Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc

Thứ ba, 15/3/2022 | 09:24 GMT+7

Mặc dù Trung Quốc duy trì lập trường trung lập đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng không thể tránh khỏi việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang China Briefing, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra một làn sóng chấn động toàn cầu và dẫn đến phản ứng chưa từng có của các quốc gia trên thế giới dưới các hình thức trừng phạt và cấm vận.

Các nước phương Tây và các đồng minh đang gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng họ muốn tách Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin về mặt chính trị.

Mặc dù Trung Quốc duy trì lập trường trung lập đối với cuộc xung đột này, nhưng không thể tránh khỏi việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Tác động của xung đột Nga-Ukraine đối với thương mại

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia giao thương trực tiếp với Nga, Ukraine và Belarus sẽ cảm nhận các tác động tức thời của cuộc xung đột. Hiện, Ukraine về cơ bản đã đóng cửa đối với thương mại và kinh doanh, chỉ có hàng hóa và vật tư thiết yếu mới được vào nước này qua biên giới giáp với Ba Lan.

Tình hình với Nga và Belarus phức tạp hơn vì khó có thể xem xét đầy đủ các lệnh trừng phạt sẽ tác động đến các công ty ở Trung Quốc như thế nào. Mặc dù các công ty Trung Quốc có thể tiếp tục kinh doanh với Nga, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt của quốc gia xuất xứ và sẽ phải đóng cửa nhiều cơ sở hoạt động của Nga tại Trung Quốc để tuân thủ các biện pháp đó.

Tuy vậy, trong một số trường hợp, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty nước thứ ba. Chẳng hạn, các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga về cơ bản cấm bất kỳ sản phẩm nào có công nghệ do Mỹ và EU sản xuất được bán cho Nga.

Danh sách các biện pháp trừng phạt công nghệ của EU và Mỹ rất rộng lớn và bao gồm các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn, thiết bị viễn thông và phần mềm. Do đó, các công ty Trung Quốc và các công ty từ một nước thứ ba không thuộc EU có thể bị buộc phải ngừng bán các sản phẩm có chứa bất kỳ công nghệ nào do Mỹ hoặc EU sản xuất cho Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt.

Ngoài các lệnh trừng phạt, cuộc xung đột được cho là sẽ tác động đáng kể đến thương mại song phương Trung Quốc-EU khi những diễn biến trên thực địa và các lệnh trừng phạt làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển hàng hóa chính bằng đường sắt nối liền hai lục địa Á-Âu.

EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa EU và Trung Quốc đã vượt 800 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

Gián đoạn vận chuyển hàng hóa

Cuộc xung đột Nga-Ukraine càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vận chuyển và chuỗi cung ứng mà thế giới đang phải vật lộn đối phó kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các công ty tham gia vào vận chuyển và phụ thuộc vào hậu cần tuyến đường dài.

Những tắc nghẽn về hậu cần và sự mất cân bằng trong cung và cầu đã làm chậm đáng kể thời gian vận chuyển trung bình và dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng các container vận chuyển trên toàn thế giới. Cạnh tranh gay gắt giữa các công ty để thuê hoặc mua container đã khiến chi phí vận chuyển container và dịch vụ vận chuyển hàng hóa lên mức cao ngất ngưởng.

Xung đột ở Ukraine có khả năng ảnh hưởng đến thương mại Trung Quốc-EU trong những tháng tới và có thể gây căng thẳng hơn nữa đối với các công ty châu Âu phụ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc.

Kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2, quân đội Ukraine đã đình chỉ vận chuyển thương mại tại cảng Odessa, cảng lớn nhất của Ukraine. Maersk, công ty vận tải container lớn thứ hai thế giới, đã bắt đầu chuyển hướng hàng hóa đến cảng Said ở Ai Cập và cảng Karfez ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài tác động tức thời của cuộc xung đột đối với các cảng biển, các tàu của Nga cũng đã bị cấm cập cảng châu Âu và một số hãng vận tải biển khổng lồ cũng đã thông báo sẽ ngừng vận chuyển hàng không thiết yếu đến Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu nhấn mạnh nhu cầu của các công ty phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ để giảm thiểu các trường hợp bất khả kháng và rủi ro địa chính trị. Xung đột Nga-Ukraine chỉ là ví dụ mới nhất về điều này.

