Xung đột Nga-Ukraine: Bước ngoặt thay đổi cục diện thế giới?

Thứ ba, 08/3/2022 | 21:42 GMT+7

Chuyên gia Trung Quốc nhận định, sau 5-10 năm nữa, khi nhìn lại cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ thấy đây chính là bước ngoặt thực sự với cục diện thế giới, tác động của nó còn lớn hơn sự kiện “11/9.”

Theo báo Tân Kinh, ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trên truyền hình và quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Phía Nga cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã làm tê liệt hàng trăm cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã công bố những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Các bên cũng trao đổi để tiến hành các cuộc đàm phán nhằm sớm kết thúc cuộc xung đột.

Tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga

Vào lúc 2h40 sáng 25/2 (theo giờ Bắc Kinh), Tổng thống Mỹ Biden thông báo các nước G7 do Mỹ dẫn đầu đã nhất trí áp đặt “các biện pháp trừng phạt mang tính hủy diệt” đối với Nga.

Về vấn đề này, tại cuộc hội thảo do báo Tân Kinh tổ chức, Lý Nguy, Giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng đây là các biện pháp trừng phạt kinh tế quyết liệt nhất được Mỹ và EU áp dụng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Các biện pháp chủ yếu bao gồm cắt đứt các kênh tài chính của Nga trên thị trường tài chính phương Tây, chẳng hạn, Nga không thể phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính phương Tây; đóng băng tài sản ngoại hối của Nga, đặc biệt là các ngân hàng lớn của Nga; việc xuất khẩu công nghệ cao của Nga cũng bị kiểm soát, thắt chặt.

Giáo sư Trần Định Định, Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tế Nam thì nhận định rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga là vô ích, chỉ là những biện pháp trừng phạt yếu kém. Việc cố gắng ngăn chặn chiến tranh thông qua các biện pháp trừng phạt là suy nghĩ viển vông.

Trong lịch sử, chưa có trường hợp nào thành công, nhất là đối với các nước lớn, vốn không sợ các lệnh trừng phạt. Dưới góc độ quan hệ quốc tế, các biện pháp trừng phạt là một dấu hiệu của sự mềm yếu.

Còn theo chuyên gia Chung Phi Đằng, Viện nghiên cứu chiến lược thế giới và châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, mức độ thiệt hại mà các lệnh trừng phạt kinh tế gây ra cho Nga phụ thuộc vào việc đánh giá hệ thống kinh tế và hệ thống thị trường của Nga.

Thứ nhất, cách tiếp cận của phương Tây khi đánh giá nền kinh tế của Nga là chưa phù hợp. Trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô sử dụng hệ thống tài khoản quốc gia không giống với phương Tây, không coi trọng ngành dịch vụ.

Hơn 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cách tính GDP của Nga cũng không giống Mỹ, bởi còn có di sản của nền kinh tế bao cấp, một số tài nguyên và giao dịch đất đai vẫn chưa được đưa vào tính toán.

Nga có một lãnh thổ rộng lớn và nguồn tài nguyên phong phú, sức mạnh và vị thế của nước này không thể chỉ đơn giản đo bằng USD.

Xe quân sự Nga di chuyển trên tuyến đường gần Armiansk, Bán đảo Crimea, ngày 25/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ hai, một phần lớn lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU đến từ Nga, điều này khiến các nước EU không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga như Mỹ.

Về tài chính, mức độ tiền tệ hóa trong nền kinh tế Nga chưa sâu, bởi nước này mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây vài năm, chưa hội nhập chặt chẽ và phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới.

Nga bán năng lượng và vũ khí cho thị trường quốc tế, nhưng khách mua khí đốt tự nhiên và dầu thô chính là các nước thành viên EU và Trung Quốc, còn khách mua vũ khí không phải là đồng minh của Mỹ.

Hai kho báu này của Nga khiến Mỹ rất khó chèn ép. Do đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga của các nước phương Tây sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chuyên gia Trần Định Định cho rằng việc xem xét các biện pháp trừng phạt của các bên cũng chưa đầy đủ, khi mỗi bên đều có tính toán riêng.

Nhật Bản, Đức và Pháp ban đầu không muốn “đối đầu” với Nga. Do đó, Nga sẽ không bị tổn hại bởi các lệnh trừng phạt, ngay cả khi các lệnh trừng phạt có gây tổn thương thì điều đó cũng xứng đáng.

