Tạp chí Project Syndicate: Trung Quốc cần chính sách kinh tế mở rộng

Thứ hai, 26/4/2021 | 10:19 GMT+7

Theo tạp chí Project Syndicate, thái độ thận trọng của Chính phủ Trung Quốc đối với chính sách kinh tế vĩ mô phản ánh sự cảnh giác của nước này đối với nguy cơ lạm phát và rủi ro tài chính.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Khâm Châu, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 14/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tạp chí Project Syndicate, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,5% trong quý 4/2020, chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy nước này đã phục hồi sau cú sốc đại dịch COVID-19.

Có một sự đồng thuận trên thị trường rằng do các hiệu ứng cơ sở, tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của năm 2021 có thể đạt mức trên 18% và sẽ giảm đều trong ba quý còn lại của năm trước khi đạt sự ổn định cuối cùng.

Phát biểu tại cuộc họp năm nay của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân Đại hay Quốc hội) vào tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo rằng mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2021 là trên 6%. Mặc dù đà tăng trưởng của nền kinh tế vẫn có vẻ mạnh vào thời điểm này, song có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sớm đối mặt với nguy cơ phải thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, tổng thu ngân sách sẽ tăng 8,1% trong năm 2021, trong khi tổng chi ngân sách chỉ tăng 1,8%. Hiếm khi xảy ra tình trạng chi tiêu chính phủ tăng chậm hơn thu ngân sách. Mặc dù dự kiến quy mô phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2021 là 7.200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.100 tỷ USD) vẫn còn cao, nhưng về cơ bản, con số này vẫn nhỏ hơn so với 8.500 tỷ nhân dân tệ mà Bắc Kinh đã phát hành vào năm ngoái.

Đồng thời, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) có thể sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ của mình, và thậm chí thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thái độ thận trọng của Chính phủ Trung Quốc đối với chính sách kinh tế vĩ mô phản ánh sự cảnh giác của nước này đối với nguy cơ lạm phát và rủi ro tài chính. Mặc dù tình trạng lạm phát có thể xấu hơn một chút trong tương lai gần, nhưng không có khả năng gây bất ổn về kinh tế.

Trong khi Trung Quốc rất lưu tâm đến vấn đề tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao thì tình trạng dễ bị tổn thương về tài chính của nước này lại bị phóng đại. Khó có thể tưởng tượng một nền kinh tế có tỷ lệ tiết kiệm, tăng trưởng cao, các nguồn tài sản khổng lồ do nhà nước sở hữu và nợ nước ngoài hạn chế, lại có thể bị sụp đổ bởi một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống do tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.

Giới phân tích cho rằng chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc trong năm 2021 nên tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế, thay vì bình ổn hoặc giảm tỷ lệ đòn bẩy. Giả sử rằng tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc là 6%, các tính toán tổng thể cho thấy, nếu tính đến các hiệu ứng cơ sở, nền kinh tế có thể sẽ tăng hơn 8% trong năm nay.

Tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư tài sản cố định và xuất khẩu. Mô hình này không phải là lý tưởng. Nếu thu nhập khả dụng tăng ổn định dựa vào tăng trưởng GDP mạnh mẽ có thể thuyết phục người tiêu dùng Trung Quốc về triển vọng kinh tế, các hộ gia đình sẽ rút các khoản tiền tiết kiệm của họ và chi tiêu nhiều hơn.

Trên thực tế, tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình, xét về tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội, đã suy yếu trong hai tháng đầu năm 2021. Hơn nữa, xuất khẩu có thể sẽ đóng góp ít hơn vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 so với năm ngoái, do các hiệu ứng cơ sở và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đầu tư vào tài sản cố định, bao gồm ba hạng mục chính - bất động sản, sản xuất và cơ sở hạ tầng - đã tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tốc độ tăng bắt đầu thu hẹp. Đầu tư vào bất động sản chiếm phần lớn trong tăng trưởng đầu tư tài sản cố định trong năm 2020, nhưng xu hướng này khó có thể lặp lại trong năm nay. Ngoài ra, hiện không chắc chắn việc liệu đầu tư vào sản xuất có thể trở thành trụ cột của tăng trưởng đầu tư hay không.

Do vậy, để bù đắp cho sự thiếu hụt tổng cầu, Chính phủ Trung Quốc không còn cách nào khác là sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ tăng 0,9%, so với mức tăng hơn 40% của năm 2009.

[IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 2021]

Kế hoạch ngân sách của một chính phủ có phù hợp hay không phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng bắt buộc hoặc chỉ định của quốc gia đó. Để đạt được mức tăng trưởng hàng năm 8% trong năm 2021, Trung Quốc cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng lớn hơn nhiều so với năm ngoái.

Hơn nữa, khoản đầu tư đó nên được tài trợ trực tiếp thông qua ngân sách chính phủ thay vì các khoản vay ngân hàng của chính quyền địa phương.

Chính phủ trung ương của Trung Quốc đáng lẽ nên phát hành đủ trái phiếu để tài trợ cho gói kích cầu 4.000 tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn 2008-2010 thay vì để các chính quyền địa phương đầu tư vào cơ sở hạ tầng dựa vào vốn vay ngân hàng.

Việc này sẽ tránh được tình trạng dễ bị tổn thương tài chính do các khoản nợ của chính quyền địa phương và các hoạt động tài chính ngầm, đồng thời mang lại cho thị trường trái phiếu chính phủ của Trung Quốc một cơ hội lý tưởng để phát triển. Năm 2021, Trung Quốc có thể cần phát hành nhiều trái phiếu hơn kế hoạch và PBoC có thể giảm lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này.

Có thể thấy rằng chỉ thực thi chính sách kinh tế vĩ mô sẽ chưa đủ. Các cơ quan chức năng nên thực hiện nhiều cải cách cơ cấu hơn nữa để tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là chính quyền địa phương, có động lực phù hợp để phản ứng tích cực và hợp lý với các biện pháp kích cầu.

Để củng cố đà tăng trưởng sau đại dịch trong năm 2021, Trung Quốc không nên vội vàng rút khỏi chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng./.

(Vietnam+)