Điều ẩn giấu trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp của Trung Quốc

Thứ hai, 15/3/2021 | 11:31 GMT+7

Lệnh cấm xuất khẩu của Washington đối với các chip máy tính cao cấp có nguy cơ làm chậm kế hoạch triển khai mạng 5G trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

(Nguồn: CNN)

Mạng tin asiatimes.com đưa tin mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn mà Trung Quốc đặt ra cho năm 2021 - chỉ ở mức 6%, thấp hơn nhiều so với dự báo 8,1% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đã bao gồm khoản chi phí khổng lồ trong việc tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho những linh kiện quan trọng bị chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Biden cấm xuất khẩu.

Ban lãnh đạo Trung Quốc đã đặt cược tương lai kinh tế của đất nước vào sự gia tăng năng suất nhờ có mạng di động băng thông rộng 5G và các ứng dụng của mạng này, và lệnh cấm xuất khẩu của Washington đối với các chip máy tính cao cấp có nguy cơ làm chậm kế hoạch triển khai mạng 5G trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Các nhà phân tích phương Tây có những ước tính rất khác nhau về khoảng thời gian Trung Quốc có thể tự tạo ra các sản phẩm thay thế cho các chất bán dẫn tinh vi mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đã từ chối không cung cấp cho Trung Quốc theo "danh sách thực thể" được áp dụng vào năm ngoái.

[Liệu kinh tế Trung Quốc có được sức mạnh cần thiết để bứt phá?]

Một số rào cản lớn, bao gồm việc đình chỉ hoạt động của một nhà máy chế tạo chip trị giá 18,5 tỷ USD ở Vũ Hán vào tuần trước, cho thấy con đường tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc sẽ rất tốn kém.

Trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển hướng các nguồn lực để có thể đạt được năng lực sản xuất như ở Đài Loan và Hàn Quốc, những nơi mà Washington đã cấm các công ty thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc vì họ sử dụng thiết bị vốn và tài sản trí tuệ của Mỹ.

Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan và Samsung là hai công ty duy nhất có thể chế tạo các chip thế hệ mới nhất với độ rộng cổng bóng bán dẫn từ 3 đến 5 nanomet, dùng cho điện thoại thông minh sử dụng mạng 5G và các máy chủ nhanh.

Theo một số ước tính, Trung Quốc đã thuê hàng trăm kỹ sư chế tạo chip người Đài Loan với mức lương cao, sử dụng từ 10% đến 20% nguồn lao động tay nghề cao hiện có.

Bắc Kinh đã tăng nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn lên 1/5 vào năm ngoái, đồng thời thu mua các thiết bị đã qua sử dụng và đôi khi đã lỗi thời từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chính phủ Mỹ dựa vào Hà Lan để ngăn Trung Quốc mua các máy in thạch bản hiện đại để sản xuất chip từ công ty ASML - nhà sản xuất duy nhất trên thế giới trong lĩnh vực này, mặc dù ASML vẫn bán thiết bị in thạch bản thế hệ cũ cho Trung Quốc.

Ngay cả khi có tất cả các thiết bị và phần mềm thiết kế chip phù hợp, các công ty Trung Quốc vẫn gặp thách thức trong việc chế tạo những con chip phức tạp nhất, đòi hỏi hơn 100 quy trình công nghiệp.

Hãng Intel của Mỹ, từng là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, năm ngoái đã từ bỏ kế hoạch sản xuất chip 7 nanomet, hiện kém hơn Đài Loan hai thế hệ khi không đạt được sản lượng khả thi về mặt thương mại.

Trung Quốc đã vấp phải một vài thất bại lớn, trong đó có việc đóng cửa Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Vũ Hán Hồng Tín vào tuần trước.

Công ty này dừng mọi hoạt động sau khi nhận được khoản đầu tư dự kiến 18,5 tỷ USD.

Được sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương tại Vũ Hán, Hồng Tín được dự kiến sẽ sản xuất chip 7 nanomet.

Ở phương Tây, chế tạo chip là một ngành kinh doanh hầu như không thể chấp nhận được sai sót.

