Đằng sau việc Facebook chặn các trang của quân đội Myanmar

Thứ năm, 04/3/2021 | 10:37 GMT+7

Đối với nhiều người Myanma, Facebook trên thực tế chính là Internet và là một trong những nền tảng giao tiếp quan trọng nhất của người dân.

(Nguồn: nikolanews.com)

Trang mạng apnews.com đưa tin ngày 25/2, Facebook tuyên bố sẽ khóa tất cả các tài khoản còn lại của quân đội Myanmar và các tài khoản do quân đội Myanmar kiểm soát trên 2 nền tảng Facebook và Instagram (cũng do Facebook sở hữu).

Facebook cũng tuyên bố sẽ chặn quảng cáo của các doanh nghiệp có liên kết với quân đội.

Quyết định này của Facebook được đưa ra sau cuộc đảo chính ngày 1/2 ở Myanmar, theo đó quân đội đã tiếm quyền của các nhà lãnh đạo dân cử và bỏ tù nhiều người khác.

Vài ngày sau cuộc đảo chính, quân đội Myanmar đã tạm thời chặn quyền truy cập vào Facebook vì nền tảng này được sử dụng để chia sẻ các bình luận chống đảo chính và tổ chức các cuộc biểu tình.

Dưới đây là cái nhìn tổng thể về vai trò của Facebook ở Myanmar và ý nghĩa của việc Facebook khóa các tài khoản của quân đội Myanmar.

Vai trò của Facebook tại Myanmar

Trong nhiều thập kỷ, Myanmar là một trong những quốc gia ít kết nối nhất với thế giới.

Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế, tính đến năm 2012, chỉ có gần 5% dân số Myanmar sử dụng Internet.

[“Cuộc đấu” Facebook-Australia để ngỏ tương lai của ngành truyền thông]

Khi chính phủ dân sự bắt đầu bãi bỏ các quy định về viễn thông năm 2013, giá thẻ SIM dùng cho điện thoại di động đã giảm mạnh, mở ra một thị trường người dùng mới.

Facebook đã nhanh chóng tận dụng những thay đổi này và bắt đầu được các cơ quan chính phủ cũng như các chủ cửa hàng sử dụng để giao tiếp.

Theo nền tảng quản lý phương tiện truyền thông xã hội Napoleon Cat, tính đến tháng 1/2020, Myanmar có hơn 22,3 triệu người dùng Facebook (chiếm hơn 40% dân số).

Đối với nhiều người trong nước, Facebook trên thực tế chính là Internet. Nickey Diamond, một chuyên gia về nhân quyền người Myanmar của nhóm Fortify Rights, nói: “Vai trò của Facebook rất quan trọng đối với đất nước. Ở Myanmar, Facebook là một trong những nền tảng giao tiếp quan trọng nhất của người dân.”

Những vấn đề của Facebook tại Myanmar

Nền tảng truyền thông xã hội này đã phải đối mặt với các cáo buộc không hành động đủ để dập tắt các phát biểu mang tính thù hận ở Myanmar.

Trong một báo cáo năm 2018 về tình trạng bạo lực do quân đội dẫn đầu gây ra (đã buộc hơn 700.000 người Hồi giáo Rohingya sắc tộc phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh), Marzuki Darusman - người đứng đầu Phái bộ Tìm kiếm Sự thật của Liên hợp quốc về Myanmar - cho rằng Facebook “về cơ bản đã góp phần đáng kể vào việc làm gia tăng nghiêm trọng các bất đồng và xung đột (ở Myanmar)."

Darusman nói: "Những phát ngôn mang tính thù hận chắc chắn là một trong những hậu quả của điều đó."

Dưới sức ép của Liên hợp quốc và các nhóm nhân quyền quốc tế, năm 2018, Facebook đã cấm khoảng 20 cá nhân và tổ chức có liên hệ với quân đội Myanmar, trong đó có Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, do có dính líu đến các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Tại sao Facebook khóa thêm các tài khoản có liên quan đến quân đội Myanmar?

Sau cuộc đảo chính ngày 1/2 ở Myanmar, Facebook tuyên bố sẽ hạn chế đăng tải tất cả các tin tức từ quân đội Myanmar trên nền tảng của mình, đồng thời xóa các nội dung vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, trong đó bao gồm cả phát biểu mang tính hận thù, kích động.

Đến ngày 25/2, Facebook thông báo sẽ khóa tất cả các tài khoản còn lại liên quan đến quân đội Myanmar trên Facebook và Instagram, đồng thời chặn quảng cáo từ các doanh nghiệp có liên kết với quân đội.

Facebook nêu rõ: "Các sự kiện diễn ra kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, trong đó có cả các hành động bạo lực gây chết người, đã dẫn đến quyết định này của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng việc cho phép Tatmadaw (quân đội Myanmar) hoạt động trên Facebook và Instagram sẽ mang lại những rủi ro quá lớn.”

Giám đốc Truyền thông Chính sách của Facebook Amy Sawitta Lefevre cho biết quyết định trên của Facebook có tác động trực tiếp đến các lực lượng không quân, hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Biên phòng của Myanmar.

Facebook cho biết họ sẽ giữ lại các trang mà có đóng góp cho phúc lợi công cộng, trong đó có các trang của Bộ Y tế và Thể thao, Bộ Giáo dục.

Những tác động tiềm tàng

Quyết định nói trên của Facebook đã tước đi của quân đội Myanmar nền tảng truyền thông lớn nhất.

Trong một bức thư điện tử, Mark Farmaner, Giám đốc của tổ chức Burma Campaign UK, nói: “Đây là một bước đi đáng hoan nghênh mà lẽ ra Facebook đã phải làm từ lâu. Ở một đất nước mà Facebook đã trở nên vô cùng phổ biến, quyết định này là một đòn tâm lý đối với quân đội. Họ đã bỏ rất nhiều nguồn lực vào việc sử dụng Facebook cho các mục đích tuyên truyền, chiêu mộ binh lính và gây quỹ.”

Facebook cho biết họ hy vọng quân đội Myanmar sẽ nỗ lực để khôi phục sự hiện diện trên nền tảng này.

Lefevre nói: "Trong những trường hợp như thế này, chúng tôi đang nỗ lực để có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất có thể. Chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể bỏ sót một số vấn đề và chúng tôi sẽ tiếp tục tinh chỉnh.”

Facebook từ chối tiết lộ số tiền mà họ sẽ bị mất do việc chặn quảng cáo của các công ty có liên kết với quân đội Myanmar./.

 

(Vietnam+)