Chính phủ các nước cần lựa chọn chính sách kinh tế nào tốt hơn?

Thứ hai, 04/1/2021 | 09:26 GMT+7

Khi các chính phủ ở khắp nơi trên thế giới đang vay nợ, chi tiêu và điều tiết ở quy mô chưa từng có, việc hiểu sâu hơn về tiến trình ra quyết định kinh tế là cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Theo trang mạng project-syndicate.org, nước Anh đang bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất. Hàng triệu việc làm có nguy cơ biến mất. Nợ quốc gia đã vượt 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trên thực tế, khi các chính phủ ở khắp nơi trên thế giới đang vay nợ, chi tiêu và điều tiết ở quy mô chưa từng có, việc hiểu sâu hơn về tiến trình ra quyết định kinh tế là cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi và tránh rủi ro trong dài hạn.

Đó là lý do tại sao hướng dẫn mới của Bộ Tài chính Anh về việc ra quyết định đối với những thay đổi rất được hoan nghênh và tại sao các bộ tài chính của các quốc gia khác nên noi gương Anh.

Trong một nghiên cứu gần đây dành cho Cơ quan điều hành quy định của Anh, người ta nhận thấy rằng trong khi các tổ chức chính sách công đang ngày càng đa dạng hóa phương pháp tiếp cận để ra quyết định, nhiều tổ chức vẫn quá phụ thuộc vào các công cụ tĩnh như phân tích chi phí-lợi ích.

Những công cụ như vậy không phù hợp để có thể giúp hiểu, dự đoán và thúc đẩy sự đổi mới và thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế.

Ở Anh, những người chỉ trích việc phân tích chi phí-lợi ích cho rằng nó đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong khu vực.

Nếu các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các khu vực năng suất cao hơn được đánh giá là có giá trị hơn, thì các khu vực giàu hơn này sẽ nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới và như vậy năng suất sẽ tăng hơn nữa.

Vòng lặp này sẽ tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa những khu vực được đầu tư và những khu vực không được nhận vốn đầu tư. Phân tích chi phí-lợi ích tĩnh không nhận ra những phản hồi động này.

Các khuôn khổ chính sách kinh tế đang phổ biến hiện nay cũng đã cản trở phản ứng toàn cầu đối với biến đổi khí hậu. Phân tích tĩnh cho rằng thay thế than bằng khí đốt sẽ là cách rẻ nhất để giảm lượng khí thải.

Nhưng điều này hoàn toàn bỏ qua các phản hồi động vốn sẽ nhanh chóng đưa năng lượng tái tạo trở thành hình thức phát điện rẻ nhất.

Đây không phải là những thất bại của thị trường; đây là những thất bại trong hiểu biết của chúng ta về cách thị trường hoạt động.

Khi cùng làm việc về Chiến lược Công nghiệp của Anh vào năm 2017, nhiều người nhận thấy nhiều nhà kinh tế có quan điểm rất hạn hẹp về vai trò của nhà nước. Một số người ủng hộ chính phủ chỉ hỗ trợ những ngành đã được chứng minh là các nhà xuất khẩu tương đối cạnh tranh.

Tuy nhiên, chính các khoản đầu tư do nhà nước dẫn đầu đã dẫn đến Internet và điện thoại thông minh - những khoản đầu tư không nhằm mục đích khắc phục những thất bại của thị trường mà là nhằm phát triển các cơ hội mới.

[Điều gì chờ đợi nước Anh sau thỏa thuận thương mại hậu Brexit?]

Nếu trong những năm sau Chiến tranh Thế giới II, Hàn Quốc tập trung vào các lĩnh vực mà nước này có lợi thế so sánh đã được chứng minh, nước này sẽ tăng gấp đôi sản lượng gạo xuất khẩu thay vì trở thành nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới.

Hướng dẫn mới của Bộ Tài chính Anh mang tính cách mạng khi thừa nhận rằng nền kinh tế là một hệ thống phức tạp, được định hình bởi các phản hồi động và sự thay đổi liên tục.

Người dân xếp hàng bên ngoài trung tâm giới thiệu việc làm ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXV)

Sự hiểu biết mới này, dựa trên các khái niệm về tiến hóa, chứ không phải cơ học cổ điển (dựa vào lý thuyết chuyển động của Newton), có thể vượt ra ngoài việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm để tạo ra những cái mới.

