“Cuộc chiến” với nền tảng mạng xã hội nhìn từ vụ Facebook-Australia

Thứ tư, 03/3/2021 | 07:21 GMT+7

Sự hợp tác của Facebook là một thắng lợi lớn trong nỗ lực của Australia khiến hai gã khổng lồ Internet là Google và Facebook phải trả tiền nội dung cho báo chí mà họ sử dụng.

Biểu tượng của facebook tại Menlo Park, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AP/AFP, chọn Gab thay vì Twitter, MeWe thay vì Facebook, dùng Telegram để nhắn tin và Discord để trao đổi là điều mà các phong trào cực đoan - nhiều trong số đó là ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - đang làm sau khi bị cấm hoạt động khỏi nhiều nền tảng chính thống. Họ tìm đến những mạng xã hội mới khó bị chính phủ “sờ gáy” hơn.

Sau cuộc tấn công Đồi Capital ngày 6/1 ở Washington, khi hàng trăm người ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà Quốc hội, các mạng xã hội lớn đã có động thái mạnh tay đối với nhiều tổ chức liên quan, như Oath Keepers, Three Percenters và Proud Boys.

Facebook tăng cường “thanh trừng” các tài khoản có liên quan đến các phong trào vũ trang với kết quả là gần 900 tài khoản bị xóa.

Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản của cựu Tổng thống Trump và xóa khoảng 70.000 tài khoản có liên kết với QAnon - một thuyết âm mưu tuyên bố rằng cựu tổng thống Trump đang tiến hành cuộc chiến chống lại giáo phái toàn cầu tôn thờ Satan.

Những người sáng lập của Gab không che giấu mối liên kết với QAnon, trong khi MeWe và Telegram khẳng định họ sẵn sàng phát triển nền tảng của mình theo hướng tích cực và loại bỏ những đối tượng theo thuyết âm mưu.

[Động thái mới của Facebook đối với các trang tin tức của Australia]

Cả hai nền tảng này được cho là đều đã nỗ lực kiểm duyệt các bài đăng. David Westreich, Giám đốc tiếp thị của MeWe, nói: “Không giống như Facebook và Twitter, MeWe không có nhắm mục tiêu, không bị các nguồn cấp tin tức thao túng và không có cách nào để các nhà quảng cáo, nhà tiếp thị, chính trị gia hoặc bất kỳ ai tác động tới người dùng MeWe.”

Emerson Brooking, một chuyên gia về những cực đoan và thông tin sai lệch, làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, khuyến nghị các mạng xã hội cạnh tranh nên tìm cách chia sẻ công cụ kiểm duyệt và tài nguyên kỹ thuật số.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải nghĩ đến các phong trào cực đoan hiện nay như một dạng ô nhiễm. Các nhóm này đã phát triển, và bành trướng ảnh hưởng vì họ có thể hoạt động tự do trên Facebook và Twitter.”

Có một thực tế là việc ra quy định và nguyên tắc đối với những nền tảng “thay thế” này không đơn giản bởi nhiều vấn đề và ràng buộc trong thực tế. Các giới hạn của quyền tự do ngôn luận vẫn luôn là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận tại Mỹ.

Xung đột giữa các nền tảng mạng xã hội và chính phủ cũng là xu hướng xuất hiện ngày càng rõ ràng, mà mới nhất là những tranh cãi nảy lửa giữa Facebook với chính phủ Australia về News Media Bargaining Code (tạm dịch: Bộ Luật Truyền thông Tin tức), dự thảo luật có thể dẫn đến việc các ông lớn kỹ thuật số phải trả tiền cho báo chí.

Ngày 23/2, Facebook tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm người Australia xem và chia sẻ tin tức trên nền tảng này sau khi đạt thỏa thuận với chính phủ về dự luật kể trên.

Tuần trước, Facebook đã chặn tất cả tin tức trên nền tảng mạng xã hội ở Australia sau khi Hạ viện nước này thông qua dự thảo luật. Trước đó, việc Facebook tạm thời chặn các trang thông tin về dịch bệnh, các dịch vụ y tế và khẩn cấp của chính phủ, đã làm dấy lên nhiều bất bình.

Sự hợp tác của Facebook là một thắng lợi lớn trong nỗ lực của Australia khiến hai gã khổng lồ Internet là Google và Facebook phải trả tiền nội dung cho báo chí mà họ sử dụng.

Vụ việc này đã được các chính phủ và hãng công nghệ trên thế giới theo dõi sát sao. Google cũng từng đe dọa loại bỏ các chức năng tìm kiếm của mình khỏi Australia vì dự luật mới.

Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg và Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher xác nhận chính phủ và Facebook đã đạt thỏa hiệp trong khi Thượng viện nước này đang xem xét dự luật. Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg nói: “Rõ ràng, Australia đã tham gia một trận chiến đại diện cho thế giới. Facebook và Google không che giấu sự thật là họ biết rằng sự chú ý của thế giới đang đổ dồn vào Australia, và đó là lý do vì sao họ chấp nhận dự luật.”