Triệu Khả Kim, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển toàn cầu, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội thuộc Đại học Thanh Hoa cũng nhận định rằng tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng không lớn.

Do Nga đã bị trừng phạt nhiều, từ trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine, nên khả năng cao là Tổng thống Putin đã tính đến các biện pháp trừng phạt mới.

Học giả Lý Nguy nhắc nhở rằng nếu Nga bị trừng phạt nghiêm khắc về kinh tế, Nga sẽ tách rời kinh tế gần như hoàn toàn với thế giới phương Tây. Trong bối cảnh đó, tương lai nền kinh tế Nga sẽ bị tấn công như thế nào và sẽ dẫn đến những tác động về chính trị ra sao thì cần phải quan sát thêm.

Triệu Khả Kim đề xuất rằng “chúng ta nên đưa ra dự đoán về tương lai, bởi vì Mỹ và EU áp đặt trừng phạt đối với Nga có thể sẽ có tác động đến Trung Quốc sau này.

Trung Quốc có hàng trăm tỷ USD trong các đơn hàng thương mại với Nga, vì vậy các lệnh trừng phạt chống lại Nga của Mỹ và châu Âu cũng có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc.”

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi sự việc này; thị trường hàng hóa cũng có thể bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định.

Tác động từ sự kiện mang tính bước ngoặt thay đổi cục diện thế giới

Học giả Lý Nguy cho biết đối với Nga, dù có thể thu được lợi ích về địa chính trị nhưng hướng đi của Nga sẽ bị ảnh hưởng trong vài năm tới, nếu Nga thực sự muốn chiếm Ukraine và mở rộng hơn nữa sang ba nước Baltic.

Điều này có nghĩa là Nga sẽ kiên định chiến lược phát triển với định hướng an ninh quốc gia, hơn nữa sẽ còn đi xa trên con đường này, nhưng điều này không có lợi đối với vấn đề kinh tế.

Giáo sư Trần Định Định cho rằng tình hình Ukraine tương đối phức tạp, cần phải có thêm thời gian mới có thể đưa ra phán đoán chính xác, bởi vì sau đó có rất nhiều khả năng, chẳng hạn như kịch bản NATO can thiệp bằng hình thức nào đó.

Người tị nạn Ukraine chờ tàu tới Ba Lan tại nhà ga thành phố Lviv, Ukraine ngày 26/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù vậy, xét về tổng thể, sự kiện này sẽ dẫn đến hai tác động nghiêm trọng: Đối với Mỹ, mức độ quan tâm chiến lược của Mỹ nhất định sẽ bị ảnh hưởng, chiến dịch quân sự của Nga đối với Ukraine đã gây ra một trận địa chấn đối với châu Âu, hậu quả có thể kéo dài 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm.

Với tư cách là “anh cả” của châu Âu trên thực tế, khi nảy sinh sự việc lớn như vậy tại Ukraine, Mỹ nhất định phải chuyển hướng quan tâm sang các vấn đề an ninh của châu Âu. Đồng thời, uy tín của Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định.

Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021, thực tế là Mỹ đã bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng. Đương nhiên, chính phủ Mỹ sẽ nói rằng Afghanistan không còn quan trọng nên tiến hành rút quân. Nhưng bây giờ chẳng lẽ lại nói Ukraine cũng không quan trọng?

Ukraine là quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu về diện tích và dân số, có vị trí chiến lược quan trọng, nếu không tại sao NATO lại luôn lôi kéo Ukraine gia nhập liên minh. Điều này đều phản ánh những được mất của những quyết sách chiến lược của Mỹ.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng mặc dù trong ngắn hạn cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm thay đổi sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ bước vào một cấu trúc chính trị thế giới phức tạp hơn, đan xen giữa lợi ích và thiệt hại.

Tuy nhiên, học giả Trần Định Định cho rằng cũng có mặt tốt, bởi trong cục diện thế giới tương lai, nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển và chiến lược "tuần hoàn kép" không thay đổi, chắc chắn sẽ là một quá trình mở rộng phát triển dần dần, còn Mỹ trong tương lai sẽ thể hiện ra một quá trình lịch sử dần bị thu hẹp.

Nếu 5 năm, 10 năm sau nhìn lại thì xung đột Nga-Ukraine chính là bước ngoặt thực sự. Tác động của nó còn lớn hơn sự kiện “11/9”./.