệp vụ của các tổ chức tài chính Trung Quốc đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực hơn, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, bảo hiểm bảo lãnh, đầu tư chứng khoán…

Bên cạnh cung cấp tín dụng cho hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Singapore và khu vực, hiện nay các tổ chức tài chính Trung Quốc còn có thể cung cấp "dịch vụ một cửa." Các dịch vụ trọn gói này bao gồm phát hành chứng khoán, bảo hiểm rủi ro ngoại hối, phát hành công khai cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cung cấp dịch vụ quản lý và thừa kế tài sản cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ tài chính cá nhân của Singapore và khu vực cũng thu hút sự tham gia cạnh tranh của các tổ chức tài chính Trung Quốc.

Cơ hội của các công ty fintech Trung Quốc

Năm 2020, Cục quản lý tài chính Singapore đã cấp giấy phép đủ điều kiện cung cấp mọi dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng (QFB) cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Đây cũng là giấy phép QFB đầu tiên trong 8 năm được cấp cho một ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài.

Tính đến nay, Cục quản lý Tài chính Singapore tổng cộng đã cấp QFB cho 10 ngân hàng nước ngoài, trong đó các ngân hàng đến từ Trung Quốc chiếm nhiều nhất. Hai ngân hàng khác của Trung Quốc lần lượt là Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Ngoài ngân hàng, nhiều công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty công nghệ tài chính (fintech) có vốn đầu tư Trung Quốc cũng muốn thông qua “đốm lửa nhỏ” Singapore để lan tỏa mạnh hơn sang thị trường ASEAN. Theo các chuyên gia phân tích thị trường, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết và Trung Quốc thúc đẩy rộng rãi sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp và dòng vốn đầu tư Trung Quốc tìm đến Singapore. Việc đó cũng tạo cơ hội để các tổ chức tài chính Trung Quốc phát triển nghiệp vụ hoạt động.

Phó Giáo sư Lương Hạo thuộc Học viện Tài chính, Đại học Singapore cho rằng Singapore có nhiều ưu thế đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc, ngôn ngữ và văn hóa có điểm tương đồng, hợp tác kinh tế và tài chính chặt chẽ. Thông qua cung cấp môi trường và chính sách kinh doanh ưu việt, Singapore tìm cách trở thành trung tâm fintech của khu vực và quốc tế, điều này cũng phù hợp với chiến lược quốc tế hóa của nhiều công ty Fintech Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, dân số Singapore không lớn, không gian thị trường hạn chế, do đó các tổ chức tài chính Trung Quốc không nhất thiết cạnh tranh ở thị trường Singapore, mà chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp Trung Quốc và chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất toàn cầu và Singapore là cửa ngõ quan trọng để tiến vào thị trường Đông Nam Á. Các tổ chức tài chính Trung Quốc mở công ty con ở Singapore có lợi cho việc tăng cường phát triển nghiệp vụ ở Đông Nam Á. Chẳng hạn, Indonesia là thị trường fintech quan trọng của Đông Nam Á, với người tiêu dùng trẻ tuổi, tỷ lệ phổ cập điện thoại thông minh cao.

Theo Triệu Tư Ngạn, chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Deloitte Đông Nam Á (Deloitte SEA), Singapore luôn được coi là bàn đạp quan trọng để tiến vào thị trường Đông Nam Á. Đầu tiên, Singapore có hệ thống giám sát hiện đại, có lợi cho việc thử nghiệm các cấu trúc sản phẩm và công nghệ mới. Thứ hai, Singapore có cơ sở hạ tầng cần thiết về tài chính và dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ những sản phẩm tài chính và bảo hiểm phức tạp này, chẳng hạn như người nhận ủy thác (người quản lý), luật sư, kế toán. Thứ ba, dưới sự thúc đẩy của dân số già hóa và các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao trong khu vực, thị trường các giải pháp quản lý tài sản và hưu trí không ngừng phát triển.

[Singapore-Trung Quốc thúc đẩy hợp tác trong 5 khu vực tài chính]

Chuyên gia Triệu Tư Ngạn nhấn mạnh Singapore không chỉ cởi mở đối với vốn đầu tư nước ngoài, mà còn thành công trong việc kết hợp lĩnh vực tài chính và công nghệ, thúc đẩy sự hợp tác và hội nhập ở mức độ cao hơn.

Đối tác dịch vụ tài chính của PwC Hà Hiền Tán nhấn mạnh trong bối cảnh triển vọng không rõ ràng, Singapore được coi là một địa điểm kinh doanh ổn định. Doanh nghiệp thành lập hoạt động ở Singapore cung cấp dịch vụ cho thị trường địa phương, đồng thời phát triển ở Đông Nam Á, mang lại cơ hội cho các tổ chức tài chính của Trung Quốc.