Ngân hàng và tài chính

Mỹ, Anh và EU cũng như các quốc gia khác đã cấm các cá nhân và người dân giao dịch với ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính và Quỹ tài sản quốc gia Nga. Bảy ngân hàng của Nga cũng đã bị cấm tham gia vào hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT (VTB, Otkritie, Novikom, Promsvyaz, Rossiya, Sovcom, VEB.RF).

Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng và tổ chức tài chính khác của Nga, mặc dù không bị loại khỏi SWIFT, cũng phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt khác.

Cảng hàng hóa tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thanh toán quốc tế cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Nga bằng cách sử dụng các ngân hàng bị trừng phạt vẫn có thể thực hiện các giao dịch nhưng việc chuyển khoản sẽ bị đình trệ.

Gần đây, VISA và Mastercard cũng đã tạm ngừng hoạt động tại Nga. Điều này có nghĩa là bất kỳ thẻ Mastercard nào được phát hành tại Nga đều không thể được sử dụng cho các giao dịch bên ngoài đất nước, trong khi bất kỳ thẻ VISA nào được phát hành tại Nga cũng không thể được sử dụng trong nước.

Đã có một số cuộc thảo luận về việc liệu hệ thống thanh toán CIPS của Trung Quốc có thể hoạt động như một chỗ dựa cho các ngân hàng Nga bị cấm tham gia SWIFT hay không.

Tuy nhiên, có vẻ như hệ thống này sẽ không thể khắc phục được các hậu quả của việc bị loại khỏi SWIFT trong ngắn hạn do phạm vi hạn chế.

Quản lý dư luận công chúng về xung đột Nga-Ukraine

Một cân nhắc khác đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc là cách xử lý thông tin liên lạc nội bộ và bên ngoài về cuộc xung đột. Ngày càng có nhiều rạn nứt giữa ý kiến của công chúng phương Tây và Trung Quốc, mà nhiều người ở phương Tây có thể không biết.

Trong khi quan điểm chủ đạo ở phần lớn thế giới phương Tây và những nơi khác là hết sức lên án hành động của Nga, thì dư luận Trung Quốc phần lớn chia sẻ quan điểm trung lập của chính phủ nước này về cuộc xung đột và tin rằng cuộc chiến xảy ra chủ yếu do các nước phương Tây xúi giục thông qua việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Do vậy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đưa ra tuyên bố công khai chống lại Nga hoặc thực hiện các biện pháp như chủ động ngừng hoạt động tại Nga hoặc tài trợ nguồn lực cho chính quyền Ukraine có thể vấp phải phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó có thể gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của họ ở nước này.

Ứng dụng gọi xe của Trung Quốc DiDi Chuxing đã vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng sau khi công ty quyết định rút khỏi thị trường Nga sau khi xung đột bùng nổ, mặc dù quyết định này nhiều khả năng được đưa ra do nhu cầu kinh doanh hơn là vì lý do đạo đức. DiDi sau đó đã phải đảo ngược quyết định của mình.

Trạng thái bình thường mới?

Tình hình ở Ukraine và trên toàn cầu vẫn đang diễn ra và có khả năng rõ ràng là sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại xuất khẩu, đặc biệt khi khả năng giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột ngày càng khó xảy ra.

Hơn nữa, ngày càng rõ ràng rằng cuộc xung đột về cơ bản sẽ thay đổi cách các quốc gia tương tác và có thể dẫn đến sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và theo đuổi tự cung tự cấp, sẽ gây ra những hậu quả lâu dài cho thương mại và kinh doanh toàn cầu./.