Xung đột Nga-Ukraine đặt ra thách thức lớn đối với Mỹ Latinh

Thứ năm, 31/3/2022 | 17:37 GMT+7

Cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khu vực Mỹ Latinh? Các chính phủ đóng vai trò như thế nào trong khu vực? Những thách thức mới mà khối cấp tiến tại Mỹ Latinh phải đối mặt là gì?

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng tại Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc xung đột Nga-Ukraine-NATO đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu địa chính trị toàn cầu.

Cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khu vực Mỹ Latinh? Các chính phủ đóng vai trò như thế nào trong khu vực? Những thách thức mới mà khối cấp tiến tại Mỹ Latinh phải đối mặt là gì?

Theo trang mạng alainet.org, thách thức trước nhất mà Mỹ Latinh phải đối mặt là những hậu quả kinh tế bắt nguồn từ chiến tranh, chủ yếu là trong lĩnh vực nông sản và năng lượng.

[Xung đột Nga-Ukraine: Bất đồng ý kiến trong khu vực Mỹ Latinh]

Kể từ ngày đầu tiên quân đội Nga tấn công Ukraine, giá nguyên liệu thô do hai quốc gia này sản xuất đã tăng vọt, trong khi các lệnh trừng phạt áp dụng đối với Moskva càng làm trầm trọng thêm vòng xoáy lạm phát. Thậm chí đã xuất hiện ý kiến lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung.

Ukraine là nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu và cùng với Nga chiếm 78% thương mại thế giới.

Nếu như Nga là nhà cung cấp lúa mỳ chính cho cả hành tinh thì Ukraine đứng thứ ba và cũng là nước xuất khẩu ngô lớn thứ tư trên địa cầu.

Nga dẫn đầu danh sách các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên, đứng thứ hai về dầu mỏ (sau Arab Saudi) và có trữ lượng than lớn thứ hai trên thế giới.

Ngoài ra, Nga cũng đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất phân bón, chủ lực cho hoạt động nông nghiệp.

Xung đột Nga-Ukraine nổ ra, tất cả các nước Mỹ Latinh nhập khẩu những nguyên liệu đầu vào do hai nước này cung cấp đều bị ảnh hưởng, và trong tương lai gần có thể dẫn đến tăng giá vận tải, khí đốt, điện và thực phẩm.

Ở chiều ngược lại, các quốc gia sản xuất dầu khí, khai khoáng và ngũ cốc lại được hưởng lợi.

Tuy nhiên, các tác động của lạm phát cộng với chi phí nhập khẩu nhiên liệu và đầu vào nông nghiệp cao hơn khiến cán cân nghiêng theo hướng tiêu cực.

Một điểm bất lợi khác là việc đóng cửa không phận đối với máy bay Nga. Điều này ảnh hưởng đến du lịch Caribe, đặc biệt là Cuba và Cộng hòa Dominicana, những điểm đến mà Nga là nguồn cung khách du lịch chủ chốt.

Cuộc xung đột mới này đặt ra tình thế khó xử không mới của ma trận sản xuất hàng hóa xuất khẩu chính của Mỹ Latinh và sự phụ thuộc của khu vực này vào thị trường thế giới với tư cách là nhà cung cấp.

Chưa kịp hoàn hồn sau các tác động của đại dịch của COVID-19, với tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng ngày càng gia tăng, giờ đây Mỹ Latinh lại đối mặt khủng hoảng tiềm tàng từ cuộc chiến ở Ukraine.

Châu Mỹ Latinh trên bàn cờ thế giới

Từ thế kỷ XIX, các nước Mỹ Latinh đã gắn chặt vào quỹ đạo nhu cầu và lợi ích kinh tế của các cường quốc châu Âu.

Trong suốt thế kỷ XX, khu vực này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ, quốc gia độc chiếm vị trí bá chủ sau khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991 và kéo Liên minh châu Âu thành phe cánh của mình.

Nhưng trong những thập kỷ gần đây, thế đơn cực này đã rạn nứt với sự trỗi dậy của các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc.

Đặc biệt, Bắc Kinh- gã khổng lồ châu Á- đã trở thành đối tác thương mại số một của nhiều nước trong khu vực.

Về phần mình, Nga không chỉ tăng cường liên minh với các quốc gia bị Mỹ bao vây cấm vận như Venezuela, Cuba và Nicaragua; mà còn tích cực qua lại với Tổng thống Argentina Alberto Fernández, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một biểu tượng hùng biện chống cộng.

Có thể nói, cuộc chiến nhằm thiết lập lại trật tự thế giới đang diễn ra ở Ukraine với một NATO phá vỡ tất cả các thỏa thuận bằng cách bao vây quân sự Nga, và với một Putin đáp trả tàn bạo.

Đây là một cuộc xung đột không có người tốt và kẻ xấu, không có cánh tả - cánh hữu, không có chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản.

Trong mớ bòng bong này, các chính phủ Mỹ Latinh đã và đang có các lập trường khác nhau.

Trục Bolivar ủng hộ Nga; phe cực hữu giương cao lá cờ Ukraine, che đậy thói chư hầu trước các cường quốc phương Tây dưới một câu chuyện đạo đức giả vì hòa bình (đây cũng chính là những kẻ chưa từng lên tiếng phản đối dù yếu ớt chỉ một trong số hơn 50 cuộc can thiệp quân sự của Mỹ); và phần còn lại dao động giữa phản ứng gay gắt và nhẹ nhàng trước việc Nga tấn công Ukraine.

Trong khi đó, các tập đoàn truyền thông và các tên tuổi như FIFA, Google hay Coca Cola chọn chung tay tuyên truyền chủ nghĩa bài Nga.

Nhà báo người Tây Ban Nha Ignacio Ramonet nhận định rằng cuộc chiến này “thay đổi thực tế hành tinh và đánh dấu thời kỳ địa chính trị mới của thế giới.”

Một cuộc chiến thực địa ở Ukraine nhưng mang lại tác động nhiều chiều và từ đó định dạng đa cực.

Một cuộc chiến khiến Mỹ Latinh tái cấu trúc đầy đủ các phong trào tiến bộ, với sự lãnh đạo ôn hòa hơn so với chu kỳ trước và vẫn chưa có dấu ấn hội nhập rõ ràng.

Chiến tranh đẩy nhanh thách thức, ít nhất là tiến tới một kết nối thương mại sâu sắc hơn.

Sự xuất hiện của Tổng thống Chile trẻ tuổi Gabriel Boric và những người có thể là Gustavo Petro, hay hơn hết là Lula, mở ra kỳ vọng lớn hơn để xây dựng lại một khối khu vực thống nhất trước thế giới và đối mặt với cường quyền trong thời gian khó khăn phía trước./.