Dự luật được Canberra xây dựng nhằm hạn chế ảnh hưởng và lợi thế của Facebook cũng như Google trong các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp tin tức tại Australia. Trong trường hợp nảy sinh tranh cãi giữa các gã khổng lồ kỹ thuật số và các hãng tin nội địa, một hội đồng trọng tài sẽ có trách nhiệm phân xử mâu thuẫn này.

Bộ trưởng Frydenberg và đại diện Facebook xác nhận rằng hai bên đã đồng ý sửa đổi dự luật được đề xuất và các điều chỉnh sẽ được thông báo trước cho các nền tảng kỹ thuật số này trước khi được chính thức đưa vào bộ luật. Dàn xếp này cho các bên liên quan thêm thời gian để thỏa thuận trước khi tham gia những thỏa thuận mang tính ràng buộc.

Trong một tuyên bố ngày 23/2, Phó Chủ tịch Facebook Campbell Brown cho biết thỏa thuận cho phép công ty chọn đối tác xuất bản tin tức mà họ sẽ làm việc cùng, kể cả những nhà xuất bản nhỏ và địa phương.

Theo đại diện công ty này, Facebook sẽ bắt đầu đàm phán các thỏa thuận với giới xuất bản tin tức Australia. Giám đốc điều hành khu vực của Facebook William Easton nói: “Chúng tôi hài lòng rằng chính phủ Australia đã đồng ý với một số thay đổi, và bảo đảm sẽ giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của chúng tôi về việc cho phép các giao dịch thương mại phản ánh đúng giá trị mà Facebook cung cấp cho các nhà xuất bản tương xứng với giá trị mà chúng tôi nhận được từ họ… Nhờ những thay đổi này, giờ đây chúng tôi có thể nỗ lực để đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực báo chí vì lợi ích cộng đồng và khôi phục tin tức trên Facebook cho người Australia trong những ngày tới.”

Trong khi đó, Google đã ký hợp đồng với các công ty truyền thông lớn nhất của Australia để thực hiện các giao dịch cấp phép nội dung thông qua nền tảng News Showcase. Nền tảng này sẽ ra mắt vào tháng 10/2021, hơn 50 đầu sách của Australia và hơn 500 nhà xuất bản trên toàn cầu đang hợp tác để sử dụng mô hình này.

Microsoft và 4 nhà xuất bản châu Âu cũng vừa tuyên bố sẽ phối hợp cùng nhau xây dựng những quy tắc theo kiểu Australia để giải quyết vấn đề thanh toán tin tức của các nền tảng công nghệ.

Hội đồng các nhà xuất bản châu Âu, một nhóm vận động hành lang nằm trong số những đối tác của Microsoft cho rằng thỏa thuận phản ánh tính khả thi của những nguyên tắc và điều luật này, không chỉ ở Australia. Angela Mills Wade, Giám đốc điều hành của Hội đồng các nhà xuất bản châu Âu, bình luận: “Bước ngoặt mới nhất chứng minh rằng các quy định là có hiệu quả… Các nhà quản lý tin tức từ khắp nơi trên thế giới sẽ yên tâm rằng họ có thể tiếp tục lấy cảm hứng từ quyết tâm của chính phủ Australia để chống lại những mối đe dọa không thể chấp nhận được từ những nền tảng công nghệ lớn.”

Theo Bộ trưởng Frydenberg, những sửa đổi trong dự luật đã góp phần làm rõ ý định của chính phủ, và rằng các cuộc đàm phán với Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg là không đơn giản.

Peter Lewis, Giám đốc Trung tâm Công nghệ có Trách nhiệm, Viện Australia, cho rằng những sửa đổi trong vẫn bảo đảm tính toàn vẹn của bộ luật truyền thông. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại tỏ ý hoài nghi hơn.

Jeff Jarvis, một chuyên gia về báo chí làm việc tại Đại học Thành phố New York cho rằng ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, người sở hữu hầu hết các tờ báo lớn tại Australia thông qua Tập đoàn News (News Corp.), có trụ sở ở Mỹ, là người được lợi nhiều nhất sau những ồn ào này trong khi những tờ báo nhỏ và các hãng truyền thông mới khởi nghiệp lại chịu nhiều thiệt hại nhất.

Theo Jarvis, đế chế truyền thông của Murdoch đứng đằng sau dự luật của Australia, một dự luật bao gồm cả yêu cầu các doanh nghiệp truyền thông phải đạt doanh thu tối thiểu là 150.000 đô Australia (119.000 USD) mới đạt điều kiện được chi trả nội dung.

Ông cho rằng điều này đồng nghĩa với việc “những doanh nghiệp khởi nghiệp không có doanh thu đương nhiên sẽ không được chi trả,” và ngay cả trong trường hợp Facebook và Google tiến hành các cuộc đàm phán với các doanh nghiệp nhỏ hơn, cũng không khó để nhận ra rằng những doanh nghiệp nhỏ không thể có ảnh hưởng như những nhân tố lớn hơn, chẳng hạn như News Corp./.

(Vietnam+)