Nó công nhận rằng sự đổi mới, tăng trưởng và chuyển đổi luôn diễn ra; tùy thuộc vào nhà nước khuyến khích một hướng thay đổi có lợi cho xã hội.

Lựa chọn chính sách rất quan trọng, vì những phát triển tưởng như nhỏ có thể gây ra hậu quả to lớn và lâu dài. Những cải tiến mang lại lợi thế cho động cơ đốt trong so với xe điện hồi đầu thế kỷ 20 đã có những ảnh hưởng sâu sắc - đối với ngành dầu mỏ, quy hoạch đô thị, địa chính trị toàn cầu và hành tinh.

Sự phụ thuộc vào con đường phát sinh do thị trường mang tính xã hội sâu sắc, gắn liền với các thể chế, chuẩn mực và thói quen, và vì công nghệ ngày càng được hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận.

Kết quả là, các thị trường có thể tự nhốt mình trong các điều kiện dưới mức tối ưu, và các nền kinh tế có thể mắc kẹt trong sự cạnh tranh, dù muốn hay không.

Trong nhiều thập kỷ, Đức là nước dẫn đầu thế giới về máy công cụ, còn Mỹ dẫn đầu về công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày nay, thế giới đang hướng tới một nền kinh tế năng lượng sạch.

Nhưng hình dạng của nó, tốc độ phát triển và vị thế cạnh tranh của các quốc gia trong thế giới đó phụ thuộc vào các quyết định chính sách-kinh tế mà các chính phủ đưa ra lúc này.

Các chính phủ cố gắng thúc đẩy nền kinh tế của họ bằng cách xây dựng các nhà máy điện than mới sẽ tạo ra các tài sản mắc kẹt mới và làm tăng nguy cơ mất việc làm trong tương lai.

Khói bốc lên từ một nhà máy ở Berre-l Etang, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngược lại, những công ty đầu tư chiến lược vào công nghệ sạch sẽ khẳng định vị thế cao hơn trong nền kinh tế trong tương lai. Sau khi đưa ra định hướng, các chính phủ cần xác định các chính sách hiệu quả nhất để thúc đẩy tiến bộ.

Trong các hệ thống phức tạp, nguyên nhân và kết quả thường không cân xứng. Để đảm bảo lợi nhuận lớn từ các yếu tố đầu vào nhỏ, chứ không phải ngược lại, chúng ta cần tìm điểm đòn bẩy.

Nhiều nhà kinh tế đã khuyến nghị một mức giá carbon duy nhất, được áp dụng như nhau trong toàn bộ nền kinh tế, là cách tiếp cận hiệu quả nhất để giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, trong đó việc định giá carbon mục tiêu đã giúp kích hoạt các điểm giới hạn, các khoản đầu tư mới, không thông qua thuế carbon, cho đến nay đã thúc đẩy hầu hết mọi tiến bộ của thế giới trong quá trình chuyển đổi carbon thấp.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Hãy tưởng tượng nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch hiện tại giống như một tòa nhà lớn cần phá bỏ. Chúng ta có nên đưa xe ủi đất đến, truyền áp lực đều khắp tòa nhà, hay chúng ta nên tập trung năng lượng tương tự vào một vụ nổ có kiểm soát tại một vị trí quan trọng trong cấu trúc tòa nhà?

Việc xác định các điểm quan trọng đó đòi hỏi phải hiểu rõ hơn về các phản ứng trong nền kinh tế. Các lựa chọn chính sách cũng được hưởng lợi từ việc xem xét các yếu tố lan tỏa - nơi mà sự thay đổi trong một lĩnh vực sẽ thúc đẩy những thay đổi tiếp theo ở những lĩnh vực khác.

Ví dụ, ngành công nghiệp phần mềm nổi lên từ chương trình Apollo của NASA. Nếu chương trình đã được đánh giá dựa trên phân tích chi phí-lợi ích, nó sẽ không bao giờ được bắt đầu.

Trong một tài liệu mới, nhiều ý kiến đã đề xuất cách phân tích chi phí-lợi ích truyền thống có thể được mở rộng để trở thành “phân tích rủi ro-cơ hội,” trong đó việc lập bản đồ và vận dụng phản hồi là trọng tâm.

Cách tiếp cận này có thể đảm bảo rằng các khoản đầu tư của chúng ta không bị lãng phí, sự phục hồi không bị trì hoãn và nền kinh tế toàn cầu mới mà chúng ta đang tạo ra ngày càng thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn./.

(Vietnam+)