Chuyên gia Triệu Tư Ngạn cho rằng những ngành có tiềm năng lớn của khu vực này là ngân hàng số, nhiều cấu trúc ngân hàng số của thị trường khu vực cho phép ngân hàng và công ty công nghệ nước nước tham gia. Theo đó, một công ty con thuộc Ant Group của Trung Quốc, cũng như tập đoàn tài chính liên kết giữa Greenland Financial Holdings của Trung Quốc và Linkedin của Hong Kong (Trung Quốc) đã nhận được giấy phép ngân hàng số bán buôn.

Trên lĩnh vực bảo hiểm, tầng lớp trung lưu của Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ và người dân ngày càng giàu có, thành thạo công nghệ cũng có triển vọng thúc đẩy phân khúc thị trường về giải pháp hưu trí, quản lý tài sản, bảo hiểm sức khỏe, cũng như nhu cầu dài hạn của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Về triển vọng trong tương lai, chuyên gia Triệu Tư Ngạn cho rằng tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với các tổ chức tài chính và công ty Fintech của Trung Quốc sẽ được nâng cao hơn nữa, bởi việc cạnh tranh ở Trung Quốc sẽ ngày càng khốc liệt do thị trường đã bão hòa.

Do đó, mức độ thành công của những công ty này ở Đông Nam Á có thể được quyết định bởi năng lực thực thi chiến lược tăng trưởng bản địa hóa của họ, cũng như sách lược được xây dựng nhằm vào đặc điểm cụ thể của từng thị trường có mức độ đa dạng hóa cao của khu vực này.

Các ngân hàng Trung Quốc đa dạng hóa dịch vụ

Từ dịch vụ tiền gửi tiết kiệm, chuyển tiền, đổi tiền ban đầu, các ngân hàng Trung Quốc dần mở rộng sang ngân hàng đầu tư, ngân hàng tư nhân, bảo lãnh phân phối trái phiếu, giao dịch hàng hóa chiến lược, huy động vốn cơ sở hạ tầng, phát hành ủy thác đầu tư bất động sản…

Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở Singapore (BOC Singapore) đã thành lập 85 năm. Sau khi nhận được QFB vào năm 2012, ngân hàng đã thiết lập các nền tảng khu vực hoặc mang tính toàn cầu như trung tâm giao dịch hàng hóa chiến lược, ngân hàng tư nhân, trung tâm bảo lãnh phân phối trái phiếu châu Á, trung tâm đào tạo nước ngoài, cơ sở nghiên cứu phát triển và đổi mới…

Ngoài ra, BOC Singapore còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, khai thác thị trường Trung Quốc. Với tư cách là đối tác hợp tác dịch vụ tài chính độc quyền của đơn vị tổ chức triển lãm nhập khẩu quốc tế Singapore, chi nhánh đã cung cấp dịch vụ tài chính và môi giới xuyên quốc gia cho 200 doanh nghiệp Singapore tham gia triển lãm trong 3 năm.

Năm 2017, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) thành lập trung tâm dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, trung tâm ngân hàng tư nhân ở Singapore và CCB International Singapore.

Lễ đánh dấu việc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc-Singapore được cấp phép trở thành ngân hàng đủ tiêu chuẩn, ngày 6/1 vừa qua. (Nguồn: thinkchina.sg)

Theo Tổng giám đốc chi nhánh CCB Singapore Hà Đông Diễm, các nước ASEAN đang tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, cảng, hạ tầng viễn thông… nên có nhu cầu vốn rất lớn. Năm 2018, Singapore cũng chính thức thành lập văn phòng cơ sở hạ tầng châu Á để thúc đẩy các doanh nghiệp và tổ chức tài chính ở Singapore tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và huy động vốn. Việc ký kết RCEP đã mang lại cơ hội lớn cho Singapore.

Sự tăng trưởng về tài sản của Singapore và khu vực đã thu hút nhiều ngân hàng Trung Quốc thành lập nghiệp vụ ngân hàng tư nhân, bao gồm Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Chiêu thương, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương. Theo số liệu của UBS/PwC, tính đến tháng 7/2020, tổng tài sản các tỷ phú của Singapore tăng 44% so với tháng 4/2019, đạt 102,6 tỷ USD.