Chỉ riêng Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã cần đầu tư 25 tỷ USD mỗi năm, và một nhà máy chế tạo thuộc top hàng đầu có thể sẽ phải tiêu tốn số tiền nhiều như vậy.

Công nghệ thay đổi quá nhanh nên phần lớn khoản đầu tư sẽ bị khấu hao trong 5 năm, do đó cần phải có hiệu suất hoàn hảo và năng suất cao mới có thể trụ vững.

Trung Quốc sẽ sản xuất chất bán dẫn ngay cả với chi phí rất cao, vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chi phí - ít nhất là trong giai đoạn bắt đầu - có thể sẽ cao quá mức.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của Trung Quốc chạy trên chip 12 nanomet, chậm hơn hai thế hệ so với các sản phẩm mới nhất của Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng việc sản suất số lượng lớn chip này vẫn là một thách thức đối với Trung Quốc.

Theo báo cáo của Technode, khoảng 36 tỷ USD (228 tỷ nhân dân tệ) đã được đầu tư vào các công ty chip của Trung Quốc trong năm 2020, xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm chính quyền cấp tỉnh, quỹ đầu tư dành cho mục đích đặc biệt của chính phủ trung ương, vốn đầu tư mạo hiểm và các đợt chào bán cổ phần. Tổng đầu tư vào lĩnh vực này kể từ năm 2014 có thể vượt quá 150 tỷ USD.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về triển vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Từ các nguồn tin của Đại Lục, có thể rút ra rằng Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tiếp tục xây dựng mạng 5G, vốn đã lắp đặt được 70% số trạm gốc trên toàn thế giới, nhưng chi phí sẽ rất cao.

Ban lãnh đạo của Trung Quốc dường như sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn, do năng suất đầu tư sụt giảm.

Xét theo lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardio, Trung Quốc sẽ nhập khẩu chip từ Đài Loan và Hàn Quốc và tập trung ngân sách đầu tư vào các ứng dụng nhằm nâng cao năng suất của mạng 5G như: thành phố thông minh, robot công nghiệp tự lập trình, y học từ xa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu dược phẩm, xe tự hành, trang trại tự điều hành nhờ vào mạng 5G.

Cuộc chiến công nghệ với Mỹ buộc Trung Quốc phải chuyển hướng rất nhiều ngân sách cũng như nguồn tài năng khan hiếm để tái tạo những gì mà người khác đã làm khá tốt. Một vấn đề khác là Trung Quốc cần giảm bớt đòn bẩy trên mọi lĩnh vực.

Trung Quốc đã tránh được cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009 bằng cách mở rộng tín dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.

Các nhà quản lý và những nhà lãnh đạo của ngân hàng trung ương đã tập trung vào việc giảm đòn bẩy.

Tổng tín dụng cho lĩnh vực phi tài chính đã tăng từ khoảng 120% GDP vào đầu những năm 2000 lên 300% GDP vào năm 2020, gần bằng mức của Mỹ.

Việc tích lũy đòn bẩy trong khu vực doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cũ và kém hiệu quả hơn - là một mối lo ngại, cùng với nợ của chính quyền địa phương gắn với bất động sản, vốn là nguồn thu nhập chính cho các chính quyền địa phương.

Đối với Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải của thị trường chứng khoán Đại lục, nợ ròng đã tăng lên gần gấp 4 lần thu nhập trước thuế, mặc dù nó đã giảm nhẹ trong năm 2020.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc nhận thức rõ rằng họ không thể lặp lại sự mở rộng tín dụng quy mô lớn như những năm 2010.

Trung Quốc cần tăng năng suất đầu tư, nhưng nước này cũng phải thực hiện các khoản đầu tư năng suất thấp trên diện rộng để bù đắp cho tác động của việc tẩy chay công nghệ của Mỹ.

Điều đó giải thích cho sự khác biệt giữa mục tiêu tăng trưởng 6% của Quốc hội Trung Quốc và dự báo tăng trưởng 8-9% của phương Tây trong năm 2021./.

(Vietnam+)