Phương Tây tăng biện pháp phòng vệ thương mại để đối phó Trung Quốc

Thứ năm, 13/1/2022 | 17:26 GMT+7

Do thiếu các cuộc đàm phán đa phương thực sự trong WTO, mỗi quốc gia đang điều chỉnh chiến lược phòng vệ thương mại của mình để chống lại sự áp đảo của Trung Quốc.

Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bình luận về mối quan hệ giữa các quốc gia trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhật báo Les Echos số ra gần đây cho rằng thương mại quốc tế đã trở thành “con tin” cho lợi ích quốc gia và hệ thống đa phương của WTO trên thực tế đã bị phá vỡ từ nhiều năm nay.

Do thiếu các cuộc đàm phán đa phương thực sự trong WTO, mỗi quốc gia đang điều chỉnh chiến lược phòng vệ thương mại của mình để chống lại sự áp đảo của Trung Quốc.

Theo báo này, các quy tắc của WTO tồn tại từ 25 năm qua không còn phù hợp với thực tế hiện nay nữa. Nhiều chuyên gia từ lâu đã nhận thấy điều đó và kêu gọi phải cải cách triệt để.

Kiểm soát trợ cấp công nghiệp đang là một trong những vấn đề lớn nảy sinh trong vài năm trở lại đây khi các hoạt động thương mại của Trung Quốc gây nhiều tranh cãi.

Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc "đụng độ" với chủ nghĩa tư bản thị trường của thế giới phương Tây thì khó có thể đạt được sự đồng thuận của 164 quốc gia thành viên WTO để ký kết bất kỳ hiệp định lớn nào.

Đối mặt với “gã khổng lồ” Trung Quốc, các đối tác kinh doanh của nước này đang phải điều chỉnh chiến lược của họ để bảo vệ lợi ích riêng của mình mà họ cho là đang bị đe dọa. Đối thoại đa phương đang được thay thế bằng các quyết định đơn phương.

Tăng thuế hải quan

Mỹ là một trường hợp điển hình. Để đối phó với thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc, nước này đã phải đưa ra các biện pháp thuế quan, đặc biệt đối với các loại sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc.

Washington cũng áp dụng cả các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ khi họ cho rằng lợi ích chiến lược của họ bị đe dọa.

Từ thời Tổng thống Barack Obama đến Tổng thống Donald Trump và hiện nay là Tổng thống Joe Biden, Mỹ rõ ràng không còn dựa vào WTO và thậm chí họ đã làm tê liệt hoạt động của Cơ quan giải quyết tranh chấp của tổ chức này để có thể dễ dàng thực hiện chính sách thương mại của mình.

[Phải chăng Trung Quốc tìm cách che giấu kinh tế với bên ngoài?]

Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra sức tăng cường khả năng phòng vệ thương mại của mình. Các động thái được bắt đầu dưới thời ông José Manuel Barroso làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), tiếp theo là ông Jean-Claude Juncker và sau đó là bà Ursula von der Leyen.

Một điểm đáng chú ý là Brussels đã thông qua các quy tắc chống bán phá giá mới (2017). Một năm sau đó, các quy định mới về tính toán thiệt hại liên quan đến trợ cấp Nhà nước từ nước ngoài cũng được bổ sung thêm vào bộ quy tắc này.

Khi thông qua quy tắc này, EU đã cẩn thận không công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, như được ghi trong nghị định thư gia nhập của Trung Quốc. Nếu không EU đã phải coi giá nội địa của Trung Quốc là giá thị trường thực. Bắc Kinh đã thua về điểm này.

Năm 2020, EU tạo ra một cơ chế sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài được thực hiện trên lãnh thổ châu Âu. EU cũng vừa áp dụng một công cụ thương mại chống ép giá để bảo vệ các lợi ích địa chính trị của khu vực. Với các công cụ tăng khả năng phòng vệ mới này, đầu tư của Trung Quốc vào cảng Piraeus của Hy Lạp vào năm 2016 sẽ là chủ đề của một cuộc tranh luận thực sự ở cấp châu Âu.

Sử dụng vũ khí địa chính trị

Cả Mỹ và EU đang đơn phương lấp đầy những lỗ hổng trong các quy định của WTO, vốn đã trở nên lỗi thời. Thậm chí cả Washington, Brussels và Tokyo đang thảo luận với nhau về việc phải làm gì với trợ cấp công nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể. Các nước phương Tây khác cũng đều có xu hướng dùng bảo hộ thương mại làm vũ khí.

Chính sách thương mại ngày càng được sử dụng như một loại vũ khí địa chính trị. Những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Australia, hay mối quan hệ bất hòa giữa Washington và Bắc Kinh là minh chứng thuyết phục cho điều này.

Đối mặt với sự bất lực của hệ thống thương mại đa phương thì tốt hơn là mỗi nước tạo dựng khả năng phòng vệ cho mình. Điều này có thể là rào cản ngăn dòng chảy thương mại quốc tế mặc dù cho đến nay, giao dịch thương mại trên thế giới vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi điều đó./.

Theo Đời sống & Pháp luật