Năm 2017, ngân hàng tư nhân Trung Quốc lớn nhất - Ngân hàng Chiêu thương đã khởi động nghiệp vụ ngân hàng tư nhân, và đến cuối năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của khách hàng đạt 101,7%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm về quy mô quản lý tài sản là 245,5%. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chiêu thương Đỗ Tinh cho biết, ngày càng nhiều khách hàng của ngân hàng tư nhân cao cấp chọn Singapore làm địa điểm quản lý tài sản cá nhân.

Các công ty bảo hiểm Trung Quốc tấn công Singapore

Những năm gần đây, các công ty bảo hiểm Trung Quốc cũng nhận thấy tiềm năng của thị trường khu vực, nhanh chóng triển khai hoạt động ở khu vực này. Một mặt, sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc đã mang lại nhiều cơ hội bảo hiểm doanh nghiệp hơn. Mặt khác, dân số và tầng lớp trung lưu của khu vực này tăng nhanh cũng đã mở ra cơ hội tuyệt vời cho nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và quản lý tài sản.

Ngay từ những năm 1930, Tập đoàn bảo hiểm Thái Bình của Trung Quốc đã mở chi nhánh đầu tiên ở Singapore. Theo Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm Thái Bình chi nhánh Singapore (CTPIS), ông Dương Á Mỹ, cùng với tiến trình thực hiện chiến lược mở rộng thị trường và sáng kiến BRI của doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đặt trụ sở chính ở Singapore.

Hiện nay, Trung Quốc có hơn 7.500 doanh nghiệp đầu tư ở Singapore, nghiệp vụ hoạt động dường như bao phủ tất các các ngành nghề chủ chốt. CTPIS đã cung cấp dịch vụ trọn gói cho doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm bảo hiểm lao động nước ngoài, trái phiếu bảo đảm, bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm hàng hóa vận tải, bảo hiểm tín dụng và bảo hiểm y tế cho nhân viên…

Ông Dương Á Mỹ tiết lộ thêm tổng mức phí bảo hiểm của CTPIS trong năm 2020 là 421 triệu SGD (320 triệu USD), tăng 57% so với cùng kỳ, tổng tài sản tăng 55% lên mức 939 triệu SGD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về phí bảo hiểm và tài sản trong 5 năm qua lần lượt là 56% và 31%. Công ty đã tích cực khai thác lĩnh vực hoạt động mới, coi trọng sự phát triển của trung tâm tài chính và trung tâm quản lý tài sản Singapore, hiện nay công ty bắt đầu xâm nhập vào thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Tháng 8/2018, công ty này nhận được giấy phép kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đến tháng 1/2019 triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ với tư cách là công ty bảo hiểm tổng hợp. Ông Dương Á Mỹ cho rằng thị trường Singapore và khu vực sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng cao của nhóm đối tượng có giá trị tài sản ròng lớn của Singapore và các nước xung quanh. Theo đó, những ưu thế về thuế và pháp lý sẽ thu hút nhiều hơn các cá nhân và gia đình có giá trị tài sản ròng lớn mở văn phòng quản lý tài sản gia đình ở Singapore.

Ngược lại, khởi đầu của Tập đoàn Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc tương đối muộn, năm 2015 mới thành lập công ty ở Singapore để tạo chỗ đứng lan tỏa sang Đông Nam Á. Theo Giám đốc điều hành Công ty Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc chi nhánh Singapore Lâm Hướng Dương, thị trường bảo hiểm của Singapore vẫn có không gian phát triển rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe, dưỡng lão, quản lý tài sản và thừa kế tài sản vẫn rất cao.

Hiện nay, tỷ lệ thâm nhập thị trường bảo hiểm khu vực Đông Nam Á vẫn thấp hơn mức trung bình toàn cầu, dưới tác động của trình độ phát triển kinh tế và công nghệ, thị trường bảo hiểm của các nước phát triển không cân đối, nhu cầu bảo hiểm cũng rất đa dạng do chênh lệch thu nhập. Chẳng hạn, ở Indonesia và Malaysia, tồn tại phổ biến tình trạng đầu tư bảo hiểm không đầy đủ nên không gian phát triển rất lớn.

China Taiping ra mắt kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Singapore. (Nguồn: theedgesingapore)

Cùng với xu hướng ngày càng nhiều công ty bảo hiểm nước ngoài khai thác thị trường Đông Nam Á, nhất là trên nền tảng công nghệ Internet và kinh tế số phát triển tốc độ cao ở Đông Nam Á, việc ứng dụng và phổ biến công nghệ bảo hiểm sẽ có lợi cho đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm và phương thức thanh toán.

Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc ở Singapore đã ký kết đối tác chiến lược với 2 ngân hàng, có mạng lưới bán hàng và dịch vụ của 22 chi nhánh, hơn 19 đối tác chiến lược trung gian, cung cấp 24 sản phẩm. Năm 2020, công ty đã khởi động dự án đội ngũ đại lý cá nhân, thiết lập đội ngũ đại lý bảo hiểm chuyên trách bản địa có kiến thức bảo hiểm chuyên nghiệp và kinh nghiệm thực tế.

Những năm gần đây, bên cạnh các công ty bảo hiểm Trung Quốc được cấp giấy phép ở Singapore, các công ty khác cũng tiến vào thị trường, phân phối các giải pháp công nghệ bảo hiểm, hoặc hợp tác cùng các công ty công nghệ triển khai giải pháp mới. Đơn cử như bảo hiểm ZhongAn hợp tác với Grab để ra mắt nền tảng bảo hiểm trên ứng dụng của Grab, nhắm vào thị trường Đông Nam Á.

Hoạt động M&A huy động vốn của doanh nghiệp

Thị trường vốn của Singapore và khu vực phát triển mạnh mẽ, nên hoạt động M&A huy động vốn của doanh nghiệp đã thu hút các nhà tham gia thị trường.

Năm 1987, Công ty chứng khoán Trung Tín thông qua công ty con CLSA thành lập chi nhánh ở Singapore, cung cấp các dịch vụ như huy động vốn cổ phiếu, huy động vốn trái phiếu và tư vấn M&A, đi đầu trong việc tham gia và thành công nhiều thương vụ giao dịch lớn, bao gồm thương vụ IPO của tập đoàn SEA năm 2017 và Nanofilm Technologies năm 2020.

CLSA có chi nhánh ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Người phụ trách bộ phận ngân hàng đầu tư của CLSA Đông Nam Á Tôn Vĩ Tuấn cho rằng bối cảnh chính trị của các nước Đông Nam Á không giống nhau, ngôn ngữ đa dạng, môi trường kinh doanh khác nhau. Chẳng hạn, chi phí huy động vốn trái phiếu của Thái Lan tương đối thấp, trong khi Singapore lại có thị trường cổ phiếu phát triển, do đó công ty phải hoạch định chính sách tương ứng cho từng thị trường khác nhau.

CLSA chi nhánh Singapore sẽ tiếp tục khai thác các cơ hội kinh doanh xuyên khu vực giữa Singapore, Đông Nam Á và Trung Quốc, đồng thời sẽ tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ như cổ phiếu phái sinh, sản phẩm thu nhập cố định, huy động vốn thông qua cổ phiếu và trái phiếu…, nắm bắt cơ hội mới trong việc kết nối Sở giao dịch Singapore và Sở giao dịch Thượng Hải, Thâm Quyến. Trong 3-5 năm tới, mục tiêu của CLSA ở Đông Nam Á là tăng gấp đôi doanh thu.

Các nhà đầu tư của Singapore và khu vực, đặc biệt là những nhà đầu tư thế hệ mới rất am hiểu công nghệ kỹ thuật số. Trong bối cảnh dịch COVID-19 thúc đẩy làn sóng số nên nhiều công ty fintech đã nhanh nhạy tham gia cung cấp dịch vụ đầu tư, chẳng hạn như TIGR và Futu cung cấp nền tảng đầu tư số ở Singapore.

Giám đốc điều hành TIGR Singapore Hoàng Thiên Tuấn nhấn mạnh, tiềm năng thị trường số của Singapore rất lớn. Kể từ khi đưa ra nền tảng đầu tư số vào tháng 2/2020 đến nay, số lượng khách hàng liên tục tăng trưởng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh; tổng giá trị giao dịch trong quý 3/2020 tăng đến 540% so với quý 2/2020. Theo Giám đốc Hoàng Thiên Tuấn, khoảng 30% khách hàng là nhà đầu tư thuộc thế hệ Z (những người sinh sau năm 1995), rất hứng thú với hoạt động đầu tư trực tuyến.

Theo Chủ tịch Futu Singapore Tạ Thụy Nghiệp, người dân Singapore sử dụng thành thạo công nghệ ngày càng nhiều và tăng nhanh trong những tháng gần đây. Lượng khách hàng trả phí của Futu trong quý 1 năm nay tăng 7 lần, 70% khách hàng mới đến từ Singapore, Hong Kong và Mỹ. Các nhà đầu tư thế hệ mới thích chia sẻ những thông tin hiểu biết của mình, do đó những nền tảng đầu tư mà các nhà đầu tư có thể thảo luận nhóm được chào đón rộng rãi./.

(Vietnam+)